Hơn 2 năm qua, kể từ khi Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TP.HCM đặt viên gạch đầu tiên, tôi có nhiều cơ hội đồng hành trong các hoạt động. Bên cạnh nhiệm vụ sản xuất tin, bài cho trang tin và đặc san Linh khí quốc gia của Hội, tôi luôn biết ơn vì được gắn bó, làm việc với những người có trái tim bao dung, hướng về cộng đồng xã hội.
Một phóng viên trẻ tại sao có thể đi cùng các ông bà lớn tuổi nhiều như vậy? Đó là câu hỏi mà tôi được nghe nhiều nhất từ khi gắn bó với Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TP.HCM. Mỗi lần nghe ai đó hỏi, tôi chỉ mỉm cười nhưng câu trả lời mà tôi luôn cất giữ chính là tôi cảm nhận được những giá trị lớn lao, mang ý nghĩa nhân văn mà Hội thực hiện, điều đó làm tôi trân quý và muốn tham gia cùng mọi người.
Tôi gắn bó với Hội từ nhiều cơ duyên đặc biệt, thầy tôi (Đại tá, nhà báo Trần Thế Tuyển) hiện là Chủ tịch Hội, đây chính là người đã truyền cho tôi kiến thức, hành trang quý báu bước vào đời. Ngay từ lúc còn ngồi trên ghế nhà trường, tôi đã biết đến những việc làm ý nghĩa của ông, rồi từ đó đến nay tôi có nhiều cơ hội đồng hành trong các hoạt động do ông và Hội khởi xướng.
Thứ 2 là sếp tôi (nhà báo Đan Hà, Phó Chủ tịch Hội), người luôn tạo nguồn cảm hứng tích cực để tôi và mọi người tham gia hoạt động. Bà được mệnh danh là “người phụ nữ quyền lực” bởi những việc làm của bà khiến cánh mày râu phải ngưỡng mộ.
Tác giả trong một lần cùng Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TPHCM về thăm Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Bọ tại Bến Tre
Nhiều năm qua, tôi hay nhận được những dòng tin nhắn thân quen như: Trò đến dự nhé, Con đến Hội đưa tin nhé, Hẹn gặp em ngày mai… từ Đại tá Trần Thế Tuyển, nhà báo Đan Hà hay chị Nguyễn Thị Thảo (văn phòng Hội), những lời mời chứa đựng tình cảm mà mọi người dành cho tôi, cũng như cách mà Đại tá Trần Thế Tuyển hay giới thiệu tôi “là học trò, là phóng viên của Hội”.
Dù không phải là thành viên nòng cốt nhưng từ lâu tôi đã xem mình là tế bào của Hội. Mỗi lần nhận lệnh đi viết tin, bài, tôi không xem đó là nhiệm vụ hay trách nhiệm mà tôi chỉ nghĩ đây là việc cần làm để lan tỏa những điều tích cực tới xã hội.
Giống như nhiều phóng viên khác, tôi sinh ra, lớn lên, học tập và làm việc trong thời bình. Nhưng đi với Hội, tôi được nhiều cô chú gọi là “phóng viên chiến trường”, bởi tất cả các sự kiện, chương trình quan trọng mà Hội thực hiện đều có mặt tôi, từ Lễ ra mắt văn phòng, hoạt động trao nhà tình nghĩa, tặng quà Mẹ Việt Nam anh hùng, rồi chuyến hành quân đặc biệt về chiến trường Tây Nguyên, thăm căn cứ cách mạng… Đặc biệt là những chuyến về Long Khốt, mảnh đất nghĩa tình, linh thiêng, nơi hàng ngàn đồng đội của thầy tôi đã ngã xuống.
Mỗi chuyến đi tôi đều có những cảm xúc đặc biệt, tôi không chia sẻ với mọi người mà cất vào kho tự liệu của bản thân. Đến với Hội, không chỉ được đi nhiều, viết nhiều mà còn được gặp những người “đặc biệt” khó có thể gặp ở những môi trường khác, như Trung tướng Lưu Phước Lượng, Trung tướng Nguyễn Đức Hải… Đặc biệt, trong nhiều lần tác nghiệp, tôi được dịp trò chuyện với nhiều cựu chiến binh, họ là những nhân chứng sốngcủa lịch sử, qua đó tôi có cơ hội hiểu thêm về ký ức nơi chiến trường, những cống hiến vĩ đại mà thế hệ cha anh dành cho Tổ quốc.
Hội đã ra đời được hơn 2 năm, dù xuất phát điểm còn khó khăn nhưng những kết quả mà Hội làm được khiến nhiều tổ chức phải ghen tỵ bởi không ai nghĩ rằng Hội nhiều 0 “không tiền, không lương…” lại làm được những hoạt động ý nghĩa như vậy.
Các thành viên của Hội đều ở lứa tuổi U50 trở lên, trong đó nhiều người đã cuối dốc cuộc đời nhưng Hội vẫn có sức hút đặc biệt, cũng giống như tôi, là phóng viên trẻ nhưng vẫn đồng hành cùng những người cao tuổi.
Nếu có điều ước, tôi chỉ mong các thành viên của Hội thật nhiều sức khỏe để tiếp tục sứ mệnh cao cả, đầy vinh quang và tự hào mà bao người gửi gắm. Giống như Đại tá Trần Thế Tuyển hay nói, ông có “món nợ với đồng đội”.
Hôm nay, tôi và những bạn trẻ khác, đại diện cho những chủ nhân tương lai của đất nước đang từng ngày cố gắng, cống hiến để trở thành những công dân có ích, góp phần xây đắp quê hương đất nước. Đó cũng là cách mà chúng tôi bày tỏ tấm lòng với các Anh hùng liệt sĩ, những người không tiếc máu xương cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Kim Sáng