Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024
Trang chủVĂN HÓA-VĂN NGHỆĐẶC SANNIỀM TIN TÂM LINH, TRI ÂN LIỆT SĨ

NIỀM TIN TÂM LINH, TRI ÂN LIỆT SĨ

Tri ân những anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì nền độc lập dân tộc, chăm lo cho anh linh người đã khuất, cho cả thân nhân họ, những người còn sống, đó là sứ mệnh của cuộc đời tôi cho đến hơi thở cuối cùng.

 

Những ngày thơ bé, có khi đang đi trên đồng, nghe tiếng nổ từ phía xa xăm, tôi không biết âm thanh đó là gì. Tôi còn quá nhỏ để hiểu chuyện gì vừa xảy ra. Âm thanh ấy in hằn vào năm tháng đầu đời tôi như một phần của làng quê, tuy nghèo đói nhưng vẫn yên ả đi qua mùa xuân mùa hạ. Lớn lên một chút, hiểu đời hơn, tôi mới ngỡ ngàng biết tiếng nổ ngày nào là tiếng súng, tiếng bom. Tiếng súng vang lên, nhanh như cách mà loài ong đập cánh, nâng lên hạ xuống một lần rồi một người ra đi.

Nếu quê hương có thể khóc than, nó sẽ kêu lên bằng những tiếng đạn bom chát chúa. Tôi không biết có bao nhiêu người chết vì đạn bom chiến tranh, cũng không biết họ là ai, sinh ra ở đâu, gia đình bố mẹ thế nào mà lại can trường đi vào chiến trận. Tôi chỉ biết, họ hy sinh cuộc đời và sinh mệnh, đổi lấy cho thế hệ chúng tôi một cuộc sống yên lành. Tôi được nuôi lớn từ chính những ân huệ đó, trưởng thành từ ký ức đau thương trong những năm tháng cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Mãi mãi tôi không bao giờ quên, cuộc sống mình đang có, quê hương mình đang có ngày hôm nay là được xây dựng từ trên xương máu của các anh hùng liệt sĩ.

Trên đời, không có tiếc nuối nào dai dẳng bằng những khoảnh khắc muộn màng. Nhiều năm sau khi mẹ tôi mất, tôi thường nằm mơ thấy bà. Trong mơ, bà đi vào một con ngõ nhỏ sâu hun hút, tôi chỉ kịp nhìn thấy bóng lưng bà, mãi mãi không kịp chạy tới nắm lấy tay bà, nhìn gương mặt bà, sờ vào mái tóc bà. Sự muộn màng của tôi trong giấc mơ làm tôi day dứt, bất lực vì không còn có thể làm được gì nữa cho mẹ mình.

Cũng giống với việc được sinh ra ở những năm tháng cuối cùng của chiến tranh, tôi chỉ kịp nghe thấy tiếng súng vài năm, nhìn thấy vài thân xác bên bờ ruộng vắng, tôi nào có thể làm gì được cho họ. Lúc tôi đủ trưởng thành, họ chỉ còn lại một nắm xương. Không làm gì được cho người “dương” ở tại thời điểm thương đau nhất, tôi lựa chọn giúp đỡ cho cái phần “âm” của các anh hùng liệt sĩ. Tôi ra sức ủng hộ các công trình xây dựng đền đài tri ân, trùng tu nghĩa trang liệt sĩ. Tôi giúp đỡ các gia đình chính sách, xây nhà, trao quà thân nhân còn lại của những người đã hy sinh chiến trận.

Khánh thành nhà tặng mẹ Hoàng Thị Hách, xã Cẩm Quan.

Qua các chuyến hành trình tri ân, tôi biết, các anh hùng liệt sĩ dù chỉ còn lại một nắm xương nhưng họ vẫn còn đâu đó dưới một dạng phi vật chất nào đó khó nói thành lời. Có lúc tôi run rẩy khi bước vào khu nghĩa trang của các liệt sĩ vô danh, lạnh người khi đốt nén hương gửi lời thành kính. Tôi bước đi qua những khu rừng, cánh đồng, vùng trũng mà ngày xưa là chiến trận bi hùng, nước mắt tôi chảy ra như thể nghe được tiếng súng rền vang và nhìn thấy cha, anh mình – những người chưa tìm được xương cốt vẫn còn đâu đây.

