Truyện ngắn : BÌNH MINH THẮP LỬA
“Tình bạn tri kỷ” giữa ông ba và con Mén, xóm cù lao này ai cũng biết. Hai người vừa là bạn “đồng nghiệp” bán vé số, vừa là lối xóm ở cặp hông nhà nhau. Nói là cặp hông nhưng thật ra là cách nhau một giang đồng. Nhà này muốn qua nhà kia, phải đánh một vòng ra lộ đất rồi mới quẹo trở vô. Con Mén đang học lớp năm. Sáng nó đi học, trưa về tranh thủ bán vé số. Hầu như suốt ngày con Mén ở bên nhà ông Ba, trừ khi cả hai đi bán hoặc nó đi học.
Mỗi lần qua nhà ông ba, thể nào con Mén cũng đem cho ông khi thì một tô canh cải trời nấu hến, khi thì mấy trái chuối xiêm chín hay một chén chè. Cũng có khi nó qua nhờ ông nức lại cái rổ xúc bung vành, sửa lại cái khóa cặp bị lờn móc. Nhà con Mén chỉ có hai má con, ba nó bỏ đi từ hồi nó còn trong bụng. Cho nên khi thấy cái áo ông ba bị đứt nút hay sút đường chỉ, nó không ngại, lén đem về mượn má nó may lại giùm. Bữa nào ông sổ mũi nhức đầu, con mén ra vườn bứt lá nấu cho ông nồi nước xông… Theo con Mén, “bạn” như vậy mới là “bạn” chứ.
Nói thương thì con Mén thương ông ba là chắc rồi. Nhưng ngoài tình thương, nó còn ngưỡng mộ, “sùng bái” ông ba một nước. Với con Mén: “Ông ba tao không có cái gì là không biết!”. Nó luôn tự hào khoe với đám bạn nó như vậy. Nhờ có ông ba mà con Mén học hành tiến bộ lên thấy rõ. Môn gì, bài nào ông cũng giảng giải cho nó rành rọt y như thầy giáo.
Có lần con Mén hỏi ông: “Bộ hồi đó ông ba là thầy giáo hả?”. “Thầy bà gì xấu hoắc như tao. Mày hổng thấy tao đi bán vé số hả?”. “Sao bài nào ông ba chỉ con cũng trúng hết ráo vậy?”. “Chứ hổng lẽ chỉ bài mà chỉ trật mậy!”. Rồi ông ba kể cho nó nghe chuyện tiếu lâm của bác Ba Phi. Con Mén mải mê nghe, khoái chí cười nắc nẻ, quên luôn cái vụ nó tính “điều tra” coi ông ba là ai. Đây cũng là nhiệm vụ má nó giao cho nó. Không riêng gì hai má con con Mén, ở cái xóm cù lao này hầu như không ai biết rõ ràng về thân thế ông ba.
Mùa ô môi năm đó, dân xóm cù lao đi mần giấy tờ trong ủy ban xã bỗng thấy xuất hiện một nhân viên tạp dịch lạ quắc, không phải người địa phương. Đó là một thanh niên tướng tá cao ráo coi cũng bảnh bao, có điều trên trán có một vết lõm tròn sâu để vừa lọt cái trứng gà, vết lõm kéo theo đôi mắt anh bị lệch ngược lên khiến cho khuôn mặt lúc nào cũng có vẻ như cau có. Nhưng bù lại, khuôn miệng cười tươi, giọng điệu hóm hỉnh, tính tình nhanh nhẹn, xốc vác, luôn nhiệt tình giúp đỡ, hướng dẫn bà con khi có việc cần ra ủy ban… đã giúp anh trở nên gần gũi với mọi người.
Không ai thắc mắc xem anh là ai, từ đâu tới. Chỉ có mấy thím tám ngoài chợ không biết nghe ở đâu mà đồn anh là bạn chiến đấu của ông chủ tịch xã, là thương binh nặng, không thân thích họ hàng, được ông chủ tịch cưu mang vì tình đồng đội. Được không bao lâu, do chủ trương cải cách hành chánh, không có biên chế cho chức danh tạp dịch, anh bị cho thôi việc. Hội cựu chiến binh xã đã vận động xây cho anh một căn nhà tình thương trên miếng đất “cải thiện” của hội. Từ đó, anh lấy nghề bán vé số để làm vui cũng là để phụ thêm vào đồng tiền trợ cấp thương binh hằng tháng.
************
Đi bán về, vừa dựng chiếc xe đạp vô thềm ba, chưa kịp mở cửa thì ông ba Tào đã thấy con Mén hớt hơ hớt hải bươn bả qua tới: “Ông ba, ông ba. Nhà con có khách”. “Nhà mày có khách mắc gì tới tao?”. Con Mén thở hổn hển: “Bà đó nói bả kiếm ông ba”. “Xạo mày”. “Con nói thiệt”. “Bả trên Sài Gòn xuống từ hồi trưa, trong xã chỉ ra đây, bả nói bả là người quen của ông ba, má con nấu cơm cho bả ăn, chờ ông ba về. Ăn cơm xong bả qua tới bây giờ”. Con Mén vừa quay lưng dợm bước vừa nói: “Ông chuẩn bị tiếp khách đi. Con về”. Con Mén về rồi, tự nhiên ông ba đâm ra hồi hộp, bối rối. Ông ngó qua nhà con Mén chờ đợi.
