Hồi ký, tự truyện thuộc thể ký. Ký báo chí hay ký văn chương đều có điểm giống nhau: Bắt buộc người kể (hoặc tự viết) phải là người trong cuộc; là nhân vật chính đã “mục sở thị “ hiện tượng, sự việc.
Ký báo chí đòi hỏi tính trung thực cao, không tuỳ tiện sáng tạo hoàn cảnh và nhân vật. Ký văn học cho phép bay bổng hơn. Tác giả có thể mô tả tâm lý nhân vật; mở rộng không gian, thời gian và có sự suy đoán, cảm nhận…
Bấy lâu nay người viết hồi ký, tự truyện thường là những nhân vật nổi tiếng trong những lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội. Các chính khách, nhân vật lịch sử, các tướng lĩnh thường viết hồi ký ghi lại những giai đoạn lịch sử của đất nước, dân tộc mà mình là nhân chứng. Các văn nghệ sĩ và những người hoạt động xã hội khác thường viết tự truyện, kể lại những kỷ niệm, dấu ấn, thăng trầm của cuộc đời mình gắn với gia đình, đồng nghiệp và công chúng… Điều đáng chú ý, các hồi ký, tự truyện, khi ở dạng bản thảo là tài sản riêng của người viết. Nhưng khi được xuất bản, phát hành thì trở thành tài sản chung và chịu sự thẩm định, đánh giá của bạn đọc.
Thực tế cho thấy, gần đây, có một số cuốn sách tự truyện, hồi ký gây phản ứng trái chiều. Có những cuốn tự truyện để lại hệ lụy không chỉ cho bạn bè, đồng nghiệp mà còn làm rạn nứt tình cảm huyết thống gia đình, dòng tộc . Vì thế, hồi ký, tự truyện đòi hỏi phải trung thực, khách quan; phải kết hợp hài hoà giữa cái “tôi“ và cái “chúng ta“, với ý thức xây dựng và vì sự tốt đẹp của con người và xã hội. Đặc biệt, không vụ lợi, nhân viết hồi ký, tự truyện để giải toả bức xúc, trả thù cá nhân hoặc kích động bạo lực, làm điều trái với lương tâm và thuần phong mỹ tục.
Đọc DẤU ẤN CUỘC ĐỜI (*) của Trung tướng Lưu Phước Lượng, một vị tướng mà cả cuộc đời gắn bó với các cuộc chiến, sự thăng trầm của đất nước, càng thấy những quy chiếu, phạm vi điều chỉnh của việc viết hồi ký, tự truyện nói trên hoàn toàn có cơ sở cả về lý luận và thực tiễn.
DẤN THÂN VÀ KIÊN ĐỊNH
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống cách mạng, cậu học trò dáng người nhỏ thó, nhút nhát Lưu Phước Lượng (Năm Lượng) ấy đã từ mái trường Minh Tâm bên dòng sông Sài Gòn (Thủ Dầu Một) thơ mộng lên đường theo cha làm cách mạng. Năm 1965, khi bước vào tuổi 17 Năm Lượng đạp xe vào vùng giải phóng Chánh Lưu ( Nhà Đỏ) gặp cha. Bấy giờ cha anh đang làm chỉ huy trưởng một đơn vị quân giải phóng. Đến rừng Long Nguyên, lần đầu tiên Năm Lượng nghe những âm thanh kỳ lạ như xay lúa trên bầu trời. Rồi cả một vùng rộng lớn rung chuyển như có ai bóc vỏ trái đất. Đó là trận thử lửa đầu tiên. Máy bay B52 của giặc Mỹ rải thảm. Dứt bom, Năm Lượng thầm nhủ: “Chưa đánh đá gì mà nó (giặc Mỹ) đã dằn mặt mình rồi”.
Mở đầu bằng trận B52 “dằn mặt“ ấy, không làm Năm Lượng hoảng sợ mà anh còn tự tin đương đầu với nhiều trận B52 rải thảm và các trận đánh ác liệt nữa. Với cách dẫn chuyện chân thực, dung dị, tác giả DẤU ẤN CUỘC ĐỜI đưa chúng ta vào những chiến dịch, những trận đánh khốc liệt mà ông là người trong cuộc. Với vũ khí tối tân: Xe tăng, máy bay, pháo lớn, B52 và cả chất độc hoá học, giặc Mỹ muốn biến Bến Cát, Dương Minh Châu, Củ Chi và cả Miền Đông Nam Bộ thành vùng trắng. Nhưng chúng đã lầm. Sự sống vẫn sinh sôi. Từ lòng đất các chiến sĩ giải phóng quân vẫn kiên cường bám trụ cùng nhân dân giữ đất, giữ làng. Họ sừng sững hiên ngang như cây tầm vông Bến Cát.
