Thứ Bảy, Tháng Mười Hai 9, 2023
Trang chủThời sựVÀI CẢM NGHĨ NHÂN ĐỌC BÀI VIẾT CỦA GS TS NGUYỄN PHÚ...

VÀI CẢM NGHĨ NHÂN ĐỌC BÀI VIẾT CỦA GS TS NGUYỄN PHÚ TRỌNG VỀ” MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỀ CNXH VÀ CON ĐƯỜNG ĐI LÊN CNXH Ở VIỆT NAM”

VÀI CẢM NGHĨ NHÂN ĐỌC BÀI VIẾT CỦA GS TS NGUYỄN PHÚ TRỌNG VỀ” MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỀ CNXH VÀ CON ĐƯỜNG ĐI LÊN CNXH Ở VIỆT NAM”

TRẦN THẾ TUYỂN (*)

LTS: GSTS Nguyễn Phú Trọng- Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam vừa có bài viết “ Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội (CNXH) và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam”. Bài viết đã thu hút được sự quan tâm của xã hội. Toà soạn Linh Khí Quốc Gia trân trọng giới thiệu cảm nghĩ của nhà báo Trần Thế Tuyển về bài viết này.
Mong sự hưởng ứng của quý đọc giả tham gia cảm nhận bài viết của Tổng Bí thư.
Vui lòng gửi bài về địa chỉ :
⁃ Cô Nguyễn Thị Thảo – số 26 Hoàng Diệu Phường 10 – Quận Phú Nhuận – TP Hồ Chí Minh
⁃ Email: thaonguyenhcm299@gmail.com

Một trong mục tiêu, lý tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam kể từ ngày thành lập cách nay hơn 90 năm là xây dựng nước Việt Nam theo con đường xã hội chủ nghĩa (XHCN). Vậy XHCN là gì? Con đường ấy ra sao? Đã có nhiều sách vở, công trình khoa học giải nghĩa vấn đề này. Mỗi học giả, nhóm tác giả có cách tiếp cận riêng và đương nhiên mang lại hiệu ứng khác nhau. Theo tôi, bài viết: “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam” của GS TS Nguyễn Phú Trọng – TBT Đảng Cộng sản Việt Nam được đăng tải trên báo chí gần đây là một trong những bài viết có nét riêng, thuyết phục cả về lý luận và thực tiễn.

KHẲNG ĐỊNH CON ĐƯỜNG ĐÃ CHỌN

Trước hết, cách đặt vấn đề của tác giả rất rõ ràng, thiết thực. Với góc độ là nhà khoa học xã hội nhân văn – người đứng đầu Đảng ta, với bề dày thực tiễn GS TS – TBT Nguyễn Phú Trọng cho rằng, CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam là một đề tài lý luận, thực tiễn rất cơ bản, quan trọng và rộng lớn; phong phú và phức tạp cần có cách tiếp cận khác nhau. Song, bài viết này chỉ tập trung “đề cập góc nhìn thực tiễn của Việt Nam”. Cách đặt vấn đề như thế là khoa học, biện chứng. Chúng ta đều biết các chủ nghĩa, học thuyết… thuộc thượng tầng kiến trúc. Để có nó các tác giả đã đúc kết từ thực tiễn, rút ra các quy luật chung; từ đó đề ra đường lối phát triển. Lấy chủ nghĩa Mác- Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động, TBT Nguyễn Phú Trọng khẳng định: CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam “phong phú và phức tạp” do vậy cần “có những cách tiếp cận khác nhau”.

TBT Nguyễn Phú Trọng không đi sâu vào lý luận mà bằng thực tiễn cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam cách nay gần một thế kỷ nay, tác giả đề cập một cách thuyết phục khái niệm về CNXH. Đó là CNXH khoa học dựa trên học thuyết Mác – Lê nin. Tác giả bài viết chỉ rõ xã hội mà chúng ta đang xây dựng bằng 5 điều “chúng ta cần”.

Thứ nhất, chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người.

Thứ hai, chúng ta cần sự phát triển kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất công, bất bình đẳng xã hội.

