Thế hệ cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn Trần Cao Vân (tiền thân là Trung Đoàn 16) đã viết nên trang sử đầy vẻ vang. Tiếp nối truyền thống oai hùng đó, ngày hôm nay, các cựu chiến binh của Trung đoàn đang cùng nhau thực hiện nhiều hoạt động ý nghĩa để tri ân, tưởng nhớ đồng đội.
Ngày 5/9/1945, sau 3 ngày Bác Hồ đọc bản tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tại TP Huế, một tổ chức thanh niên yêu nước đã cùng nhau thành lập Chi đội Trần Cao Vân, lúc đầu trang bị chỉ có giáo mác, gậy tầm vông, với lòng yêu nước căm thù giặc Pháp đã dũng cảm chiến đấu, đánh thắng giặc liên tiếp, thu vũ khí trang bị cho mình. Chi đội Trần Cao Vân càng đánh càng mạnh nhanh chóng trưởng thành.
Ngày 1/1/1946, Trung đoàn Trần Cao Vân được thành lập, cuối năm 1947, Trung đoàn Trần Cao Vân đổi tên thành Trung Đoàn 101 do đồng chí Hà Văn Lâu làm Trung đoàn trưởng. Trung Đoàn 101 khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ chiến đấu. Nổi bật là chiến thắng trận Thanh Hương – Vĩnh Xương trong 3 ngày chiến đấu, Trung Đoàn 101 tiêu diệt 1.000 tên Pháp, được Nhà nước tặng Huân chương quân công hạng hai và Bác Hồ gửi thư khen. Chiến thắng này được mặt trận Bình Trị Thiên và Bộ Quốc phòng lấy làm ngày thành lập Sư đoàn 325 ngày 11/3/1951. Hiệp định Giơnevơ ký kết Trung Đoàn 101 về đóng quân ở Quảng Bình trong đội hình Sư đoàn 325.
Ông Lê Trường Giang – Uỷ viên Ban Chấp hành Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TPHCM, Trưởng Ban LLTT Trung đoàn 16 ôn lại truyền thống đầy vẻ vang, tự hào của Trung đoàn
Giữa năm 1961 và năm 1962, Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ giúp nước bạn Lào chiến đấu và kết hợp mở đường Trường Sơn chuẩn bị cho cách mạng miền Nam.
Tháng 12/1964 theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc và nhân dân miền Nam thương yêu, Trung đoàn đã hành quân vào Nam chiến đấu, là Trung đoàn thực binh đầu tiên vào Nam vừa đi vừa mở đường vô cùng gian khổ, lội suối băng rừng đèo cao dốc núi, mang vác nặng nhưng Trung đoàn đã khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ hành quân.
Giữa tháng 2/1965, Trung đoàn bước vào chiến đấu giải phóng gần hết tỉnh Kon Tum, chỉ còn lại thị xã Tân Cảnh. Cuối năm 1965, Trung đoàn được lệnh vào miền Đông Nam Bộ chiến đấu. Đánh địch mà đi mở đường mà tiến, ta phải hy sinh 31 cán bộ chiến sỹ để mở đường 14, đoạn Tuy Đức mới vào đến miền Đông, vào Tây Ninh, Trung đoàn được bổ sung cho Sư đoàn 9. Tham gia chiến đấu chiến dịch Át tơ-bo-rơ, Gian – xơn – xi – ty đánh tan 45.000 quân Mỹ bảo vệ an toàn Bộ Tư lệnh miền (đặc biệt ta đã đánh thiệt hại nặng Lữ đoàn 196 của Mỹ, diệt 800 tên).
