Thứ Hai, Tháng Chín 9, 2024
Trang chủNHỊP CẦU BẠN ĐỌCTừ Tân An đến Sài Gòn

Từ Tân An đến Sài Gòn

Tôi có cảm giác rất lạ. Cứ mỗi lần trở lại chiến trường xưa hoặc đứng trước bia mộ liệt sĩ, tôi cứ nghĩ, đúng ra mình phải có tên trong danh sách những người nằm xuống này. Vì thế, tôi nghĩ mình có thể hàn huyên cùng các liệt sĩ về chuyện hôm qua và hôm nay…

Kỷ niệm 48 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, tôi lại trở về vùng đất bảo tàng và trò chuyện cùng đồng đội – những người trẻ mãi tuổi hai mươi, mãi mãi đi xa vì quê hương, đất nước.

MỘT

Dòng sông Long Khốt (huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An) vẫn như xưa. Lục bình lững lờ trôi, giữa cánh đồng lúa vàng rực trải dọc đôi bờ. Cây cầu Long Khốt được dựng lại, không phải bằng gỗ, mà bằng sắt, đã rỉ bạc, rêu phong theo thời gian.

Cách đây đúng 48 năm, trước khi hành quân vượt qua “cánh đồng chó ngáp” về giải phóng thị xã Tân An, chúng tôi đã có những trận đánh quyết liệt ở đây.

Tháng 4 năm 1972, sau khi hoàn thành nhiệm vụ làm mũi chủ công giải phóng Lộc Ninh trong chiến dịch mang tên người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ, Trung đoàn 174 (Đoàn Cao Bắc Lạng) của chúng tôi được lệnh hành quân khẩn cấp về đồng bằng tiêu diệt đồn bót, giải phóng dân, mở mảng, mở vùng. Và, yếu khu Long Khốt, cụm cứ điểm của địch án ngữ bên dòng Long Khốt, nơi cửa ngõ biên giới Tây Nam này là mục tiêu phải tiêu diệt, chiếm giữ.

Tưởng rằng với “Khí thế như Mậu Thân, ra quân như Đồng Khởi”, chúng tôi sẽ thừa thắng xông lên, tiêu diệt cứ điểm nhỏ như cái bát úp này trong chốc lát. Nhưng có nhiều yếu tố, trong đó vấn đề lạ nước lạ cái là chủ yếu, đánh Long Khốt mấy lần đều không hoàn thành nhiệm vụ. Và, như thế, biết bao đồng đội của chúng tôi đã nằm lại nơi này.

Cuối cùng, ngày 28 tháng 4 năm 1974, chúng tôi cũng giải phóng được Long Khốt, tạo bàn đạp, bước vào trận quyết chiến chiến lược giải phóng Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

48  năm trôi qua, trong ký ức của tôi chưa bao giờ nguôi ngoai, mờ nhạt gương mặt đồng đội một thời hào hùng ấy. Tôi nhớ lại đầu tháng 4 năm 1975, đang chuẩn bị tiến công giải phóng Mộc Hóa thì đơn vị nhận lệnh hành quân bôn tập qua “cánh đồng chó ngáp”, tiến sâu xuống đồng bằng sông Cửu Long. Những đêm hành quân dưới tầm pháo bom của địch, tôi mới hiểu vì sao người ta gọi nơi đây là cánh đồng chó ngáp. Một vùng Đồng Tháp Mười rộng hàng chục ngàn héc ta, tưởng như không bến bờ, ngút ngàn tầm mắt chỉ thấy cỏ năn như tấm chiếu xanh ngắt giữa mênh mang biển nước chua phèn, đến nỗi chó, một loài vật được cho là có sức dẻo dai nhất, cũng không vượt qua nổi, phải thè lưỡi, ngáp ngắn, ngáp dài, chào thua.

Cả tuần liền vừa đánh giặc, vừa hành tiến qua cánh đồng chó ngáp có biết bao câu chuyện cảm động. Tôi nhớ nhất chuyện về cha con người lính. Chuyện thế này: Trên đường nhận nhiệm vụ từ sở chỉ huy trung đoàn về đơn vị, Đại đội trưởng Trung gặp một bé trai chừng 10 tuổi. Em cho biết, quê em ở thị xã Tân An, gia đình em chạy loạn từ gần tháng nay. Bị lạc, bây giờ em không biết ba mẹ ở đâu. Nói đúng, trong chiến tranh, phần do bí mật quân sự, phần do cơ động liên tục, việc đưa một đứa trẻ đi theo đội hình chiến đấu là chuyện không thể. Nhưng Đại đội trưởng Trung đã xin với cấp trên nhận em bé đó là con nuôi và đưa em theo đơn vị. Những ngày cuối tháng 4 năm 1975, khi đơn vị áp sát mục tiêu: thị xã Tân An, Đại đội trưởng Trung gửi lại đứa con nuôi ở phía sau để chỉ huy bộ đội chốt chặn trên lộ 4.

