Chủ Nhật, Tháng mười 13, 2024
Trang chủNHỊP CẦU BẠN ĐỌCTrẻ em gặp tai nạn thương tâm vì “hố công trình” tại...

Trẻ em gặp tai nạn thương tâm vì “hố công trình” tại công trường thi công xây dựng, làm sao để đừng xảy ra những vụ tai nạn tương tự

Cuối cùng phép mầu đã không xảy ra, niềm hy vọng mong manh của mọi người đã tắt. Tin bé trai rơi xuống trụ bê-tông rỗng tại công trình thi công cầu Rọc Sơn xã Phú Lợi (huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp) đã tử vong sau rất nhiều nỗ lực cứu hộ đã làm đau thắt trái tim của tất cả chúng ta.

Hiện trường cứu nạn bé trai rơi xuống trụ bê-tông rỗng tại công trình thi công cầu Rọc Sơn xã Phú Lợi,Thanh Bình,  Đồng Tháp. (Ảnh Cổng TTĐT Đồng Tháp).

Trẻ em gặp tai nạn thương tâm vì “hố công trình” tại Việt Nam không phải lần đầu mới xảy ra. Ngày 19/12/2022, anh Lại Thế Quang (ngụ thị trấn Hiệp Phước, huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai) phát hiện bé gái L.K.T (5 tuổi) rơi xuống hố ép cọc bê-tông sâu khoảng 15m tại khu vực công trường đang thi công. Rất may lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ công an tỉnh Đồng Nai có mặt kịp thời. Sau đó bé đã bình tĩnh và phối hợp thực hiện các bước theo hướng dẫn. Đến chiều cùng ngày, bé gái đã được đưa ra khỏi hố sâu và chuyển đến nơi an toàn.

Trước nữa vào tháng 8/2020, cũng một tai nạn thương tâm xảy ra tại công trình đang san lấp mặt bằng thuộc dự án khu dân cư Bửu Long 3, thành phố Biên Hòa làm cho bé N.V (7 tuổi, trú tại khu phố 2, phường Bửu Long) không may trượt chân rơi xuống cống tử vong.

Cuối tháng 9/2017, em N.T.T (11 tuổi, học sinh lớp 4 Trường tiểu học Chu Văn An, xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai) đang sinh sống tại khu nhà trọ tập thể của Công ty TNHH Minh Thành 2 (ấp Ông Hường, xã Thiện Tân) trên đường đi học về khi đến mương thoát nước trước cổng công ty, không may ngã xuống mương nước và bị nước cuốn trôi. Nạn nhân sau đó được tìm thấy nhưng đã tử vong.

Vào ngày 4/8/2015, bé T.A (7 tuổi) trong khi đang chơi cùng bạn bè ở bãi đất trống cách nhà khoảng 50m tại xã Tân Vĩnh Hiệp, huyện Tân Uyên, Bình Dương thì bất ngờ lọt vào lỗ sâu bên cạnh đường ống giếng khoan. Hơn 100 cảnh sát cứu hộ, cứu nạn cùng nhiều phương tiện đã được huy động để giải cứu nạn nhân. Rất may, sau 10 tiếng, bé T.A đã được giải cứu.

Trở lại vụ việc bé T.L.H.N ở Đồng Tháp, vào công trình nhặt sắt không may lọt xuống trụ bê-tông tử vong. Cái chết của bé N không chỉ là một nỗi đau tột cùng của gia đình và toàn xã hội mà qua đó còn nổi lên một vấn đề khiến dư luận rất quan tâm và lo ngại. Đó là vấn đề đảm bảo an toàn tại các công trình đang thi công để đừng xảy ra những vụ tai nạn tương tự.

Xoay quanh vấn đề này chúng tôi đã có cuộc trao đổi ngắn với Luật sư Trần Văn Sự – nguyên Phó Chánh án TAND TP.HCM, thành viên Tổ tư vấn Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TP.HCM:  Về trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức khi để xảy ra sự cố mất an toàn tại công trường thi công xây dựng, Luật sư Trần Văn Sự nhận định: Sự việc cháu bé rơi vào ống bê tông xảy ra tại Đồng Tháp cho thấy, công tác quản lý, giám sát khu vực thi công, công trường đang thi công của chủ đầu tư và các nhà thầu còn lỏng lẻo, còn tồn tại nhiều rủi ro liên quan đến công tác bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động.

Luật sư  cho biết thêm: “Dưới góc độ pháp lý, tôi cho rằng các cơ quan chức năng cần điều tra để xác định rõ nguyên nhân gây ra tai nạn cho cháu bé, cần xác định cụ thể trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức có liên quan để xử lý theo đúng quy định pháp luật nhằm mục đích răn đe, ngăn ngừa các trường hợp tương tự có thể xảy ra trong thời gian tới.

Theo đó, việc để cháu bé có thể dễ dàng đi vào khu vực công trình đang thi công rồi xảy ra tai nạn thì chủ đầu tư, nhà thầu và những cá nhân, tổ chức đã được nhà thầu giao nhiệm vụ có thể bị xử lý theo quy định pháp luật. Nếu chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể bị phạt vi phạm hành chính theo Điều 21 Nghị định 12/2022/NĐ-CP  do vi phạm quy định về các biện pháp đảm bảo an toàn lao động, vệ sinh lao động, và/hoặc chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại dưới góc độ dân sự nếu có thiệt hại xảy ra. Tùy thuộc vào mức độ thiệt hại mà gây thiệt hại bị buộc bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điều 590, Điều 591 Bộ luật Dân sự năm 2015 .

Tuy nhiên, vụ việc này còn tùy thuộc vào tính chất, mức độ và hậu quả xảy ra mà những chủ thể này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Ví dụ, nếu xảy ra tình trạng chết người, hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho cháu bé mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vi phạm quy định về an toàn lao động, VSLĐ, về an toàn ở nơi đông người theo Điều 295 BLHS 2015, sửa đổi, bổ sung 2017  với mức phạt tiền lên đến 100 triệu đồng, bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm, khung hình phạt sẽ cao hơn nếu tính chất, mức độ và hậu quả thiệt hại xảy ra lớn hơn.

Anh Thái Văn Tấn Tài (40 tuổi, cha bé H.N) ngóng chờ con ở hiện trường trong những ngày qua. Ảnh Hoàng Nam

Trong trường hợp điều tra nguyên nhân tai nạn xuất phát từ việc có cá nhân, tổ chức buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm để hậu quả tai nạn lao động, hậu quả mất an toàn lao động gây thiệt hại về người, tài sản, thì những chủ thể này còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại Điều 360 BLHS 2015, sửa đổi, bổ sung 2017”.

Về phía gia đình và nhà trường, Luật sư Trần Văn Sự đưa ra khuyến nghị: “Theo tôi, thật ra để có thể phòng ngừa tai nạn trên có thể xảy ra trong tương lai thì không ai khác, các bậc cha mẹ, phụ huynh và nhà trường cần giáo dục, hướng dẫn con cái, các em học sinh các biện pháp bảo đảm an toàn trong sinh hoạt hằng ngày, nơi công cộng để các em biết việc đi vào các công trình, nơi đang thi công là rất nguy hiểm, không nên lui tới những nơi này”.

Lương Gia Cát Tường

Bài viết liên quan

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận
Nhập tên của bạn

Bài viết phổ biến

Bình luận gần đây