Nhân kỷ niệm 48 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2023), Trung tướng Lưu Phước Lượng – Trưởng Ban liên lạc truyền thống (LLTT) Sư đoàn 5 tại TP.HCM, nguyên Phó Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, nguyên Phó Tư lệnh chính trị Quân khu 9 đã có buổi trò chuyện với cán bộ, chiến sĩ của Sư đoàn 5 tại tỉnh Tây Ninh.
Chương trình giao lưu được tổ chức tại Hội trường Trung đoàn 4 và trực tuyến tại các điểm cầu thuộc Sư đoàn 5, thu hút hơn 1.000 cán bộ, chiến sĩ tham gia. Tại buổi sinh hoạt, thế hệ cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 5 đã được nghe Trung tướng Lưu Phước Lượng kể lại những kỷ niệm sâu sắc trong quá trình chiến đấu và quản lý, chỉ huy Sư đoàn; những trận đánh tiêu biểu của Sư đoàn trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, góp phần vào chiến thắng 30/4/1975; những kinh nghiệm trong quản lý, chỉ huy bộ đội; những biện pháp để phát huy vai trò đội ngũ cán bộ, nêu cao tinh thần trách nhiệm, khắc phục mọi khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu mới…
Trung tướng Lưu Phước Lượng, tên thường gọi là Năm Lượng, xuất thân từ gia đình có truyền thống yêu nước và cách mạng, cha là Đại tá Lê Bình, nguyên Tỉnh đội trưởng Tỉnh đội Phước Thành, nguyên Chính ủy Cục hậu cần Quân khu 7, mẹ là cơ sở cách mạng, hậu duệ của anh hùng dân tộc Thủ Khoa Huân. Đây là gia đình cả nhà là chiến sĩ (ba mẹ và 7 người con cùng tham gia kháng chiến).
Trung tướng Lưu Phước Lượng tham gia cách mạng từ 1965, đã trải qua các chiến dịch lớn, từng được giao trọng trách Phó Sư đoàn trưởng về chính trị, Bí thư Đảng ủy (Chính ủy) Sư đoàn 5, Quân đoàn 4, Quân khu 9 và Phó Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ.
Từ một người lính, với sự nỗ lực không ngừng nghỉ và tài năng của mình, Lưu Phước Lượng đã trở thành một trung tướng tài ba của quân đội ta. Tất cả quá trình công tác, cống hiến đó đã được ông chấp bút qua cuốn “Dấu ấn cuộc đời”.
Chia sẻ về cuốn sách này, Trung tướng Lưu Phước Lượng cho biết, động cơ ông viết cuốn sách là để kể lại quá trình công tác với các cương vị khác nhau, gắn với những đóng góp cụ thể, từ đó giúp các cán bộ, chiến sĩ trẻ tiếp thu, nhận diện trong bối cảnh mới. Đồng thời, ông muốn bày tỏ tấm lòng đến các thủ trưởng, đồng đội đã cùng ông tham gia chiến đấu một thời, trong đó có người vợ của ông là Đại tá Mạc Phương Minh.
Các tướng lĩnh quân đội, đại biểu tham gia chương trình giao lưu nhân kỷ niệm 48 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
Trong buổi sinh hoạt, không ít lần Trung tướng Lưu Phước Lượng rơi nước mắt khi nhớ lại những kỷ niệm trên chiến trường, trong đó có câu chuyện xúc động với mẹ vợ.
Chương trình cũng là dịp để các cán bộ, chiến sĩ trẻ có cơ hội giao lưu với vị trung tướng lừng lẫy vùng đất Nam Bộ.
“Buổi sinh hoạt đã giúp chúng tôi hiểu hơn về lịch sử hào hùng của sư đoàn qua hơn 57 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành; tỏ lòng tri ân những cống hiến, hy sinh của các thế hệ đi trước trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng như ý nghĩa chiến thắng lịch sử 30/4/1975″, Binh nhất Nguyễn Văn Tâm, chiến sĩ Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 4, Sư đoàn 5 chia sẻ.
