Thứ tư, Tháng chín 18, 2024

VỀ LẠI NGÃ BA ĐÔNG DƯƠNG

VỀ LẠI NGÃ BA ĐÔNG DƯƠNG

Trình Tự Kha

17/2/1973

Cũng ngày này của tháng trước, chúng tôi rời núi rừng Nho Quan hành quân vào chiến trường Miền Nam với phiên hiệu Đoàn 2020. Không thể không nói vài lời về Đoàn 2020 này: Tiểu đoàn 2020 có 4 Đại đội với gần 500 quân thì 2 đại đội là sinh viên năm thứ nhất, năm thứ hai của các trường đại học ở Hà Nội; 2 đại đội còn lại là cán bộ công nhân viên của các cơ quan, nhà máy xí nghiệp trên địa bàn Hà Nội; có các thầy giáo, các họa sĩ, có cả các kỹ sư, công nhân kỹ thuật vừa từ các nước XHCN Đông Âu trở về; có đủ đại diện các nhà máy cơ khí Gia Lâm, Dệt 8/3, May 10, hóa chất Đức Giang, cơ khí Trần Hưng Đạo…; có cả diễn viên Đoàn Xiếc Hà Nội, Nhạc Viện Hà Nội.

Cả dân tộc đang dồn sức cho trận đánh quyết định cuối cùng, vì thế những người con ưu tú của Thủ đô đã khoác ba lô lên đường ra trận. 30 ngày qua chúng tôi đã qua Làng Ho, qua cầu phao Long Đại, vượt dốc “Nghìn linh một” thứ nhất sang đất Quảng Trị (Đông Trường Sơn), vượt dốc “Nghìn linh một” thứ hai sang đất Lào (Tây Trường Sơn). Súng, đạn, gạo… hơn 25 kg trên lưng, mỗi ngày vượt một con dốc, cứ thế đoàn quân lầm lũi đi dưới tán lá cây rừng của Trường Sơn trùng điệp, trên con đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại.

23/2/1973

Trạm T60 đường dây 559 tỉnh Xaravan (Hạ Lào).

Mới 2g30 đơn vị đã báo thức, cánh lính trẻ ngủ chưa đủ giấc càu nhàu, văng tục nhặng cả lên. Chửi rủa vậy thôi chứ “quân lệnh như sơn”, loáng một cái, tăng, võng đã nằm gọn trong ba lô. 3 giờ thì có lệnh xuất phát. Trăng thượng tuần đủ sáng cho bộ đội hành quân. Tiếng con chim “bắt cô trói cột” khắc khoải gọi bạn trong đêm… Rừng thưa dần, một khoảng trống hiện ra trước mặt, lệnh trên đầu hàng quân truyền xuống “tản ra bìa rừng, chuẩn bị vượt sông”. Chưa kịp tìm chỗ hạ ba lô thì lại nghe lệnh truyền tiếp từ đại đội trưởng Kim “dừng bên trái, đái bên phải”. Tôi bật cười vì cái lệnh truyền không giống ai này. Chả là cách đây mấy ngày, khi hành quân đêm từ trạm T55 sang T56, bộ đội dừng nghỉ giải lao giữa rừng, trời tối om như đêm 30 Tết, lính không dám rời xa đường mòn vì sợ rắn, sợ kiến cực nhanh nên cứ bước đại vài bước rồi vạch quần đứng đái, đâu biết rằng anh nọ đái lên ba lô anh kia, rồi gắt gỏng chửi om cả lên “tiên sư bố thằng nào đái lên ba lô ông”… C trưởng phải chạy lại can, không thì hôm đó thế nào cũng có thằng phù mỏ, vậy nên hôm nay mới có lệnh truyền như thế.

Con sông Bạc (tên trên bản đồ tác chiến là sông Sê Công) lấp loáng trong ánh trăng mờ, đoạn này sông không rộng nhưng nước chảy xiết. Bộ đội vượt sông bằng thuyền độc mộc, thuyền dài và hẹp, cứ hai tiểu đội một thuyền. Qua sông đi tiếp 2 tiếng nữa thì đến trạm T61.

24/2/1973

Trạm T61.

