TỔNG HỢP VỀ MỘT SỐ TỔN THƯƠNG ( DI CHỨNG) VÀ NHỮNG TRIỆU CHỨNG SAU NHIỄM COVID 19
Bác sỹ Đồng Bằng.
Phần I : Dấu hiệu, biểu hiện triệu chứng và những tổn thương do Covid ( di chứng hậu Covid)
Hình ảnh minh họa trạng thái tâm lý buồn
Các triệu chứng này có thể xảy ra với bất kỳ ai đã bị COVID-19, ngay cả khi bị bệnh nhẹ, hoặc nếu ban đầu họ không có các triệu chứng. Mọi người thường báo cáo rằng họ có các triệu chứng khác nhau sau đây:
- Khó thở hoặc hụt hơi,cảm giác thiếu hơi khi thở
- Mệt mỏi hay chóng mặt.
- Ngứa cổ họng. Ho húng hắng, cố gắng đôi khi dặn để ho.
- Các triệu chứng trở nên tồi tệ hơn sau khi hoạt động thể chất hay trí não
- Khó suy nghĩ hay tập trung (đôi khi còn được gọi là “sương mù não”)
- Đau ngực hoặc dạ dày .Tiêu chảy
- Đau đầu. Chóng mặt khi đứng dậy (choáng váng), Cảm giác tê râm ran vùng da
- Tim đập nhanh hoặc đập thình thịch (còn được gọi là trống ngực)
- Đau cơ hay khớp
- Những vấn đề về giấc ngủ
- Cảm giác như bị sốt
- Thay đổi tâm trạng, tâm lý kém ổn định
- Thay đổi về vị giác và khứu giác
- Thay đổi về chu kỳ kinh nguyệt
Phân loại tổn thương theo nhóm theo các cơ quan trong cơ thể như sau ( những tổn thương và bệnh lý không có tiền sử trước khi bị nhiễm virus Covid) :
- Di chứng tại Phổi: Khó thở, xơ phổi, xẹp phế nang, tình trạng phụ thuộc oxy giảm chức năng hô hấp.
- Di chứng Huyết Học: Tắc mạch máu
- Di chứng tại hệ Tiêu Hoá: Buồn nôn, nôn, đau bụng và đi ngoài.
- Di chứng tại Thận: Viêm thận, suy thận.
- Di chứng Hệ Nội Tiết: Đái tháo đường.
- Di chứng trên Da: Ban đỏ, viêm da, mày đay và rụng tóc.
7.Di chứng trên Hệ Cơ Xương Khớp: Đau nhức cơ, yếu cơ, mỏi cơ, viêm khớp.
8.Di chứng trên Hệ Tim Mạch: Nhồi máu cơ tim, viêm cơ tim, suy tim, rối loạn nhịp tim. hở van 2, 3 lá.
- Di chứng trên Hệ Thần Kinh: Lo lắng, trầm cảm, chứng mất trí nhớ, chứng sương mù não và hiện tượng teo não
Ảnh hưởng đa cơ quan của COVID-19
Một số người đã từng mắc các bệnh nghiêm trọng do COVID-19 gặp phải các ảnh hưởng đa cơ quan hoặc bệnh tự miễn dịch trong một thời gian dài kèm theo các triệu chứng kéo dài nhiều tuần hoặc nhiều tháng sau khi mắc COVID-19. Ảnh hưởng đa cơ quan có thể ảnh hưởng hầu hết, nếu không phải là tất cả, hệ thống cơ thể, bao gồm các chức năng tim, phổi, thận, da và não. Các tình trạng tự miễn xảy ra khi hệ miễn dịch của bạn tấn công các tế bào khỏe mạnh trong cơ thể do nhầm lẫn, gây viêm (sưng đau) hoặc tổn thương mô ở những bộ phận cơ thể bị ảnh hưởng.
Mặc dù rất hiếm nhưng một số người, chủ yếu là trẻ em, gặp phải hội chứng viêm đa hệ thống (MIS) trong hoặc ngay sau khi nhiễm COVID-19. MIS là tình trạng khi đó các bộ phận cơ thể khác nhau có thể bị viêm. MIS có thể dẫn đến các tình trạng sau khi mắc COVID nếu tiếp tục gặp các ảnh hưởng đa cơ quan hoặc các triệu chứng khác.
Ảnh hưởng của việc Bệnh hoặc Nhập viện do COVID-19
Nhập viện và mắc các bệnh nghiêm trọng liên quan đến phổi, bao gồm COVID-19, có thể gây ra những ảnh hưởng đến sức khỏe như suy nhược nghiêm trọng và kiệt sức trong thời gian hồi phục.
