Đại tá Nguyễn Văn Hồng trong tiểu thuyết “Pai lin thời máu lửa” đã dẫn dắt người đọc theo cách riêng của mình. Thoạt đầu người ta cứ nghĩ tác giả kể về một chuyện tình hi hữu giữa Trung đoàn trưởng Ngô Xuân Mạnh với cô cán bộ phụ nữ xã Nari trên đất nước Chùa Tháp thời làm nghĩa vụ quốc tế cách đây gần 40 năm. Nhưng đọc hết 25 phần (có thể gọi là 25 chương) của cuốn tiểu thuyết mang tính văn chương phi hư cấu này, mới thấy rõ đó là cái cớ để tác giả kể về “Pailin thời máu lửa”.
Pai lin thời máu lửa của Nguyễn Văn Hồng, ngay như tên của tập sách đã mang tính ký sự báo chí nhiều hơn là tác phẩm văn chương. Đọc kỹ tác phẩm đặc biệt với người trong cuộc đã mục sở thị một giai đoạn lịch sử gian khó và hào hùng những năm thập kỷ 80 của thế kỷ trước, khi bộ đội tình nguyện VN sát cánh cùng quân đội cách mạng và nhân dân CPC tiêu diệt tàn quân Pôn Pốt, xây dựng cuộc sống mới, mới thấy bức tranh toàn cảnh hay lát cắt cuộc sống của những người lính “đội quân nhà Phật “lãnh sứ mạng vẻ vang cứu dân tộc CPC thoát khỏi hoạ diệt chủng.
Là người trong cuộc, trực tiếp dấn thân, trải nghiệm thời khắc lịch sử ấy, tác giả Pai Lin thời máu lửa chẳng cần dụng công sáng tác mà chỉ lắng nghe, thấu hiểu và tư duy tổng kết, khái quát sự kiện và con người, đã cho người đọc phần nào cảm nhận được sự khốc liệt của cuộc chiến chính nghĩa nhưng không phải không gây tranh cãi thời bấy giờ.
Với hơn 250 trang sách (khổ 14×20) và 25 trường đoạn, Đại tá Nguyễn Văn Hồng đã khái quát cơ bản hình thái cuộc chiến với những cảnh huống chiến tranh và những con người cụ thể.
Địa danh, đơn vị và nhân vật như Trung đoàn trưởng Ngô Xuân Mạnh, Chính uỷ Trung đoàn Trương Thanh Bình, Tiểu đội trưởng Trần Duy Chiến, cô gái CPC Nari… dưới ngòi bút của Nguyễn Văn Hồng hiện lên rất cụ thể mà cũng thật trừu tượng.
Tác giả Nguyễn Văn Hồng không thần thánh hoá cuộc chiến và cũng không giản đơn, thô bạo hoá cuộc chiến. Dưới ngòi bút giàu cảm xúc và nhân hậu của ông, dù là lát cắt cuộc sống, cuộc chiến đấu khốc liệt tại Pai Lin đã được mô tả một cách chân thực nhất.
Tác phẩm văn chương nói chung, tiểu thuyết nói riêng đều có chung mẫu số đó là thông điệp của tác giả được thể hiện bởi phương thức nghệ thuật. Trong Pailin thời máu lửa, bên cạnh tính thông tấn, tác giả đã cố gắng khắc hoạ nhân vật với tính cách cá biệt không lẫn vào đâu được. Đó là Trung đoàn trưởng Ngô Xuân với tính quyết đoán và ý chí tiến công trong mọi tình huống; đó là Chính uỷ Trương Thanh Bình với sự “ cẩn trọng, đắn đo” trong từng cử chỉ, lời nói nhưng không giấu được sự đố kỵ, chỉ muốn mình là trung tâm vũ trụ.
Đại tá, nhà báo Trần Thế Tuyển – Chủ tịch Hội HTGĐLS TP.HCM phát biểu.