Bãi khách ở đây khá bằng phẳng lại gần sông nên bộ đội được phép đi từng tốp nhỏ ra sông tắm giặt. Tôi đi cùng Vũ Tuấn – sinh viên năm thứ 2 Đại học Ngoại ngữ Hà Nội, và Tuấn “kèn” nhạc viện Hà Nội, ra sông tìm rau và đổi cá với đồng bào Lào về cải thiện bếp ăn của Tiểu đội. Kinh nghiệm của lính Trường Sơn khi đến bãi khách là nơi nào thấy cắm biển “nguy hiểm, có mìn” thì thế nào vào đó cũng có rau xanh, nương rẫy. Lần này chúng tôi cũng đi theo lối mòn đó, ra đến bờ sông thì gặp một bãi sắn (củ mì) bạt ngàn, một tấm bảng gỗ ghi dòng chữ rõ to: “Bãi Sắn XHCN, nhổ lên nhớ chặt hom trồng lại cho người sau”. Lính các đại đội khác cũng đang hì hục nhổ sắn, lột vỏ… Bữa đó, lính A12, B3, C1 của tôi được một bữa no nê sắn luộc, sắn hấp cơm, thêm nồi canh chua cá sông đổi được của đồng bào Lào nấu với lá bứa. Ôi ngon tuyệt, một bữa đại tiệc kể từ ngày đặt chân lên đường dây 559!

 

25/2/1973

Được nghỉ lại trạm T61 thêm một ngày, tôi rủ Nam (quê Quảng Nam) vào Trạm Khách tìm đồng hương Liên Khu 5 và xem có đoàn thương binh, cán bộ nào ra Bắc để nhờ gửi thư ra cho anh Hai và Ba Má. Gần đến Trạm thì gặp một ngã ba đường, có 2 tấm biển gỗ đóng vào thân cây chỉ đi 2 hướng: “Đi B3” và “Đi B2”. Tôi và Nam cùng tần ngần đứng trước tấm biển đề “Đi B3”. “Đi B3” là đi về Tây Nguyên, đi tiếp nữa về phía Đông là về Liên Khu 5, về Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên… là về quê hương của chúng tôi đó. 19 năm trước, tôi đã theo Ba Má tập kết ra Bắc trên con tàu Ba Lan to lừng lững. Quê hương chỉ là những nét chấm phá mờ ảo trong ký ức của cậu bé 5 tuổi ngày nào… Nay tôi đã trở về trong bộ quân phục anh giải phóng quân, đã cảm nhận được vị mặn nồng của gió biển từ nơi xa thẳm ấy thổi đến đại ngàn Trường Sơn, một ngã ba đường mòn như bao ngã ba khác trên đường Trường Sơn, một tấm biển chỉ đường vô tri vô giác. Vậy mà để đi được đến nơi này đã có biết bao máu xương của các thế hệ đi trước đổ xuống… Vậy tôi còn phải cùng đồng đội của mình đi bao nhiêu ngày nữa đây, đánh bao nhiêu trận nữa đây, đổ bao nhiêu xương máu nữa đây… để có thể có được ngày trở về, đặt chân lên mảnh đất chôn nhau cắt rốn, làng quê biển Mỹ Quang (Phú Yên) thân yêu của tôi (?)

10/3/1973

Trạm T84.

Trong sáng mai, sương mù còn giăng kín mặt sông, mặt trời vừa nhô lên, chưa đủ sức nóng để phá tan màn sương dày đặc, trông cứ như một quả cầu đỏ ối. Trên bến sông vang rộn tiếng ca nô, tiếng bộ đội lao xao, tiếng hô lệnh hành quân đanh gọn, rồi ít phút sau đoàn thuyền máy rời bến. Tôi ngồi trên chiếc thuyền máy số 01 dẫn đầu đội hình Tiểu đoàn. Dòng sông không rộng lắm, nước trong xanh hiền hòa. Thỉnh thoảng lại gặp những đoàn thuyền của đồng bào Lào đi đánh cá, còn những nương thuốc lá hai bên sông thì nhiều vô kể. Mặt sông phẳng lặng, đoàn thuyền máy chở đầy quân, phủ kín lá ngụy trang nối nhau xuôi dòng. Phong cảnh thật hữu tình, nếu như không có khẩu đại liên đặt ở đầu mũi thuyền, không có khẩu AK trong tay và không có tiếng bom rền phía xa xa vọng lại, thì có khi tôi quên mất đây là cuộc hành quân đi chiến đấu, mà cứ ngỡ là một chuyến du ngoạn thi vị bằng thuyền máy trên dòng Sê Công.