Còn nhớ, hơn 5 năm trước, khi nguyên Bí thư tỉnh Hậu Giang kêu gọi trùng tu lại 5000 ngôi mộ liệt sĩ, chúng tôi đã đứng ra bỏ toàn bộ chi phí trùng tu lại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh với mục đích biến nơi này thành một công viên xanh mát để đồng đội và gia đình, bà con tới thăm viếng thường xuyên hơn. Trong nghĩa trang, ngoài khu vực bia tưởng niệm các anh, còn có một bên để tượng Phật.

Kế hoạch ban đầu là mỗi lãnh đạo, nhân viên tỉnh sẽ trồng một cây. Vậy mà, chuyện kỳ lạ đã xảy ra sau khi hoàn tất: Các cây trồng bên có tượng Phật đều phát triển xanh tốt, trong khi cây bên phía bia tưởng niệm Liệt sĩ lại chết một cách không ai hiểu được. Tôi nghĩ, hương linh các anh đã muốn nói gì đó với chúng tôi. Khi cái chết xảy đến với một người còn nhiều ước ao, mong mỏi, cảm xúc mãnh liệt còn lại sẽ là thứ chuyên chở linh hồn của họ ở lại trần gian dù thân xác đã hóa thành bụi tro.

Khánh thành nhà tặng mẹ Võ Thị Lượng, xã Cẩm Trung.

Các anh hùng liệt sĩ có những cảm xúc đó không? Tôi nghĩ là có. Bao người muốn được về nhà ăn bữa cơm giao thừa như đã hứa với mẹ, bao người thèm được ôm đứa con trai vừa chào đời, bao người trong phút thoi thóp còn sót lại đã khao khát được nói lời từ biệt với gia đình… Họ chưa thực hiện được, họ sẽ không thể rời đi, không thể an lòng… Tôi và ông xã tin vào điều này nên chúng tôi đã lập đàn xin các anh linh liệt sĩ an lòng, cho phép chúng tôi trồng lại cây. Và rồi như có phép mầu, những cây chúng tôi trồng lại không còn chết nữa và tiếp tục phát triển cao lớn cho tới tận bây giờ. Mãi về sau này khi có dịp ghé thăm, tôi được các anh quản lý nghĩa trang kể lại, cây cối trong khuôn viên đã phát triển xanh tốt, chim muôn kéo về làm tổ. Hằng đêm, các anh như còn nghe thấy tiếng bước chân hành quân trong đêm, tiếng kẻng, tiếng tập thể dục của các liệt sĩ vào buổi sáng,…

Tôi kể câu chuyện này chắc hẳn sẽ có người bảo tôi “mê tín”. Không phải vậy, tôi học Phật và tin rằng, mình có đủ minh triết để không u mê sa đà vào các câu chuyện thần bí. Chỉ là, hoạt động tâm linh đã gắn bó với đời sống của thế hệ chúng tôi gần như tuyệt đối. Thời ấy, chúng tôi không có bất kỳ cơ sở nào để đảm bảo rằng, quả bom, viên đạn đang giằng xéo quê hương không làm cho gia đình mình tan tác, chúng tôi chỉ biết bám víu vào tâm linh bằng những lời cầu nguyện. Chúng tôi cầu nguyện cùng nhau mỗi ngày. Cầu nguyện trong im lặng, cầu nguyện trong sân chùa im vắng. Dần dần, tâm linh trở thành một phần trong đời sống của chúng tôi.

Bản chất, việc tin tưởng vào các thế lực vô hình không xấu, quan trọng là người ta tin với mục đích gì. Cá nhân tôi, niềm tin vào tâm linh cho tôi sự cẩn trọng để nghiêng mình thành kính khi làm bất cứ điều gì liên quan đến người đã khuất. Vạch ra lề lối để tôi sống tốt đời đẹp đạo, gieo nhân lành – gặt quả hạnh phúc và luôn luôn không quên tri ân tới những anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống hy sinh vì nền độc lập dân tộc, cho thân nhân và cả anh linh của họ. Tôi sẽ luôn mang theo sứ mệnh ấy trên mỗi bước chân cuộc đời, dù cho hơi thở kế là hơi thở cuối cùng.

 Đỗ Thị Kim Liên

Bài viết liên quan

1 BÌNH LUẬN

  1. xin cảm ơn cô rất nhiều. Cô nói lên nỗi lòng của bao người hiện tại. Cảm ơn cô vì đã dành những điều tốt đẹp cho quê hương, đất nước, cho thế hệ này.

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận
Nhập tên của bạn

Bài viết phổ biến

Bình luận gần đây