Các trường đoạn như cuộc họp Đảng uỷ Trung đoàn, gặp gỡ cấp trên cấp dưới của hai nhân vật song trùng người đứng đầu Trung đoàn này, cho thấy tác giả Nguyễn Văn Hồng không né tránh phản ảnh sự thật. Sự thật là, những chiến sĩ tình nguyện VN không hề giảm sút ý chí khi bước vào cuộc chiến gây nhiều tranh cãi tại CPC, chiến đấu hy sinh suốt đời mình vì sự nghiệp quốc tế cao cả. Nhưng họ vẫn là con người, con người hơn ai hết tha thiết yêu cuộc đời này với những buồn vui mặc định. Và ở một góc nào đó, dưới ngòi bút của Nguyễn Văn Hồng, họ vẫn là con người bằng da bằng thịt, yêu ghét và ham muốn đời thường. Nguyễn Văn Hồng mạnh dạn đưa vào tác phẩm tính cách , đạo đức các nhân vật mang tính hình tượng mà không phải ai cũng “ dám “ bộc bạch. Đó là Trung đoàn trưởng Ngô Xuân Mạnh , một chỉ huy bản lãnh, luôn ở thế tiến công; hết lòng thương yêu chiến sĩ vẫn có thể “ lỡ làng “ một phút giây mềm yếu, rất con người ôm trọn cô gái CPC vào lòng và tặng cô đứa con trai. Thời ấy, một đảng viên, đặc biệt một cán bộ cấp Trung đoàn có vợ, rất yêu thương vợ mà “suy thoái đạo đức “ như thế không thể tha thứ được. Nhưng dưới ngòi bút của Nguyễn Văn Hồng, chuyện tầy trời ấy có thể hiểu được. Bởi cái phẩm chất cao quý nhất của người lính cụ Hồ- đội quân nhà Phật lúc ấy là dám đương đầu, hy sinh cả tính mạng để bảo vệ trận địa. Và, một phút xao lòng ấy có thể hiểu được. Lại nữa, Nguyễn Văn Hồng xây dựng nhân vật Chính uỷ Trung đoàn Trương Thanh Bình khá đắt. Trưởng thành từ trợ lý cơ quan, chưa trải nghiệm thực tiễn lãnh đạo, chỉ huy chiến đấu. Nhưng được giao làm Chính uỷ, Bí thư Đảng uỷ Trung đoàn, Bình luôn ý thức mình là nhân vật trung tâm, cái gì cũng biết và mọi việc xảy ra ở Trung đoàn chiến đấu này mình đều phải biết. Đó là mảnh đất màu mỡ để mầm giống cá nhân nảy nở…
Đọc trường đoạn này, người ta hình dung, chia sẻ được thực trạng một thời chiến tranh và không cảm thấy “yêu thương“ và “căm ghét“ đến tột độ các nhân vật trong tác phẩm. Đó cũng chính là hạn chế của người viết văn, đặc biệt tác giả truyện ngắn và tiểu thuyết.
Về bút pháp, người viết bài này ghi nhận sự sáng tạo của tác giả khi “thắt“ và “mở“ chuyện.
Như nói ở trên, mới đọc người ta cứ nghĩ tác giả kể lại một chuyện tình. Nhưng đọc hết mới hoá ra là chuyện về “ Pai lin thời hoa lửa”. Thứ hai, nhân vật Trung đoàn trưởng họ Ngô tên Xuân Mạnh này, hoá ra không phải là cha đẻ của chàng trai CPC mang giòng máu Việt Phearak mà của một chiến sĩ tình nguyện VN khác trùng tên, trùng họ.
Về việc này, có vẻ hơi khiên cưỡng. Nhưng những người trong cuộc có thể hiểu được. Bởi bộ đội tình nguyện VN là đội quân nhà Phật luôn được nhâm dân CPC quý trọng. Và dù Nari hay Bôpha (hoa hồng) đều đại diện cho tình cảm của nhân dân CPC với vị cứu tinh của mình.
Cũng nên nói đôi điều về tác giả. Đại tá Nguyễn Văn Hồng không phải sinh ra để làm người viết văn. Nhưng từ thực tiễn, từ một người cấm súng thực sự ông trở thành nhà văn. Từ nền tảng ấy, bên cạnh sự thành công của ông trên cương vị, trách nhiệm của một người lính mang trọng trách Sư đoàn trưởng, Phó Tư lệnh Quân đoàn Nguyễn Văn Hồng trở thành người viết văn với những tác phẩm cuốn hút người đọc. Như đã nói ở trên, từ thực tiễn trải nghiệm trên các cương vi, ông không cần dụng công sáng tác mà chỉ lắng nghe, thấu hiểu, đã có thể cho bạn đọc tác phẩm văn chương hừng hực hơi thở cuộc sống, thấm đẫm tình người. Đó cũng là nối tiếp các cây viết nổi tiếng đã từng giữ trọng trách chỉ huy chiến trận trong quân đội như Thiếu tướng Bùi Cát Vũ, Thiếu tướng Nguyễn Chuông, Trung tướng Lưu Phước Lượng…
Tháng 4/2024
(*) NXB Hội Nhà văn – 2021
TRẦN THẾ TUYỂN