Trung tướng Lưu Phước Lượng giao lưu với các chiến sĩ trẻ của Sư đoàn 5 tại Tây Ninh
Theo Đại tá, nhà báo Trần Thế Tuyển, chương trình giao lưu là hình thức sinh hoạt chính trị văn hóa phù hợp với tình hình mới, tạo bầu không khi đoàn kết nội bộ, đoàn kết quân dân.
“Thông qua người thật, việc thật sẽ làm sáng rõ truyền thống đơn vị, góp phần giáo dục lòng yêu nước, yêu quân đội, tạo cảm hứng phấn đấu, rèn luyện tính kỷ luật của cán bộ, chiến sĩ, đặc biệt là chiến sĩ trẻ. Đồng thời, tạo cầu nối giữa CCB, những người đã trực tiếp chiến đấu, rèn luyện, trưởng thành từ đơn vị với cán bộ, chiến sĩ tại ngũ cùng các cơ quan, đơn vị, địa phương kết nghĩa”, Đại tá, nhà báo Trần Thế Tuyển nói.
Chương trình cũng là hoạt động nhằm tuyên truyền sâu rộng cho cán bộ, chiến sĩ về lịch sử hào hùng của Sư đoàn qua hơn 57 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành; tỏ lòng tri ân những cống hiến, hy sinh của các thế hệ đi trước trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tặng hoa tri ân Trung tướng Lưu Phước Lượng và lãnh đạo địa phương các thời kỳ.
Qua đó, tạo sự gắn kết chặt chẽ, đầm ấm hơn nữa giữa Ban LLTT với Sư đoàn; khơi dậy niềm vinh dự, tự hào về truyền thống oanh liệt, khí chất anh hùng; cổ vũ, động viên cán bộ, chiến sĩ tiếp tục phát huy thành quả cách mạng của thế hệ cha anh đi trước, phấn đấu, ra sức học tập, rèn luyện; nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực, chủ động, sáng tạo, tự lực tự cường; khắc phục khó khăn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao; góp phần xây dựng Đảng bộ Sư đoàn trong sạch vững mạnh, Sư đoàn vững mạnh toàn diện “Mẫu mực, tiêu biểu”.
Thay mặt cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 5, Thượng tá Trần Hoàng Giang – Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Sư đoàn bày tỏ lòng tri ân sâu sắc đến Trung tướng Lưu Phước Lượng cùng Ban LLTT Sư đoàn 5 tại TP.HCM, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TP.HCM đã tổ chức một chương trình ý nghĩa, giàu tính giáo dục truyền thống nhân kỷ niệm 48 năm thống nhất đất nước.
Chiến sĩ trẻ đặt câu hỏi giao lưu với Trung tướng Lưu Phước Lượng
Thượng tá Trần Hoàng Giang cho biết sẽ lĩnh hội, tiếp thu những bài học quý giá mà thế hệ cha anh đi trước đã truyền lại cho thế hệ trẻ của Sư đoàn hôm nay và hứa sẽ tiếp tục giữ vững, phát huy truyền thống anh hùng của Sư đoàn 5 – Sư đoàn Anh hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Từ thành công của chương trình giao lưu, cùng với yêu cầu, nguyện vọng của các đơn vị, Ban LLTT Sư đoàn 5 tại TP.HCM và Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TP.HCM thống nhất tổ chức chương trình sinh hoạt chuyên đề nói chuyện truyền thống khoảng 3 tháng 1 lần.
Chụp hình lưu niệm tại buổi giao lưu.
Chương trình sẽ trở thành hoạt động thường niên để giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Qua đó, giúp thế hệ trẻ nhận thức sâu sắc và ra sức xây dựng quê hương, đất nước thêm giàu đẹp, văn minh, xứng đáng với truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc ta.
Hoàng Da