Trần Thế Tuyển
LTS: Ngày 19 tháng 11 năm 2021 sẽ diễn ra lễ tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh do đại dịch Covid. Nhà thơ Trần Thế Tuyển đã viết bài “Tưởng niệm và hơn thế nữa” (đăng mục bình luận Sự kiện và Bình luận trên báo Sài Gòn Giải phóng ngày 25/11/2022).
Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc .
Đã thành nét văn hóa tâm linh, từ nhiều năm nay mỗi khi đất nước xảy ra nguy biến, cướp đi nhiều ngàn sinh mạng đồng bào, chúng ta lại làm lễ tưởng niệm để làm “ấm lòng người ra đi và chia sớt nỗi đau với người ở lại”.
Làn sóng thứ 4 đại dịch Covid-19 bùng phát, diễn biến phức tạp, khôn lường, Thành phố Hồ Chí Minh là tâm dịch. Chưa đầy 5 tháng (từ giữa tháng 5 đến tháng 10 năm 2021), mặc dù đã được Đảng, Nhà nước, các cấp ủy, chính quyền cùng hệ thống chính trị, bằng mọi biện pháp vào cuộc mạnh mẽ, nhưng cả nước có gần 23.000 người tử vong do bệnh dịch; trong đó Thành phố Hồ Chí Minh có gần 18.000 ca. Đại dịch để lại hệ lụy thảm khốc, nhiều gia đình, họ hàng không thể nhìn mặt, đưa tiễn người thân; hàng ngàn trẻ em mồ côi, không nơi nương tựa…
Trước nỗi đau đớn chưa từng có ấy, ngày 6 tháng 10 năm 2021, báo Sài Gòn Giải phóng đề xuất có ngày tưởng niệm đồng bào tử vong và đặc biệt lực lượng tuyến đầu chống dịch hy sinh khi làm nhiệm vụ chống dịch Covid-19. Đề xuất nhân văn trên đã nhanh chóng nhận được sự hưởng ứng của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trong cả nước, đặc biệt trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố phía Nam. Ngày 11 tháng 11 năm 2021, tại Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã có chủ trương giao Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương có liên quan tổ chức lễ tưởng niệm đồng bào tử vong và các cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh do đại dịch Covid-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam theo hình thức trực tuyến.
Theo chúng tôi, đây là việc làm nhân văn, thể hiện truyền thống văn hóa, đạo lý: ” Thương người như thể thương thân” của dân tộc ta. Thực tế chứng minh, nhiều lần Đảng và Nhà nước ta đã có chủ trương như thế như: Tưởng niệm cầu siêu cho hơn 2 triệu đồng bào thiệt mạng trong nạn đói 1945 do phát xít Nhật và các thế lực phản động gây ra. Hằng năm, có tưởng niệm và cầu siêu cho các nạn nhân từ trần do tai nạn giao thông hoặc bão lũ.
Cuộc chiến “chống dịch như chống giặc” với Covid-19 chưa chấm dứt. Song tổ chức tưởng niệm đồng bào ta tử nạn và chiến sĩ ta hy sinh trong đại dịch là việc làm cần thiết.
Thứ nhất, tưởng niệm để chia sẻ với vong linh các nạn nhân và người thân của họ bị Covid-19 cướp đi sự sống vô cùng quý giá mà ai cũng khát khao, mong đợi. Đối với thân nhân những người từ trần, đây thực sự là lời an ủi, động viên họ vượt qua nỗi đau, tổn thất không gì bù đắp được để vươn lên. Đặc biệt, lễ tưởng niệm bù đắp phần nào nỗi xót xa khi người thân của họ vì Covid-19 ra đi mà không tổ chức tang lễ theo truyền thống văn hóa dân tộc, chỉ trở về nhà bằng các hũ tro cốt do các chiến sĩ trợ giúp.
Thứ hai, lễ tưởng niệm không chỉ dừng lại ở sự sẻ chia với nỗi đau, mất mát mà còn là lời cảnh tỉnh toàn xã hội để phòng chống hoặc xử lý thảm họa do đại dịch gây ra.
Rồi đây, chúng ta sẽ có dịp nhìn lại toàn bộ diễn biến của ” cuộc chiến” từ khi bùng phát dịch đến các bước đi ngăn chặn dịch, điều trị cứu người. Không chỉ thế, qua cơn “hồng thủy ” này, chúng ta cần thay đổi thế giới quan, nhân sinh quan, trong đó có sự đối xử giữa con người với thiên nhiên; giữa con người với con người. Điều cảnh báo nữa là hệ thống y tế từ cơ sở đến trung ương. Và, cả đạo đức nghề nghiệp (y đức) để không tái diễn thảm cảnh: Chưa kịp tuyên dương những hành động đẹp trên mặt trận chống dịch đã buộc phải khởi tố, truy cứu trách nhiệm hình sự những “Thầy thuốc – Nhà quản lý ” hoặc trực tiếp hoặc dán tiếp, tiếp tay cho kẻ bất lương: Bán thuốc giả, khai khống hoặc nâng giá thuốc, trang bị y tế để vụ lợi.
Lời cảnh báo còn thể hiện đối với đội ngũ những công bộc, đầy tớ của nhân dân. Rằng, phải biết đau nỗi đau của nhân dân; rằng phải hết sức, hết lòng, tận tâm, tận lực với việc chung, nhất là khi đất nước lâm nguy, nhân dân cơ cực.
Lễ tưởng niệm không chỉ mang tính tín ngưỡng, tôn giáo, truyền thống văn hóa và hơn thế nữa, đó là sự sẻ chia và lời cảnh báo để cả hệ thống chính trị và toàn xã hội nhìn lại, khắc phục yếu kém, vươn lên góp sức xây dựng đất nước./.