Thứ ba, chúng ta cần một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, chứ không phải cạnh tranh bất công “cá lớn nuốt cá bé” vì lợi ích vị kỷ của một số ít cá nhân và các phe nhóm.

Thứ , chúng ta cần sự phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên để đảm bảo môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai, chứ không phải để khai thác, chiếm đoạt tài nguyên, tiêu dùng vật chất vô hạn độ và hủy hoại môi trường.

Thứ năm, chúng ta cần một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do dân và phục vụ lợi ích của nhân dân, chứ không phải cho một thiểu số giàu có.

5 vấn đề “chúng ta cần” mà tác giả bài viết nêu ra, phải chăng đó chính là “những giá trị đích thực của CNXH và cũng chính là mục tiêu, là con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta và nhân dân ta đã lựa chọn và đang kiên định, kiên trì theo đuổi”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

PHƯƠNG PHÁP TIẾP CẬN KHOA HỌC, THUYẾT PHỤC

Không đi sâu vào lý luận, bằng thực tiễn của sự nghiệp cách mạng, đặc biệt 35 năm công cuộc đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, bằng bút pháp chân thực, cụ thể, bài viết làm sáng rõ bản chất CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam. Khái niệm “kinh tế thị trường định hướng XHCN” được coi là bước đột phá rất cơ bản và sáng tạo của Đảng ta về lý luận đã được tác giả bài viết lý giải một cách thuyết phục. 5 nội dung chủ yếu của kinh tế thị trường định hướng XHCN đã được tác giả phân tích; đó là nền kinh tế thị trường hiện đại; vai trò quản lý của nhà nước pháp quyền XHCN do Đảng Cộng sản VN lãnh đạo, nhằm thực hiện mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; gắn kinh tế với xã hội, coi văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội; con người giữ vai trò trung tâm trong chiến lược phát triển; phát triển văn hóa, xây dựng con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc đổi mới; dân chủ là bản chất của chế độ XHCN. Và, đặc biệt, sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản VN là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của công cuộc đổi mới và bảo đảm cho đất nước phát triển theo định hướng XHCN.

Với phương pháp luận khoa học, khách quan, bài viết có những nhận định xác thực về chủ nghĩa tư bản. TBT nêu rõ: Vai trò của CNTB “chưa bao giờ mang tính toàn cầu như hiện nay và cũng đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, nhất là trong lĩnh vực giải phóng và phát triển sức sản xuất, phát triển khoa học công nghệ”. Song, tác giả bài viết khẳng định: “Kinh tế suy thoái phơi bày sự thật của những bất công xã hội trong xã hội tư bản chủ nghĩa; đời sống của đa số cư dân lao động bị giảm sút nghiêm trọng, nạn thất nghiệp gia tăng, khoảng cách giàu nghèo càng lớn, xung đột giữa các sắc tộc trầm trọng. Thị trường tự do của chủ nghĩa tư bản không thể giúp giải quyết những khó khăn kinh tế; phong trào phản kháng xã hội bùng nổ mạnh mẽ ở nhà nước tư bản phát triển…” Đó là bức tranh thực tế của CNTB, vấn đề mà còn nhiều ý kiến khác nhau.

Phương pháp tiếp cận khoa học, biện chứng ấy giúp chúng ta hiểu thêm các vấn đề cốt lõi về xây dựng đất nước, xây dựng Đảng mà các văn kiện Đại hội lần thứ 13 của Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra. Cũng giúp chúng ta củng cố niềm tin, có thêm sức mạnh để góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng đất nước theo con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn./.

                                                                                                 Trần Thế Tuyển
                                                                                  (*) Bài đăng báo QĐND ngày 21-5-2021

Mời bạn đọc bài toàn văn qua đường link sau đây:

https://nhandan.com.vn/tin-tuc-su-kien/mot-so-van-de-ly-luan-va-thuc-tien-ve-chu-nghia-xa-hoi-va-con-duong-di-len-chu-nghia-xa-hoi-o-viet-nam-646305/

Bài viết liên quan

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận
Nhập tên của bạn

Bài viết phổ biến

Bình luận gần đây