Ảnh hưởng của việc nhập viện cũng có thể bao gồm hội chứng hậu săn sóc đặc biệt (PICS), tức là các ảnh hưởng sức khỏe bắt đầu khi một người ở trong phòng săn sóc đặc biệt (ICU) và có thể vẫn còn sau khi xuất viện. Những ảnh hưởng này có thể gồm suy nhược nghiêm trọng, các vấn đề về suy nghĩ và phán đoán và rối loạn căng thẳng sau sang chấn tâm lý (PTSD). PTSD bao gồm các phản ứng kéo dài đối với một sự kiện cực kỳ căng thẳng.
Hình thành sẹo xơ vi thể ở nhu mô phổi
Ở các bệnh nhân có viêm phổi lan tỏa trước đó, màng phế nang – mao mạch sau giai đoạn viêm sẽ lành dần, dịch viêm rút đi, các xác hồng cầu hay xác tế bào được dọn dẹp và các sẹo xơ li ti được hình thành.
Có thể hình dung quá trình này giống như một vết xước da nặng khi bị chà xát trên mặt đường, vết thương sẽ lành dần, lên da non và để lại một vết sẹo, khác biệt chỉ là các vết sẹo trong phổi thường rất li ti, chỉ nhìn thấy qua kính hiển vi, nên được gọi là tình trạng xơ hóa vi thể.
Các vết sẹo xơ li ti trong phổi nếu ít thì không sao, vùng phổi lành có thể bù được chức năng hô hấp, nhưng nếu sẹo xơ dày đặc hoặc các phế nang bị bít tắc nhiều, thì sẽ có thể làm phổi giảm co giãn khi hô hấp sau này.
Ai sẽ có sẹo xơ, nhiều hay ít, sẹo kiểu nào… thì còn tùy cơ địa, tùy vào tổn thương phổi nặng hay nhẹ, lứa tuổi, bệnh nền, tình trạng dinh dưỡng… Vì rất khó để biết ai sẽ xơ nặng ai sẽ xơ nhẹ. Vậy nên, tập thở trong giai đoạn phục hồi là một phần quan trọng ở tất cả bệnh nhân COVID-19.
Suy kiệt khối cơ và trống rỗng các kho dự trữ dưỡng chất trong cơ thể
Bao gồm suy giảm khối cơ và giảm các chất dinh dưỡng đã sử dụng triệt để trong quá trình chống lại bệnh.
Khối cơ, bao gồm cơ bắp và các tế bào của các cơ quan, bị teo nhỏ, bị mất các sợi cơ, bị tổn thương hay hư hỏng các tế bào… xảy ra ở hầu hết các hệ cơ quan của bệnh nhân sau đợt bệnh, từ hệ tiêu hóa đến gan mật, từ hệ hô hấp đến tuần hoàn… Có bệnh nhân sụt cả chục kilogam cân nặng sau đợt bệnh.
Số cân nặng này chủ yếu do giảm khối cơ, vì sinh lý trong giai đoạn bệnh là cơ thể sẽ ưu tiên dùng chất đạm nhiều hơn chất béo cho các hoạt động chuyển hóa của mình.
Kho dự trữ các chất dinh dưỡng dự trữ ít như vitamin nhóm B, C thường cạn kiệt; các chất dinh dưỡng dự trữ nhiều hơn như vitamin A, D (dự trữ trong gan), chất khoáng (dự trữ trong xương) cũng bị hao hụt rất nhiều.
Dinh dưỡng trong giai đoạn phục hồi chính là phần quan trọng để phục hồi khối cơ, sửa chữa các hư hỏng của tế bào ở các cơ quan, và khôi phục các kho dự trữ dưỡng chất trong cơ thể.
Các vấn đề về tâm lý và tinh thần
Tưởng chừng là chuyện nhỏ, nhưng thật ra, sự tổn thương tâm lý và tinh thần của người bệnh, nhất là những bệnh nhân nặng thường rất nghiêm trọng. Ám ảnh về những cơn khó thở hay nỗi sợ hãi về cái chết, thường không thể mất đi trong thời gian đầu tiên, cộng thêm với nỗi lo lắng về khả năng tái phát, tái nhiễm, di chứng… làm bệnh nhân mất ngủ và căng thẳng.
Tình trạng này thường góp phần làm cho cuộc sống của bệnh nhân tệ hơn ngay cả khi các tổn thương thực thể không nghiêm trọng quá mức.
Sẽ chẳng có ai giống ai trong cuộc hành trình quay trở lại với cuộc sống bình thường này, vì mỗi người có một sức khỏe nền khác nhau, trải qua tình trạng bệnh khác nhau, thiệt hại cơ thể trong lúc chống lại bệnh cũng khác nhau…
Dù vậy, việc chăm sóc trong giai đoạn phục hồi càng chuẩn xác thì hậu quả của căn bệnh (nếu có) càng nhẹ, hoặc có khi hoàn toàn không để lại chút di chứng lâu dài nào.
(Tiếp: phần 2 : Những biện pháp rèn luyện để phục hồi di chứng sau nhiễm covid)