Chủ Nhật, Tháng Mười 1, 2023
Trang chủVĂN HÓA-VĂN NGHỆĐẶC SANXEM NGÀY 27/7 LÀ QUỐC GIỖ: THÊM NIỀM TỰ HÀO, LÒNG...

XEM NGÀY 27/7 LÀ QUỐC GIỖ: THÊM NIỀM TỰ HÀO, LÒNG TỰ TÔN DÂN TỘC

Kim Sáng

Hội hỗ trợ gia đình liệt sĩ TP.HCM, Chính quyền địa phương, cựu chiến binh, đông đảo nhân dân, cán bộ chiến sĩ thả hoa đăng trên dong sông Long Khốt ( Long An)

ĐẤT NƯỚC TA CÓ RẤT NHIỀU SỰ KIỆN TRỌNG ĐẠI GẮN LIỀN VỚI NHỮNG MỐC THỜI GIAN QUAN TRỌNG, NHẮC ĐẾN 30/4 TA NHỚ VỀ NGÀY GIẢI PHÓNG HOÀN TOÀN MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC; 19/5 NHỚ VỀ NGÀY SINH CỦA VỊ CHA GIÀ DÂN TỘC… NẾU 27/7 ĐƯỢC XEM LÀ QUỐC GIỖ THÌ MỖI NGƯỜI CON ĐẤT VIỆT SẼ CÓ THÊM 1 NGÀY ĐỂ THỂ HIỆN NIỀM TỰ HÀO, LÒNG TỰ TÔN DÂN TỘC.

 

Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TP.HCM (Hội), tổ chức gắn liền với công tác tri ân, đền ơn đáp nghĩa, dù ra đời chưa lâu nhưng đã góp phần rất lớn trong việc chăm lo, hỗ trợ gia đình chính sách, người có công với cách mạng, thân nhân các anh hùng liệt sĩ… tại khu vực phía Nam và nhiều tỉnh, thành trên cả nước.

Từ ngày đặt nền móng đến nay, Hội luôn xem việc tìm kiếm hài cốt và thông tin liệt sĩ là trách nhiệm, là món nợ đối với những đồng đội đã hy sinh. Trong những lần về thăm lại chiến trường xưa ở Long Khốt (Long An), Đắk Tô – Tân Cảnh (Kon Tum)… hay căn cứ cách mạng ở Tây Ninh, Đồng Nai, Tây Nguyên… những người lính năm xưa (nay là trụ cột của Hội) không kiềm được nước mắt trước di ảnh, dòng chữ khắc tên đồng đội, những người đã cùng họ vắt nắm cơm, băng rừng lội suối năm xưa.

Chiến tranh đã đi qua, người còn kẻ mất, những anh lính Bộ đội Cụ Hồ chưa một lần gọi tên người yêu, chưa một ngày được ăn bữa cơm trọn vẹn đã mãi mãi ra đi, các anh nguyện bỏ lại tuổi trẻ, xương máu để giành độc lập cho Tổ quốc. Đến hôm nay, nhiều gia đình vẫn chưa tìm được hài cốt, chưa xác định được danh tính của người thân. Để tưởng nhớ, có gia đình lấy ngày nhập ngũ, ngày sinh hoặc một mốc thời gian đặc biệt để làm ngày giỗ cho những người con ưu tú hy sinh vì đất nước.

Ở Việt Nam, cứ đến ngày Giỗ Vua Hùng (10/3 Âm lịch) hằng năm, ngoài nghi lễ chính tại Đền Hùng, Phú Thọ, nhiều tỉnh, thành trên cả nước đồng loạt tổ chức các nghi thức với quy mô to nhỏ khác nhau để tưởng nhớ công lao to lớn của các Vua Hùng đã có công dựng nước. Từ lâu, Giỗ Tổ Hùng Vương đã trở thành ngày Quốc giỗ của dân tộc và “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” được UNESCO công nhận là nét di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Ngoài giỗ Vua Hùng, nước ta có thêm Ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7), đây chính là ngày để tri ân những người có công với đất nước, các anh hùng liệt sĩ, họ là những người đã chắc tay súng bảo vệ non sông trong các cuộc kháng chiến của dân tộc. Hằng năm vào dịp này, các cơ quan, tổ chức, đoàn thể trên khắp mọi miền đất nước tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa để kỷ niệm mốc thời gian đáng nhớ nhưng xét trên phương diện thực tế, các hoạt động vẫn mang tính lẻ tẻ, rời rạc, chưa có sự đồng bộ, thống nhất như ngày Giỗ Tổ Hùng Vương.

Trải qua mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước, chúng ta có thể khẳng định công lao của những người dựng nước và giữ nước vô cùng vĩ đại, không gì có thể so sánh được. Nếu đã có ngày Quốc giỗ cho những người dựng nước thì kiến nghị thêm ngày Quốc giỗ cho những người giữ nước là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với lịch sử, văn hóa dân tộc Việt Nam.

Việc xem ngày 27/7 là ngày Quốc giỗ còn là dấu ấn quan trọng, bởi chúng ta sẽ có thêm 1 ngày để tưởng nhớ và tự hào về các anh hùng liệt sĩ, những vị cố nhân của dân tộc.

Là một phóng viên trẻ, tôi mong muốn góp tiếng nói để lan tỏa về ý nghĩa của ngày Quốc giỗ. Nhiều năm qua, tôi may mắn được đồng hành cùng Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TP.HCM trong các hoạt động liên quan đến công tác tri ân như trao tặng nhà tình nghĩa; khánh thành đền thờ, bia tưởng niệm; tìm kiếm hài cốt liệt sĩ… Trong những chuyến đi ấy, tôi được chứng kiến nhiều khoảnh khắc rất đỗi tự hào, tôi khâm phục những người từng khoác trên mình màu áo lính. Không chỉ riêng tôi mà thế hệ trẻ ngày hôm nay cũng mong muốn Ngày Thương binh – Liệt sĩ sẽ là ngày Quốc giỗ thứ hai của đất nước Việt Nam.

Có thêm ngày này sẽ là niềm động viên, khích lệ đối với thân nhân các anh hùng liệt sĩ, những người có công với đất nước… Và các anh, những người đã nằm xuống cũng sẽ có thêm nén nhang thơm, lời tri ân “đặc biệt”.

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, cả nước có hơn 1,2 triệu liệt sĩ, hiện vẫn còn hơn 200.000 liệt sĩ chưa tìm được hài cốt, 300.000 liệt sĩ quy tập vào các nghĩa trang liệt sĩ nhưng phần mộ chưa có tên.

Riêng TP.HCM, theo số liệu thống kê đến 30/11/2021 của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP.HCM, hiện đang quản lý hồ sơ 51.693 liệt sĩ; số mộ ở 7 nghĩa trang là 27.387, trong đó mộ có thông tin là 21.555, mộ chưa có thông tin là 5.832. Ngoài ra, còn khoảng 5.000 trường hợp theo thông tin từ các ban liên lạc truyền thống có cán bộ, chiến sĩ hy sinh trên địa bàn TP như Trung đoàn 16, Trung đoàn 28, đặc công… Như vậy, theo số liệu chưa đầy đủ thì TP.HCM còn khoảng gần 10.000 trường hợp liệt sĩ chưa tìm được hài cốt.

Bài viết liên quan

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận
Nhập tên của bạn

Bài viết phổ biến

Bình luận gần đây