Thứ Hai, Tháng Tư 29, 2024
Trang chủNHỊP CẦU BẠN ĐỌCCảm nhận ngàn đêm

Cảm nhận ngàn đêm

Một

Dân gian nói, hoàng hôn là lúc người dương và người âm có thể gặp nhau. Trong bộ phim nổi tiếng “Bao giờ cho đến Tháng Mười” đạo diễn Đặng Nhật Minh rất thành công miêu tả trường đoạn ma mị này.

Khi nói về các anh linh liệt sĩ (linh khí quốc gia) tôi thích liên hệ đến đêm. Triết lý cuộc sống, có ngày là bởi vì có đêm. Có bình minh bởi vì có hoàng hôn. Như thế cặp phạm trù này không thể tách rời nhau như mặt trời mặt trăng vậy.

Cũng có lẽ vì thế trong hành trình mấy chục năm đi tìm đồng đội, trong đó có em trai liệt sĩ của mình, tôi luôn tựa vào đêm để kết nối giữa người dương và người âm; chính xác là những đồng đội đang sống và các liệt sĩ đã quên mình vì đất nước.

Những câu thơ, bài viết xúc động, được coi là thành công nhất trong cuộc đời cầm viết của tôi cũng ra đời khi màn đêm buông xuống.

Và, cuộc gặp giữa người âm, người dương nơi chiến địa xưa cũng là lúc đêm xuống hoặc hoàng hôn sầm sập cuối chân trời.

Chuyện này tôi đã kể nhiều, đó là nửa đêm cúng động thổ, cầu siêu trước ngày khởi công xây dựng đền thờ liệt sĩ Long Đại (Quảng Bình) cách đây gần 20 năm. Đêm ấy, tướng Phan Khắc Hy, nguyên Phó Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn thời chống Mỹ, qua nhà ngoại cảm gặp lại đồng đội của mình. Đó là các liệt sĩ: lái xe của ông; chính trị viên tiểu đoàn cao xạ… Dù bất cứ ai chưa bao giờ tin vào việc âm dương, tâm linh “mục sở thị” sự kiện này cũng không thể phủ nhận. Tôi chắc rằng, không chỉ cô gái thanh niên xung phong của tỉnh đoàn Quảng Bình “bị” liệt sĩ nhập mà cả tướng Hy cũng như người mộng du vào cõi tâm linh, ma mị.

Hai

Và, cũng có lẽ thế, ba năm trong chặng đường đầu tiên của Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TP HCM (Hội HTGĐLS TP HCM), tôi chắc rằng các CCB bao gồm tướng lĩnh, sĩ quan cấp cao, kể cả những người lính trận bình thường và thân nhân của họ tham gia Hội như một sứ mệnh trái tim mà liệt sĩ trao gửi.

Trong đội hình đồng hành có rất nhiều người trải qua hoặc chứng kiến hệ lụy của chiến tranh. Hệ lụy nhãn tiền; còn món nợ cao nhất của họ là chưa tìm thấy danh tính đồng đội . Trong số 1,2 triệu liệt sĩ còn gần 50 vạn liệt sĩ chưa xác định được danh tính hoặc chưa tìm thấy hài cốt. Và, đáng lý họ được nghỉ ngơi, vun đắp hạnh phúc nhỏ nhoi, bình dị với gia đình, họ hàng, bạn bè thì họ lại khoác ba lô lần nữa. Công việc “ăn cơm nhà vác nghĩa tình đồng đội” không ai có thể bắt buộc họ. Chỉ có liệt sĩ mới đủ uy lực “điều động” họ vào đội ngũ những người thiện nguyện (tự nguyện làm việc tốt): tri ân đồng đội; trả món nợ của những người đang sồng với những người hy sinh vì tổ quốc. Dám chắc điều ấy là sự thật với đội ngũ những người thiện nguyện trong các tổ chức Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ của cả nước.

