Thứ Bảy, Tháng Mười Hai 9, 2023
Trang chủTri ânVề lại Củ Chi, một chuyến đi đầy ý nghĩa

Về lại Củ Chi, một chuyến đi đầy ý nghĩa

Để chào mừng  78 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2022), Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TP.HCM đã tổ chức chuyến về thăm, tặng quà cho mẹ Việt Nam anh hùng và các gia đình chính sách, có công với cách mạng tại huyện Củ Chi.

6h30 sáng ngày 21/12, Đại tá Nguyễn Văn Ái, Đại tá Lê Thanh Song – Phó Chủ tịch Hội; ông Bùi Văn Nhời – Ủy viên Ban Chấp hành Hội, một em phóng viên và tôi đi trên một xe. xuất phát từ Trụ sở Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TP.HCM ở Trạm khách T67.

Đại tá Chín Ái tại vị trí miệng giếng nơi hơn 10 tên địch bị ta tiêu diệt cách đây nửa thế kỷ

Trên đường đi, anh Chín Ái cho biết còn có hai xe nữa cũng đang xuất phát cùng đi Củ Chi với chúng tôi, gồm có 1 xe của đại diện Ngân hàng Agribank Đông TP.HCM và 1 xe của đại diện Viện Khoa học Công nghệ Hướng thiện. Đó là hai đơn vị thay mặt cho nhà tài trợ trong chuyến đi đền đáp nghĩa tình này.

Huyện Củ Chi nằm về phía tây bắc của TP.HCM. Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Củ Chi là vùng đất kiên cường, được mệnh danh là “đất thép thành đồng”của nhân dân Sài Gòn – Gia Định. Trên đường đi, anh Chín Ái đã kể cho chúng tôi nghe những kỷ niệm vui buồn của anh trên mảnh đất anh hùng này.

Nhân chuyến về Củ Chi hôm nay, đúng vào những ngày cận kề kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22/12, anh sẽ dẫn chúng tôi về lại ấp Đồng Lớn, xã Trung Lập Thượng – nơi anh đã tham gia trận đánh tiêu diệt hơn 10 tên địch  vào ngày 21/12 cách đây 50 năm. Bản thân tôi rất tò mò và tôi nghĩ sẽ có rất nhiều trải nghiệm thú vị bổ ích đối với các bạn trẻ của chi đoàn thanh niên Ngân hàng Agribank Đông TP.HCM đang cùng đồng hành với chúng tôi.

Nửa thế kỷ trôi qua, thời gian quá dài để mọi thứ phôi pha và tất nhiên cảnh vật cũng nhiều thay đổi. Vậy mà vừa bước chân xuống xe, anh Chín Ái rảo bước một mạch vào đúng ngay vị trí chiến đấu. Cái giếng nơi ngày xưa hơn 10 tên lính VNCH đã gục xuống dưới làn đạn của quân ta, thời gian đã bồi lấp không còn dấu vết. Phủ lên bên trên miệng giếng ngày xưa, bây giờ là một khoảnh đất xanh rì những đọt dây lang.

Đứng tại nơi này, đại tá Chín Ái như trở về thời gian 50 năm trước bằng những ký ức xưa. Với một giọng sang sảng, anh kể: Trong bối cảnh chuẩn bị ký Hiệp định Paris năm 1973, địch đang trong thế “lấn đất giành dân” với ta. Và ta cũng ra sức đánh vào ấp chiến lược của địch, đồng thời vận động người dân ra vùng giải phóng.

Đại tá Nguyễn Văn Ái và chiến sĩ Phạm Anh Khuân – người đã nã phát đạn định mệnh cứu Chín Ái cách đây 50 năm

Hôm đó là ngày 21/12/1972, một tiểu đoàn thuộc Sư đoàn 25 Đồng Dù của địch càn quét vào Đồng Lớn nhằm đốt phá nhà dân, gom ra ấp chiến lược. Ngồi trên ngọn cây quan sát, phát hiện lính vô, các chiến sĩ thông báo với  Đại tá chín Ái lúc bấy giờ đang là Đại đội phó Đội 3 Biệt động Sài Gòn. Chín Ái bèn lệnh cho các chiến sĩ ra công sự ngồi canh.

Giữa trưa trời nắng, một tốp lính khoảng hơn mười tên mang theo máy BRC 25, phát hiện ra một cái giếng, bọn chúng mừng quá xúm lại quanh miệng giếng tranh nhau múc nước uống. Cách đó 30 – 40m, Chín Ái cầm khẩu B40 nhắm về phía tốp lính chuẩn bị bóp cò thì có một tiếng súng nổ của ta, liền tiếp theo sau tiếng súng nổ đó, Chín Ái xả đạn vào tốp lính bu quanh miệng giếng. Cùng với sự yễm trợ của anh em, hơn 10 tên địch bị ta tiêu diệt gọn.

Nói về tiếng súng nổ trong cái tích tắt trước khi Chín Ái nổ súng. Đó chính là phát súng định mệnh nhả ra từ nòng súng của chiến sĩ Phạm Anh Khuân. Số là khi Chín Ái chuẩn bị bóp cò thì có một tên lính phát hiện, nó đưa súng lên chỉa thằng về phía Chín Ái, trong tích tắt Khuân nhả đạn cứu đồng đội. Có lẽ trong chiến tranh sự sống và cái chết cách nhau không phải gang tấc mà tính bằng sát na thời gian.

