‘Tìm kiếm hài cốt liệt sĩ đã khó nhưng tìm thân nhân liệt sĩ để lấy gien còn khó hơn’, đại tá Lê Thanh Song, Phó chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TP.HCM nhận định.
Ngày 27.10, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TP.HCM tổ chức tọa đàm “Tìm kiếm, thu thập, điều chỉnh, lưu trữ thông tin liệt sĩ; thủ tục di chuyển mộ, hài cốt liệt sĩ” để tìm giải pháp hiệu quả cho công tác hỗ trợ tinh thần đối với gia đình liệt sĩ.
Đại tá Lê Thanh Song, Phó chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TP.HCM cho biết, việc quy tập hài cốt liệt sĩ, tìm kiếm, chỉnh sửa thông tin liệt sĩ, hoàn chỉnh các nghĩa trang, xây dựng khu tưởng niệm, đền đài ghi công sau khi đất nước thống nhất đã được triển khai đồng bộ nhưng vẫn còn nhiều hài cốt chưa được quy tập về nghĩa trang.
“Hiện còn trên 200.000 liệt sĩ chưa tìm được hài cốt, 300.000 liệt sĩ đã được quy tập về các nghĩa trang liệt sĩ nhưng chưa xác định được danh tính, nhiều ngôi mộ liệt sĩ có thông tin nhưng chưa đầy đủ hoặc chưa chính xác”, đại tá Song nói.
Cũng tại tọa đàm, bà Đinh Thị Thúy Nga, Phó trưởng phòng Người có công, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM cho biết, trên địa bàn TP.HCM hiện có 7 nghĩa trang liệt sĩ với gần 28.000 mộ liệt sĩ, trong đó có 19 mộ tập thể, khoảng 14.000 mộ đủ thông tin, hơn 7.000 mộ thiếu thông tin và gần 6.000 mộ chưa xác định được thông tin.
Bà Nga cho hay, việc xác định danh tính hài cốt liệt sĩ vẫn gặp nhiều khó khăn do thông tin trên bia mộ theo thời gian bị trôi mất, thông tin ghi chép lại bị mất do chiến tranh, công tác lưu trữ, quản lý, bàn giao hồ sơ liệt sĩ, mộ liệt sĩ còn bất cập, hạn chế…
Đặc biệt, hài cốt được chôn cất trong thời gian dài, phần lớn không còn nguyên vẹn, bị phân hủy ở mức độ cao, di chuyển một số lần đã ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng, gây khó khăn trong quá trình lấy mẫu sinh phẩm để phân tích, giám định ADN.
Thời gian tới, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác xác minh, chuẩn hóa thông tin, hoàn thiện dữ liệu thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ, thân nhân liệt sĩ; đẩy mạnh tuyên truyền nhằm huy động tối đa nguồn thông tin về liệt sĩ và hài cốt liệt sĩ từ nhân dân; ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động rà soát, hoàn thiện danh sách liệt sĩ.
Đại tá Song đề xuất sớm thành lập ngân hàng gien liệt sĩ, đồng thời tổ chức lấy gien của thân nhân liệt sĩ, vì theo ông Song, nếu không lấy sớm thì từ 5-7 năm nữa sẽ không còn người để lấy do thân nhân liệt sĩ đã lớn tuổi. “Đi tìm hài cốt liệt sĩ đã khó, có mẫu đủ chuẩn ngày càng khó, nhưng tìm thân nhân để lấy gien sẽ còn khó hơn”, đại tá Song bày tỏ.
Theo Thuý Liễu (Báo Thanh Niên)