**********
Tối đó, dưới tàn cây trứng cá ở cái góc sân mà đêm đêm ông ba vẫn thường một mình ra ngồi ôm đàn, hát đi hát lại một bản tình ca xưa lơ xưa lắc, hai người họ ngồi cạnh bên nhau, không ai nói với ai tiếng nào. Chỉ có tiếng bù tọt ngoài đồng kêu rền rền cùng tiếng gió thổi mấy tàu lá chuối te giãy lên phành phạch. Trăng mùng 10 phả ánh vàng yếu ớt lên đôi mái tóc đã pha sương. Dĩ vãng ùa về như một cuốn băng tuy cũ kỹ nhưng hình ảnh vẫn còn nguyên vẹn.
Rời mái trường Sư phạm, Bình (tên của ông ba) hăm hở cầm mãnh bằng tốt nghiệp loại ưu đi về phía chiến trường biên giới Tây Nam. Đêm chia tay, quây quần bên nhau dưới ánh sáng của 26 ngọn nến hồng là 26 gương mặt trai tài, gái sắc của lớp C8. Bình ôm cây guitar thùng ngồi đệm đàn cho các bạn hát.
Đêm trở nên vời vợi. Mọi người nén tiếng thở khi giai điệu một bài tình ca cũ trỗi lên: “Trả lại em yêu khung trời đại học/Con đường Duy Tân cây dài bóng mát…” Bài hát này hồi ấy chưa cho phép hát nhưng những ca từ diễn tả đúng tâm trạng của người trong cuộc trở nên giằng xé riết róng tâm can hết thảy mọi người.
Trong khi giọng hát Hân còn đang treo lơ lửng thì tiếng đàn Bình đã đánh rớt giọt cuối cùng. Ngọn đèn cao áp phả ra một thứ ánh sáng vàng vọt hắt hiu. Những ngọn nến sắp tàn, cong vênh. Đêm sâu thẳm…
Với Hân, Bình chưa bao giờ can đảm nói tiếng yêu. Nhưng cái cách mà anh lặng lẽ mỗi chiều cuối tuần, chầm chậm vòng xe ngang qua ngôi nhà có giàn hoa giấy tím, chỉ để được trông thấy Hân ngồi hong tóc ngoài hiên đã khiến cho “ai cũng hiểu” và… Hân cũng hiểu. Chỉ kịp tới đó thôi thì Bình có lệnh nhập ngũ. Cuộc chiến tranh ngắn ngủi muộn mằn không ai ngờ đã khép lại một trang tình vừa mới mở ra.
Mọi người lặng lẽ ra về, cố ý bỏ lại Bình và Hân trên khoảng sân sắp tàn những ngọn nến. Không biết tự khi nào, Hân ngã đầu vào vai Bình. Lần đầu tiên nàng biết tim con trai đập rất nhanh và mạnh, hơi thở con trai phả ấm và nồng nàn, nụ hôn con trai ngọt và thơm. Họ bên nhau như thế thật lâu, thật lâu. Cho đến khi hai bàn chân Bình úp trên hai bàn chân Hân nhẹ nhàng âu yếm tách rộng nó ra thì nàng bắt đầu hoảng sợ. Dẫu sao thì nàng và Bình cũng chỉ mới sơ giao, Hân hoàn toàn chưa biết gì về gia thế, nhà cửa của Bình. Nhưng liền khi đó, trong đầu nàng lại hiện lên hình ảnh của chiến tranh, ra đi và trở về, sự sống và cái chết… Thế là Hân ngoan lành nhắm mắt lại.
***********
Ông ba đặt bàn tay thô ráp của mình lên bàn tay Hân, cảm nhận rõ rệt những đường gân chạy dọc trên lưng bàn tay bà: “Hân! Anh xin lỗi…”. Bà trả lời ông bằng một câu chuyện khác: “Hồi đó em phải lặn lội, dò hỏi khắp nơi mới biết anh đang ở Trại an dưỡng Lộc Ninh. Em tới nơi thì người ta cho biết anh đã ra đi cách đó một ngày. Chỉ chậm có một ngày thôi mà em phải mất hai mươi lăm năm đi tìm. Cuối cùng ông trời cũng cho em gặp anh”.
“Em vẫn ở chỗ ngôi nhà có giàn hoa giấy tím?”. “Đã có một dạo em không còn ở đó. Cho đến cách nay mười năm khi ba má em lần lượt qua đời. Hai mẹ con em lại trở về cho đến bây giờ”. Trái tim ông ba bỗng thon thót thở: “ Hai mẹ con?”. “Dạ!”. Năm tháng đã phủ lên mái tóc bà một lớp sương pha. Nhưng đôi mắt tinh anh ngày nào thì vẫn còn nguyên vẹn. Ông nhìn bà dò xét: “Vậy còn ba thằng bé?”. “Tụi em chia tay nhau khi thằng bé chưa kịp tượng hình. Hai mươi lăm năm rồi đó anh”.
Lập tức linh tính trong ông chồm dậy. Hình ảnh đêm chia tay hai mươi lăm năm trước vụt hiện ra. Trống ngực ông gõ liên hồi. Ông gắn điếu thuốc lên môi, bật lửa. Đóm lửa nhỏ nhoi múa may, chới với. Bà khum tay che gió. Cái hộp quẹt trên tay ông rung lên bần bật. Bà cười khẽ: “Ai đời đốt thuốc mà đốt vô cái đầu lọc”. Ông bối rối: “ Có phải…?”. Bà gật đầu: “Con chúng mình. Em đặt nó tên là Bình Minh”. Bà âu yếm lấy tay áo lau những giọt nước mắt đang chảy tràn trên gương mặt ông rạng ngời hạnh phúc. Phía trước mặt ông là bình minh. Bình minh như thắp lửa bừng sáng cả một góc trời.