Trận chạm trán với Lữ dù 173 “bất khả chiến bại“ của Mỹ đầu năm 1967 là một ví dụ. Khi ấy Năm Lượng là chiến sĩ của xưởng sửa chữa và lắp ráp máy thông tin (S3) thuộc phòng thông tin Miền (Bộ Chỉ huy các LLVT GP MN ).
Sau đợt B52 rải thảm, Lữ dù 173 Mỹ được trực thăng đổ xuống. Tiểu đội của Lượng chỉ có 2 AK, 1 B40, 4 súng trường K44 mà phải đương đầu với 1 đại đội lính dù Mỹ được trang bị vũ khí và khí tài hiện đại. Dẫu lực
lượng không cân sức, nhưng tiểu đội của Năm Lượng đã chiến đấu dũng cảm, loại khỏi vòng chiến đấu 30 tên Mỹ. Năm Lượng và 3 đồng chí khác được tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ. Trong chiến dịch Mậu Thân năm 1968, Năm Lượng được tăng cường xuống Phân khu 1 (BTL SG- GĐ) làm chiến sĩ thông tin vô tuyến điện phục vụ Tư lệnh Phân khu là ông Nguyễn Thế Truyện. Và, ông đã có mặt chứng kiến vị Tư lệnh kính yêu của mình hi sinh ngay vùng ven Sài Gòn…
DẤU ẤN CUỘC ĐỜI
Giành nhiều trang kể về đợt tiến công vào nội đô Sài Gòn của Tiểu đoàn (sau là Trung đoàn) Quyết Thắng. Không chỉ tận mắt chứng kiến Tư lệnh Phân khu hi sinh mà Năm Lượng còn tự tay chôn cất Trung đoàn trưởng Ba Vinh và Chính ủy Trung đoàn Hai Phái cùng nhiều đồng đội khác.
Bìa sách Dấu ấn cuộc đời của Lưu Phước Lượng.
Dưới ngòi bút tả thực của Lưu Phước Lượng, người đọc thấy rõ sự khốc liệt của cuộc chiến không cân sức giữa ta và địch xuân Mậu Thân năm 1968. Những kỷ niệm về gia đình má Hai xóm Cây Thị (Gò Vấp); trận đánh cuối cùng ở Trung đoàn Quyết Thắng, trước khi trở về phòng thông tin Miền…, càng thấy rõ sự gan dạ, lòng dũng cảm, không ngại hi sinh, gian khổ của chiến sĩ giải phóng quân trẻ tuổi Lưu Phước Lượng.
Dù giặc Mỹ có ý “dằn mặt“ ông ngay từ những ngày đầu tham gia kháng chiến, nhưng không làm Lưu Phước Lượng nản chí. Đọc DẤU ẤN CUỘC ĐỜI ta dễ nhận ra, bất cứ ở đâu: Phòng thông tin hay trường thông tin Miền (H19); trường Quân chính (H12) hay Học viện Chính trị – Quân sự ( HVCTQS)…, khi tổ chức cần, Năm Lượng đều có mặt. Nhớ lại, khi cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc xảy ra (1979), Năm Lượng đang học tại HVCTQS, được lệnh ông có mặt ngay trên biên giới phía Bắc, nơi các chiến sĩ ta đương đầu, đánh đuổi quân TQ xâm lược. Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam và làm nghĩa vụ quốc tế với nhân dân CPC (1977-1989), Năm Lượng làm trợ lý cho Tư lệnh chiến dịch Nguyễn Thới Bưng (Trung tướng – nguyên PTTMT QĐND VN). Đây có lẽ là thời kỳ ông học được nhiều nhất . Sau này đảm đương các trọng trách: Phó Sư đoàn trưởng về chính trị (Chính ủy) Sư đoàn 5; Phó Tư lệnh về Chính trị (Chính ủy) Quân đoàn 4, Bí thư Đảng uỷ- Chính ủy Quân khu 9…, Lưu Phước Lượng có đủ bản lĩnh, tự tin cùng Đảng ủy và Chỉ huy lãnh đạo đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Được đào tạo bài bản lại được trui rèn trong thực tiễn chiến trường, từ một chiến sĩ thông tin báo vụ, qua các chức vụ khác nhau, Lưu Phước Lượng trở thành tướng . Vị tướng trưởng thành qua chiến tranh đã tôi luyện ông thành một cán bộ cấp chiến lược của quân đội có bản lĩnh chính trị vững vàng, có thế giới quan và phương pháp luận khoa học. Chính vì thế khi “sung trận”, dù bất cứ ơ cương vị gì, Lưu Phước Lượng luôn có cách nhìn nhận, đánh giá đúng đắn, khoa học. Các nhận định, đánh giá, cách đặt vấn đề của ông vừa thấu tình, đạt lý; vừa kết hợp chặt chẽ giữa quan điểm lịch sử và quan điểm khoa học.
