Thứ Hai, Tháng Chín 9, 2024
Trang chủTác phẩmTRƯỜNG CA MẸ: MÓN QUÀ TINH THẦN VÔ GIÁ

TRƯỜNG CA MẸ: MÓN QUÀ TINH THẦN VÔ GIÁ

Đại tá, nhà thơ Trần Thế Tuyển vừa trình làng trường ca Mẹ, đây là món quà tinh thần vô giá, thể hiện tiếng lòng, sự tri ân mà tác giả muốn gửi đến người mẹ kính yêu của mình cũng như những Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng của dân tộc.

Hình tượng người mẹ luôn là nguồn cảm hứng vô tận, là đề tài khai thác của các loại hình nghệ thuật, đặc biệt trong các tác phẩm văn chương. Đối với Đại tá, nhà thơ Trần Thế Tuyển, hình tượng người mẹ luôn được ông khắc họa một cách gần gũi, quen thuộc nhưng vô cùng vĩ đại. Đó là những bà mẹ xuất thân từ làng quê với bến nước con đò, bãi mía, nương dâu cùng những cánh đồng lúa chín vàng thẳng cánh cò bay từ Bắc tới Nam với tấm lòng bao dung, độ lượng, tình yêu thương vô bờ bến luôn dõi theo bóng các con đi trên khắp các nẻo đường chiến trận.

Đây không phải lần đầu Trần Thế Tuyển viết về mẹ mà trong các tập thơ, trường ca Phía sau mặt trời (NXB QĐND – 2014), Gió thổi miền ký ức (NXB QĐND – 2020), chân dung người mẹ chiến sĩ đã được ông khắc họa một cách ấn tượng. Có thể nói, trường ca Mẹ một lần nữa khẳng định thế mạnh của Trần Thế Tuyển với thể loại này.

Trường ca Mẹ của Đại tá, nhà thơ Trần Thế Tuyển

Trường ca của Trần Thế Tuyển mang tính sử thi, kết cấu chương hồi, có cốt chuyện và hồn vía nhân vật. Điều đó được đúc kết từ một quá trình dài, lúc tác giả hừng hực khí thế nơi chiến trận rồi trải qua nhiều vị trí công tác khác nhau, hiện tại với cương vị là Chủ tịch Hội hỗ trợ gia đình liệt sĩ TPHCM, ông đã và đang có nhiều đóng góp thiết thực cho các Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, những người mất con trong các cuộc kháng chiến trường kỳ, vĩ đại của dân tộc.

Với những người đồng môn, bạn hữu của Trần Thế Tuyển, không ai còn lạ lẫm, bất ngờ khi nghe tin ông ra lò tác phẩm mới bởi từ xưa đến nay, mọi người đều biết Trần Thế Tuyển là người có sức viết mãnh liệt, giàu cảm xúc, ông viết mọi nơi mọi lúc và bất cứ hoàn cảnh nào ông đều tìm được đề tài để chấp bút. Có một điều khác lạ, dù các tác phẩm của ông xoay quanh những đề tài cũ nhưng cách viết của ông vẫn khiến người ta phải ngấu nghiến rồi đọc đi đọc lại nhiều lần.

 Đại tá, nhà thơ Trần Thế Tuyển tặng sách cho Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc

Đối với trường ca Mẹ, qua lời giới thiệu của nhà văn Nguyễn Trường, bạn đọc sẽ có cái nhìn cận cảnh, sâu sắc hơn về tác phẩm của Trần Thế Tuyển.

“Khác với trào lưu trường ca hiện đại đang thịnh hành, trường ca Mẹ của Trần Thế Tuyển vẫn phát huy thế mạnh của tính hiện đại, dạt dào cảm xúc… nhưng trường ca của ông lại có cốt truyện rất chặt chẽ, được xây dựng trên chất liệu của các sự kiện có chọn lọc, mô tả sinh động một thời hào hùng của dân tộc, bởi vậy nó còn mang hồn của sử thi truyền thống”, nhà văn Nguyễn Trường nhận xét.