Ngày thị xã Tân An giải phóng, thằng bé đi tìm cha mẹ và ba nuôi của nó thì tất cả không còn nữa. Người ta cho biết, ba mẹ nó đã chết do máy bay quân đội Sài Gòn từ Tân Sơn Nhất thả bom. Còn ba nuôi – Đại đội trưởng Trung – đã hy sinh ngay chân cầu Tân An trước ngày toàn thắng.

Câu chuyện ấy cứ ám ảnh tôi mãi. Càng ngày tôi càng ngộ ra rằng, lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta mấy ngàn năm nay đã thấm biết bao máu xương các thế hệ người Việt Nam, bất kể ở phía bên nào. Và, người thiệt thòi nhiều nhất vẫn là nhân dân – những người bình thường như ba mẹ của em bé mất cha mất mẹ trên đất Tân An ngày đầu giải phóng này.

HAI

Khi chiếc xe tăng 390 húc đổ cánh cổng tiến vào dinh Độc Lập lúc 11 giờ 30 phút ngày 30 tháng 4 năm 1975 thì cũng là lúc chúng tôi tràn vào thị xã Tân An. Mục tiêu đầu tiên là dinh tỉnh trưởng. Các chiến sĩ của Tiểu đoàn 5 do Tiểu đoàn trưởng Đinh Bá Đài chỉ huy đã dứt tung lá cờ ba sọc đỏ trên nền vàng ném xuống đất, thay vào đó lá cờ nửa xanh nửa đỏ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam.

Tôi cùng các chiến sĩ trinh sát đi thu thập tài liệu. Mọi thứ gần như vẫn còn nguyên vẹn. Như người mộng du, tôi ra phía sau tòa nhà, từ ban công ngắm nhìn dòng Bảo Đại, một nhánh của con sông Vàm Cỏ Đông đã đi vào thi ca như một lời yêu thương thầm kín nhất của những người con phương Nam trên đất Bắc một thời đánh giặc.

Để có được phút giây thiêng liêng này – đất nước hoàn toàn giải phóng, non sông thu về một dải – có biết bao thế hệ người Việt Nam đã nằm xuống dọc những cánh rừng Trường Sơn, dọc tuyến hàng hải với những con tàu không số và bất cứ nơi đâu trên dải đất hình chữ S này. Khoảnh khắc ấy chỉ xảy ra có một lần. Lịch sử không bao giờ lặp lại. Tôi nói với anh Nội, đội trưởng đội tuyên truyền vũ trang của trung đoàn như thế và đề nghị anh kiếm đâu đó một chiếc xe “nhảy dù” lên Sài Gòn.

Một lúc sau, tôi thật sự ngạc nhiên, anh Nội dẫn đến trước mặt tôi một chiếc xe jep mui trần. Người lái xe là một thanh niên khá điển trai, có ria mép như kiến bò. Anh tự giới thiệu là Khanh, thiếu úy quân cảnh. Khanh nói, anh có thể đưa chúng tôi lên Sài Gòn. Sau một chút do dự, tôi quyết định lên thăm thành phố Sài Gòn vừa giải phóng. Tôi dặn Khanh, 7 giờ tối, tôi phải trực phiên phát thanh bản tin trên hệ thống loa công cộng, cần phải về đúng giờ. Chàng thiếu úy quân cảnh của chế độ vừa sụp đổ liếc qua đồng hồ rồi quả quyết, nhất định sẽ về trước giờ phát sóng.

Thế là xe chúng tôi băng băng trên mặt lộ phẳng lì tiến về Sài Gòn. Dọc hai bên đường, quân phục, trang bị các sắc lính Việt Nam cộng hòa vứt la liệt. Nhiều sĩ quan binh sĩ chế độ cũ ngực để trần, chỉ mặc chiếc quần xà lỏn. Nhìn gương mặt của họ, tôi thấy ít sự lo âu, phần lớn đều mừng vui, rạng rỡ.

Đó là điều lạ. Mấy ngày nay, khi hành quân chiến đấu ép sát thị xã, chiếc radio bên hông tôi thường vang lên luận điệu động viên tử thủ của chế độ Sài Gòn. Các bạn hãy tử thủ, không giao đất cho cộng sản. Chết vì quốc gia còn hơn chết trong biển máu khi rơi vào tay cộng sản xâm lăng. Thế mà thành phố vừa giải phóng, người ta khó có thể nhận ra ai ở phía bên nào. Mọi người đều vui vẻ.

