Thứ Năm, Tháng Ba 28, 2024

CHUYỆN RỒI SẼ KỂ

CHUYỆN RỒI SẼ KỂ

Truyện ngắn của Lê Hoài Nam

Sáng hôm đó một mũi thủy quân lục chiến Việt Nam Cộng hòa từ bên kia sông Vĩnh Định phản công, toan tràn qua chiếc cầu gỗ tấn công sang bên này, nơi ém quân của đại đội 2 quân giải phóng nhằm cô lập rồi đánh bật họ khỏi đội hình tiểu đoàn 1 . Nhưng chúng đã bị các chốt của đại đội từ bên này sông đánh chặn, chúng đành phải rút về phía sau, dùng hỏa lực mạnh phản kích trở lại.  Một số chiến sĩ của đại đội 2 hy sinh. Nghinh bị thương. Chiếc máy 2 wat Nghinh đeo trên vai cũng lĩnh trọn một viên AR15, không còn dùng được nữa. Đại đội phân công người dìu ba thương – bệnh binh là Nghinh, Lầu, Cương và khiêng sáu thi thể liệt sĩ về khu vườn chuối, đào một căn hầm lộ thiên cho họ nằm ở đấy, giao cho Nghinh cai quản, chăm sóc. Quá trưa, Nghinh phát hiện  thấy ba chiếc xe GMC lại đổ quân bên kia sông. Đi sau là chiếc xe tải. Nghinh nghe thấy tiếng í éo của bọn con gái từ trên chiếc xe tải nhảy xuống. Bên hông chiếc xe giăng tấm bạt kẻ hình chữ thập màu đỏ. Bằng kinh nghiệm trận mạc, Nghinh biết chắc đó là đám tóc dài mặc blouse trắng, dưới danh nghĩa phái đoàn Trăng lưỡi liềm đỏ hay Chữ thập đỏ quốc tế gì gì đó, nhưng thực chất chỉ là bọn con gái hư hỏng được đưa ra chiến trường làm trò giải khuây cho lũ lính sống gấp này.

Từ công sự trong khu vườn chuối bên này nhìn sang, Nghinh thấy địch đang tập trung quân khoảng ba chục tên, hướng tiến công của chúng nhằm vào đội hình tiểu đoàn bố trí trận địa trong những thửa vườn ven bờ sông và hai bên con lộ nối với đầu cầu. Nghinh vừa chĩa nòng khẩu AK về phía bên kia sông canh chừng, vừa để mắt trông coi thương binh – liệt sĩ. Một thương binh nặng là Lầu. Trận đánh buổi sáng, một quả đạn DKZ 90 từ chiếc xe tăng M41 của địch bắn sang rơi chếch đội hình tiểu đội 1. Lầu bị nặng nhất, giập một bên ống chân, nhiều mảnh đạn găm vào cổ vào mặt, phải băng kín đầu, chỉ để hở một con mắt. Lầu cứ nhìn Nghinh như người chết đuối vớ được cọc. “Dù thế nào, anh cũng  đừng bỏ em. Cả họ Phạm nhà em chỉ có một mình em là con trai…”. Nghinh chỉ tay lên cái đầu của mình cũng cuốn kín băng, bảo: “Cậu cứ yên tâm. Mình cũng bị thương, nhưng chân tay còn cử động được nên đại đội phân công trông coi các cậu. Gắng chịu đau một chút, tối nay sẽ có người đưa về trạm phẫu tiểu đoàn!”. Sông Vĩnh Định quãng này bề ngang chưa đầy một trăm mét. Còn nhớ lúc ấy có một quả đạn cối 81 ly của địch từ bên kia sông bắn sang nổ ngay gần chỗ Nghinh,  mặt mũi rát ràn rạt, răng lợi tê như  bị ai cầm búa gõ vào. Một cảm giác lạo xạo, mằn mặn trong mồm, nhổ ra thấy máu và ba cái răng cùng  một mảnh đạn cối to bằng đầu ngón tay. Chính cái vật to bằng đầu ngón tay ấy đã cưa đứt ba cái răng hàm trên của Nghinh. Một mảnh nữa làm bay mất một nửa cái vành tai bên phải mà sau này về quân y viện bác sĩ đã phải “mượn” một miếng thịt ở cạnh sườn của chính anh vá lại tai cho anh..

