vnexpress.net : Tổng bí thư đề nghị các cấp ủy, chính quyền tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện và thực hiện tốt hơn nữa chính sách, pháp luật về ưu đãi với người có công.
Chiều 23/7, tại trụ sở Trung ương Đảng, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng gặp mặt 75 người có công tiêu biểu, đại diện cho lão thành cách mạng, mẹ Việt Nam anh hùng, anh hùng lực lượng vũ trang, thương binh, bệnh binh, thân nhân gia đình liệt sĩ và người có công trên toàn quốc.
Trong số đó, có đại biểu Đỗ Viết Thông, 92 tuổi, ở Hà Nội, là cán bộ lão thành cách mạng; đại biểu Hà Thị Sâm, 97 tuổi, ở xã Bảo Linh, huyện Định Hóa, Thái Nguyên, dân tộc Tày, là cán bộ tiền khởi nghĩa; đại biểu Nguyễn Thị Thanh, ở Thừa Thiên Huế, là vợ liệt sĩ, bản thân là thương binh nhiều lần bị địch bắt, tra tấn, mang di chứng nặng nề của chiến tranh.
Nhiều đại biểu là thương binh “tàn nhưng không phế”, như ông Nguyễn Duy Nở ở Thanh Hóa, thương binh 4/4, nhiễm chất độc hóa học nhưng là Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Tuấn, giải quyết việc làm cho 230 lao động. Hàng năm, ông trích lợi nhuận 300 – 400 triệu đồng giúp đỡ gia đình thương binh, liệt sĩ, người tàn tật, trẻ mồ côi, nhận phụng dưỡng suốt đời 4 Mẹ Việt Nam anh hùng…
Ông Nguyễn Văn Lược, đến từ Cà Mau, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, thương binh 3/4, nhiễm chất độc hóa học nhưng thành công với mô hình kinh tế gia đình, trồng cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản đạt hiệu quả cao, thường xuyên giúp đỡ những người khó khăn.
Theo Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, ngày thương binh liệt sĩ (27/7) hàng năm là dịp để cả nước tưởng nhớ, tôn vinh, tri ân công lao của các anh hùng, liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng. 75 năm qua, Đảng, Nhà nước luôn làm tốt công tác đền ơn, đáp nghĩa, ban hành nhiều chính sách ưu đãi người có công.
Ông cho biết rất xúc động và vui mừng khi đời sống của những người có công, mẹ Việt Nam anh hùng, các bậc lão thành cách mạng… ngày càng được quan tâm, và bản thân họ cũng có nhiều đóng góp tích cực cho cộng đồng. Ông mong muốn, các thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ khắc phục khó khăn, tiếp tục cống hiến, góp phần bảo vệ và xây dựng đất nước.
Theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII và Chỉ thị số 14 năm 2017 của Ban Bí thư về “Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng”, Tổng bí thư đề nghị các cấp uỷ Đảng, các cơ quan chính quyền, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện và thực hiện tốt hơn nữa chính sách, pháp luật về ưu đãi đối với người có công với nước, với cách mạng.
“Tất cả mọi người chúng ta hãy luôn luôn ghi nhớ và tâm niệm hãy sống, chiến đấu, lao động, học tập và làm việc sao cho xứng đáng với những người đã khuất, đã hy sinh vì Tổ quốc, vì nhân dân”, Tổng bí thư nói, nhấn mạnh rằng Việt Nam có tươi đẹp, sánh vai với các cường quốc hay không, một phần rất lớn, rất quan trọng là có gìn giữ và phát huy được những giá trị và truyền thống tốt đẹp của dân tộc như “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây”, “lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều”…
Sáng cùng ngày, tại Đà Nẵng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự lễ trao danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cho Ban Dân y Khu 5. Ông nói, danh hiệu này là sự ghi nhận của Đảng và Nhà nước đối với những thành tích đặc biệt xuất sắc mà các thế hệ cán bộ, nhân viên, chiến sĩ và thầy thuốc Ban dân y Khu 5 đã đóng góp trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Chủ tịch nước tri ân các thế hệ thầy thuốc đã vượt qua khó khăn, gian khổ trong kháng chiến để có mặt trên khắp các chiến trường, chăm sóc, cứu chữa thương bệnh binh và nhân dân. Trong đó, có những tấm gương lớn như: Bác sĩ Trần Dzũ, Giáo sư Huỳnh Thị Phương Liên, bác sĩ, liệt sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Đặng Thùy Trâm, Kỹ sư Vũ Đức Minh…
Đến nay, toàn quốc đã xác nhận được trên 9,2 triệu người có công, trong đó có 1,2 triệu liệt sỹ; 139.000 bà mẹ Việt Nam anh hùng; 1.300 anh hùng lực lượng vũ trang, anh hùng lao động; 800.000 thương binh và người hưởng chính sách như thương binh; 185.000 bệnh binh; 320.000 người hoạt động kháng chiến và con đẻ bị nhiễm chất độc hóa học; 111.000 người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày; 1,9 triệu người có công giúp đỡ cách mạng…