Thứ Năm, Tháng Ba 28, 2024
Trang chủKÝ ỨC CHIẾN TRANHĐÊM NOEL GIỮA RỪNG BÙ BÔNG

ĐÊM NOEL GIỮA RỪNG BÙ BÔNG

ĐÊM NOEL GIỮA RỪNG BÙ BÔNG

Trình Tự Kha

Một ngày cuối năm tôi có chuyến công tác lên Tây Nguyên, qua Đồng Xoài xe lăn bánh vào con đường Hồ Chí Minh huyền thoại . Đường Hồ Chí Minh hôm nay là đại lộ thênh thang ,còn giữa rừng đại ngàn kia không biết có còn dấu vết con đường mòn Hồ Chí Minh ngày xưa tôi đã cùng đồng đội của Đoàn 2020-Hà Nội hành quân vào Nam ( ? ). Hơn 3 tháng trời ròng rã từ Trạm khách Làng Ho,vượt dốc 1001, qua ngã ba Đông Dương, vượt sông Mê Công…chúng tôi mới tới những cánh rừng Tây Ninh . Xe vẫn lao đi giữa hun hút núi rừng, những địa danh bên đường Kiến Đức, Bu-pờ-răng…đưa tôi về với ký ức của một thời chinh chiến.
Ngày đó Trung đoàn 174 ( đoàn Cao- Bắc- Lạng) trong đội hình Công trường 5 ( nay là Sư đoàn 5 BB-QK7) đứng chân 2 bên con lộ ủi Lệ Xuân trãi dài từ cầu Cần Đăng đến ngã ba Đồng Pan ( Tây Ninh). Một ngày trung tuần tháng 12 năm 1973 Trung đoàn được lệnh hành quân bằng xe cơ giới lên Bù Bông ( Kiến Đức) để dành lại đoạn hành lang Đông Trường Sơn bị địch lấn chiếm sau Hiệp định PARI. Những ngày cuối năm trên Tây Nguyên trời rét đậm, bộ đội co ro trong tấm áo sợi mới được phát khi lên đây. Sau mấy ngày ổn định vị trí đóng quân,đêm 24 tháng Chạp khẩu đội pháo DKZ 75 ly của tôi được lệnh xuất quân phối thuộc với Tiểu đoàn 5 phục kích đánh địch lên tăng viện hòng tái chiếm cứ điểm Bù Bông . Trời sập tối chúng tôi vừa vượt qua suối Đá Bàn thì gặp Đại đội trưởng Lê Minh Huệ cùng Tham mưu trưởng Trung đoàn Vũ Cam đứng đón bên bìa rừng đưa bộ đội vào trận địa phục kích , đó là một quả đồi sỏi đỏ cây rừng rậm rạp sát bên con lộ 88, đào hầm xong chúng tôi ngồi nhai gạo rang chờ địch đến . Sáng hôm sau khi nắng lên sương tan chúng tôi nghe rõ tiếng gầm rú của đoàn xe địch đang tiến vào trận địa phục kích của D5. Những giây phút chờ đợi căng thẳng rồi cũng qua,đã có lệnh nổ súng, cùng với hoả lực B40,B41…của bộ binh chúng tôi nã đạn vào chiếc xe tăng địch dẫn đầu . Địch phản ứng quyết liệt, pháo từ Kiến Đức bắn lên, bộ binh địch tràn xuống mép đường chống trả điên cuồng . Rừng cây dày đặc, ta với địch cách nhau không đầy 50 mét mà không nhìn thấy nhau. Lính pháo chúng tôi phải dùng AK và lựu đạn quần nhau với giặc, một quả đạn M79 nổ ngay trên cành cây trước mặt tôi ,sau tiếng nổ tôi cảm thấy như vừa bị một vật gì giáng mạnh vào trán, lột chiếc mũ tai bèo xuống tôi đã thấy máu tràn khắp mặt , Đinh văn Lâu pháo thủ số 2 cùng hầm với tôi quýnh lên lấy nguyên một nắm thuốc lào đắp vào vết thương của tôi rồi băng lại , phải mất 2 cuộn băng cá nhân máu mới ngưng chảy xuống mặt. Mệt,đói,khát nước và lạnh tê người..tôi ngồi dựa vào vách hầm chờ trận đánh kết thúc . Tiếng súng bộ binh thưa dần rồi tắt hẳn,chỉ còn tiếng pháo địch rít trên đầu và tiếng máy bay địch lượn vòng dội bom vào khu rừng . Trận đó quân ta thắng to, tiêu diệt gần hết đoàn xe địch,bắt sống nhiều tù binh,thu nhiều vũ khí và chiến lợi phẩm . Lính C5 đi ngang đưa tôi một hộp cá mòi và lương khô ăn cho đỡ đói rồi đồng đội dìu tôi về Phẫu tiền phương . Bác sĩ Chương, Trưởng trạm phẫu tiền phương xem vết thương,mổ gắp những mảnh đạn M79 còn nằm trên đầu rồi khâu lại, 4 mũi khâu không có thuốc tê làm đau tê tái . Đêm đó tôi và một số thương binh nhẹ đi cùng đội tải thương của C22 khiêng các thương binh nặng về Bệnh viện trung tuyến YV20 thuộc Đoàn 770 .Pháo địch vẫn bắn đuổi theo đoàn quân vừa thắng trận, khi ra khỏi tầm pháo địch đội tải thương dừng nghỉ giữa rừng , một đống lửa to được đốt lên để xua đi cái lạnh giá của núi rừng Tây Nguyên.Bây giờ tôi mới thấy mệt rã rời…ly sữa được