Dẫu chiến tranh đã đi qua hơn nửa thế kỷ, song với những người lính chúng tôi ký ức chiến tranh không thể phai mờ. Đặc biệt vùng chiến trường Sài Gòn – Gia Định, lớp lớp chiến sĩ đồng bào ta đã ngã xuống từ An Nhơn, Gót Chàng, Xóm Thuốc đến Hóc Môn, Đồng Dù, đường băng Tân Sơn Nhất… Trong đó có những người lính cầm bút luôn bám sát đơn vị, bám sát chiến trường. Mậu Thân 1968, tôi là trợ lý tuyên huấn của Phòng Chính trị I.4 (Sài Gòn – Gia Định) nên có dịp làm việc với các nhà báo, nhà văn. Nhà thơ Thanh Giang theo Trung đoàn Quyết Thắng, nhà báo Phú Bằng bám Tiểu đoàn 2 Gò Môn, nhà báo Ngọc Châu theo Trung đoàn 1 Bình Giã…
Sau khi Trung đoàn 16 tấn công cổng số 4 Bộ Tổng Tham mưu quân đội Sài Gòn, căn cứ Cổ Loa, rồi lùi ra bám trụ vùng An Nhơn, Xóm Mới, An Phú Đông, Trung đoàn Quyết Thắng bám trụ Thạnh Lộc giải phóng đồn bót, giữ địa bàn mở vùng Giải Phóng. Những trận đánh ác liệt liên tiếp diễn ra, hai nhà báo Thanh Giang và Phú Bằng ngồi dưới hầm âm viết bài trong ánh đèn dầu le lói. Bất ngờ một trái đạn pháo của địch nổ ngay trên nóc hầm, nhà báo Phú Bằng bị thương nặng gục đầu vào nhà báo Thanh Giang. Những trang bản thảo viết dở thấm máu các anh…
Nhà báo Xuân Hoà và nhà báo Trần Thế Tuyển thời ở Báo Quân khu 7.
Lại nói về nhà báo Ngọc Châu, sau đợt một Mậu Thân trở về căn cứ, rồi nhận lệnh đi tiếp đợt 2 theo tiểu đoàn 5 Phân khu 2 hướng tây nam Sài Gòn. Bám bộ đội chiến đấu tại vùng An Lạc, Phú Lâm, sau đó lùi ra khu vực chợ Đệm, Tân Kiên, trên đường rút lui máy bay địch truy kích, nhà báo Ngọc Châu bị trúng bom na ban, lửa đỏ trên người. Anh chạy như bay như một bó đuốc sống rồi ngã xuống cánh đồng Tân Kiên. Ngọn lửa nhà báo Ngọc Châu vẫn như còn rực sáng đến hôm nay và mai sau.
Chiến tranh chống Mỹ kết thúc chưa được bao lâu, bè lũ Pôn Pốt lại gây ra cuộc chiến tranh biên giới phía Tây Nam, những nhà báo chiến sĩ chúng tôi: Xuân Hòa, Trần Thế Tuyển lại tay bút tay súng theo chân các binh đoàn ra mặt trận. Đó là những ngày tháng 10 năm 1977, Trung đoàn 174 tiến công bọn lính Pôn Pốt tại Thiện Ngôn – Xa Mát. Ngoài sự hy sinh của những người lính, còn có sự hy sinh của anh em thanh niên xung phong. Tôi đã chứng kiến một nữ thanh niên xung phong ngã xuống trong trận đánh phối thuộc cùng tiểu đoàn 2 giữa tuổi đời 18. Từ cảm xúc đó, tôi đã viết bài thơ “Nơi em gửi lại khoảng trời”. Bài thơ được giải báo Tuổi trẻ 1978.