Với những chi tiết cụ thể, DẤU ẤN CUỘC ĐỜI cung cấp cho người đọc những tình huống phức tạp, đa dạng của cuộc chiến đòi hỏi người trong cuộc phải bản lĩnh, tỉnh táo để đưa ra chính kiến. Trong DẤU ẤN CUỘC ĐỜI, những giai đoạn Lưu Phước Lượng giữ trọng trách chủ trì công tác Đảng – công tác chính trị ở Sư đoàn 5 (Quân khu 7), Quân đoàn 4 – Quân khu 9 đã minh chứng rõ điều ấy.
Là người có chính kiến rõ ràng, đôi khi các ý kiến của Lưu Phước Lượng “nghịch nhĩ “, như người xưa dạy: “Trung ngôn nghịch nhĩ” (nói thẳng khó nghe). Nhưng những điều “khó nghe” ấy qua thực tiễn đã được xác nhận tính đúng đắn và khoa học. Có lẽ thế, sau này, mặc dầu đã nghỉ hưu, các ý của Trung tướng Lưu Phước Lượng liên quan đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội; từ thượng tầng kiến trúc đến hạ tầng cơ sở đều được ghi nhận, trân trọng.
ĐIỂM TỰA VÀ SỨC MẠNH
Đất nước ta, dân tộc ta vừa trải qua mấy cuộc chiến tranh thần thánh để giải phóng và bảo vệ tổ quốc . Hầu như tất cả các gia đình người Việt Nam không ít thì nhiều đều “dính“ đến chiến tranh. Nói đến chiến tranh là nói đến tổn thất. Đã có hàng triệu người Việt Nam hi sinh hoặc cống hiến một phần thân thể vì độc lập tự do của tổ quốc. Ấy vậy mà điều kỳ diệu đã đến với đại gia đình của Trung tướng Lưu Phước Lượng. Trong các cuộc kháng chiến ấy, gia đình Lưu Phước Lượng cả nhà đều tham gia cách mạng. Nhưng khi chấm dứt chiến tranh, cả nhà ông dường như vẫn nguyên vẹn. Cha ông – Đại tá Lưu Phước Anh (Tư Bình) trong kháng chiến chống Mỹ là Chỉ huy trưởng tỉnh đội Phước Thành. Mẹ ông ở lại vùng địch tạm chiếm làm cơ sở mật của ta. Các anh, chị, em đều tham gia kháng chiến. Có người trực tiếp cầm súng đánh giặc. Có người phục vụ ở tuyến sau . Và, hầu như đều
trở thành cán bộ cao cấp của quân đội. Chị gái của ông – Đại tá bác sĩ Lưu Kim Hà được phong tặng danh hiệu AHLLVT ND.
Bản thân Lưu Phước Lượng nhiều lần bị thương. Hồng phúc của tổ tiên và sự diệu kỳ của tạo hoá đã thành điểm tựa tinh thần lớn lao cho Lưu Phước Lượng. Ông tự tin vượt qua khó khăn, gian khổ, ác liệt. Và, như có phép màu, chính Năm Lượng đã nhiều lần vượt qua cái chết, tiếp tục cùng đồng đội chiến đấu. Lưu Phước Lượng đã dụng công với cảm xúc trào dâng khi viết về công cha, nghĩa mẹ; tình cảm anh em ruột thịt. Qua đó, người đọc có dịp so sánh xưa và nay và càng thấy được giá trị đích thực nét son của thế hệ vàng của cách mạng thời gian khổ ấy với phẩm chất sáng ngời: Tất cả vì dân, vì nước ; hi sinh tất cả vì sự nghiệp cách mạng.
