Thứ ba, Tháng chín 17, 2024
Trang chủNHỊP CẦU BẠN ĐỌCBẠN ĐỌC VIẾTTừ một người lính đến một người lương y

Từ một người lính đến một người lương y

Không chỉ làm kinh tế giỏi mà anh Trần Văn Thuỷ, hội viên Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh Bình Phước còn là một người thầy thuốc đông y giàu lòng nhân ái, được xóm làng yêu mến.

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất đầy nắng gió ở miền Trung, sau khi rời quân ngũ, anh Trần Văn Thuỷ (sinh năm 1964) trở về cuộc sống đời thường tại Quảng Trạch, Quảng Bình.

Ở vùng đất cằn cỗi, mưa bão quanh năm, cái nghèo cứ đeo bám cuộc sống của gia đình anh, có lúc cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc. Nhiều đêm trằn trọc không ngủ, anh quyết định xin phép gia đình vào Nam lập nghiệp.

Anh Trần Văn Thuỷ (sinh năm 1964), hội viên Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh Bình Phước

Những ngày tháng đầu, chỉ có hai bàn tay trắng nhưng với bản chất con nhà nông cần cù, siêng năng, anh làm thuê đủ mọi nghề để kiếm sống.

Thời điểm đó, anh ăn uống, chi tiêu dè sẻn, nhờ sự chịu thương chịu khó, anh đã tiết kiệm được một số tiền, sau hơn bốn năm xa xứ, anh mua được 2 ha đất tại thôn 4, xã Long Bình, huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước.

Anh kể lại, lúc đó mua đất xong anh dựng chòi tạm để ở, trồng các loại cây ngắn ngày để có cái ăn và tiếp tục cải tạo mảnh đất của mình.

Anh Thuỷ đang giữ chức Chủ tịch Hội Đông y xã Long Bình, huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước

Những năm tháng đó vô cùng vất vả, anh phải lấy sức mình vượt sức thiên nhiên. Đến năm 1997, anh đưa vợ con từ Quảng Bình vào, khó khăn chồng chất khó khăn, lúc đó các con anh còn nhỏ, vợ chồng anh phải nỗ lực chăn nuôi, trồng trọt mới có thể nuôi con ăn học. Trời không phụ lòng người, mấy năm sau anh mua tiếp 13 ha đất hoang trên địa bàn.

Đến nay, sau 26 năm trời, anh chị đã có một cơ ngươi mà nhiều người không dám mơ tới.

Như Bác Hồ đã nói “không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền, đào núi và lấp biển, quyết chí ắt làm nên”, anh Thuỷ là một tấm gương điển hình về hình tượng anh Bộ đội Cụ Hồ cần cù, siêng năng.

Anh nhận được Bằng khen vì có nhiều thành tích xuất sắc

Hiện nay, cây ăn trái đã phủ xanh diện tích đất của gia đình anh, khoảng 5 ha sầu riêng, măng cụt, mít thái cho năng suất cao và thu về bạc tỷ mỗi năm.

Trong vườn của gia đình anh còn có 10 ha gỗ quý 20 năm tuổi, trong đó có Trầm Hương. Vườn trầm của anh đã được nhà khoa học chuyên nghiên cứu về gỗ quý ở TPHCM đến tham quan, khoan lỗ trực tiếp vào thân cây, cấy trầm để có thành phẩm trầm tốt hơn.

Ngoài các loại cây mang lại giá trị kinh tế cao, anh còn trồng xen canh vườn thuốc Nam, bởi anh luôn tâm niệm mình có duyên với nghề thầy thuốc thì càng phải nỗ lực phát triển nghề.

Những ngày đầu chập chững học cách chữa trị bệnh bằng thuốc Nam, anh vừa học vừa thực hành tại Phòng mạch Bác sĩ đông y Nguyễn Chính tại tỉnh Bình Phước. Từ năm 2005 đến năm 2012, anh trực tiếp chữa trị cho bệnh nhân và được Hội Đông y tỉnh cấp chứng chỉ hành nghề.

Với cái tâm lành, hướng thiện, anh đã chữa trị cho nhiều người mắc bệnh trở nên khoẻ mạnh. Gắn bó với nghề thầy thuốc, anh luôn đặt chữ tâm hàng đầu, niềm vui lớn nhất của anh là thấy người bệnh khoẻ mạnh trở về. Tin lành đồn xa, đến nay, hễ ai bị bệnh họ lại tìm đến nhờ anh chữa trị, chỉ bằng nắm lá thuốc Nam ấy mà nhiều người đã được cứu sống.

“Tôi trị bệnh cho bà con hoàn toàn miễn phí, nhìn thấy họ khoẻ mạnh trở về là tôi vui, hạnh phúc rồi”, anh Thuỷ tâm sự.

Hiện nay, anh Thuỷ đang giữ chức Chủ tịch Hội Đông y xã Long Bình, huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước. Anh còn là hội viên Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh Bình Phước và hội viên Hội Nhà thơ Việt Nam.

Đặc biệt, nhằm tưởng nhớ các đồng đội đã hy sinh trong những năm chiến tranh ác liệt, anh đã phát tâm xây dựng nhà thờ sát bên nhà của mình để thờ các bậc tiền bối, vong linh các anh hùng liệt sĩ.

Nhiều năm qua, anh nhận được Giấy khen, Bằng khen các cấp vì sản xuất giỏi, tiêu biểu; anh cũng được tôn vinh khi tham gia chữa bệnh cứu người.

Nói về anh Trần Văn Thuỷ, cựu chiến binh Nguyễn Văn Tam ở Long Bình ngẫu hứng làm câu thơ:

Đường vào chú Thuỷ ngát màu xanh

Gió lộng hàng cây đường uốn quanh

Một vùng trù phú ôm trang trại

Sơn thuỷ hữu tình đẹp như tranh

Nhà chú ở đây thờ Phật Thánh

Từ sáng tinh mơ tận năm canh

Việc trang việc hội không hề nghỉ

Niệm Phật tụng kinh chí lòng thành

Ngày xưa đi lính để đấu tranh

Mong được dân yên nước được lành

Nay về nương rẩy càng hăng hái

Ấy thế cho nên chú thơm danh.

Nguyễn Nhị

Bài viết liên quan

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận
Nhập tên của bạn

Bài viết phổ biến

Bình luận gần đây