Người lính thứ hai còn sống nhưng phải nằm lại ở đây là Cương. Cương to béo nhất đại đội, không bị thương, nhưng lại bị thần sốt rét hỏi thăm. Đêm qua cậu ta đòi ăn rất nhiều và liên tục kêu đói. Sáng nay vừa chuẩn bị xong công sự chiến đấu thì Cương bắt đầu lên cơn, kêu rét, hai hàm răng va đập vào nhau cầm cập liên hồi. Cứ lúc nào ngưng tiếng bom đạn, Nghinh lại trườn đến  nâng đầu cậu ta lên dỗ dành: “Phải cố chịu đựng Cương nhé. Vượt qua được trận sốt này là sống thôi. Tối nay sẽ có người đưa về tuyến sau…”.

Trời tháng tám mà nắng như đổ lửa. Rồi bất chợt mưa sập xuống, mưa như đổ nước.  Mưa tạnh. Nghinh  ôm súng  trườn trở vể công sự, khẽ thò đầu lên quan sát. Bên kia sông, địch tập trung một nhóm lố nhố trong vườn xoài đằng sau ngôi trường học. Lại có mấy cái bóng con gái mặc áo blouse trắng đang lăng xăng chạy ra chạy vào sau mấy phòng học bị đạn làm tốc mái, tường vỡ nham nhở. Nghinh cảnh giác, rê mũi AK về phía đó để nấc bắn điểm xạ. Một thằng lính trong bộ rằn ri, khoác bên ngoài một chiếc áo ghile chống đạn, từ trong vườn xoài chui ra cùng một đứa con gái mặc áo blouse trắng, dáng cao, tóc cắt lửng. Tên lính nâng  khẩu M79 chĩa sang bên này sông, tay kia chỉ chỉ chỏ chỏ, chắc nó hướng dẫn đứa con gái cách bắn. Đứa con gái ưỡn ẹo, tay cầm khẩu M79 mà thằng lính đưa cho, còn thằng lính đứng sau lưng ôm lấy hông nó, một tiếng “cạch” từ chỗ ấy phát ra, tiếp theo là tiếng “oành” ở ngay nơi căn hầm có Lầu, Cương và sáu liệt sĩ đang nằm. Kèm với tiếng nổ chói tai là cả một bên mặt Lầu bị văng đi đâu mất. Thân thể Lầu giãy giụa một cách yếu ớt rồi lịm đi, tắt thở. Cái tấm thân to béo của Cương thì  bị một mảnh đạn lớn rạch ngang cổ, máu phun ra ồng ộc. Quả đạn M79 còn làm cho những thi thể liệt sĩ bị xé nát thêm, máu của họ rỉ ra, đen đặc trông như hắc ín. Máu trong người như sôi lên, Nghinh chỉnh lại thước ngắm nhằm vào bộ ngực ưỡn ẹo của đứa con gái mặc blouse trắng điểm xạ. Sau hai tiếng “pằng pằng”, con bé bật ngửa ra phía sau, vạt áo blouse trắng ở ngực nó loang máu. Thằng lính mặc rằn ri, khoác áo ghile chống đạn ngồi thụp xuống bế thốc con bé chạy về phía vườn mít phía tây ngôi trường. Còn Nghinh thì bò nhanh ra khỏi hầm cá nhân vừa trườn vừa chạy về phía sau tránh đòn phản công.

Buổi tối, đại đội bổ sung hẳn một tiểu đội đến cùng với Nghinh vừa khiêng vừa vác 8 thi thể liệt sĩ về phía sau, mai táng họ trên một dải đất hoang trong nội đồng, bên bờ sông.

Sau này, cùng với nhiều thương binh khác ngồi trên chiếc xe “Gin hai cầu” rong ruổi trên đường ra bắc, Nghinh tâm sự với anh em, rồi hỏi: “Không hiểu tôi bắn đứa con gái mặc blouse trắng ấy thì  có ác quá không?”.

– Cậu suy nghĩ như thế, tiểu tư sản quá đấy! –  một thương binh nói –  Chỉ một quả đạn M79 mà nó giết hai người lính của mình; thậm chí các liệt sĩ đã nằm an nghỉ dưới căn hầm đó rồi nó còn cho phanh thây một lần nữa. Nó rất xứng đáng nhận cái chết như thế!

– Chẳng hiểu các đơn vị ở B ngắn các cậu thế nào, chứ cánh lính B dài chúng tớ ghét nhất pháo Mỹ, ghét nhì pháo đĩ – Một thương binh khác nói – Pháo đàn, pháo bầy của Mỹ thì bắn nhiều với mật độ dầy, còn pháo do mấy con đĩ đú đởn bắn lung tung chẳng theo quy luật nào mà lần, thì cái con bé mặc blouse trắng ấy được hưởng phát đạn AK của cậu, còn oan gia gì nữa!

