Ký ức của một dân tộc là minh chứng sống động cho quá trình tồn tại và phát triển của dân tộc đó. Quên đi lịch sử của mình, nhân loại không thể đạt được những thành tựu tiến bộ, văn minh như ngày nay. Nhận thức được chân lý ấy, các dân tộc trên thế giới đều tìm mọi cách để lưu giữ lại lịch sử dân tộc mình thông qua các di tích thành quách, lăng tẩm, đền chùa, văn tự… Từ cổ chí kim những bảo tàng, thư viện trên khắp thế giới đã ra đời nhằm thực hiện sứ mệnh thiêng liêng đó.
Đây là lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (MTDTGPMNVN) được các chiến sĩ ta cắm trên cột cờ ở thành cổ Huế, báo hiệu quân ta đã làm chủ trung tâm thành phố năm 1968. Quân Giải phóng đã giữ thành Huế trong 25 ngày, tạo ra một chiến thắng vang dội, trước khi được lệnh rút lui để bảo toàn lực lượng vào ngày 22/02/1968. Khi binh lính Mỹ chiếm lại Huế, họ đã kéo lá cờ MTDTGPMNVN xuống và thay thế bằng lá cờ Hoa Kỳ. Hạ sĩ Steve L. Meadow thuộc Tiểu đoàn 1, Thủy quân lục chiến số 9 Hoa Kỳ là người trực tiếp tham gia vào trận đánh chiếm lại thành Huế năm 1968 và là người mang lá cờ này về Mỹ. |
Tại Việt Nam, một đất nước có bề dày lịch sử hàng ngàn năm văn hiến, công tác bảo tồn được hết sức chú trọng. Những nguồn tài liệu, hiện vật quý không chỉ tồn tại ở các cơ sở lưu trữ, bảo tàng quốc gia mà các phòng trưng bày cá nhân, các nhà sưu tầm cá nhân cũng sở hữu nhiều tư liệu rất có giá trị, đóng góp vào công tác lưu trữ, bảo tồn của đất nước nói riêng và thế giới nói chung.
Một số kỷ vật của quân giải phóng do lính Mỹ thu nhặt được trên chiến trường.
Thư viện Nguyễn Văn Hưởng tại Hà Nội là một không gian như vậy. Tại đây có nhiều kỷ vật của bộ đội ta do cựu chiến binh Mỹ lấy được từ Việt Nam và mang về Mỹ, đã được Thư viện Nguyễn Văn Hưởng sưu tầm từ năm 2018 đến nay.
Được sự chấp thuận của Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng, nguyên UVTW Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an, Tổng Biên tập tạp chí Phương Đông thuộc Viện Nghiên cứu phát triển Phương Đông, kể từ số này, đặc san Linh khí quốc gia sẽ đăng tải hình ảnh và kỷ vật của các chiến sĩ Quân Giải phóng Miền Nam, do Thư viện Nguyễn Văn Hưởng cung cấp. Hy vọng qua đó các gia đình liệt sĩ tìm lại được kỷ vật của thân nhân mình, các CCB tìm lại được hình ảnh của đồng đội mình và có khi là của chính mình.
Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Trình Tự Kha