Lưu Phước Lượng có cha “làm lớn“. Nhưng ông không hề dựa hơi cha để tìm kiếm nơi “ẩn náu” an toàn cho mình. Trái lại, ông luôn xung phong nhận nhiệm vụ, xông pha nơi hòn tên, mũi đạn. Điều đáng ghi nhận nữa trong DẤU ẤN CUỘC ĐỜI, đó cũng chính là nhân tố tạo nên sức mạnh giúp Lưu Phước Lượng vượt qua muôn trùng khó khăn, thách thức là tình yêu lứa đôi.
Tác giả Lưu Phước Lượng và phu nhân (thời trẻ).
Tôi quen biết Trung tướng Lưu Phước Lượng mấy chục năm nay, nhưng chưa bao giờ tôi được ông kể về mối tình đầu và cũng là tình cuối của mình với người con gái xinh đẹp, nết na xứ Cần Thơ “gạo trắng – nước trong“ – người vợ hiền của ông bây giờ. Trong DẤU ẤN CUỘC ĐỜI, Lưu Phước Lượng đã bật mí nhiều tình tiết ly kỳ, lãng mạn về cuộc tình trăm năm ấy.
Người chiến sĩ thông tin gan dạ, thông minh – vị tướng xông pha trận mạc họ Lưu lại là người đàn ông nhút nhát trong tình yêu. Và, điều này nữa đó là người chồng rất yêu vợ và cả sợ…vợ nữa ?!
DẤU ẤN CUỘC ĐỜI
Không chỉ là dấu ấn của các chặng đường kháng chiến gian khổ, ác liệt Lưu Phước Lượng đã trải qua mà còn là Dấu ấn tình yêu của người lính Bộ đội Cụ Hồ. Cô gái xứ Chín Rồng xinh đẹp – một chiến sĩ cùng vượt Trường Sơn ra Bắc học tập với Năm Lượng năm xưa – người bạn đời thủy chung, tần tảo hết lòng vì chồng vì con hôm nay là điểm tựa để ông phấn đấu và trưởng thành. Người ta nói, đằng sau, người đàn ông thành đạt có bóng dáng của người đàn bà. Trường hợp của Lưu Phước Lượng, không ngoại lệ. Đọc DẤU ẤN CUỘC ĐỜI, tôi thú vị chi tiết “nghe lời vợ“ của vị tướng này. Đó là lần Phương Minh (Phu nhân Trung tướng Lưu Phước Lượng) khuyên người yêu bỏ thuốc lá trước chuyến ông cùng đoàn Đại biểu MTDTGPMN thăm Trung Quốc năm 1974. Dù đã quen hút thuốc lá nhiều năm, nhưng chiều lòng người đẹp, Năm Lượng đã quyết tâm “bỏ“ thuốc. Và, khi thành tướng, chỉ huy một quân đoàn, nhưng có lúc mải mê công việc, xao nhãng “về nhà“ bị vợ nhắc khéo, Năm Lượng trằn trọc suốt đêm không ngủ. Đến nỗi phải “kéo“ bí thư chi bộ thuộc VP BTL QĐ tâm sự mới giải tỏa được. Và, còn nữa. Dạo ông từ Quân khu 9 chuyển sang làm Phó Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, có lần Phương Minh đến thăm nơi làm việc và nghỉ ngơi của ông. Trong lúc dọn dẹp nhà cửa giúp chồng, Phương Minh phát hiện có sợi tóc dài của phụ nữ trong nhà công vụ. Bà nghiêm túc “tra vấn“ chồng. Án tại hồ sơ. Ông Trung tướng- Phó Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ lúng túng chưa biết “giải trình“ sao, bèn gọi chú công vụ tên là Tèo vào hỏi. Hoá ra, khi ông đi công tác, cậu công vụ (chưa vợ) đã dẫn bạn gái đến chơi. Được minh oan, nhưng Năm Lượng “nể” vợ lắm. Lúc nào Phương Minh cũng lo lắng, chăm sóc và bảo vệ ông.
Có ai đó khuyên các ông chồng, hãy biết nghe lời vợ để yên cửa ấm nhà. Năm Lượng không hoàn toàn làm thế, nhất là liên quan đến việc quân. Nhưng cái gì vợ nói đúng thì phải sửa, phải điều chỉnh ngay. Có lẽ thế, đã gần nửa thế kỷ về chung sống với nhau, cũng như các cặp vợ chồng khác, dẫu có lúc sóng gió, nhưng ông bà Trung tướng vẫn sống hạnh phúc và ngọn lửa tình yêu luôn sưởi ấm gia đình.
THAY LỜI KẾT
Nhà báo Trần Thế Tuyển và Trung tướng Lưu Phước Lượng (bên phải).