X  X  X

Hơn 40 năm trôi qua. Bây giờ Nghinh đã là một thầy giáo già. Dịp nghỉ hè, Nghinh muốn tổ chức cho các em học sinh của mình vào thăm Quảng Trị một chuyến. Nhận được thông điệp ấy, các em lớp 12 chuyên văn rất hồi hộp, khấp khởi chuẩn bị cho chuyến đi.

Chiếc xe du lịch 49 chỗ xuất phát từ cổng trường, nơi thị trấn ngoại ô thành phố. Rong ruổi theo đường quốc lộ số Một, sáu giờ chiều, họ vào tới thị xã Quảng Trị. Thầy Nghinh dậy văn và cô Hợp dậy sử bố trí cho cả đoàn ăn nghỉ trong một khách sạn ngay gần bờ sông Thạch Hãn. Sáng hôm sau, nơi đầu tiên họ đến là cái nơi có khu vườn chuối bên đầu cầu bắc qua sông Vĩnh Định. Vườn chuối không còn nữa. Chỗ ấy bây giờ là tượng đài. Ngắm đài tưởng niệm sừng sững mọc lên ngay trên cái chỗ có căn hầm lộ thiên, nơi có 8 thi thể liệt sĩ  mà Nghinh và đồng đội phải mang đi chôn cất, ông không sao nén được cơn xúc động, nước mắt ông trào ra. Dưới chân tượng đài lúc này có rất đông bà con nhân dân và các cựu chiến binh đang chộn rộn cờ đèn kèn trống chuẩn bị cho lễ cắt băng. Nghinh bảo Hợp: “Còn ít phút nữa mới đến giờ cắt băng khánh thành, cô Hợp ở đây với các em, tôi sang bên kia cầu có chút việc một lát sẽ về ngay!”.

Không còn cây cầu gỗ xập xệ vì bom đạn năm xưa nữa. Một cây cầu mới xây bằng chất liệu bê tông cốt thép khá hiện đại, uốn cong điệu đàng bắc qua sông. Nghinh bước trên cây cầu, trong lòng dâng lên những hoài niệm. Đầu cầu bên kia, ngôi trường đã được xây lại khang trang, khu vườn phía tây thì không còn trồng mít nữa, thay vào đó là một vườn rau. Nghinh nhìn thấy một ngôi mộ xây nho nhỏ ngự khiêm nhường ở một góc vườn. Trên mộ có một cây thánh giá, dưới bệ thánh giá có dòng chữ “Maria Đào Thị Phương. Sinh ngày 14 tháng 2 năm 1952. Tử nạn 23 tháng 8 năm 1972”. Nghinh nhẩm tính “Phải rồi, hôm ấy, mình không nhớ rõ ngày, nhưng tháng 8 thì không thể sai”.

-Tuy không mặc quân phục, nhưng trông ông tôi cũng biết ông là cựu chiến binh – ông lão bảo vệ trường xuất hiện phía sau lưng Nghinh từ lúc nào, lên tiếng – Ông quen người đàn bà nằm dưới mộ này sao?

– Dạ thưa, tôi chỉ muốn biết…

– Hoàn cảnh của bả éo le lắm – Ông lão bảo vệ nói tiếp – Bà ấy có chồng, có con. Chồng bả đi quân giải phóng rồi hy sinh khi bả mới hai mươi tuổi và đứa con gái mới được tám tháng. Thấy bả đẹp, mấy ông lính cộng hòa đến tận nhà ve vản. Ve vản không xong thì ép phải đi làm lính cứu thương. Họ chèn ép, gây áp lực dữ quá, còn đe nếu bả không đi sẽ châm lửa đốt nhà, thiêu sống luôn đứa con; cuối cùng bả đành phải theo họ ra chiến trường, rồi tử trận. Quân giải phóng bí mật cho người về rước đứa con đi. Họ nuôi  đứa con, cho học hành sao đó, hai mươi năm sau về  làm việc ở mặt trận tổ quốc huyện. O ấy lấy chồng, có con. Thôi thì cũng là nguồn an ủi cho vong linh người nằm dưới mộ…

“Thì ra cái đứa con gái õng ẹo dương khẩu M79 nã đạn sang phía bên kia cầu giết chết Lầu và Cương, xé xác sáu liệt sĩ, rồi lĩnh trọn một viên đạn AK của mình bây giờ đã có cháu ngoại 20 tuổi, đúng bằng tuổi bà ngoại nó khi tử trận!”. Nghinh châm lửa thắp ba cây nhang lên ngôi mộ, thầm khấn vong hồn người đàn bà. “Chị Đào Thị Phương. Chính tôi đã bắn chị. Tôi không thể làm khác. Chị hãy thông cảm cho tôi!”. Chào người gác trường, Nghinh bước trở về bên kia cầu.

