Mẹ Bọ năm nay đã 96 tuổi, sức khoẻ ngày càng yếu, đầu óc không còn minh mẫn nhưng khi gặp những người đồng chí, đồng đội của hai người con đã hy sinh trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, mẹ vẫn nở nụ cười như muốn hỏi “Tụi bay về thăm má đó à”.
Những ngày cuối tháng 11, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TPHCM cùng các nhà tài trợ tổ chức về Bến Tre để thực hiện sứ mệnh cao cả của những người còn sống với những người đã khuất, đó là chăm lo cho các Mẹ Việt Nam anh hùng, thân nhân các anh hùng liệt sĩ.
Chuyến đi này do Đại tá Nguyễn Văn Ái (hay còn gọi với tên thân thuộc Chín Ái) – Phó Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TPHCM đứng ra làm cầu nối, xứ dừa cũng là quê hương và là nơi ông đã bắn rơi máy bay của địch. Đặc biệt hơn khi ông có đến 2 người mẹ là Mẹ Việt Nam anh hùng.
Những ngày trước đó, trong các buổi làm việc với Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TPHCM, tôi thường nghe Đại tá Chín Ái nói về hoàn cảnh của Mẹ Bọ và ông liên tục đốc thúc để tổ chức bàn giao nhà tình nghĩa cho mẹ. Bởi ông lo, nếu không bàn giao kịp thì Mẹ Bọ sẽ ra đi.
Cho đến khi đoàn có mặt tại ngôi nhà mới còn thơm mùi sơn ở ấp Phước Thiện, xã Phước Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre và gặp Mẹ Bọ thì chúng tôi hiểu rằng tại sao Đại tá Chín Ái lại nôn nóng cho công việc nghĩa tình này đến vậy.
Mẹ Bọ năm nay đã 96 tuổi nhưng vẫn nở nụ cười tươi khi gặp lại các đồng đội của con mình
Trước kia, theo lời của bà con chòm xóm, căn nhà của Mẹ Bọ xập xệ, cuộc sống của gia đình gặp nhiều khó khăn. Sau khi được Đại tá Chín Ái kết nối, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TPHCM đã vận động 60 triệu đồng từ các nhà tài trợ để thi công, sửa chữa lại mái ấm cho gia đình mẹ. Đến nay, ngôi nhà đã hoàn thiện, cuộc sống của gia đình Mẹ Bọ ổn định hơn trước và Tết này chắc chắn sẽ vui hơn.
Mẹ Bọ năm nay đã 96 tuổi, sức khoẻ ngày càng yếu, đầu óc mẹ không còn minh mẫn, mọi sinh hoạt từ ăn uống, đi lại… đều phải trông cậy vào con cái. Từ trước đến nay, chúng tôi có dịp gắn bó, thăm hỏi Mẹ Việt Nam anh hùng ở nhiều địa phương khác nhau, cũng có nhiều hoàn cảnh rất đặc biệt nhưng lúc người con trai bế gọn Mẹ Bọ trong tay để đặt lên chiếc ghế xếp thì ai cũng phải rơi nước mắt. Thân hình mẹ ốm yếu, đôi mắt sâu thẳm, hai gò má nhô cao, mẹ gầy đến nỗi phải dùng mấy sợi dây chun để thắt ống quần lại. Khi thấy nhiều người vây quanh thăm hỏi, có cả những người mặc quân phục, mẹ thều thào không ra tiếng nhưng vẫn cười tươi như đang muốn hỏi “Tụi bay về thăm má đó à”.
Khi được đoàn tặng quà, mẹ rất vui, thi thoảng mẹ lại sờ tay vào túi quà rồi tủm tỉm cười.
Có lẽ trong sâu thẳm trái tim Mẹ Bọ, mẹ chưa bao giờ hết thổn thức khi nhắc về 2 người con liệt sĩ. Đó là liệt sĩ Trần Thị Xoàn và liệt sĩ Trần Văn Chói. Trong đó, liệt sĩ Trần Văn Chói hy sinh năm 1969, liệt sĩ Trần Thị Xoàn hy sinh năm 1971, đến nay mới tìm thấy hài cốt của liệt sĩ Xoàn, còn hài cốt của liệt sĩ Chói vẫn chưa tìm được.
Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TPHCM, nhà tài trợ thăm hỏi sức khoẻ Mẹ Bọ
Chiến tranh đã cướp đi 2 người con của mẹ, tưởng chừng nỗi đau chỉ dừng lại ở đó nhưng sau khi đất nước thống nhất, một người con nữa của mẹ mãi ra đi vì bệnh tật. Vậy là Mẹ Bọ đã mất đi 3 người con, ruột mẹ đau như cắt nhưng mẹ vẫn luôn tự hào vì máu xương của các con đã làm nên những điều kỳ diệu cho đất nước.
Trên bàn thờ, những người đồng đội tranh thủ thắp nén nhang thơm tưởng nhớ hai liệt sĩ đã hy sinh. Đại tá Lê Thanh Song – Phó Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TPHCM xúc động, nói: “Nhìn mẹ mà không kìm được nước mắt, chỉ mong mẹ tiếp tục sống để làm chỗ dựa cho các con”.
Công việc nghĩa tình của Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TPHCM và tấm lòng thơm thảo của các nhà tài trợ đã giúp những ngày cuối đời của Mẹ Bọ trở nên ấm áp, nơi thờ tự các liệt sĩ cũng khang trang, tươm tất hơn.
Mẹ Bọ không biết còn sống được bao lâu nữa nhưng những người làm thiện nguyện phần nào cảm thấy an lòng vì đã hoàn thành xong hoạt động đầy ắp nghĩa tình.
Hành trình của Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TPHCM vẫn tiếp tục, hy vọng sẽ có nhiều tấm lòng thơm thảo “tiếp sức, bơm dầu” để Hội làm tốt hơn vai trò của mình.
Tạm biệt Mẹ Bọ! Những người làm thiện nguyện lại lên đường.
Kim Sáng