Chiến công tiếp nối chiến công, hôm sau, khoảng 10 giờ sáng ngày 22/12/1972, tại Rừng Làng, giờ là ấp Bàu Đưng, xã An Nhơn Tây, trong khi vết thương ở chân Chín Ái do trận đánh hôm trước vẫn còn đau thì tiếp theo đơn vị lại bị dập một trận càn nữa của địch: Một tốp máy bay gồm 2 con cá lẹp và một con cá rô rà trên ngọn cây, quần thảo bắn phá ác liệt. Chín Ái ra lệnh cho anh em xuống hầm. Anh cầm khẩu AK chỉa thẳng lên trời nhắm vào thằng Mỹ đen đang cầm khẩu đại liên ngồi ngay cửa con cá rô, nả súng. Tên Mỹ đen bật ngữa cùng lúc với chiếc máy bay xịt khói. Nó hấp hối lảo đảo bay tới Ba Sòng thì rớt xuống.

Hai chiếc cá lẹp thấy vậy từ trên cao xối xả, ồ ạt nhả đạn xuống đỏ trời. Sau đó, đến lượt máy may đầm già bắn hỏa tiển chỉ điểm. Đồng thời máy bay phản lực bổ nhào đánh bom tới tấp… Chín Ái chỉ huy anh em rời vị trí an toàn. Hôm đó rơi đúng vào kỷ niệm 28 năm Ngày Thành lập QĐND Việt Nam. Kỳ tích được nhân hai.

Các bạn trẻ trong Ngân hàng Agribank Đông TP.HCM thăm và tặng quà cho Mẹ VNAH trong chuyến đi

Trong khi Đại tá Nguyễn Văn Ái say sưa kể lại trận đánh thì các bạn trẻ thuộc Chi đoàn thanh niên Ngân hàng Agribank Đông TP.HCM đứng xung quanh cũng say sưa lắng nghe. Tôi đọc thấy trong ánh mắt các bạn sự khâm phục, niềm tự hào có cả một chút bất ngờ, lạ lẫm. Tôi nghĩ đây chính là dụng cụ trực quan cực kỳ hiệu quả trong việc giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ mà Đại tá Chín Ái đã mang lại trong chuyến đi này.

Sau đó, cả đoàn đã đến thăm và tặng quà cho các Mẹ Việt Nam anh hùng: Mẹ Kiều Thị Nông, Mẹ Lương Thị Miền, Mẹ Trần Thị He và Mẹ Trương Thị Trắng.

Trong khi có mẹ vẫn còn rất nhanh nhẹn, đôi mắt tinh anh, giọng nói khỏe khoắn thì có mẹ không còn nhìn thấy, trí tuệ đã không còn minh mẫn. Là những người chịu nhiều mất mát đau thương trong cuộc chiến tranh, nay ở những ngày cuối đời được con cháu hết lòng thương yêu chăm sóc, xã hội quan tâm, các mẹ rất cảm kích. Thay mặt đoàn Đại tá Lê Thanh Song gửi lời thăm hỏi, chúc các mẹ tiếp tục sống vui, sống khỏe. Trước thềm năm mới Đại tá cũng gửi lời chúc an khang thịnh vượng đến các mẹ.

Sau khi thăm các Mẹ Việt Nam Anh hùng, đoàn tiếp tục đến nơi tập trung 16 hộ gia đình chính sách được chọn để trao quà lần này. Các phần quà gồm tiền mặt và hiện vật với tổng trị giá khoảng 30 triệu đồng được hỗ trợ bởi Ngân hàng Agribank Đông TPHCM, bà Nguyễn Thị Tuyết – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tuyết Nguyên, ông Trần Thanh Đạo – Phó Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ hướng thiện đại diện trao tận tay các gia đình.

Rất tiếc vì thời gian có hạn, chúng tôi không thể nán lại lâu hơn để nghe nhiều câu chuyện kể từ các mẹ, từ các chiến sĩ năm xưa trên trận địa Củ Chi “đất thép thành đồng”, để cảm nhận được sâu lắng hơn mối tình quân dân cá nước.

Rời Củ Chi, chúng tôi nhắm hướng Sài Gòn trở về khi bóng chiều đã bảng lảng.  Một chuyến đi vô cùng ý nghĩa và xúc động. Với các anh  Chín Ái, anh Song, anh Nhời là những nỗi nhớ về một thời gian khổ hào hùng khi được trở lại chiến trường xưa; Với tôi, là một người cầm bút, chuyến đi mang đến cho tôi nhiều cung bậc cảm xúc, nhiều câu chuyện trải nghiệm thực tế; Còn với các bạn trẻ, chuyến đi không những tạo ra những trải nghiệm mới lạ mà còn là cơ hội mang đến cho các bạn – những người chủ tương lai đât nước –  bài học về lòng tự hào dân tộc, thấm thía hơn giá trị độc lập, tự do, để từ đó nhận thấy trách nhiệm của các bạn trong cuộc sống và trong công việc.

Ngô Thị Thu Vân

Bài viết liên quan

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận
Nhập tên của bạn

Bài viết phổ biến

Bình luận gần đây