Trước đài tưởng niệm dựng một sân khấu. Nghinh bước qua cầu sang đến bờ bên này thì chương trình biểu diễn văn nghệ đã bắt đầu.  Nghinh ngồi vào hàng ghế cùng với cô giáo La Thị Hợp và các em học sinh lớp 12 chuyên văn. Nghinh theo dõi rất kỹ từng tiết mục văn nghệ. Đang sốt ruột thì bỗng Nghinh nghe thấy tiếng cô dẫn chương trình:

– Tiết mục tiếp theo: Tiếng hát trên đường quê hương. Nhạc và lời Huy Thục. Đội văn nghệ nhà văn hóa huyện trình bày. Lĩnh xướng: Nguyễn Thị Hương May, sinh viên cao đẳng sư phạm Huế.

Các cô gái trong tốp ca đội văn nghệ mặc áo bà ba đen, chỉ có một cô gái lĩnh xướng dáng cao, cân đối, mặc áo dài hoa tím nền xanh lơ – không khó khăn lắm để ông Nghinh khẳng định: đó chính là đứa cháu ngoại người đàn bà nằm dưới ngôi mộ trong khu vườn phía tây ngôi trường bên kia sông. Ai đã tới miền quê em Quảng Trị – Thừa Thiên/ Qua đường Chín tình Gio Linh lắng nghe giọng hò …Bằng chất giọng khá trong trẻo và truyền cảm, thêm những cử chỉ duyên dáng, May đã hoàn toàn chinh phục gu thẩm mỹ của ông Nghinh. Khi tiết mục vừa hết, ông Nghinh liền đứng bật dậy bước lên phía sau cánh gà sân khấu gặp May.

May có vẻ hơi ngỡ ngàng về sự xuất hiện đường đột của người đàn ông luống tuổi, tóc hoa râm đến gặp mình, nhưng khi nghe ông Nghinh nói thì May đã lấy lại được sự cân bằng.

– Cháu có một giọng ca rất đặc biệt! Bác…à ông xin có lời chúc mừng cháu – Ông Nghinh nói – cháu đang học khoa gì của trường sư phạm?

– Dạ, cháu học khoa nhạc ông ạ – Cô bé rụt rè.

“Chuyện mình đã bắn chết bà ngoại của cô bé hãy để thời gian trôi vào dĩ vãng, bởi cuộc sống phía trước của cô đang mở ra…” – Nghinh nghĩ thế và nói:

-Nghĩa là sau này cháu thành cô giáo! Vậy là cùng nghề với ông rồi. Ông cháu ta sẽ liên hệ với nhau nhé. Địa chỉ của ông đây! – Ông Nghinh ghi tên trường, số điện thoại, cả địa chỉ email và facebook nữa vào một mảnh giấy trao cho May.

May nhận tờ giấy đó. Cô cũng mở ví lấy một mảnh giấy ghi số điện thoại, email, facebook của mình trao cho ông Nghinh:

– Cháu rất vui vì được ông cho phép liên hệ – Cô nói.

Tất cả những cử chỉ của ông Nghinh đều lọt vào những con mắt tò mò của các em học sinh lớp 12 chuyên văn. Ông Nghinh vừa trở lại ghế ngồi, các em đã nhao nhao hỏi: “Thầy quen chị ấy ư? Hay chị ấy là con của một người đồng đội cũ của thầy? Chị ấy có liên quan gì tới những chuyện mà thầy đã từng kể trên lớp với chúng em không?”.

-Cô ấy liên quan đến một câu chuyện khá đặc biệt mà chỉ thầy và mấy người đồng đội biết; hơn bốn mươi năm rồi thầy giữ kín trong lòng – Ông Nghinh nói – Nhưng ngày kia, trên đường trở về Hà Nội, thầy sẽ kể với các em…

L.H.N

 

 

 

 

Bài viết liên quan

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận
Nhập tên của bạn

Bài viết phổ biến

Bình luận gần đây