Thứ Tư, Tháng Mười Hai 6, 2023
Trang chủHOẠT ĐỘNG HỘIVỀ NGUỒN TRƯỚC THỀM XUÂN (*)

VỀ NGUỒN TRƯỚC THỀM XUÂN (*)

Ghi chép Trần Thế Tuyển

Khi gió heo may về, rừng thiêng nước độc thuở xưa bỗng bừng sắc mới. Xe chúng tôi qua hồ Trị An, qua thị tứ Mã Đà bon bon trên con đường rải nhựa phẳng lỳ tiến vào khu di tích Khu ủy Miền Đông- Trung ương Cục Miền Nam thuộc xã Phú Lý huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai.

Sau mấy tháng liền căng mình cùng lực lượng tuyến đầu, LLVT và nhân dân chống dịch như chống giặc, những người lính Cụ Hồ trong đội hình những người thiện nguyện của Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TPHCM trở về nguồn như báo cáo với tổ tiên, những tiền bối của một thời dựng nước và giữ nước công việc đã làm và thâu nạp thêm nguồn năng lượng cho hành trình thiện nguyện tri ân liệt sĩ và hỗ trợ gia đình liệt sĩ.

Di tích lịch sử Khu ủy Miền Đông trong thời kỳ chống Pháp và Trung ương Cục Miền Nam trong thời kỳ đầu chống Mỹ là một địa danh quen thuộc và thân thương. Cô gái xinh đẹp hướng dẫn viên kể cho du khách lịch sử vùng đất lừng danh này. Chiến khu D không chỉ là mật danh theo thứ tự các căn cứ kháng chiến mà còn gắn liền với đặc thù của vùng đất từng được mệnh danh là ” thủ đô kháng chiến Miền Nam”. Bởi đây là đại bản doanh, nơi làm việc của các đồng chí lãnh đạo cách mạng Miền Nam như: Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt; các danh tướng: Trần Văn Quang, Nguyễn Bình, Trần Văn Trà… và, cả thi tướng Huỳnh Văn Nghệ, tác giả của những câu thơ đi cùng năm tháng: “Từ thuở mang gươm đi mở cõi/ Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long …”.

Trong đoàn du khảo về nguồn sau đại dịch có những vị tướng mà cuộc đời và sự nghiệp của các ông gắn liền với mảnh đất thiêng này. Đó là Trung tướng Lưu Phước Lượng (Năm Lượng), nguyên Bí thư Đảng ủy, Phó Tư lệnh về chính trị Quân khu 9, nguyên Phó Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ và phu nhân – Đại tá Mạc Phương Minh, có mẹ là liệt sĩ hy sinh thời chống Mỹ trên chiến trường Miền Đông. Ngồi trên xe, mọi người cười nói vui vẻ trước sự kỳ vĩ của vùng chiến khu linh thiêng và huyền thoại thì Năm Lượng trầm tư suy nghĩ. Ông phóng tầm mắt xa xăm về phía cánh rừng mịt mùng, lảng bảng sương mờ, thấp thoáng ánh nắng mặt trời. Tôi phần nào hiểu được tâm trạng của Năm Lượng, bởi mới đây tôi đọc tập hồi ức “Dấu ấn cuộc đời” của ông. Tác giả Lưu Phước Lượng đã dành những trang viết dạt dào cảm xúc về đất và người Chiến khu D. Những năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ Đại tá Lê Bình (Lưu Phước Anh) thân phụ của Năm Lượng đã từng chiến đấu ở đây. Là Tỉnh đội trưởng tỉnh đội Phước Thành, ông Tư Bình (bí danh của Đại tá Lê Bình) đã gắn bó với chiến khu lừng danh này. Đặc biệt khi về làm Chính ủy bệnh viện K71 (tiền thân của Bệnh viện Thống Nhất TP. HCM), ông Tư Bình đã cùng ông Nguyễn Thiện Thành (thân phụ của nguyên UVBCT Nguyễn Thiện Nhân) lãnh đạo, chỉ huy đơn vị vừa điều trị thương bệnh binh vừa đánh giặc. Cuốn sách “Bệnh viện đánh giặc” của tác giả Lê Bình (Lưu Phước Anh) đã kể về những tháng ngày gian khổ mà anh dũng của các chiến sĩ quân y Quân giải phóng Miền Nam thời chống Mỹ. Và, đối với Trung tướng Lưu Phước Lượng, mảnh đất chiến khu này gắn bó với ông ngay từ ngày đầu theo cha vào rừng làm cách mạng. Ngày ấy, Lưu Phước Lượng còn là chàng thư sinh sinh ra trên thị xã Bình Dương thơ mộng. Ông có điều kiện ở gần cha. Nhưng Năm Lượng đã chọn cho mình lối đi riêng: Xuống đơn vị trực tiếp chiến đấu. Là chiến sĩ thông tin Miền tăng cường cho Trung đoàn Quyết Thắng, mùa hè Mậu Thân năm 1968, Năm Lượng có mặt trong những trận đánh khốc liệt ở vùng ven Sài Gòn. Trong một trận đánh không cân sức ở Gò Vấp, Năm Lượng cùng đồng đội chiến đấu đến viên đạn cuối cùng. Chính ông đã chứng kiến sự hy sinh anh dũng của Trung đoàn trưởng và Chính ủy Trung đoàn…