Những năm tháng ấy vùng biên giới Tây Nam ngày càng khốc liệt, không có ngày nào bộ đội và nhân dân vùng biên không có hy sinh đổ máu. Tôi nhớ ngày Thương binh Liệt sĩ 27 tháng 7 năm 1978, tôi đi cùng đoàn Bộ Tư lệnh Quân khu 7 viếng nghĩa trang Xa Mát, nhìn những hàng mộ bia rộng dài thăm thẳm, nước mắt tôi cứ trào ra vì nhớ thương bao bạn trẻ, đồng đội. Trước mặt tôi vị Tư lệnh quân khu đứng nghiêm trang trước những hàng bia mộ những người lính của ông đã ngã xuống và còn tiếp tục ngã xuống. Đâu đó không xa, tiếng súng vẫn rì rầm vọng lại, tôi nhận ra dưới cặp kính trắng trên đôi mắt ông cứ nhòe dần. Tôi hiểu tình yêu thương của ông rộng lớn đến nhường nào. Sau đó tôi viết bài thơ “Viếng nghĩa trang Xa Mát” đăng trên báo Quân đội Nhân dân.
Nhà báo Trần Thế Tuyển và nhà báo Xuân Hoà tại chương trình gặp gỡ, giao lưu nhân chứng lịch sử.
“Chúng tôi đứng trước những hàng mộ bia lặng im/ Lòng nghẹn lên đau nhói ở buồng tim/ Những hàng mộ bia, những người lính xếp hàng/ Nghiêm trang trước vị tư lệnh trước giờ xuất kích/ Vị tư lệnh cũng đứng nghiêm/ Ông không ra mệnh lệnh mà ông khóc/ Những giọt nước mắt như giọt máu người chiến sĩ của mình thấm vào lòng đất…”
Chiến dịch ngày càng mở rộng, Trần Thế Tuyển theo Sư đoàn 5 lật cánh đánh Niếc Lương. Tôi theo Sư đoàn 310 ngược miền Tây Campuchia giải phóng Kô Kông, kịp thời đưa tin tức về báo Quân khu 7, báo Quân đội nhân dân. Đó là những thử thách đầy hy sinh gian khổ của những người lính cầm bút như chúng tôi, song cũng là niềm vinh dự, tự hào được ghi chép những trang lịch sử vàng son về những người lính Việt Nam làm nhiệm vụ quốc tế. Giúp bạn và cũng để lại vốn liếng tư liệu quý giá làm hành trang cho sự nghiệp cầm bút của chúng tôi.
Sau những năm 80, mỗi chúng tôi đi theo sự nghiệp của riêng mình, tôi chuyển ngành về làm công tác tuyên giáo cho Công ty tàu biển Viễn Dương. Trần Thế Tuyển về báo Quân đội nhân dân, sau đó anh ra làm Cục phó Cục Báo chí, rồi trở về làm Tổng biên tập báo Sài Gòn Giải phóng. Trong thời gian làm Tổng biên tập báo Sài Gòn Giải phóng, nhà báo Trần Thế Tuyển đã thực hiện được tâm nguyện của mình với các đồng đội Trung đoàn 174 bằng việc vận động quyên góp, bỏ nhiều công sức trí tuệ xây dựng khu vực chiến trường xưa Long Khốt ( Long An), nơi trong những năm 1972 – 1975 và 1978 có hơn 1.000 cán bộ chiến sĩ chiến đấu hy sinh được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch quyết định xếp hạng khu di tích cấp quốc gia. Tại khu di tích, được khắc hai câu thơ nổi tiếng của nhà thơ Trần Thế Tuyển: “Thân ngã xuống thành đất đai tổ quốc/ Hồn bay lên hóa linh khí quốc gia”. Ôi! Anh linh của những người lính đã trở thành linh khí quốc gia cho non sông đất Việt mãi mãi ngàn vạn năm trường tồn và hưng thịnh.
Nhà báo Xuân Hoà và nhà báo Trần Thế Tuyển.
Và hôm nay, trong những ngày tháng 6 lịch sử này, khi cả nước vừa đẩy mạnh phát triển sản xuất, vừa chống dịch Covid 19, với tinh thần người lính Cụ Hồ, các nhà báo quân đội, quân khu 7 đang cùng đồng bào, đồng đội gồng mình “chống dịch như chống giặc”. Tự hào thay những chiến sĩ cầm súng, cầm viết của mảnh đất “Miền Đông gian nan mà anh dũng “./.
Xuân Hòa