Về nguồn là một trong những hoạt động không thể thiếu của những người làm công tác thiện nguyện thuộc Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TP HCM (Hội HTGĐLS TP. HCM). Năm nay, Hội HTGĐLS TP. HCM phối hợp Ban Liên lạc truyền thống Sư đoàn 5 tổ chức về nguồn tại Lộc Ninh (Bình Phước) để ôn lại lịch sử hào hùng của dân tộc và những chiến công của Quân giải phóng miền Nam trong chiến thắng Lộc Ninh tháng 4/1972, để chăm lo gia đình liệt sĩ và để tạo sự gắn kết giữa Hội HTGĐLS TP. HCM với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhằm tạo sự lan tỏa và tiếp tục đẩy mạnh hoạt động nghĩa tình của Hội.
Chuyến đi được tổ chức trong hai ngày 28 và 29/10/2022 do Đại tá Trần Thế Tuyển, nguyên Tổng Biên tập Báo Sài gòn Giải phóng, Chủ tịch Hội HTGĐLS TP. HCM và Trung tướng Lưu Phước Lượng, nguyên Phó Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, Trưởng Ban Liên lạc truyền thống Sư đoàn 5 dẫn đầu. Cùng tham gia đoàn có Trung tướng, PGS TS Nguyễn Đức Hải, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Quốc phòng, thành viên Tổ Tư vấn Hội HTGĐLS TP. HCM; Trung tướng PGS TS Trần Xuân Ninh, nguyên Giám đốc Học viện Lục quân, Phó Ban Liên lạc truyền thống Sư đoàn 5; Trung tướng PGS TS Từ Ngọc Lương, nguyên Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân 2, Phó Ban Liên lạc truyền thống Sư đoàn 5; cùng các ủy viên Ban Thường vụ Hội HTGĐLS TP. HCM, thành viên Ban Liên lạc truyền thống Sư đoàn 5, đại diện lãnh đạo Công ty Cổ phần Địa ốc Xanh Toàn Cầu và phóng viên các báo, đài.
Xuất phát lúc 6 giờ 30 phút ngày 28/10/2022 tại Văn phòng Hội HTGĐLS TP. HCM, điểm đến đầu tiên của Đoàn là Tượng đài Chiến thắng chốt chặn Tàu Ô thuộc xã Tân Khai, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước. Đây là một điểm chốt quan trọng trong hệ thống chốt chặn của Sư đoàn 7 nhằm ngăn chặn quân chi viện của địch từ Sài Gòn lên Lộc Ninh sau khi ta giải phóng Lộc Ninh ngày 07/4/1972. Sư đoàn 7 cùng với quân và dân địa phương với lòng dũng cảm, sự mưu trí, sáng tạo, vận dụng linh hoạt cách đánh chốt đã giữ vững trận địa dài ngày, đánh bại các cuộc tiến công tiêu diệt chốt của địch. Nhằm tri ân liệt sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam đã hy sinh tại chốt chặn Tàu Ô năm 1972, năm 2009 Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước phối hợp với Sư đoàn 7 xây dựng Tượng đài Chiến thắng chốt chặn Tàu Ô, Nhà bia tưởng niệm ghi danh liệt sĩ Sư đoàn 7 và liệt sĩ thuộc các lực lượng vũ trang địa phương đã hy sinh tại đây. Ngày 29/3/2012 di tích địa điểm Chiến thắng Tàu Ô được Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử quốc gia. Tại đây, Đoàn đã cùng đại diện lãnh đạo Sư đoàn 5, Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh Bình Phước và Ban Chỉ huy Quân sự huyện Hớn Quản dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và hơn 1.600 cán bộ, chiến sĩ, đồng bào ta trong trận chốt chặn lịch sử Đường 13 – Tàu Ô – Xóm Ruộng mùa hè 1972.