Cứ đi sẽ thấy đường. Độ lùi thời gian, có lẽ đã làm mọi người trả lời được câu hỏi, trong khi nhà nước có cả một hệ thống với không ít ngân sách lo việc đền ơn đáp nghĩa, có cần thêm một tổ chức xã hội thiện nguyện: tri ân đồng đội?!  

Ba

Lại nói về màn đêm, nhân kỷ niệm 3 năm thành lập Hội HTGĐLS TP HCM tôi có nhiều đêm mất ngủ. Sự hiện diện, dõi theo của liệt sĩ có thực hay chỉ là huyền thoại phát sinh từ tâm tưởng. Vị đại tá tuổi thất thập, một trong những người lao tâm, khổ sức lo cho sự ra đời Hội và thủy chung đồng hành – người khởi xướng phong trào “Đi tìm đồng đội” tâm sự rằng, không có liệt sĩ phù hộ, ông và nhiều đồng đội không đủ sức khỏe và nghị lực “vác nghĩa tình đồng đội” đến ngày hôm nay. Không chỉ riêng vị đại tá ấy, mà nhiều người trong Hội cảm nhận được điều đó. Khi đại dịch Covid-19 như bóng ma bao trùm thế giới, mảnh đất hình chữ S không ngoại lệ. Thành phố Hồ Chí Minh là tâm dịch. Hàng chục ngàn người tử vong, đến thảm cảnh không đủ lò hỏa thiêu để thiêu xác người tử nạn. Trong khi “ai ở đâu ở yên tại đó” thì những chiến sĩ thiện nguyện của Hội vẫn xông pha nơi “trận mạc”. Họ kết nối tổ chức các “phiên chợ không đồng”. Họ cùng các doanh nghiệp “mặc áo giáp trắng” mang hàng cứu trợ đến với bà con nơi tâm điểm đại dịch. Họ như con thoi kết nối để chống dịch cứu dân…

Điều lạ, nhiều người trong số ấy không bị nhiễm Covid-19. Vẫn khẩu trang 5K xông pha từ TP HCM đến các tỉnh lân cận. Họ vẫn đồng hành xây các ngôi đền thờ, bia ghi danh liệt sĩ tại Long Khốt, Phú Quốc, Đắk Tô… Họ vẫn vượt bão giông ra tận Hà Tĩnh, Nghệ An trao nhà tình nghĩa cho các mẹ liệt sĩ đã gửi những đứa con thân yêu của mình cho chiến trường Miền Nam ruột thịt.

Lắm lúc, đêm xuống, tôi thắp hương khấn liệt sĩ nơi đền thờ uy nghi, hoành tráng tại Long Khốt, Phú Quốc hay tại bàn thờ giản dị mà linh thiêng ở văn phòng Hội. Tôi nhận được tín hiệu hồi âm: Bát hương bùng cháy và những nén hương cong, đôi khi có hình trái tim trên bàn thờ liệt sĩ. Điều ấy như sự chứng giám, gửi gắm thông điệp của liệt sĩ với những việc chúng tôi đang làm. 

Bốn 

Có nhiều người hỏi, tôi đã làm đôi câu thơ – đôi câu đối ấy (*) từ bao giờ; trong hoàn cảnh nào?

Tôi nghĩ đến khuôn mặt cười mà như khóc của tướng Phan Khắc Hy trong đêm cúng động thổ xây dựng Đền liệt sĩ tại Bến phà Long Đại (Quảng Bình). Và, tôi thấy đang cùng tướng Hy mộng du, phiêu diêu về cõi tâm linh – nơi hàng triệu đồng đội chúng tôi đang hát khúc quân hành.

Cảm ơn ngàn đêm đã bắc cầu cho bình minh tới.

(*) Thân ngã xuống thành đất đai Tổ quốc/ Hồn bay lên hóa linh khí Quốc gia!

Tháng 7-2023       

Tản văn 

Trần Thế Tuyển

 

Bài viết liên quan

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận
Nhập tên của bạn

Bài viết phổ biến

Bình luận gần đây