DẤU ẤN CUỘC ĐỜI của Trung tướng Lưu Phước Lượng là tập hồi ký rất đáng đọc bởi nhiều yếu tố. Theo tôi có một số điểm đáng ghi nhận sau đây:
Thứ nhất, đây là câu chuyện của một người lính Bộ đội Cụ Hồ – một vị tướng đã trực tiếp có mặt trong những giai đoạn, thời khắc lịch sử của đất nước và quân đội nhân dân Việt Nam.
Câu chuyện của tác giả không chỉ là của riêng mình mà gắn liền với những thăng trầm của đất nước của quân đội. Qua hồi ký, người đọc có thể suy ngẫm, đánh giá theo cách riêng của mình. Nhưng điều dễ nhận ra, hình thái cuộc chiến và sự quả cảm của những người lính Bộ đội Cụ Hồ trong từng giai đoạn lịch sử luôn thể hiện phẩm chất cách mạng cao quý của quân đội ta: Tận trung với nước, tận hiếu với dân; sẵn sàng chiến đấu hi sinh vì độc lập tự do của tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.
Điều này nữa, nhân gian có câu: “Nhất tướng công thành vạn cốt khô” ( tạm dịch: Để có một vị tướng vạn người đổ máu, hi sinh). Có phải thế không, để có một Trung tướng Lưu Phước Lượng ngày hôm nay đã có biết bao đồng đội ngã xuống, trong đó có những vị chỉ huy lừng danh của quân đội ta như Tư lệnh Phân khu SG- GĐ Nguyễn Thế Truyện. Có cả những thủ trưởng trực tiếp của Năm Lượng như: Trung đoàn trưởng Ba Vinh, Chính ủy Trung đoàn Hai Phái… Lưu Phước Lượng không ngoài cuộc. Bản thân ông đã “vào sinh ra tử” nhiều lần.
So sánh khập khiễng. Nhưng đó cũng là điều đáng suy ngẫm cho việc phong tướng hiện nay. Tất nhiên không phải ai thành tướng cũng phải qua chiến tranh. Nhưng tướng thời chiến hay thời bình đều có “mẫu số chung“. Đó là đạo làm tướng như Bác Hồ đã từng nói: Trí, Dũng, Tín, Liêm, Trung . Các tướng trẻ hiện nay có tấm gương sáng của các bậc tiền bối để soi mình.
Thứ hai, với bút pháp tả thực, DẤU ẤN CUỘC ĐỜI là một bức tranh về cuộc đời của tác giả. Nhưng đúng như tiêu chí và quy ước về thể loại hồi ký, bức tranh về cuộc đời riêng của tác giả luôn gắn chặt với bức tranh tổng thể của đất nước. Hay nói cách khác, số phận của tác giả luôn gắn với “số phận“ của đất nước và quân đội. Một tiêu chí mang tính nguyên tắc của thể tài hồi ký .
Thứ ba, hồi ký không chỉ nhớ và viết lại câu chuyện đã qua mà từ câu chuyện đó tác giả suy ngẫm, bàn luận, rút ra các hệ luận. DẤU ẤN CUỘC ĐỜI của Trung tướng Lưu Phước Lượng, sau mỗi trường đoạn đều rút ra những nhận định, đánh giá với cảm xúc của tác giả. Điều đáng chú ý cảm xúc ấy được tác giả chủ động chế ngự, điều chỉnh. Đó là điều rất cần cho một vị tướng cầm quân, một phẩm chất cốt lõi của người làm công tác Đảng – công tác chính trị – lĩnh vực liên quan đến thế giới tinh thần – tư tưởng của con người.
Thứ tư, bấy lâu nay khi viết hồi ký, các tướng lĩnh, nhân vật lịch sử thường vào vai người kể; còn chắp bút là công việc của các nhà văn, nhà báo hoặc người viết có kinh nghiệm. Trung tướng Lưu Phước Lượng tự mình viết. Do vậy bên cạnh dấu ấn riêng, mới lạ; đương nhiên không tránh khỏi hạn chế khi bạn đọc tiếp cận tác phẩm. Cái gì cũng có tính hai mặt. Trong xu thế hiện nay, tôi ủng hộ việc các tướng lĩnh nên tự mình viết hồi ký, vừa đảm bảo tính trung thực, vừa có nét riêng.
TP. Hồ Chí Minh, tháng 7 năm 2019
TRẦN THẾ TUYỂN
(*) NXB QĐND – 2019