Trường ca Mẹ lôi cuốn người đọc bởi cảm xúc dạt dào của tác giả trước người mẹ hy sinh trọn đời cho quê hương đất nước. Cảm tưởng như tác giả xuất thần bật lên những câu thơ hay, làm trường ca lung linh, mang hơi thở của cuộc sống, của thời đại.

Trường ca gồm 7 chương. Chương một: Con về, còn con em đâu? Là nỗi nhớ, nỗi chờ đợi mòn mỏi mong con trở về của người mẹ có hai đứa con vào chiến trường miền Nam chống Mỹ: “Mẹ không tin vào đôi mắt/Cuối đường làng có người lính bước nhanh/ Từ khi kết thúc chiến tranh/Đã có bao nhiêu hình ảnh ấy/Hình ảnh thân thương/Người bận quân phục màu cỏ cháy”…

Tặng sách cho Trung tướng Nguyễn Đức Hải – nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Quốc phòng, nguyên Tư lệnh Quân đoàn 3 

Chương hai: Người chở đò sông Hỗ: “Mẹ về thăm quê/ Sau hai mươi năm xa cách/ Sông Hỗ Đông, vẫn đôi bờ lau lách/ Thuyền nan như chiếc lá chơi vơi… ”. Thời thiếu nữ mẹ chạy vào Thanh Hóa lánh nạn chiến tranh do quân Pháp càn quét. Mẹ sinh ra trong gia đình quan lại, “bát ngát đất cày” nhưng do cha từ quan, mẹ chưa một ngày được “đóng vai ái nữ”. Mẹ vào Thanh Hóa, làm con nuôi nhà người, chẳng nói cũng biết mẹ phải vượt qua cuộc đời vất vả như thế nào.

Chương ba: Người thiên hạ: Mẹ nhận làm dâu dù chẳng biết người đó mặt mũi ra sao, giàu hay nghèo, sang hay hèn. Chỉ biết đó là một du kích, được nhiều người quý mến, nghe thế mẹ bằng lòng, vì anh cùng lý tưởng với mình. Thân phận mẹ khi làm dâu: “Túp lều vách đất gió thênh/Lá chuối khô, gối nệm rơm/ Thêm đứa con riêng của người chồng ba tuổi…”. Mẹ có đến bảy đứa con, tảo tần nuôi con ăn học, mẹ như thân cò lặn lội sớm khuya. Hòa bình lập lại, rồi đến chiến tranh chống Mỹ. Máy bay Mỹ kéo đến ném bom bắn phá. Quê hương mẹ trai gái lại lên đường. Thằng Ớt, đứa con đầu lòng học hết lớp 10, đang ôn thi đại học làm đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ, rồi vào chiến trường miền Nam. Thằng con thứ hai là Cay lại theo anh lên đường ra trận.

Đại tá, nhà thơ Trần Thế Tuyển tặng sách cho các độc giả

Chương bốn: Chuyện kể dưới gốc đa. Cảnh quê hương mẹ với gốc đa, bến nước, sân đình, những biểu tượng văn hóa làng quê gắn bó. Mẹ nhớ bến sông, nơi anh Yên đã hát dân ca quan họ, đã anh dũng hy sinh, nơi in dấu chân các con mẹ đi mò cua bắt ốc, nơi cánh đồng lúa bát ngát mênh mông la lả cánh cò. Nơi làng quê gắn bó với nhau khi: “Một nhà có thư, suốt cả canh thâu/ Mọi người đến hỏi thăm, chia sẻ/ Một nhà nhận tin xót đau/ Cả làng khăn tang, dâu bể… Đất nước có hậu phương như thế, kẻ thù nào có thể đè bẹp được?

Chương năm: Nơi con tôi nằm xuống; Chương sáu: Mảnh vườn và ánh trăng; Chương bảy: Vĩ thanh.

