Thứ Hai, Tháng Chín 9, 2024
Trang chủDiễn đànNỗi buồn của một cựu binh Mỹ

Nỗi buồn của một cựu binh Mỹ

Lần thứ ba sang Mỹ tôi không gặp được John Baca. Tôi gọi điện, nhưng số điện thoại ấy đã không còn ai sử dụng. John Baca lại lang thang đâu đó trên nước Mỹ. Lòng tôi dâng lên một nỗi buồn và lo lắng. Đấy là một người Mỹ mà tôi đã dành cho anh những lo lắng của tôi. Anh đã hơn năm mươi tuổi. Nhưng với tôi, nhiều lúc anh như một đứa trẻ.

Tôi gặp John Baca năm 1990. Ngày ấy, anh cùng nhóm cựu binh Mỹ sang huyện Gia Lâm (Hà Nội) để xây một trạm xá cho xã Yên Viên. Họ là những cựu binh trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Trở về Mỹ, cũng như bao cựu binh khác, họ mang trong mình hội chứng chiến tranh Việt Nam. Và thế là, họ quyên góp tiền của các cựu binh khác để sang Yên Viên xây trạm xá. Họ biết Yên Viên là một nơi bị bom Mỹ tàn phá khốc liệt trong những năm chiến tranh. Mười cựu binh Mỹ mang 30.000USD tiền mặt sang Việt Nam. Tôi đã chứng kiến lễ trao tiền mặt tại UBND huyện Gia Lâm.

Vào một buổi chiều của năm 1968 tại chiến trường Việt Nam, một tiểu đội lính Mỹ đang ngồi trong một boongke cát thì bị một quả lựu đạn của những người du kích Việt Nam ném vào. Tất cả những lính Mỹ ở đó không còn đường nào chạy thoát. Nhưng ngay lúc đó, John đã lấy mũ sắt của mình chụp quả lựu đạn và nằm đè lên chiếc mũ. Lựu đạn nổ. Bụng John bị xé nát. Quân đội Mỹ đã chở John ra hạm đội bảy và từ đó đưa anh đến Nhật để cứu chữa. John đã được cứu sống. Những người lính trong tiểu đội của anh không nghĩ rằng John có thể sống. John tin rằng anh sống được là do sự ban phước của Chúa.

Sau chiến tích đó, anh trở về Mỹ và trở thành một người hùng. Quốc hội Mỹ đã tặng anh mề đay cao quý nhất của nước Mỹ. Và vì thế mà hầu hết những cựu binh Mỹ tham gia chiến tranh Việt Nam đều biết tên anh. Nhưng sau đó, anh cũng nhận ra cuộc chiến tranh do chính phủ Mỹ tiến hành ở Việt Nam thật vô nghĩa. Anh đã vứt mề đay vào một góc nhà và xuống đường đi đầu các cuộc biểu tình chống chiến tranh. Rồi anh dành dụm số tiền trợ cấp của chính phủ Mỹ cho anh để sang Việt Nam. John đã sang Việt Nam. Không ai bắt những cựu binh Mỹ phải làm việc này ngoài lương tâm của họ. Họ đã trung thực với lương tâm họ.

Tôi đã gặp John ở Yên Viên. Một tháng ở đó, John đã gánh vôi vữa cùng những công nhân Việt Nam để xây trạm xá. Và anh đã yêu một phụ nữ Việt Nam trên công trường. Người phụ nữ ấy tên là Hải. Họ yêu nhau, dù cả hai không hề biết ngôn ngữ của nhau. Ngày ấy, John đã bỏ tiền của mình để mua máy may cho những nữ công nhân xây trạm xá Yên Viên. Anh nói với tôi rằng đó là những người phụ nữ nghèo khó. Họ cần có một chiếc máy may để may vá quần áo cho con cái họ.

Một chiều mưa ở Gia Lâm, từ cửa sổ nhà, tôi nhìn thấy John và Hải. John đèo Hải trên một chiếc xe đạp cũ của Hải. Hai người đi trên chiếc xe đạp mỏng manh trong mưa gió. Tình yêu của họ cũng giống như vậy. John lấy hết sức mình đạp xe. Nhưng gió quá to và mưa như trút. Chiếc xe đạp chao đảo trên đường. Đi được một đoạn thì họ phải xuống dắt xe.

Tình yêu của họ cũng giống như thế. Hải không dám đi tiếp đoạn đường trong tình yêu của họ. Hải sợ. Chị sợ hãi nhiều điều. Đã có người nhắc nhở chị về mối quan hệ với một lính Mỹ. Chị đã cứng tuổi, nhưng chưa có chồng. Chị có thể mất việc làm. Chị có thể trở thành nạn nhân của những lời xì xào nguy hiểm. Và họ phải chia tay nhau.