Có lẽ thế, khi trở lại mảnh đất này, ký ức một thời chiến trận như cuốn phim quay chậm. Tay run run, Năm Lượng thắp nhang tưởng nhớ đồng đội. Những ngôi mộ liệt sĩ chưa biết tên lúc ẩn, lúc hiện trong sương mờ và khói hương nghi ngút.

Cùng tâm trạng với chồng, tôi nhận ra những giọt nước mắt trên gò má của Đại tá Mạc Phương Minh. Cũng qua hồi ức “Dấu ấn cuộc đời” của Lưu Phước Lượng, tôi cảm nhận được nỗi lòng của người con gái Miền Tây Nam Bộ ngoài hai mươi tuổi lên chiến khu Miền Đông tìm mẹ. Thật đau buồn, Mạc Phương Minh đến đơn vị của mẹ thì bà đã hy sinh cách đó không lâu. Thắp nhang trên ngôi mộ còn thơm mùi đất mới giữa rừng Miền Đông, Mạc Phương Minh hứa với mẹ sẽ phấn đấu học tập, chiến đấu để xứng đáng với sự hy sinh cao cả của mẹ và những người đi trước. Mạc Phương Minh đắm chìm trong cảnh vật linh thiêng và huyền ảo của Chiến khu D. Mắt bà nhòe đi khi nhận ra, trong ánh nắng màu mật ong, từ những ngôi mộ chưa biết tên, linh hồn liệt sĩ ẩn hiện như mừng vui đón tiếp đồng đội những người kế tục trở về nguồn.

Về thăm lại mảnh đất thiêng, nơi có vị Trung tướng lừng danh Nguyễn Bình đã sống và chiến đấu không chỉ có Trung tướng Lưu Phước Lượng mà còn có Trung tướng, PGS TS Nguyễn Đức Hải, nguyên Tư lệnh Quân đoàn 3, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Quốc phòng. Khi ông Nguyễn Bình được Bác Hồ phong quân hàm Trung tướng, hai vị tướng này chưa ra đời. Nhưng chắc chắn các Trung tướng con này thấm đậm phẩm chất và khí tiết của Trung tướng thế hệ cha. Cả cuộc đời chiến trận, cũng như Lưu Phước Lượng, Nguyễn Đức Hải gắn bó với chiến trường Miền Nam, Tây Nguyên. Trước khi làm Tư lệnh Quân đoàn, Nguyễn Đức Hải làm Sư đoàn trưởng Sư đoàn 10 với những trận đánh khốc liệt bảo vệ biên giới Tây Nam và làm nghĩa vụ quốc tế trên đất bạn.

Trở lại Chiến khu D “thủ đô kháng chiến” một thời, Đức Hải không giấu được cảm xúc. Tôi thấy “vị Trung tướng con” bồi hồi như không muốn xa những hiện vật quý trong phòng trưng bày truyền thống, bên những bức tượng tiền bối…Điều đó lý giải vì sao các “vị tướng con” này được Đảng, Nhà nước, Quân đội cho nghỉ hưu, các ông lại dấn thân thêm một lần nữa tham gia Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ đi tìm mộ đồng đội và chia sẻ với các Bà mẹ VN Anh hùng, thân nhân liệt sĩ.

Trở lại Chiến khu D khi mùa xuân đang về. Rừng đại ngàn như đang thay áo mới. Trong ánh nắng màu mật ong, hương rừng Miền Đông ngào ngạt. Đại dịch Covid-19 tạm lắng, dòng người du khảo về nguồn như dòng sông không ngừng chảy. Chiến khu D lừng danh không còn là rừng thiêng nước độc đang từng giờ, từng phút hồi sinh./.

Mã Đà, Xuân Nhâm Dần – 2022

(*) Bài đăng báo Xuân Nhâm Dần Hội Nhà báo TP. HCM

Bài viết liên quan

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận
Nhập tên của bạn

Bài viết phổ biến

Bình luận gần đây