Xe tiến vào nội đô Sài Gòn, thành phố bình yên, nguyên vẹn. Chỉ có điều, trên đường phố không còn bóng dáng những người lính chế độ cũ, thay vào đó là những chiến sĩ giải phóng quân, mũ tai bèo, áo xanh còn vương bụi đỏ và những nam thanh, nữ tú Sài Gòn quần loe, áo chẽn hông đang điều hành trật tự giao thông.

Chiếc xe Jep mang cờ giải phóng đưa chúng tôi vào dinh Độc Lập. Mấy chiến sĩ thuộc Quân đoàn 2 đang chốt giữ tại đây xem qua giấy tờ rồi mở cổng cho xe chúng tôi vào sân dinh. Tôi chạy lên đại sảnh, nhanh chóng lấy máy ảnh ghi lại khoảnh khắc lịch sử có một không hai này. Một chiến sĩ đưa chúng tôi thăm từng căn phòng. Từ phòng bầu dục, nơi họp của chính phủ chế độ Việt Nam Cộng hòa đến phòng tiếp khách của Tổng thống, nơi nào cũng còn nguyên vẹn…

Tôi tha thẩn trên bãi cỏ mượt như nhung trước dinh. Người tôi bần thần, chếnh choáng. Để có giây phút này, biết bao đồng đội tôi đã ngã xuống. Trước giờ toàn thắng còn có những người ra đi như Đại đội trưởng Trung bên cầu Tân An trưa 30 tháng 4 lịch sử…

Xe chúng tôi vòng qua Đa Kao về phía Lăng Ông Bà Chiểu rồi theo đường Võ Tánh (nay là đường Phan Đăng Lưu) vào sân bay Tân Sơn Nhất. Nơi đây dấu tích của cuộc chiến phơi bày khá rõ. Một chiếc máy bay bị bắn cháy cách đó vài ngày nằm trơ bộ khung, khói lửa vẫn còn âm ỉ. Cả sân bay thực sự là một bãi chiến trường.

Liếc nhìn đồng hồ, tôi giục tài xế Khanh đưa chúng tôi trở lại thị xã Tân An. Qua ngã tư Bảy Hiền, Phú Thọ Hoà, Chợ Lớn… ra xa cảng Miền Tây, nơi nào cũng thấy bình yên, như chưa hề có cuộc chiến tranh kéo dài hơn 1/3 thế kỷ.

Đúng như dự kiến, chúng tôi về đến nơi đóng quân tạm thời trong dinh tỉnh trưởng Long An trước 6 giờ. Tôi vội ngồi vào bàn tác nghiệp. Và, đúng giờ phát thanh, bài ghi nhanh: Từ Tân An đến Sài Gòn, ngày đầu giải phóng của tôi đã đến với bà con vùng mới giải phóng trong tiếng nhạc hào hùng: Tiến về Sài Gòn, ta quét sạch giặc thù, tiến về đồng bằng giải phóng thành đô…

 

Ban Thường vụ Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TP.HCM dâng hương tại Đền thờ liệt sĩ Long Khốt

BA

Đó là một việc làm mang ý nghĩa tâm linh và đạo lý không thể thiếu của người Việt: mỗi khi khởi công xây dựng một công trình nào đó thì cúng động thổ. Chị Hải, giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam tại tỉnh Quảng Bình, đơn vị tài trợ cho dự án đền thờ liệt sĩ Trường Sơn- Bến phà Long Đại,  nói với tôi như vậy. Và bây giờ đúng giờ tý canh ba, chúng tôi ra bến phà xưa làm lễ cầu siêu các anh hùng liệt sĩ Trường Sơn chuẩn bị cho lễ khởi công vào sáng hôm sau.

Cách đây hơn 40 năm, vào một đêm đông giá lạnh từ dòng Nhật Lệ, chúng tôi đã qua bến phà này ngược lên Làng Ho mở đầu cho cuộc hành quân dọc Trường Sơn vào Nam Bộ. Ngày ấy, cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ ra miền Bắc nước ta đang diễn ra quyết liệt. Bến phà Long Đại là một trọng điểm đánh phá của địch. Chúng tôi vừa hành quân qua đây thì máy bay đến đánh phá. Hàng chục anh chị em TNXP và bộ đội đang làm nhiệm vụ ở đây đã hy sinh.

Khi về làm việc ở báo Sài Gòn Giải Phóng, phát động Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn, trong đó có việc xây dựng đền thờ liệt sĩ, chúng tôi nghĩ ngay đến việc xây dựng một ngôi đền bên bến phà Long Đại năm xưa. Ý tưởng ấy được lãnh đạo tỉnh Quảng Bình và nhà tài trợ chính Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam ủng hộ. Thượng tọa Thích Thanh Phong, chủ trì chùa Vĩnh Nghiêm tại TP.HCM trực tiếp cùng chúng tôi khảo sát địa điểm, chọn đỉnh đồi bên ngã ba sông, nơi giao tiếp giữa đường HCM, đường xe lửa Bắc Nam và hợp lưu của dòng sông mang tên rồng lớn này làm nơi xây dựng đền.