Cũng trong một buổi chiều ở thị trấn Gia Lâm. Họ đứng với nhau rất lâu. Hôm sau, John trở về Mỹ. Tôi không biết họ nói gì với nhau. Và chắc họ cũng chỉ có thể hiểu nhau qua ánh mắt. Một người không biết nói tiếng Anh và một người không biết nói tiếng Việt. Trước đó, John đã nhờ tôi dạy cho anh một câu tiếng Việt: Em đẹp lắm, anh yêu em. Tôi biết John học câu đó chỉ để nói với Hải. John đã tập nói câu đó. Và lúc nào nói, anh cũng xúc động. Hải đã nghe được câu nói đó. Tôi tin chị đã khóc. Buổi chiều ấy, bên hè phố trước một khách sạn tư nhân John ở, hai người đứng mãi với nhau. Bóng tối dần dần buông xuống. Rồi họ chia tay nhau. Tôi nhìn thấy Hải cúi người đạp xe khuất dần vào bóng tối trên đường. Họ sẽ không bao giờ gặp nhau được nữa. Tôi biết là như vậy.

Khi chia tay John, tôi nghĩ chẳng bao giờ gặp lại anh. Một nỗi buồn dâng lên trong lòng tôi. Đã một thời anh là kẻ thù của chúng ta. Nhưng chiến tranh đã qua đi. Tôi mong đừng ai còn giữ trong lòng mình sự thù hận, dẫu chúng ta mất mát quá nhiều, đau đớn quá nhiều. Thù hận mãi để làm gì? Chúng ta chỉ một lần sinh ra và sống một cuộc đời thật là ngắn ngủi, nhưng đầy đói khát, bệnh tật, đầy sợ hãi và bất trắc. Lẽ nào chúng ta mãi mãi hận thù nhau cho đến khi giã từ thế gian. Hơn thế, John là một kiếp buồn. Hình như lúc nào anh cũng sống lạnh lẽo trong cô đơn.

Năm 1993, tôi được Hội Nhà văn Việt Nam cử đi Mỹ tham gia hội thảo văn học do Trung tâm William Joiner tổ chức. Một lần ngồi nói chuyện về các cựu binh Mỹ đang càng ngày càng nhiều người trở lại Việt Nam, tôi đã kể câu chuyện về John Baca. Và thật không ngờ, mọi người đều biết anh. Ngay hôm sau, họ đã tìm được điện thoại của Art James – bạn John. Tôi gọi điện cho John. Khi nhận ra giọng nói của tôi, John kêu lên và sau đó nghẹn lại.

Trong chuyến đi Washington, tôi đã đến thăm John. John và Art James lái xe từ Maryland đến ga tàu hỏa đón tôi. Mỗi người che mặt bằng một tờ báo và chạy về phía tôi. Nhưng làm sao tôi lại không nhận ra họ. Chỉ nhìn đôi chân của Art James, tôi cũng có thể nhận ra họ. Art James có đôi chân bị gãy và được nối lại. Art James chính là một trong những lính Mỹ trong tiểu đội John nằm gần John khi lựu đạn nổ. Có lẽ vì ơn cứu mạng, khi trở về Mỹ, Art James đã không bao giờ rời bỏ John. Chuyển nhà đến đâu, Art James cũng mang John đi theo. Art James nói với tôi: “John trông coi bọn trẻ, nhưng chúng tôi lại phải trông coi anh ấy như một đứa trẻ nhiều tuổi”.

John đưa tôi về thăm nhà anh ở Maryland, nhưng rất gần thủ đô Washington. Trên xe, anh nói với tôi rằng anh đã tiết kiệm được mười ngàn đô la và tôi đừng nói cho ai biết. Anh sẽ cố gắng tiết kiệm để có đủ tiền xây một ngôi nhà bên bờ biển Việt Nam cho các bà mẹ Việt Nam và Mỹ mất con trong chiến tranh có thể đến đó gặp nhau và nhớ về những đứa con yêu dấu của mình. Mười ngàn đô la, một số tiền quá nhỏ đối với những người Mỹ bình thường. Nhưng ước mơ của anh thật xúc động và thật lớn lao.

Ngôi nhà John ở trên quả đồi một cánh rừng ở Maryland. Một ngôi nhà mà chúng ta khó thấy trên đất Mỹ. Ngôi nhà này do Art James giúp anh dựng lên. Ngôi nhà chừng tám đến mười mét vuông. Trong nhà không có giường. John ngủ trên ghế sopha. Sống cùng John là một con chó. John kể, trong những đêm đau ốm bởi vết thương cũ, con chó như hiểu được sự đau đớn của anh, nó liếm dịu dàng lên ngực anh. Cái lưỡi ấm nóng và đầy tình nghĩa ấy đã xoa dịu một phần đau ốm và cô đơn của anh. Và sự dịu dàng của con chó đã nhiều lần làm anh bật khóc.