Xế trưa, đoàn thuyền máy đã vượt qua hai Trạm Khách cạnh bờ sông. Anh giao liên ngồi đầu mũi thuyền chỉ tay sang bờ trái và nói: “Chúng ta sắp lên bờ rồi. Biên giới Lào – Campuchia là đây, bên trái trước mặt là đất Campuchia, bờ phải là đất Lào, ngược dòng sông này là về Tây Nguyên… Các đồng chí cảnh giới máy bay, tụi OV10 hay lùng sục giờ này lắm.” Vậy là chúng tôi đã đi qua vùng ngã ba Đông Dương, nơi tiếng gà gáy sáng cả ba nước đều nghe. Sắp đặt chân lên chiến trường B2 – Đông Nam bộ rồi. Tạm biệt những cánh rừng khộp nóng bỏng, tạm biệt những khe suối cạn bướm bay rợp trời, tạm biệt những bãi khách của đường dây 559, tạm biệt Trường Sơn.

16/4/2021

48 năm sau tôi mới có dịp trở lại vùng ngã ba Đông Dương, cùng những người lính cựu chiến binh của Trung đoàn 174 (Đoàn Cao-Bắc-Lạng) anh hùng. Trong đoàn cựu chiến binh về thăm lại chiến trường xưa có các “Bạch đầu quân” như đại tá Nguyễn Văn Bạch, Lê Thanh Song… đã từng tham chiến ở đây trong những năm 1967 – 1968; có những người lính từng vượt Trường Sơn ngày nào như tôi, Trần Thế Tuyển, Trần Văn Sự, Phùng Ngọc Đồng… và những người lính đã từng chiến đấu trên mặt trận Tây Nam, giúp bạn Campuchia đánh đuổi Pôn Pốt… Đi cùng đoàn còn có trung tướng Lưu Phước Lượng – nguyên Chính ủy QK9. Ông cũng đã từng vượt Trường Sơn, từng qua ngã ba Đông Dương bên Tây Trường Sơn, nhưng ngày đó ông đi ngược đường với chúng tôi, từ chiến trường B2 ra hậu phương miền Bắc học tập. Hôm nay, hướng dẫn viên du lịch bất đắc dĩ cho đoàn là trung tướng Nguyễn Đức Hải, nguyên Tư lệnh QĐ3 (binh đoàn Tây Nguyên). Về đây như hổ về rừng, tướng Hải có thể kể cho chúng tôi vanh vách từng con sông, ngọn suối, cánh rừng, những sử thi của vùng đất Tây Nguyên, nơi ông gắn bó cả một thời trai trẻ, cả câu chuyện tình lãng mạn của chàng thượng úy ngày nào với cô sơn nữ Minh Thu (là vợ ông bây giờ) bên dòng Sêrêpôk…

