Một ngày tháng năm nắng gắt, tôi về thăm lại chiến trường xưa Long Khốt (huyện Vĩnh Hưng, Long An). Con đường dẫn vào xã Thái Bình Trung giờ rải nhựa thẳng băng và êm ru, hàng Phượng đỏ xen lẫn bông Hoàng Yến vàng như màu cờ Tổ quốc, rực rỡ hai bên đường. Dòng sông Long Khốt vẫn dày đặc lục bình nhưng cây cầu sắt không còn nữa, thay vào đó là cây cầu bê tông kiên cố 2 làn xe chạy thẳng ra biên giới.
Chính trị viên đồn biên phòng Long Khốt Vũ Hà và Đồn trưởng Giào đưa chúng tôi ra thăm đường biên, cột mốc quốc gia 223 đánh dấu biên giới ta và bạn Campuchia. Con đường phía trước trên đất bạn sẽ dẫn đến Ngã ba Cá Sấu, đến Công Pông Rồ… hậu cứ của Trung đoàn 174 khi hành quân tiến đánh Chi khu Long Khốt. 49 năm đã qua rồi, tôi phóng tầm mắt trên cánh đồng biên giới tìm dấu vết của trận địa ngày nào, ký ức bỗng ùa về như dòng sông cuộn chảy…
Đêm 27 rạng ngày 28/4/1974, khẩu đội 1 (đại đội 17-DKZ thuộc trung đoàn 174) của tôi hành quân trong đội hình của C1 (Tiểu đoàn 4) tiền nhập trận địa B8 (mật danh của chiến dịch đánh chiếm Chi khu Long Khốt). Những ngôi nhà sàn của đồng bào Khơme đã lùi xa phía sau, trước mặt là cánh đồng trống trải lác đác vài cây thốt nốt. Đèn pha trên chòi canh của địch quét qua quét lại như mắt con cú vọ săn tìm mồi trong đêm.
CCB Trình Tự Kha và CCB Trần Thế Tuyển trên dòng sông Long Khốt (phía sau là cây cầu sắt nay đã thay bằng cầu bê tông)
Xác định xong hướng bắn, chúng tôi khẩn trương đào công sự. Tôi, Mạnh và Đức một hầm; bên kia Hòa, Tấn và anh Dắc – B trưởng – một hầm. Đào hầm xong thì trời cũng vừa hửng sáng, lô cốt địch hiện ra sừng sững sau những lớp rào kẽm gai bùng nhùng. Có lệnh tập kích hỏa lực. Phía Tiểu đoàn 5, mũi chủ công, đạn pháo 85 nòng dài, pháo 105 ly, DKZ thi nhau rót vào vị trí giặc. Cối 120ly và 82ly phía sau trận địa chúng tôi cũng cấp tập nã vào khu chỉ huy của địch. Chỉ thấy những cục lửa đỏ lừ, những cột khói bốc lên trong chốt địch và những ngôi nhà sụp xuống, những bờ tường bị ủi bay lên.
Cũng lúc đó, chúng tôi được lệnh bắn phá khu vực tam giác của đồn địch. Lệnh bắn của B trưởng Đinh Văn Dắc vang lên: “Mục tiêu khu nhà cảnh sát, cự ly 600m, 5 phát chuẩn bị, một phát bắn”. Đức, pháo thủ số 2, nạp ngay quả đạn đầu tiên, tôi quay nòng pháo ngắm vào ngôi nhà cao nhất và bóp cò, quả đạn lao đi tung nóc ngôi nhà. “Ngắm cao rồi”, phát thứ 2 tôi đã đưa viên đạn xuyên vào giữa ngôi nhà, bức tường đổ sập xuống, tôi bắn tiếp phát thứ 3, rồi 4, 5. Khẩu đội cối 82ly của D4, cối tép 61ly của C1 tiếp tục bắn phá mục tiêu, khói đạn mù mịt nơi đồn giặc.
Khẩu đội đã bắn xong số đạn quy định, chúng tôi tháo rời nòng pháo rồi rút vào hầm. Địch bắt đầu phản ứng dữ dội, cối trong đồn Long Khốt, pháo từ Măng Đa, Mộc Hóa phản ra liên tục; mấy trái pháo nổ gần hầm khét lẹt, mảnh đạn chém xuống nước “xèo… xèo…”. Lát sau, máy bay địch lên nghiêng ngó tìm trận địa pháo của ta, bị hỏa lực phòng không bắn rát nên không chiếc nào dám sà xuống thấp. Chúng lượn vòng rồi ném bom vào các rặng cây và phum sóc phía sau. Từ đó đến chiều, chúng tôi bắn theo yêu cầu của bộ binh. Mỗi phát bắn xong cả khẩu đội lại phải gồng mình chịu trận những loạt đạn phản pháo của địch, ai cũng mong trời mau tối để đến giờ tấn công.