uống lúc ở Phẫu tiền phương đã tan đâu mất, đã đói lại càng lạnh,vết thương đau nhức hơn,ôi sao nhớ và thèm đến thế tô cháo gà vừa cay vừa nóng của Má nấu ngày nào…Đội trưởng đội tải thương sục sạo trong nương rẫy của đồng bào gần đó tìm được mấy trái bắp già,bắp nướng trên than hồng rồi lấy dao găm chia cho mỗi người một mẩu, vừa xuýt xoa nhai vừa thấy vị ngọt của trái bắp thấm vào tận tim gan, bữa tiệc đêm Noen năm 1973 của tôi là như thế đấy. Mấy thương binh nặng phải cáng bằng võng được các chiến sĩ vận tải chặt cây rừng làm nạng chống để nghỉ ngơi,tôi ngồi dựa lưng vào võng của anh Luyện thiu thiu ngủ. Anh Luyện lớn hơn tôi vài tuổi, nhập ngũ từ Nhà máy dệt 8/3, cùng huấn luyện ở Nho quan ( Ninh Bình),nhưng khi đi B thì anh ở C2 tôi ở C1 của Đoàn 2020 .Lúc gặp nhau ở Trạm phẫu tiền phương tôi thấy anh phải băng trắng toát cả đầu và đang mê sảng, tôi lay gọi nhưng anh không còn nhận ra tôi .Trinh sát của Trung đoàn thông báo đoạn đường phía trước có biệt kích địch nống ra,ta đang bao vây tiêu diệt nên xe cứu thương không vào đón được ,đành phải chờ thông đường. Tôi cố ru giấc ngủ ngồi, chợt thấy lưng mình cứ lạnh dần…lạnh dần…quay lại sờ lên mặt anh Luyện không thấy anh phản ứng gì, tôi vội gọi Y sĩ hộ tống,anh Y sĩ từng trãi trận mạc bật đèn pin soi , áp tai nghe lên ngực anh Luyện rồi lắc đầu “ anh ấy đi rồi..” Đường thông, đội tải thương lại cùng các thương binh lên đường .Trời sáng dần nhưng sương vẫn còn dày đặc, qua suối Đá Bàn , mấy chiến sĩ vận tải khiêng anh Luyện tạt vào bãi đất trống bằng phẳng ven rừng,nơi đã có hơn chục nấm mộ của các liệt sĩ hy sinh trong trận đánh chốt Bù Bông. Đoàn tải thương vẫn đi tiếp,tôi nán lại cùng mấy chiến sĩ của C22 mai táng anh Luyện, chúng tôi liệm anh bằng chính chiếc võng anh đang nằm,thêm một tấm tăng bọc bên ngoài,một lọ pênicilin đựng tấm giấy ghi tên tuổi,quê quán và ngày hy sinh của người vừa nằm xuống đó…thế thôi,chúng tôi không thể tìm đâu ra tấm bia ghi danh liệt sĩ để chôn trên mộ anh, một nén nhang cũng không thể có giữa vùng chiến trận…tôi ngắt một cành hoa sim tím bên đường cắm lên mộ anh thay cho lời tiễn biệt .
Thoắt đã 47 năm rồi, sau chiến tranh tôi đã qua nhiều vùng đất, từ Duyên Hải-Cần Giờ, Côn Đảo , Vũng Tàu…nhưng vẫn chưa một lần trở lại thăm chiến trường xưa . Hài cốt của anh Luyện và các liệt sĩ hy sinh trong chiến dịch Bù Bông, Kiến Đức năm nào có được về quê, được an táng trong một Nghĩa trang liệt sĩ nào đó của đại ngàn Tây Nguyên,hay vẫn nằm đấy ven rừng và đã tan vào lòng Đất Mẹ (?) . Đất nước này còn hơn 200 ngàn liệt sĩ vẫn còn nằm đâu đó giữa rừng Trường Sơn,trong bưng biền Đồng Tháp,hay trên đất bạn Lào, Campuchia…chúng tôi mãi nợ các Bà Mẹ đau đáu mong con về,dù chỉ là nắm đất đen phủ lá cờ Tổ quốc ..chúng tôi mãi nợ các anh,những đồng đội thân yêu của một thời chinh chiến, đi mãi không về…

Bài viết liên quan

2 BÌNH LUẬN

  1. Rất thú vị khi được đọc bài viết của ccb Trình Tự Kha. Tôi là ccb r205 bộ binh Đông Nam Bộ. E205 lên Chiến dịch Bù Bông- Kiến Đức trung đoàn đủ từ tháng 10/1973 đến tháng 5/1974. Đây là bài viết rất hiếm về sự có mặt của e174 (2) f5 lên tham gia chiến dịch. Riêng cái tên chiến dịch tôi, nhiều ccb cũng như anh Trình Tự Kha nhớ nó là chiến dịch Bù Bông- Kiến Đức. Rất tiếc bây giờ một số ccb đặc công e429 tư vấn cho Tỉnh Đắk Nông lấy tên chiến dịch Tây Quảng Đức.
    Tôi xin được biết thời gian e174 có mặt trên Quảng Đức năm 1973-1974 là bao lâu. NGoài trận đánh phục kích đoàn xe chở quân trên lộ 8B (88) các anh còn đánh trận nào không?
    Xin cảm ơn!

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận
Nhập tên của bạn

Bài viết phổ biến

Bình luận gần đây