Ngày 30/1/2024, tôi được vinh dự tháp tùng đoàn của Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TP.HCM do Nhà báo Đan Hà, Phó chủ tịch Hội làm trưởng đoàn trên chuyến về huyện Tân Trụ, Long An thăm, tặng quà các Mẹ Việt Nam Anh hùng của huyện. Đây là hoạt động mang ý nghĩa trước thềm năm mới của Hội.
Trong không khí thân mật cởi mở thắm tình, chúng tôi được Đ/C Võ Trần Tuấn Thanh – Bí thư Huyện ủy Tân Trụ cùng các anh chị em Sở Lao động – Thương binh & Xã hội huyện cùng các ban ngành, đoàn thể địa phương tiếp đón, hỗ trợ rất chu đáo.
Được biết, huyện Tân Trụ có 409 mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh hùng. Hiện còn sống 11 mẹ.
Vì thời gian không cho phép đến đến thăm tất cả 11 mẹ nên chúng tôi đề nghị được đến thăm, tặng quà trực tiếp 3 mẹ, gồm mẹ Hồ Thị Mười ở xã Bình Trinh Đông và hai mẹ cùng ở xã Tân Bình là mẹ Lê Thị Hai và mẹ Nguyễn Thị Bảy.
Điều đầu tiên khiến chúng tôi rất mừng là cả ba mẹ dù tuổi cao nhưng vẫn còn khỏe mạnh, minh mẫn. Các mẹ tỏ ra rất quen thuộc với việc được các đoàn đến thăm. Nhưng khi chúng tôi đến, mẹ nào cũng rất vui, niềm vui hiện rõ trong từng ánh mắt, nụ cười.
Đặc biệt, mẹ Nguyễn Thị Bảy năm nay bước vào tuổi 104 nhưng còn rất minh mẫn, khỏe mạnh, dáng người tầm thước, rắn rỏi, đi lại không cần người dìu. Mẹ có chồng là liệt sĩ Châu Văn Đối và 6 người con, trong có, có 2 người hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước là liệt sĩ Châu Văn Tư và Châu Thị Năm. Có lẽ đây là nỗi đau lớn nhất trong đời mà mẹ đã chịu đựng và vượt qua bằng sự mạnh mẽ kiên cường của mình. Cho nên suốt quãng đời còn lại, không có nỗi đau, sự vất vả nào quật ngã mẹ được. Đây cũng là mẫu số chung lý giải vì sao đa số mẹ Việt Nam Anh hùng sống thọ, sống khỏe và rất lạc quan.
Sau khi trò chuyện, thăm hỏi, tặng quà và phong bì cho mẹ Bảy, chúng tôi ai nấy cũng đều bất ngờ và xúc động khi được mẹ trao tận tay mỗi người một bao lì xì đỏ mà mẹ đã chuẩn bị sẵn.
Trước khi từ giã mẹ Bảy và gia đình, đoàn chúng tôi đã cùng thấp nén hương tri ân trước di ảnh liệt sĩ và trước Bằng Tổ quốc ghi công, mượn làn khói thơm bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với những cống hiến, hy sinh của các anh hùng, liệt sĩ cho Tổ quốc và nhân dân.
Thay mặt Hội HTGĐLS TP.HCM, Nhà báo Đan Hà ân cần gửi đến mẹ Bảy lời chúc sức khỏe, mong mẹ tiếp tục sống vui, sống khoẻ, sống thọ… để còn được dịp đến thăm mẹ thêm nhiều lần nữa.
Tuy ít tuổi hơn mẹ Bảy là mẹ Lê Thị Hai sinh năm 1933 cùng ngụ tại Ấp 5 xã Tân Bình. Khi chúng tôi đến, mẹ đi trao quà tết cho bà con nghèo trong xóm mới vừa về. Mẹ đang ở cùng một người con trai cùng tu tại gia. Gian chính của ngôi nhà mẹ dùng làm nơi thờ Phật và cạnh bên đặt ban thờ liệt sĩ.
Mấy tháng nay mẹ đi lại đã khó khăn hơn. Mẹ ngồi lọt thỏm trong chiếc xe lăn, gương mặt toát ra vẻ thanh thoát hiền từ, luôn miệng cười nói vui vẻ với các thành viên trong đoàn. Mẹ cứ nhắc tới nhắc lui rằng mẹ không kịp chuẩn bị gì cho các con. Nhìn làn da trắng, cánh mũi thanh tú, gương mặt trái xoan, tôi ước chừng ngày còn trẻ hẳn mẹ phải là một cô gái đẹp.
Trong ba mẹ mà chúng tôi tới thăm thì mẹ Hồ Thị Mười ở Bình Trinh Đông ít tuổi hơn. Mẹ sinh năm 1939, vừa là vợ vừa là mẹ liệt sĩ. Hằng ngày mẹ vẫn quét dọn nhà cửa, chăm sóc sân vườn, nấu cơm… Vẫn còn nhớ từng chi tiết những câu chuyện của một thời gian khổ nhưng lắm tự hào.
Đất nước thống nhất đã gần 50 năm. Non nửa thế kỷ trôi qua nhưng tổn thất mà chiến tranh để lại với các mẹ Việt Nam Anh hùng là không có gì bù đắp nổi.
Về đây chúng tôi mới thấy hết được sự quan tâm của lãnh đạo huyện trong việc chỉ đạo thực hiện công tác chăm lo, phụng dưỡng các Mẹ Việt Nam anh hùng từ tinh thần đến vật chất. Việc làm này không chỉ mang ý nghĩa an ủi, xoa dịu nỗi đau do vết thương chiến tranh để lại cho các mẹ mà còn góp phần giáo dục về truyền thống, lòng tri ân đối với những người đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc cho các bạn trẻ, thế hệ sinh ra và lớn lên trong hòa bình.
Quy luật của cuộc sống không thể tránh khỏi sinh lão bệnh tử. Theo thời gian các mẹ sẽ từ biệt cõi trần do tuổi cao sức yếu. Nhưng trang sử hào hùng của dân tộc mãi mãi sẽ còn khắc ghi công ơn của các mẹ cho đến muôn đời sau.
Chúng tôi tạm biệt các mẹ, tạm biệt mãnh đất Tân Trụ anh hùng trong tâm trạng phấn khởi vui mừng vì vừa hoàn thành nhiệm vụ mà Hội giao phó. Nhưng cũng có chút chạnh lòng. Không ai nói ra nhưng ai cũng hiểu khi nhà báo Đan Hà cảm thán: “Mới 27/7 năm rồi xuống thăm còn 12 mẹ mà nay chỉ còn 11”.
Trước thềm năm mới, xin chúc các mẹ: “Phước như Đông hải, thọ tỷ Nam sơn”.
Ngô Thị Thu Vân