Thả hoa đăng trên dòng Long Khốt tưởng nhớ các liệt sĩ
Cuối cùng rồi mặt trời cũng lặn về phía những phum sóc xa xa. Bỗng có lệnh truyền từ hầm chỉ huy D4 lên: “Xe của ta xuất kích, các đơn vị chú ý kẻo bắn lầm”. Tôi vội quay đầu nhìn về phía sau thì đã thấy 2 chiếc M113 có cắm cờ nửa xanh nửa đỏ, ngôi sao vàng ở giữa trên ngọn ăng-ten, đang tiến đến, đạn đại liên và DK 90ly trên xe bắn dữ dội vào đồn địch. Lệnh “chuẩn bị xuất kích” được phát ra, có tiếng quát lớn: “tăng bắn cao cho bộ binh lên”. Lính thiết giáp đáp lại: “cứ lên đi”.
Đại đội 1 đã tràn lên mặt ruộng, các chiến sĩ xung kích cắp bộc phá sào lao lên phá hàng rào bùng nhùng, mở cửa. Chính trị viên đại đội 17 Bùi Bạch Đằng cũng nhảy lên khỏi hầm, giơ cao khẩu K54 vẫy chúng tôi: “Các đồng chí xung phong, vận động vào hào chống tăng”. Cả khẩu đội ào lên vác pháo, đạn bám sát theo anh Đằng và anh Dắc, đạn địch bắn ra chiu chíu trên đồng nước lấp xấp. Đến hào chống tăng, xe thiết giáp M113 dừng lại tiếp tục nã đạn vào lô cốt địch. Khẩu đội tôi cũng giá pháo trên bờ hào bắn yểm trợ cho bộ binh xung phong.
Trên cả 2 hướng chủ yếu (Tiểu đoàn 5) và vu hồi (Tiểu đoàn 4), cuộc chiến đấu diễn ra dằng dai quyết liệt. Tiểu đoàn 502 nguỵ chốt giữ Chi khu Long Khốt đã từng được Tổng thống chính quyền Sài Gòn Nguyễn Văn Thiệu tặng danh hiệu “Anh hùng quân lực Việt Nam cộng hòa”, không dễ buông súng đầu hàng, ngoan cố chống cự quyết liệt. Hướng vu hồi của Tiểu đoàn 4 do Trung đoàn phó Vũ Cam trực tiếp chỉ huy đã vượt sông Long Khốt đánh thốc vào mặt sau của Chi khu Long Khốt, mũi thứ yếu thành chủ yếu.
Địch hoang mang rút chạy về hướng Măng Đa. Chớp thời cơ, Trung đoàn trưởng Bùi Văn Dũng lệnh cho các tiểu đoàn đồng loạt xung phong tiêu diệt hoàn toàn quân địch ở Long Khốt. 18 giờ ngày 29/4, ta hoàn toàn làm chủ Long Khốt, mở thông tuyến hành lang về Quân khu 9, về Miền Tây Nam bộ. Với những người lính Trung đoàn 174, chiến thắng này đã rửa hận cho chiến bại năm 1972. Tháng 6 năm đó, sau 2 ngày tiến công quyết liệt nhưng không chiếm được Long Khốt, bộ đội thương vong nhiều, trung đoàn đành phải rút lui.
Tháng Năm này, tôi cùng với các đồng đội đã từng tham chiến trên mảnh đất này gồm Trần Thế Tuyển, Nguyễn Minh Sơn, Phùng Ngọc Đồng, Trần Văn Hân, Đỗ Bá Ngọc, Sỹ Bình, Đồng Bằng… và nhiều CCB nữa, về thăm lại chiến trường xưa. Trên nền chi khu Long Khốt ngày nào, Đồn biên phòng Long Khốt đang được xây dựng khang trang hiện đại. Ngôi đền liệt sĩ do các CCB của Trung đoàn 174 cùng với sự tài trợ đóng góp của Báo Sài Gòn Giải Phóng, Tổng Công ty du lịch Golf Việt Nam, AHLĐ- CCB Lê Văn Kiểm, Bộ đội Biên phòng Long An và chính quyền địa phương huyện Vĩnh Hưng dựng lên đã không còn nữa. Với sự vận động của Trung tướng Lưu Phước Lượng (nguyên Phó Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ), doanh nhân CCB Bùi Thanh Trúc đã vào cuộc. Chỉ trong vòng 3 tháng, một Ngôi đền thờ liệt sĩ hoành tráng đã được khánh thành, xứng đáng là một Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia. Nơi đây không chỉ lưu danh hơn 600 liệt sĩ của Trung đoàn 174, mà đã thành ngôi nhà chung của gần 7000 liệt sĩ của Sư đoàn 5, của các đơn vị đặc công, pháo binh, bộ đội biên phòng, bộ đội địa phương, dân quân du kích…
Thắp nén nhang thơm, gióng một hồi chuông gọi hồn đồng đội, xin các anh hãy về đây cùng ôn lại những năm tháng bi hùng của những chiến công và những hy sinh mất mát. Trên cánh đồng biên giới, dưới dòng sông Long Khốt… còn bao đồng đội của chúng tôi nằm lại. Thân thể các anh đã tan vào lòng đất mẹ, nhưng trong lòng Tổ quốc, gia đình và đồng đội các anh mãi trường tồn, bất tử. Nén nhang cong thay lời ly biệt, điếu thuốc thơm trong lư đồng cháy đỏ, ly rượu nồng rót xuống dòng sông cùng cạn chén nhé, đồng đội ơi…
Trình Tự Kha