Các cựu chiến binh Trung đoàn 16 luôn đau đau với những đồng đội đã khuất
Tháng 3/1967, Trung đoàn được bổ sung cho Sư đoàn 7 và đổi tên thành Trung đoàn 16. Tháng 9/1967, Trung đoàn được điều về phối thuộc cho Phân khu Sài Gòn – Gia Định. Bám trụ ác liệt ở Dầu Tiếng, Củ Chi, Trảng Bàng, Bến Cát, Trung đoàn đã tham gia chiến đấu hầu hết các chiến dịch lớn và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ như chiến dịch Mậu Thân, Nguyễn Huệ và chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Hòa bình lập lại chưa được vài năm, tháng 10/1977, giặc thù Pôn Pốt lại xâm phạm biên giới Tây Nam, giết hại dân lành. Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chấp hành mệnh lệnh cấp trên, Trung đoàn lại lên đường đi tham gia chiến đấu biên giới Tây Nam và giúp bạn Campuchia giải phóng dân tộc. Trung đoàn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, được Nhà nước phong tặng Anh hùng lần thứ 2. Đến 1989, được lệnh rút quân về nước, sau đó đổi tên thành Trung đoàn Đồng Nai của tỉnh Đồng Nai.
Trải qua biết bao thử thách gian lao khổ hạnh không sờn lòng, vào sống ra chết không nản chí, tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng vào thắng lợi của cách mạng Việt Nam, chính vì vậy mà lớp lớp cán bộ chiến sỹ từ thế hệ này đến thế hệ khác nguyện siết chặt đội ngũ chiến đấu, với tinh thần tận trung với nước, tận hiếu với dân, với dũng khí cánh mạng cao quyết chiến quyết thắng mọi kẻ thù.
Và Trung đoàn đã phát huy được 4 truyền thống: Trung thành vô hạn với Tổ quốc, với Đảng quang vinh; tinh thần quyết chiến quyết thắng tiến công quân địch liên tục, bám trụ kiên cường với dũng khi cánh mạng cao; tinh thần chịu đựng gian khổ khắc phục khó khăn, tự lực tự cường; tình thương yêu đồng đội, tình quân dân keo sơn cả nước, tình đoàn kết quốc tế cao cả.
77 năm chiến đấu và xây dựng, cán bộ chiến sĩ Trung Đoàn càng thêm thấm thía và ghi nhớ công ơn trời biển của Đảng của Bác Hồ kính yêu, đã xây dựng chăm lo dìu dắt Trung đoàn trưởng thành. Đó là nguồn sức mạnh của khối đoàn kết chiến đấu, quyết chiến quyết thắng mà lớp lớp cán bộ chiến sĩ Trung đoàn không ngừng phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng, lập công xuất sắc, thắm tô trang sử Trung đoàn 16 anh hùng.
Trong mỗi bước trưởng thành, mỗi chiến công của Trung đoàn có sự giúp đỡ tận tình của chính quyền và nhân dân địa phương nơi Trung đoàn hoạt động, đó là tình thương yêu đùm bọc của nhân dân Dầu Tiếng, Bến Cát, Trảng Bàng. Củ Chi, Hóc Môn, Sài Gòn – Gia Định… đã từng giúp Trung đoàn cáng thương tải đạn, chăm lo từng bát gạo, mớ rau, viên thuốc để nuôi quân đánh giặc và có những nghĩa cử cao đẹp của người dân không bao giờ quên, đó là bà con xã Thanh An, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương, bà con huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh, nhiều trận đánh quá ác liệt, cán bộ chiến sĩ hy sinh, đơn vị không lấy được thi hài, bà con đã chăm lo chôn cất chu đáo.
Kỷ niệm 77 năm thành lập Trung đoàn Trần Cao Vân (Trung Đoàn 16 anh hùng)
Những năm 1969 – 1971, địch rải thảm B52 đổ quân càn quét liên tục, các đơn vị bạn phải lui về biên giới Campuchia nhưng Trung đoàn 16 vẫn bám trụ vùng ven, một tấc không đi một ly không rời, ác liệt khó khăn thiếu thốn trăm bề phía sau không tiếp viện được, đơn vị phải tự lực rau cháo qua ngày để đánh giác, lúc này mỗi bát gạo, mỗi viên thuốc phải đổi máu và nước mắt mới có, Trung đoàn 16 bám trụ được ở vùng ven để đánh giặc là nhờ nhân dân và chính quyền địa phương giúp đỡ về mọi mặt.
