Chủ Nhật, Tháng chín 15, 2024

VỀ NGUỒN

MINH HUỆ

5H sáng, trời cuối năm mờ sương. Gió trượt trên cánh tay lành lạnh khiến ta khẽ co người trong buổi sớm nhiệt độ hạ xuống dưới 200C của vùng đất phương Nam quanh năm nắng gió. Những người lính già từ TP.HCM thuộc Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TP.HCM cùng nhau làm cuộc hành quân về chiến khu D – “Thủ đô kháng chiến miền Nam”, để nhớ về một thời binh nghiệp khói lửa, tưởng nhớ những đồng đội đã dọc dài khắp miền Tổ quốc giờ nằm lại mảnh đất miền Đông anh dũng, gian lao.

Đoàn cán bộ HHTGĐLS TP.HCM dâng hương tại chiến khu D tháng 12 na9m 2021

Nơi ngã ba Bà Hào, đầu con đường dẫn vào Khu di tích đặt bức biểu trưng chiến khu D cao trên 11m, dài 15,6m được xây cong hình cánh cung, trên đắp nổi các bức phù điêu hình ảnh quân giải phóng, sừng sững trắng loá trong nắng sớm. Khu di tích nằm trong Khu sinh thái văn hoá, lịch sử chiến khu D thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai.

Để kịp thời đáp ứng yêu cầu lãnh đạo cách mạng miền Nam, Trung ương Cục miền Nam được Bộ Chính trị Trung ương Đảng ra quyết định thành lập vào tháng 1/1961, chỉ định 10 cán bộ lãnh đạo trong Ban chấp hành do Nguyễn Văn Linh làm Bí thư. Nằm sâu giữa cánh rừng già Mã Đà của vùng núi rừng rộng lớn chiến khu D, lễ thành lập Trung ương Cục miền Nam được tổ chức long trọng, lấy suối Nhung làm căn cứ địa. Cơ quan cao nhất của Đảng tại miền Nam có nhiệm vụ lãnh đạo chỉ đạo toàn bộ chiến trường miền Nam.

Sang năm 1962, địch mở nhiều cuộc càn quét vào các vùng căn cứ của ta, hỗ trợ cho các đoàn bình định tiến hành gom dân, lập ấp chiến lược, quyết tâm đẩy lực lượng ta ra xa. Để đảm bảo an toàn cho việc lãnh đạo cuộc kháng chiến còn trường kỳ, Trung ương Cục quyết định dời căn cứ về bắc Tây Ninh.

 Tuy chỉ đứng chân ở vùng đất Mã Đà – Đồng Nai hơn một năm, nhưng từ đây các quyết sách, đường lối chỉ đạo cách mạng miền Nam được đưa ra, tạo nên nhiều chiến thắng vang dội làm quân địch choáng váng, nức lòng đồng bào chiến sĩ khắp miền như chiến thắng Phước Thành mùa thu năm 1961, tiêu diệt hoàn toàn bộ máy chỉ huy quân sự, hành chính của địch, làm chủ tỉnh lỵ Phước Thành.

Sau nhiều lần tôn tạo bằng cả nguồn vốn ngân sách tỉnh và nguồn vốn xã hội hóa, Khu di tích Trung ương Cục miền Nam được xây dựng các công trình: Bia tưởng niệm, Nhà bia, Đền tưởng niệm, Đền thờ liệt sĩ, Tượng đài liệt sĩ, Nghĩa trang liệt sĩ Mã Đà… Trên đỉnh đồi, giữa những cây săng lẻ huyền thoại cả trăm năm tuổi của rừng miền Đông cao vút, tán lá xòe rộng đung đưa, Bia tưởng niệm cán bộ, chiến sĩ của Trung ương Cục miền Nam bằng đá hoa cương đỏ đứng uy nghiêm, trầm mặc. Vẫn còn đó khắc ghi tên tuổi 10 lãnh đạo đầu tiên trong Ban chấp hành và 10 nhiệm vụ Trung ương Cục miền Nam đề ra trong Hội nghị lần thứ nhất.

Đền tưởng niệm với diện tích 114m2, hơn 200 hình ảnh hiện vật gắn liền với thời kỳ Trung ương Cục miền Nam đứng chân được xây dựng theo kiến trúc đình chùa Nam bộ, mái ngói âm dương, men xanh. Những trang giấy đánh máy đường lối, nghị quyết chỉ đạo cuộc kháng chiến, những báo cáo gửi Trung ương Đảng về tình hình cách mạng miền Nam được lưu lại dù mờ đi theo năm tháng nhưng với những người lính đã từng nằm gai nếm mật giữa rừng miền Đông dường như vẫn nguyên nhịp đập của cuộc kháng chiến ác liệt ngày nào.

Chiến tranh, đồng nghĩa với hy sinh, mất mát. Mảnh đất Đồng Nai với các địa danh nổi tiếng: suối Nhung, Bà Hào, suối Linh, Mã Đà… qua mấy chục năm khói lửa, hàng ngàn người lính đã anh dũng chiến đấu và nằm lại nơi đây. Dưới bóng cây đa cổ thụ lớp rễ dài cả chục mét buông xuống như tấm rèm nâu, thế hệ cháu con lập ngôi nhà chung cho các anh chị – Đền thờ liệt sĩ. Những người lính bước qua gốc đa đầu làng là về tới nhà mình nên dù có cách xa quê hương ngàn dặm thì trong vòng tay ấm áp của tình người miền Đông, các anh chị thực sự đã trở về nhà, an giấc ngàn thu.