John Baca thời đi lính.

Đêm ấy, một đêm mùa hạ năm 1993, tôi ngồi với John trong ngôi nhà ấy. Quanh ngôi nhà đầy đom đóm bay. Tôi hỏi John về Hải. John im lặng rất lâu và nói rằng đã ba năm nay kể từ khi xây xong trạm xá Yên Viên trở về, anh viết thư cho Hải nhiều lần, nhưng không thấy trả lời. Anh không hiểu vì sao. Nhưng tôi hiểu. Hải mong thư anh. Hải mong một điều gì đó lớn hơn nữa. Nhưng chị không biết tiếng Anh.

Ngày đó thật khó để chị nhờ một ai đó dịch những lá thư cho chị. Chị xấu hổ. Chị sợ. Và chị không bao giờ hy vọng một chút gì vào tương lai của họ. Hai người ở hai đầu trái đất cùng với bao khác biệt. Làm sao họ có thể gặp lại nhau. Chị là một người phụ nữ muộn chồng, khắc khổ và nhẫn nại và chị chỉ là một công nhân xây dựng. Chị không biết làm gì với những lá thư ấy. Chị không biết. Có lẽ thỉnh thoảng chị chỉ biết đem những lá thư ấy ra vụng trộm ngắm nhìn và nhớ về một chiều mưa trên thị trấn Gia Lâm. Và đến một ngày nào đó, chị sẽ đốt những lá thư ấy đi.

Chị không biết được rằng, trong ngôi nhà của một người Mỹ mà chị đã yêu, tôi – người phiên dịch cho những cựu binh Mỹ xây dựng trạm xá Yên Viên ngày ấy – đang ngồi cùng John và nói về chị. Từng đàn đom đóm vẫn bay quanh nhà. Gió đang thổi qua những rừng cây ven đồi. Tôi nghĩ, lẽ ra người ngồi trong ngôi nhà ấy trước John phải là chị, chứ không phải là tôi. Nhưng số phận lại luôn luôn đùa bỡn và đày đọa chúng ta như vậy.

John Baca xem bóng chày cùng Tổng thống Mỹ Barack Obama.

Mấy năm trước tôi có viết một bài báo về John Baca. Sau đó tôi nhận được một số thư của những người phụ nữ Việt Nam. Trong đó có một lá thư tôi rất quan tâm. Đó là thư của một phụ nữ ở một thành phố phía Nam. Chị bày tỏ tình cảm của mình với John và tha thiết nhờ tôi viết thư cho John giới thiệu chị với John. Chị xin tôi địa chỉ của John. Chị muốn an ủi John. Tôi đã cho chị địa chỉ của John. Chị đã viết thư cho John nhiều lần. Sau này, John viết thư cho tôi và nói rằng người phụ nữ ấy muốn cưới John. Chị giục John hãy nhanh chóng cưới chị và đưa chị sang Mỹ. John đã tế nhị từ chối người đàn bà ấy. John đã đúng. John cô đơn và rất cô đơn. Nhưng anh không thể và không bao giờ cưới một người đàn bà như vậy. Sao người đàn bà ấy không phải là Hải? Vẫn là số phận phải không John? Phải không Hải?

Sau này, tôi có nhận được một lá thư của một số chị em là giáo viên một trường phổ thông cơ sở ở Gia Lâm. Các chị viết cho tôi và bảo tôi khuyên John hãy sang Việt Nam. Các chị sẽ tìm Hải hoặc một người phụ nữ Việt Nam nhân ái nào đó cho John. Tôi đã đọc lá thư ấy nhiều lần. Và không lần nào mắt tôi không nhoè ướt.

Không chỉ mình tôi thương John mà bao nhiêu tấm lòng nhân ái thương anh. Chúng ta thương cho một kiếp người. Nước Mỹ có thể không để cho John chết đói, chết rét, nhưng nước Mỹ có thể để John chết vì cô đơn và trống rỗng.

Khi chia tay nhau, John lục trong mắc áo lấy một chiếc áo cũ còn mới nhất tặng tôi cùng một tấm biển mà John vẫn thường đeo trên ngực. Tấm biển nhỏ ghi một dòng chữ: Tôi có thể làm thuê. Và trong chuyến đi Mỹ lần ấy, tôi đã mang về Việt Nam rất nhiều kẹo cho các con tôi, những tập thơ và những thứ John tặng tôi. Và bây giờ, chiếc áo cũ của một kiếp cô đơn cùng tấm biển tìm việc làm thay vào tấm mề đay của John vẫn để trong ngăn tủ nhà tôi – nơi tôi lưu giữ những kỷ vật của mình.

Nguyễn Quang Thiều

Bài viết liên quan

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận
Nhập tên của bạn

Bài viết phổ biến

Bình luận gần đây