Đến nay, Trung Đoàn 16 chỉ còn đội ngũ cựu chiến binh hầu hết đã tuổi cao sức yếu, đầu bạc răng long, đời sống khó khăn nhưng vì nghĩa tình đồng đội, trách nhiệm giữa người sống và người hy sinh vì Tổ quốc, họ đã đoàn kết chặt chẽ cùng Ban LLTT của Trung đoàn làm nhiều việc lớn.
Cụ thể, Ban LLTT đã viết và xuất bản 1.000 cuốn lịch sử Trung Đoàn Trần Cao Vân – Trung đoàn 101 – Trung Đoàn 16 từ 1945 đến 2010. Tìm kiếm và thông báo cho thân nhân gia đình liệt sỹ và địa phương 1.500 mộ liệt sỹ hy sinh trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước;
Được tỉnh Bình Dương, huyện Dầu Tiếng, xã Thanh An giúp đỡ, Trung đoàn 16 đã có nhà thờ liệt sỹ tại xã Thanh An, thờ gần 4000 liệt sỹ. Được sự giúp đỡ của huyện Trảng Bàng, Trung đoàn đã có đền thờ 700 liệt sĩ tại đình Lộc Hưng, Ấp Chánh. Đặc biệt năm 2021 và 2022, Ban LLTT và cựu chiến binh, thân nhân gia đình liệt sĩ Trung đoàn 16 đã tích cực cùng với Sở Lao động – Thương binh & Xã hội tỉnh Bình Dương, Tây Ninh và TPHCM đã tìm kiếm, xác minh 100 phần mộ liệt sĩ và thông báo cho gia định đến nhận.
Viết tiếp truyền thống của Trung đoàn Trần Cao Vân – Trung Đoàn 16 anh hùng
Trước đó, năm 2020, Ban LLTT tổ chức đón tiếp, giao lưu thân mật 70 đồng chí cựu chiến binh phía Bắc về thăm chiến trường xưa.
“Sau bao năm chiến đấu nay trở về đời thường, mỗi người một vị trí hoàn cảnh khác nhau nhưng cái chung nhất, sâu lắng nhất đọng lại trong mỗi chúng ta đó là tình cảm người lính Bộ đội Cụ Hồ, đó là tình yêu thương đồng đội, đồng chí, biết chia sẻ những khó khăn mất mát của anh em đồng đội mình bằng những việc làm tốt đẹp… những việc làm vừa mang tính nhân văn sâu sắc và rất thiết thực”, Trưởng Ban LLTT Trung đoàn 16 Lê Trường Giang nói.
Năm 2023, Ban LLTT Trung đoàn 16 tiếp tục phối hợp với thân nhân gia đình liệt sĩ tìm kiếm, xác minh gần 3.000 liệt sĩ chưa thấy mộ; cùng với Ban Quản lý di tích huyện Dầu Tiếng, huyện Trảng Bảng bảo quản, bảo dưỡng đến thờ thu thập những vật chứng lịch sử của Trung đoàn trong chiến đấu còn lại để trưng bày kỷ niệm;
Vận động hội viên, cựu chiến binh, thân nhân gia đình liệt sĩ đóng góp tiền xây bia đá khắc bản tóm tắt lịch sử của Trung Đoàn 16 anh hùng tại đền thờ Thanh An; tổ chức mỗi năm 2 lần dâng hương tưởng niệm liệt sỹ tại đền thờ Thanh An, Dầu Tiếng; Ấp Chánh, Trảng Bàng ngày 27/7 và Tết Nguyên đán.
Kim Sáng