Bến sông xưa đã linh thiêng, nửa đêm càng trở nên linh thiêng, huyền diệu. Cùng tham dự lễ cầu siêu với chúng tôi, có Thiếu tướng Phan Khắc Hy, một người con của quê hương Quảng Bình. Ông nguyên là Phó Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn thời chống Mỹ.

Khi đèn nhang đã bừng sáng cả một vùng đồi, trong tiếng ấm trầm đọc  kinh của các nhà sư từ chùa Thần Đinh, tôi thấy gương mặt vị tướng già một thời trận mạc khác lạ. Ở cái tuổi cửu tuần, từng trải như ông, người ta ít thấy những giọt nước mắt. Nhưng thực sự, đêm nay, tôi đã thấy những giọt nước mắt hiếm hoi lăn trên gò má khô sương của vị Tướng suốt cả cuộc đời dâng hiến cho cách mạng. Ông nhắc tên từng người lính một thời đã cùng ông xông pha trên đỉnh Trường Sơn, trong đó có người lính lái xe cho ông.

“Đáng lẽ đồng chí ấy không đi chuyến công tác này. Nhưng lái xe của anh Đặng Tính (nguyên Chính ủy Bộ Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn) bị sốt rét, tôi cử đồng chí ấy đi thay. Và như mọi người biết đấy, anh Đặng Tính hy sinh và người lái xe của tôi cũng đi theo anh ấy”. Giọng vị tướng già đứt quãng. Ông khóc như lâu lắm rồi không được khóc. Đến nay, hài cốt của đồng chí lái xe ấy cũng như một số anh em khác vẫn chưa tìm thấy.

“Tôi rất mừng, xây dựng ngôi đền này, linh hồn các đồng chí ấy sẽ có nơi trú ngụ. Anh em lại về bên nhau, ấm cúng như một thời làm lính Trường Sơn”, Thiếu tướng Phan Khắc Hy tâm sự.

Vị tướng trận thấy mình như người mộng du. Ông tha thẩn ra bến sông ngắm nhìn dòng Long Đại lững lờ trôi trong ánh sao đêm huyền ảo. Ông nói với mình mà như đang trò chuyện với những người lính của ông đã nằm xuống bên dòng Long Đại huyền thiêng hay trên đỉnh Trường Sơn bốn mùa mây phủ.

Bây giờ đền thờ liệt sĩ Trường Sơn – Bến phà Long Đại đã trở thành địa chỉ đỏ. Từ Quảng Bình, chị Hải gọi điện cho tôi thông báo, đền thờ liệt sĩ Long Đại đã thực sự trở thành một trong những điểm đến của du khách thập phương khi đặt chân đến tỉnh Quảng Bình. Không chỉ có chị Hải, tôi thường xuyên nhận được điện thoại hoặc tin nhắn của đồng đội, bạn bè khi đến viếng đền thờ Long Đại hoặc các đền thờ liệt sĩ mà chúng tôi xây dọc dài Trường Sơn. Những lúc như thế, lòng tôi bỗng ấm lạ.

Thời gian sẽ trôi qua, mọi thứ có thể sẽ đi vào quên lãng, nhưng gương mặt đồng đội tôi và những tháng ngày chiến đấu gian khổ, ác liệt ấy không thể quên lãng. Những ngôi đền thờ liệt sĩ mà chúng tôi xây dựng dọc dài Trường Sơn cũng như ở Long Khốt (Long An); Phú Quốc (Kiên Giang)… mãi là điểm đến tâm linh của mọi người để tri ân những người con ưu tú “Thân ngã xuống thành đất đai Tổ quốc/ Hồn bay lên hóa linh khí quốc gia”, đã dâng hiến cả cuộc đời cho độc lập tự do của Tổ quốc, cho hạnh phúc của mỗi mái nhà hôm nay.

Và tôi có cảm giác rất lạ. Mỗi khi đứng trước những dòng chữ ghi tên các liệt sĩ trong nghĩa trang, tôi cứ nghĩ lẽ ra phải có tên mình. Tôi còn được sống, có được những gì hôm nay tất thảy là do đồng đội, từ đồng đội…

TP.HCM, 1975 – 2023

Tùy bút Trần Thế Tuyển

Bài viết liên quan

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận
Nhập tên của bạn

Bài viết phổ biến

Bình luận gần đây