Rời Tượng đài Chiến thắng Tàu Ô, đoàn di chuyển đến xã Lộc Tấn, huyện Lộc Ninh để dự Lễ trao nhà tình nghĩa cho bà Hồ Thị Lơ (con của Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Út) tại tổ 1, ấp 1B. Tham dự Lễ trao nhà có ông Hoàng Nhật Tân, Phó Bí thư Thường trực huyện ủy cùng đại diện các ban, ngành, đoàn thể huyện Lộc Ninh và xã Lộc Tấn, đại diện Hội HTGĐLS tỉnh Bình Phước. Căn nhà trị giá 60.000.000 đồng do Hội HTGĐLS TP. HCM vận động Công ty cổ phần Địa ốc Xanh Toàn Cầu tài trợ. Ngoài ra, Hội HTGĐLS TP. HCM và Công ty cổ phần Địa ốc Xanh Toàn Cầu cùng các đơn vị, địa phương đã trao nhiều phần quà gồm tiền mặt và hiện vật cho gia đình bà Hồ Thị Lơ. Tại đây, Hội HTGĐLS TP. HCM và Bộ Chỉ huy Sư đoàn 5 đã trao tặng 11 phần quà (mỗi phần gồm quà trị giá 1.000.000 đồng do bà Nguyễn Thị Tuyết – TGĐ Công ty TNHH Tuyết Nguyên tài trợ, 1.000.000 đồng tiền mặt và 20kg gạo) cho 11 gia đình chính sách khó khăn trên địa bàn huyện Lộc Ninh.
Phát biểu tại buổi lễ, Đại tá Trần Thế Tuyển – Chủ tịch Hội HTGĐLS TP. HCM bày tỏ: “Hôm nay chúng tôi trở lại Lộc Ninh với cảm xúc dâng trào vì được làm công việc của người đang sống với người đã khuất, đó là tri ân các anh hùng liệt sĩ, những người làm nên lịch sử của dân tộc”. Chủ tịch Hội cũng gởi lời cám ơn đến Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện Lộc Ninh, lãnh đạo xã Lộc Tấn, Hội HTGĐLS tỉnh Bình Phước, lực lượng vũ trang địa phương, các nhà tài trợ đã đồng hành cùng Hội trong công tác đền ơn đáp nghĩa.
Điểm đến tiếp theo của Đoàn là tham quan khu căn cứ Tà Thiết tại xã Lộc Thành, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước; nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử có ý nghĩa to lớn, có tính chất quyết định đến cách mạng miền Nam, góp phần làm nên chiến thắng Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Tại đây, Đoàn đã dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng liệt sĩ; sau đó được hướng dẫn tham quan và nghe thuyết minh về lịch sử của khu căn cứ. Được biết, sau khi Lộc Ninh được giải phóng (ngày 07/4/1972), Sở Chỉ huy của Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam (Bộ Chỉ huy Miền) đóng tại khu B Chiến khu Dương Minh Châu – Tây Ninh được dời về khu vực Tà Thiết. Đây là trung tâm đầu não, là nơi ở và làm việc của cơ quan B2, có nhiều công trình và nhà làm việc của các đồng chí chỉ huy cao cấp trong Bộ Tư lệnh Miền như: Tư lệnh Trần Văn Trà, Phó Tư lệnh Nguyễn Thị Định, Chính ủy Phạm Hùng, Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Lê Đức Anh… Việc chọn Tà Thiết là nơi đứng chân của Bộ Chỉ huy Miền bởi Lộc Ninh là vùng giải phóng rộng lớn, huyện giải phóng đầu tiên của miền Nam, là thủ phủ của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, là đoạn cuối đường mòn Hồ Chí Minh nơi tiếp nhận dự trữ sức người, sức của từ hậu phương lớn miền Bắc chi viện vào cho chiến trường miền Nam; với thế rừng rộng lớn, khí hậu ít khắc nghiệt, lại gây được yếu tố bất ngờ đối với địch, đó là những lợi thế để Bộ Chỉ huy Miền chọn Tà Thiết làm căn cứ. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, do tình hình phức tạp của chiến tranh nên căn cứ Bộ Chỉ huy Miền đã phải di chuyển qua nhiều nơi nhưng căn cứ Tà Thiết là căn cứ cuối cùng được xây dựng vào tháng 02/1973 và được xây dựng quy mô, kiên cố nhất, không những là nơi dự trữ hậu cần chiến lược mà còn là nơi thành lập Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh, là nơi các chủ trương và kế hoạch lớn được hình thành và phát đi, chỉ dẫn cho toàn quân, toàn dân tiến lên thực hiện trận quyết chiến chiến lược cuối cùng góp phần giải phóng Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam, tiến tới thống nhất đất nước.