Những cựu binh hôm nay tới thăm đồng đội, thắp nén nhang thơm mà lòng rưng rưng. Làn khói mỏng thoảng hương trầm quấn quanh khiến họ cay mắt. Bức tượng người chiến sĩ hy sinh trong Tượng đài liệt sĩ không đơn độc, đầu anh gối trong đôi tay đồng đội, mặt ngước lên bầu trời xanh, tay vẫn chưa rời khẩu súng. Bức điêu khắc bằng đá bi tráng ấy được tạo nên bởi ý tưởng của câu chuyện có thật về người chiến sĩ hy sinh trong trận B52 rải thảm vào căn cứ 505 (Ban thông tin liên lạc miền Đông) năm 1966, tới phút cuối vẫn nghĩ cho người còn sống, một lòng hướng về lý tưởng cao đẹp, thương đau mà anh dũng, có lẽ là bức tượng duy nhất khắc họa hình ảnh liệt sĩ ở khoảnh khắc anh ngã xuống. Phía sau anh là cảnh đồng đội thay anh đi tiếp cuộc kháng chiến trường kỳ, là cảnh quê hương ngày tiễn anh đi giờ đón anh hoàn thành nhiệm vụ trở về được khắc trên những bức phù điêu đá trắng.

Cái nắng ban trưa đổ lửa nhưng giữa bạt ngàn cây xanh dịu nhẹ như tơ, khiến bước chân đoàn cựu binh vào khu Nghĩa trang liệt sĩ Mã Đà níu lại chầm chậm. “Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi/ Cho đồng đội nằm yên dưới cỏ”. Tiếng cô hướng dẫn viên mảnh mai trong bộ trang phục bà ba đen cất lên, bất giác hơi thở nén lại, không gian chỉ còn tiếng lá khẽ chạm nhau trong làn gió thoảng.

“Thắp một nén nhang và khóc ít thôi/Tôi thầm nhủ lòng mình như vậy/Để một phút lắng lòng nghe bạn gọi/Bạn nằm lại nơi nào bạn ơi”!

Trong bầu không khí mát lạnh bảng lảng khói hương, 70 chiến sĩ đang yên ngủ. Các anh nằm lại nơi này với ý nghĩa vinh quang kỷ niệm 70 năm ngày thành lập căn cứ địa chiến khu D. 70 bia mộ, 65 bia để trắng… Khi các anh được tìm thấy, xương cốt còn đây nhưng tên tuổi đã hòa cùng đất mẹ, hồn thiêng bay lên hóa mây trời. Trong 5 bia mộ có khắc tên, có một ngôi mộ xương cốt liệt sĩ đã theo gia đình về quê hương Nghệ An xa xôi gió lào cát trắng. Bốn bia mộ khắc tên còn lại là bốn chiến sĩ hy sinh dưới gốc đa cổ thụ ngay trước ngày non sông thống nhất hơn 1 tuần lễ, ngày 22/4/1975. Các anh được tìm thấy khi Khu di tích tiến hành trùng tu xây dựng. Khu di tích lấy ngày này làm ngày giỗ chung cho hàng ngàn, hàng vạn người con anh hùng trên khắp nẻo quê hương nguyện hy sinh xương máu vì Tổ quốc đã ở lại đất mẹ chiến khu D, ngày 22/4 hằng năm.

Trên tấm bia đá lối vào nghĩa trang có khắc mấy dòng thơ của tác giả Nguyễn Thị Tiến với bút danh Hoa Hải Đường:

“Hàng bia dài lòng đau xót biết bao

Man mác nhớ về một thời máu lửa

Đất nước mạnh giàu các anh không còn nữa!

Bước chân tôi chầm chậm chẳng muốn về!

Các anh ơi!

Nơi đây cũng là quê

Hãy yên nghĩ giữa thắm màu hoa lá!

Gió ngọt ngào hát ru anh ngủ

Đậm nghĩa tình từ khách đủ muôn phương!

Đó cũng là tâm trạng của đoàn cựu binh về thăm các anh hùng liệt sĩ. Có những mái đầu bạc cúi xuống lặng yên, có khóe mắt cay cay hương khói. Lặng lẽ, kính cẩn, run run thắp từng nén nhang lên từng ngôi mộ, lần lượt, chậm rãi suốt dọc ngang những hàng mộ im lìm bên cây cỏ, hẳn lòng người lính già đang nhớ về đồng đội một thời gian khổ, ác liệt đã thay mình nằm xuống. Người còn sống và người đã khuất dù ở hai thế giới nhưng luôn ấm áp bởi những kết nối lặng thầm.

Còn bao đồng đội vẫn nằm lại với đại ngàn sâu thẳm, là còn bấy nhiêu gia đình vẫn ngày đêm ngóng chờ, còn bao bà mẹ hàng đêm khóc cạn nước mắt. Và cũng còn bao day dứt cho những người còn sống về món nợ tri ân. Họ về thăm mảnh đất chiến khu D anh hùng, cái nôi của cách mạng miền Nam thời kháng chiến để thêm sức lực bước tiếp trên hành trình tri ân không mệt mỏi, mà những người cựu chiến binh hôm nay nguyện cống hiến tới cuối cuộc đời.

Bài viết liên quan

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận
Nhập tên của bạn

Bài viết phổ biến

Bình luận gần đây