“Mẹ ơi, hãy yên lòng mẹ nhé/ Con không về/ Cho quê mình ngát thơm nguyệt quế/ Đất nước thanh bình, vang tiếng hát trẻ thơ/ Các con không về cho trọn vẹn ước mơ Gấm vóc, non sông thu về một dải”.

Đọc những vần thơ của ông, chúng ta càng cảm nhận rõ hơn về tình cảm vô bờ bến mà tác giả dành tặng người mẹ kính yêu. Cũng giống tấm lòng bao dung và độ lượng của mình, Trần Thế Tuyển muốn dành tất cả những điều thiêng liêng, cao quý ấy cho các Mẹ Việt Nam Anh hùng, những người luôn khắc khoải nỗi đau khi nhắc về chiến tranh, bom đạn.

Đại tá, nhà thơ Trần Thế Tuyển, tác giả trường ca Mẹ

Không chỉ trên thơ ca mà trong cuộc sống đời thường, Trần Thế Tuyển luôn cố gắng làm nhiều điều ý nghĩa để chăm lo, hỗ trợ các Mẹ Việt Nam Anh hùng, điều đó được thể hiện trên mỗi hành trình, chặng đường ông đã đi qua.

Trường ca Mẹ do NXB QĐND phát hành. Đây là tác phẩm ra đời đúng dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2022).

Đại tá, nhà thơ Trần Thế Tuyển quê Nam Định, tốt nghiệp Khoa Ngữ văn – Trường Đại học Tổng hợp TPHCM. Ông từng trải qua nhiều cương vị như: Trưởng Ban Đại diện phía Nam báo QĐND; Phó Cục trưởng Cục Báo chí Bộ TTTT; Tổng Biên tập báo Sài Gòn Giải Phóng; Giảng viên báo chí – xuất bản – VHVN (TG) Trường Cao đẳng Phát thanh và Truyền hình (Đài Tiếng nói Việt Nam); Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội; Nhạc viện TPHCM; Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam; Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam; Hội viên (sáng lập) Hội Nhà văn TPHCM; Ủy viên Hội đồng Lý luận và Phê bình VHNT TPHCM; Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TPHCM.

Ông đã đạt nhiều giải thưởng cao quý như: Giải thơ Hội Văn nghệ TPHCM (1980-1986); Giải truyện ngắn Báo Phụ nữ TPHCM (1985); Giải truyện ký TCCT (1986); Giải truyện ký Đài Tiếng nói Việt Nam (1987); Giải báo chí TPHCM 3 năm (1985-1991-1995); Giải truyện ký báo Sài Gòn Giải Phóng (1998); Giải báo chí quốc gia (2010); Giải truyện ký báo Quân khu 7 (2013); Giải truyện ký TCCT (2015); Giải bút ký Báo QĐND (2019).

Các tác phẩm chính:

* Thơ:

Dấu chân của Mẹ (NXB QĐND – 1991); Ngực đá (NXB Văn nghệ TPHCM – 1997); Câu hỏi đời người (NXB Văn nghệ TPHCM – 2002); Dấu ấn (NXB Văn nghệ TPHCM – 2009); Phía sau mặt trời (trường ca – NXB QĐND – 2014); Gió thổi miền ký ức (trường ca – NXB QĐND – 2020); Mẹ (trường ca – NXB QĐND – 2022).

* Văn:

Kỷ niệm về anh ấy (NXB Văn nghệ TP.HCM – 1985); Hai mươi năm sau (NXB Văn nghệ TPHCM – 1994); Quê hương và đồng đội (NXB Trẻ – 2004); Tiếng vọng (NXB Hội Nhà văn – 2011); Ký ức xanh (NXB Hội Nhà văn – 2011); Dòng sông cuộn chảy (NXB Tổng hợp TPHCM – 2020).

* Thơ phổ nhạc:

Tuổi thơ tôi (NXB Văn nghệ TPHCM – 2007); Tiếng chim trong vườn (NXB Thanh niên – 2017).

Kim Sáng

Bài viết liên quan

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận
Nhập tên của bạn

Bài viết phổ biến

Bình luận gần đây