Ngược dòng lịch sử vào năm 1967 của thế kỷ trước, Trung đoàn 174 rời đội hình Sư đoàn 316 hành quân vào Nam chiến đấu dưới sự chỉ huy của Trung đoàn trưởng Đàm Văn Ngụy, anh hùng LLVT. Phiên hiệu đi B của Trung đoàn là “Đoàn A1”, chắc hẳn Bộ Tổng Tham mưu muốn gắn chiến công đánh chiếm đồi A1 trong chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử cho đoàn quân ra trận. Vào đến Tây Nguyên, Trung đoàn được lệnh dừng lại và nhập vào Sư đoàn 1 thuộc Bộ Tư lệnh B3. Sư đoàn trưởng chính là tướng Nguyễn Hữu An, người từng chỉ huy Trung đoàn 174 đánh chiếm đồi A1 trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm nào. Tây Nguyên là nóc nhà của Đông Dương, ai làm chủ Tây Nguyên sẽ làm chủ Đông Dương. Biết điều đó nên bộ chỉ huy hỗn hợp Mỹ – Ngụy Sài Gòn tập trung các Sư đoàn 4 Mỹ, Lữ đoàn dù 173 Mỹ và Sư đoàn 22 Ngụy mở chiến dịch MacArthur hòng tiêu diệt các Trung đoàn chủ lực của ta ở Tây Nguyên. Lực lượng của ta ở hướng chủ yếu của chiến dịch là Sư đoàn 1 với 3 Trung đoàn Bộ binh (66, 320 và 174), được tăng cường thêm Trung đoàn Bộ binh 24 và Trung đoàn Pháo binh 40. Đến ngày 3/11/1967, toàn Sư đoàn 1 đã dàn trận xong; Trung đoàn 66 chiếm lĩnh Ngọc Cam Liệt, Đăk Vây Côn; Trung đoàn 320 chiếm lĩnh Ngọc Bờ Biêng; Trung đoàn 174 chiếm lĩnh cao điểm 875. Cao điểm này hết sức quan trọng, nó là quyết chiến điểm của chiến dịch. Ròng rã từ ngày 19/11 đến ngày 23/11/1967, bom pháo của quân Mỹ thi nhau dội xuống đồi 875 biến quả đồi vốn rậm rạp rừng le và rừng nứa thành một quả đồi trọc, trơ màu đất đỏ bầm như máu. Ta và địch giành giật nhau từng khúc chiến hào, từng gốc cây, mô đất. Chiến dịch kéo dài 19 ngày với các trận đánh ác liệt trên các cao điểm 875, 882, 845… Trên thực tế Tiểu đoàn 2 thuộc Lữ đoàn dù 173 Mỹ đã bị các chiến sĩ của Trung đoàn 174 bao vây tiêu diệt trên ngọn đồi 875. Ngày đó đài BBC đã bình luận về trận đánh này rằng: “Lữ đoàn dù 173 Hoa Kỳ là một đơn vị sừng sỏ, có truyền thống từ đại chiến Thế giới lần thứ 2, chưa hề biết thua trận là gì, nay lần đầu tiên đã phải chịu tháo chạy trước quân Việt Cộng.

Thua trận, tháo chạy, quân Mỹ đã cho thả bom san phẳng ngọn đồi, xác quân Mỹ và quân ta tan vào lòng đất. Sau chiến dịch Mậu Thân 1968, Trung đoàn 174 rời Tây Nguyên hành quân vào chiến trường B2 Đông Nam bộ. Từ ngày đó đến nay hơn 200 liệt sĩ của Trung đoàn vẫn nằm đâu đó trên các ngọn đồi 875, 882… Không một nấm mồ dù chỉ là mộ gió, cũng không có một tấm bia ghi danh. Trong nghĩa trang liệt sĩ huyện Đắk Tô, chúng tôi chỉ tìm thấy duy nhất một ngôi mộ là liệt sĩ của Trung đoàn 174.

Vì thế mà hôm nay chúng tôi đã trở về đây, cùng quân dân tỉnh Kon Tum, huyện Đắk Tô dựng tấm bia ghi chiến tích và ghi danh các liệt sĩ của Trung đoàn. 54 năm sau mới trở lại dựng bia ghi danh các Anh là quá muộn, chỉ có 48 liệt sĩ có tên trong hơn 200 liệt sĩ là quá ít. Mong các Anh hãy mở lòng lượng thứ, cuộc chiến tranh đã qua khốc liệt quá, đất nước mình vẫn còn hơn 200.000 liệt sĩ chưa tìm thấy hài cốt… Mong anh linh các Anh đang trú ngụ đâu đó trên những ngọn đồi, trong các cánh rừng hãy về đây quây quần quanh tấm bia ghi danh các liệt sĩ của Trung đoàn 174. Hãy nhận nơi đây là ngôi nhà của các Anh, từ nay chúng tôi – những đồng đội của các Anh –  và những người thân của các Anh có nơi để hằng năm tìm về thắp nén nhang thơm tưởng nhớ các Anh. Tổ quốc, gia đình và đồng đội không bao giờ quên các Anh.

Tây Nguyên, tháng 4 năm 2021.

Bài viết liên quan

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận
Nhập tên của bạn

Bài viết phổ biến

Bình luận gần đây