Một ngày đầu thập kỷ 90 của thế kỷ XX, anh Nguyễn Huy Hiệu, lúc đó là Tư lệnh Quân đoàn 1 đưa anh Phạm Đình Trọng, lúc ấy là Trưởng ban Đại diện báo Quân đội Nhân dân tại Thành phố Hồ Chí Minh và chúng tôi, trong đó có phóng viên ảnh Xuân Gụ đến thăm Sư đoàn 312 đóng quân tại một vùng trung du phía Bắc. Sư trưởng 312 lúc đó là Đại tá Phùng Quang Thanh.
Một sĩ quan có dáng mạnh mẽ, chuẩn mực tiếp chúng tôi, thân tình như anh em ruột thịt đi xa trở về. Tôi có đọc bài báo của cố nhà báo Nguyễn Đức Toại viết về anh Thanh khi anh Thanh còn là cán bộ trung đội của Trung đoàn 64 trên chiến trường Quảng Trị. Đó là một chỉ huy dũng cảm, con liệt sĩ chống Pháp. Gia đình con một, được miễn gọi nhập ngũ, nhưng Phùng Quang Thanh tình nguyện lên đường đánh giặc. Dũng cảm trong chiến đấu, năm 1971 anh Thanh được phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Người anh hùng chiến trận, người đứng đầu của một Sư đoàn lừng danh từ thời đánh Pháp tiếp chúng tôi thật chân tình, cởi mở. Anh Thanh coi chúng tôi là đồng đội thân thiết và không quên hỏi thăm về Thủ trưởng Toại – nhà báo Nguyễn Đức Toại (anh Thanh thường gọi như thế, kể cả lúc anh là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng). Từ đó, chúng tôi thường xuyên liên lạc với nhau. Ít lâu sau đó, tại Thành phố Hồ Chí Minh, anh Trọng và chúng tôi có dịp được đón tiếp các anh Nguyễn Huy Hiệu, Phùng Quang Thanh, Nguyễn Khắc Nghiên… trong một chuyến các anh vào công tác phía Nam. Một đêm khuya, tôi nhận được điện thoại của anh Thanh. Anh hỏi thăm sức khỏe chúng tôi và thông báo anh vừa nhận nhiệm vụ Tư lệnh Quân khu 1.
Khi anh Thanh về lại Tổng hành dinh để nhận trọng trách Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, một đêm tôi lại nhận điện thoại của anh. Lần này anh nhắc lại kỷ niệm gặp nhau lần đầu ở Sư đoàn 312. Anh hỏi thăm công việc của chúng tôi và còn nhắc, trong ấy có khó khăn gì, cứ đề xuất, để đảm bảo công việc làm báo ở một địa bàn chiến lược, trọng điểm.
Điều ấy đã thành sự thật, sau này tôi thay anh Trọng làm Trưởng ban Đại diện báo Quân đội nhân dân tại phía Nam, một lần tôi vào Bộ Tổng Tham mưu gặp Bộ trưởng Phạm Văn Trà và Tổng Tham mưu trưởng Phùng Quang Thanh để xin Bộ cho Ban Đại diện chiếc xe ôtô U-Oát máy lạnh để tác nghiệp ở khu vực Tây Nguyên. Vài tuần sau chúng tôi nhận được chiếc xe còn nguyên đai nguyên kiện đó. Tôi thầm cảm ơn hai vị Đại tướng – Thủ trưởng.
Từ mối quan hệ đó, chúng tôi thường xuyên liên hệ, khi gặp trực tiếp, phần lớn là điện thoại. Năm 2008 tôi về làm việc tại Báo Sài Gòn Giải phóng, một kỳ họp Quốc hội, tôi được mời dự phiên khai mạc. Giờ giải lao Đại tướng Bộ trưởng Phùng Quang Thanh kéo tôi ra hành lang tâm sự. Phóng viên ảnh của Báo Sài Gòn Giải phóng lúc ấy là nhiếp ảnh gia Minh Điền đã chụp cho chúng tôi những tấm hình đẹp, ấm áp tình đồng đội.
Cách đây ít năm, tôi được Trung tướng Nguyễn Đức Xê, nguyên Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân 2 mời về thăm căn cứ cũ của Trường tại vùng biên giới Tây Ninh. Đêm trước, chúng tôi nghỉ tại nhà khách Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Tây Ninh. Tôi gặp anh Phùng Quang Thanh ở đó. Trong đoàn có Trung tướng Lê Nam Phong, nguyên Tư lệnh Quân đoàn 1, thủ trưởng trực tiếp của anh Thanh. Vẫn tác phong gần gũi, chân tình, anh Thanh luôn gọi Thủ trưởng Nam Phong… Đêm ấy, chúng tôi có dịp trò chuyện. Anh Thanh ít nói về chuyện cũ, chủ yếu anh chia sẻ công việc bộn bề của người đứng đầu Quân đội nhân dân Việt Nam với một nhà báo vốn là lính chiến trên chiến trường “Miền Đông gian nan mà anh dũng”…
Khi anh Phùng Quang Thanh nghỉ hưu, cũng là lúc sức khỏe anh không được tốt. Và, nói thực nhiều thị phi về anh. Tôi đã trực tiếp gọi điện hỏi thăm anh. Vẫn giọng chân tình, anh Thanh chia sẻ với tôi, cả nỗi trăn trở với đời, với người.
Dứt câu chuyện với anh Thanh, tôi nghĩ mình có lý. Như người xưa nói, nhân vô thập toàn. Có thể chưa thật sự hoàn thiện như mong ước, nhưng tôi vẫn có niềm tin về phẩm chất và đức độ của một người “Chỉ huy dũng cảm”, một người Anh hùng trưởng thành từ chiến trường, một người lính Cụ Hồ trưởng thành từ Binh nhất lên Đại tướng.
Giữa ngày đại dịch Covid này, hàng ngày chúng tôi đau đớn nhận hung tin đồng đội và người thân Ra Đi vì bệnh dịch. Tin buồn anh Thanh về với tổ tiên như giọt nước tràn ly dâng nỗi buồn thương da diết.
Không đến để thắp nén nhang thơm vĩnh biệt Anh. Anh Phùng Quang Thanh yên lòng ra đi nhé! Bác Hồ, Cha của anh và biết bao Thủ trưởng, đồng chí, đồng đội đang chờ anh ở nơi Chín suối./.
Sài Gòn, rạng sáng 13-9-2021
Trần Thế Tuyển