1-
Ngày ba hy sinh, hai Trung chưa đầy mười tuổi. Hai Trung
nghe các cô chú nói, ba anh hy sinh khi đang là Uỷ viên Ban Thường vụ Thị uỷ Quảng Ngãi ( nay là Thành phố Quảng Ngãi ) hồi chiến dịch Mậu Thân 1968.
Không trực tiếp chứng kiến ba hy sinh, nhưng ở ngôi làng ven biển miền Trung này, hai Trung đã tận mắt thấy bọn lính Mỹ càn quét, tàn sát đồng bào ta, trong đó có ông nội của anh.
2-
Từ mộ ông nội, hai Trung chở tôi bằng xe máy dọc đường ngang ngõ tắt, chỉ cho tôi trận địa xưa và những nơi giặc Mỹ đã gây tội ác. Đây là trường cấp 2 Phổ An, năm 1968, Mỹ đã dội pháo vào trường trong giờ học, khiến hàng chục học sinh tử vong. Đây là hầm chú giải phóng quân tên là My bị thương bò lê hàng chục mét. Bọn Mỹ lần theo vết máu ném lựu đạn xuống hầm. Bờ rào kia, cả tiểu đoàn bộ đội địa phương người dân tộc từ căn cứ Ba Tơ về Phổ An chiến đấu bị xe tăng Mỹ chà xát. Bộ đội ta chiến đấu đến viên đạn cuối cùng và hy sinh gần hết tiểu đoàn…
3-
Tôi đã nghe bà Ba Đậu, mẹ hai Trung kể cho nghe những năm kháng chiến, Phổ An là chiến trường khốc liệt. Ban ngày của địch. Ban đêm của ta. Người chết ngày nào cũng có. Cả ta và địch. Nỗi ám ảnh chiến tranh, không chỉ có bà Ba mà nhiều người thấy. Những đêm trở gió, người ta vẫn nghe tiếng rì rầm nói chuyện của người quá cố. Làm như có một thế giới khác, thực sự?!
4-
Cách đây gần 20 năm, lần đầu tiên đặt chân đến đây, tôi đã nghe các cựu chiến binh kể về nỗi ám ảnh nơi mảnh đất giữa biển và rừng này. Giờ trở lại, mảnh đất thềm chân sóng này đã đổi thay nhiều lắm. Cuộc cách mạng xanh Nông Thôn Mới không chỉ làm thôn làng sạch sẽ, khang trang mà tốc độ đô thị hoá diễn ra tới chóng mặt.
Người lái xe ô tô đưa chúng tôi đi thăm khu nghĩa trang mới là chủ sở hữu khu nhà khang trang và chiếc xe ô tô có giá trên 1 tỷ đồng. Anh bảo, xã Phổ An của chúng tôi là mảnh đất địa linh. Kháng chiến có nhiều anh hùng liệt sĩ, lão thành cách mạng như ông Tám Lê Kích cựu du kích Ba Tơ; sư đoàn trưởng hai sư đoàn trực tiếp đánh Thành cổ Quảng Trị mùa hè 1972; liệt sĩ Phan Hanh (hay Luyện) cha của hai Trung… Thời hoà bình, Phổ An là quê của nhiều người thành danh; trong đó có 2 chủ tịch tỉnh Quảng Ngãi. Nhưng buồn thay cả hai ông này đều đã nghỉ vì lý do “đặc biệt”. Có ông phải vào tù…
5-
Nghe nói thế, tôi bỗng nhớ đến lời cảnh báo của Cụ Hồ, đại ý: không phải ai hôm qua rèn luyện, phấn đấu thành người tốt mà hôm nay không thoái hoá biến chất thành người xấu; bởi không giữ gìn, tu dưỡng. Nhân bảo như thần bảo. Ở tỉnh Quảng Ngãi này, vừa qua xảy ra nhiều chuyện đau lòng, không chỉ 2 Chủ tịch tỉnh ngã ngựa mà cao hơn còn có cả những vị được giao trọng trách cũng bị “xoá“ hết các chức vụ trong Đảng.
6-
Giữa những ngày tháng Tư lịch sử, về thăm lại mảnh đất chiến trường xưa nơi giữa biển và rừng, suốt đêm thao thức không ngủ được. Xa xa tiếng sóng biển rì rầm. Tôi nghe lao xao tiếng người lẫn trong tiếng gió. Bãi biển thời chống Mỹ đón những con tàu không số chi viện cho Miền Nam, một thời đẫm máu xương đồng bào, chiến sĩ đang đổi thịt thay da.
Trong bữa cơm ấm cúng gia đình của những người con xa quê về báo hiếu ông bà tổ tiên có thương binh Sáu Lý. Bà là cộng sự đắc lực của bác sĩ liệt sĩ Đặng Thuỳ Trâm với cuốn nhật ký lừng danh do một cựu chiến binh Mỹ gửi lại. Những kỷ niệm vui buồn về một thời chiến tranh không bao giờ quên trong ký ức của bà.
7-
Trở về quê lần này, hai Trung có sứ mệnh lớn. Ba hy sinh đã lâu. Mẹ và các cô chú tuổi đã ngoại bảy, tám mươi. Là cháu đích tôn, anh gánh trọng trách đại gia đình. Công việc đầu tiên là quy tập hài cốt, phần mộ ông bà về nghĩa trang xã. Riêng hài cốt ông bà nội (cha mẹ của liệt sĩ Phan Hanh ) di dời về nghĩa trang chính sách TP.HCM, nơi đại gia đình đang định cư.
8-
Trời gần sáng, sóng biển Phổ An càng da diết. Tôi vẫn nghe lẫn trong tiếng sóng, tiếng gió, tiếng người lao xao trò chuyện. Âm dương cách trở. Không biết đâu những điều chưa lý giải được. Chỉ có niềm tin là tồn tại. Tin vào những gì tốt đẹp đã qua và sắp tới.
Tôi tâm sự với hai Trung như thế!
Phổ An, đêm 17/4/2024
Trần Thế Tuyển