Với ý nghĩa lịch sử to lớn, ngày 16/11/1998, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Căn cứ Quân ủy – Bộ Chỉ huy các lực lượng vũ trang Quân giải phóng miền Nam Việt Nam (Tà Thiết) là di tích lịch sử quốc gia. Năm 1995 căn cứ được phục hồi nguyên trạng; năm 1997 đến nay, di tích được trùng tu, sửa chữa khang trang, có Tượng đài chiến thắng, Đền thờ chính, Nhà truyền thống… Ngày 23/12/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định công nhận Di tích căn cứ Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam là di tích quốc gia đặc biệt.
Đêm Lộc Ninh yên tĩnh, bên tách trà nóng, 04 vị Trung tướng và các sĩ quan CCB – những người đã từng vào sinh ra tử trên chiến trường này cùng giao lưu với các thế hệ 7x, 8x, 9x và các doanh nhân đang đồng hành cùng Hội trải lòng mình về sự dấn thân vào công việc tri ân liệt sĩ. Vì sao? Vì nghĩa tình đồng đội, vì trách nhiệm của người đang sống đối với người đã khuất, vì sự biết ơn đối với các anh hùng liệt sĩ… Sự gần gũi, chân tình giữa các thế hệ cùng với những trải nghiệm, cảm nhận sau 01 ngày về nguồn tại Lộc Ninh đã hun đúc thêm nhiệt huyết của những người thiện nguyện. Dù đêm khuya, gió lạnh vẫn thổi từng cơn, nhưng lòng mỗi người ấm nồng bởi tình quân dân, đồng đội.
Sáng ngày 29/10/2022, Đoàn đến dâng hương tại di tích lịch sử quốc gia Cục Hậu cần Quân giải phóng miền Nam Việt Nam giai đoạn 1973- 1975 (Cục Hậu cần Miền) tại ấp Hiệp Hoàn, xã Lộc Hiệp, huyện Lộc Ninh. Tại đây, có Đền tưởng niệm hơn 9.000 liệt sĩ (là quân, dân y và thương bệnh binh đã hy sinh) nay vẫn chưa tìm được hài cốt và Nhà trưng bày lưu giữ những hiện vật, tài liệu, hình ảnh có liên quan đến cán bộ, chiến sĩ Cục Hậu cần Miền trong các giai đoạn từ khi hình thành, phát triển đến khi kết thúc hoạt động tại khu vực Cầu Trắng.
Trước khi đến tham quan khu vực X16 tại xã Lộc Tấn, huyện Lộc Ninh, nơi có cụm công trình lưu niệm về “Hành trình cứu nước của Thủ tướng Campuchia Hun Sen”, đoàn đã đến dâng hương tại bia tưởng niệm 35 cán bộ chiến sĩ đồn biên phòng Hoa Lư đã anh dũng hy sinh trong chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam năm 1978. Cụm công trình lưu niệm gồm có: Bia đá lưu niệm tại điểm dừng chân X16; điểm cất giấu vũ khí; điểm gặp dân quân và nhân dân Việt Nam; nhà trưng bày triển lãm hình ảnh, hiện vật liên quan đến hành trình cứu nước của Thủ tướng Campuchia Hun Sen.
Có thể nói, chuyến về nguồn tại huyện biên giới Lộc Ninh (tỉnh Bình Phước), nơi đã khắc ghi vào lịch sử dân tộc với những dấu ấn đặc biệt đã tạo cảm xúc dâng tràn, tiếp sức cho những người thiện nguyện tiếp tục cống hiến tri ân liệt sĩ và hỗ trợ gia đình liệt sĩ ./.
Bài: Phạm Út
Ảnh: Thảo Nguyên Hà
Sau đây là một số hình ảnh chuyến về nguồn của Đoàn: