PHÙNG KIM NGA
Lại một mùa xuân nữa đang về. Vậy là đã 3 cái tết cha được về bên ông bà nội của tôi, về với quê hương nơi cha đã ra đi, ở đó có khóm chuối, bờ tre, có cây bồ kết già và làn khói lam chiều bay trên mái nhà tranh yên ả…
Chị Phùng Thị Kim Nga bên ngôi mội người cha liệt sĩ
Khi tôi bập bẹ gọi bà thì cũng là lúc cha tôi lên đường vào Nam chiến đấu (tháng 12/1968). Lúc tôi bắt đầu đi học thì cũng là lúc mẹ tôi nhận được hung tin bố tôi đã hy sinh tại chiến trường miền Nam. Lúc ấy, tôi chập chững bước vào lớp 1. Ký ức về cha chỉ còn là câu chuyện kể lại từ ông bà nội và mẹ.
Năm 1981, tôi được về trường Nội trú Nguyễn Viết Xuân. Ở đây, chúng tôi được nuôi ăn, học và được sống cùng với những người bạn cùng cảnh ngộ: “Con liệt sĩ”. Ở trường, chúng tôi đều có chung khát vọng là sau này nhất định phải đi tìm cha! Với tôi, niềm mong mỏi ấy được thôi thúc hơn bởi ý nguyện mong muốn cuối cùng của ông bà nội: “Tìm được hài cốt của cha mang về cho ông bà” để đưa về quê hương. Nhưng những thông tin về cha hy sinh lại quá ít, tờ giấy báo tử chỉ vẻn vẹn ghi mấy dòng chữ: “Đơn vị KN, hy sinh tại mặt trận phía Nam, thi hài được mai táng ở nghĩa trang mặt trận…”.
Khát vọng tìm cha đã tạo cho tôi một ý thức, hễ cứ gặp ai là bộ đội tầm tuổi bố, có thể nói chuyện được là tôi liền hỏi thông tin về bố.
Tôi có một người bạn thân (cùng học trường Nguyễn Viết Xuân) mới tìm được mộ bố ở Quảng Trị về, bạn giới thiệu tôi đã gặp chú Nguyễn Xuân Quy, người Quảng Trị, có nhiều kinh nghiệm trong việc tìm mộ liệt sĩ. Chú Quy chỉ tôi đến Cục Chính sách – TCCT xin Bản trích lục hồ sơ quân nhân, ở đây thông tin của bố tôi khá rõ ràng: Đơn vị D96, Hy sinh tại Phú Xuân, Tuy Hòa, Phú Yên. Được sự hỗ trợ từ Cục Chính sách tôi chắp nối thông tin tìm đồng đội của cha, căn cứ từ bản trích lục và từ bức thư cuối cùng của bố tôi viết cho mẹ được gửi từ Quảng Ngãi về, tôi bắt đầu lần lượt đi tìm đồng đội cùng đơn vị với cha, sau rất nhiều người giới thiệu, chỉ dẫn, tôi đã tìm gặp bác Thanh cùng huyện Ba Vì.
Gặp bác, tôi vô cùng xúc động (hình như cha tôi dẫn tôi đến gặp bác vậy!). Nhìn thấy tôi, bác Thanh nghẹn ngào khẽ hỏi: “Con là con bố Bình?” Tôi khẽ gật đầu, đôi mắt ngấn nước. Bác Thanh nhẹ nhàng bảo: Con vào nhà đi! Bác khẽ khàng kể: “Bố Bình của con thổi sáo và hát rất hay! Bố cháu đẹp trai lắm, người dong dỏng cao, da trắng và đặc biệt là rất có duyên”.
Tháng 4/2007, tôi quyết định vào Phú Yên để tìm thông tin về bố mình và hy vọng sẽ được gặp thêm đồng đội chiến đấu cùng ông để hỏi. Linh cảm như có bố dẫn đường nên tôi rất tự tin. Lần đầu trong đời, tôi đi xa một mình (chồng tôi đang đi công tác ở Vũng Tàu nên vào sau). Tôi đến Ban Chính sách – Bộ CHQS. Ở đây các anh đón tiếp thân tình và ân cần như người thân. Anh Lộc ghi tên bố con tôi vào sổ để theo dõi.
Thật kỳ lạ, khi anh Lộc đọc tên bố tôi vừa dứt, một anh ngồi trước máy tính phía trong phòng đọc đầy đủ các thông tin liên quan: “Liệt sĩ Phùng Văn Bình, quê quán Tòng Bạt, Ba Vì, Hà Tây, nhập ngũ tháng 7 năm 1968, đi B tháng 12 năm 1968, đơn vị D9, cấp bậc…, ngày vào Đảng… ngày hy sinh 10/6/1970, tại thôn Phú Xuân A, xã Xuân Phước…, người chôn cất…Câu cuối cùng anh đọc “Khi cần báo tin cho…” anh đọc đúng tên ông nội của tôi. Tôi bất ngờ reo lên: “Đúng bố em rồi!”. Mọi người có mặt ở đó rất vui và ngạc nhiên vì có sự trùng hợp ngẫu nhiên!
Anh Trần Văn Thái (người vừa đọc thông tin) cho biết: “Hôm nay, anh nhập danh sách các liệt sĩ từ quyển lưu bút ghi chép bằng tay (ghi lại các liệt sĩ hi sinh từ năm 1970 -1972 nhập vào máy vi tính để quản lý và tra tìm cho dễ. Vừa đang nhập đến tên bố em thì em đến!”. Anh Thái nói vui: “Chuyện này cứ như được sắp đặt trước vậy!”. Cùng lúc, anh Thành – Phó Chính ủy đi ngang qua, thấy có người đến tìm thông tin liệt sĩ, anh dừng lại để hỏi thăm, khi biết thông tin liệt sĩ hy sinh ở cánh đồng Tre, anh Thành nói: “Quê tôi ở đó, nên tôi biết rất rõ, đó là trận đánh ác liệt lắm, quân ta lần đó hy sinh nhiều”.
Anh kể lại chi tiết những gì mà anh biết, rồi anh nói Ban Chính sách bố trí xe và cử anh Thái tham gia đưa vợ chồng tôi đi ra nghĩa trang Xuân Phước, huyện Đồng Xuân vào ngày chủ nhật 08/04/2007, các anh đưa tôi tìm gặp những cựu chiến binh chiến đấu năm xưa. Người này kể chuyện rồi lại giới thiệu đến người kia, cuối cùng tôi gặp chú Lưu Thái Hòa người thôn Phú Xuân A, chú kể lại rất chi tiết về cuộc chiến của 37 năm về trước. Khi ấy, chú được giao làm liên lạc đơn vị, chú mới khoảng 13, 14 tuổi. Chú Hòa dẫn tôi đến cánh đồng, nơi bố tôi cùng đồng đội đã chiến đấu và hy sinh, rồi chú dẫn mọi người tới nơi chôn cất ban đầu. Chú cho biết, năm 1978 – 1979, các liệt sĩ chôn cất ở đây đều đã được quy tập vào nghĩa trang bây giờ.
Chú Hòa dẫn chúng tôi tìm gặp một anh làm công tác quy tập ngày ấy, hỏi anh cụ thể về công việc lúc đó xem những mộ bốc ở đây thì đặt ở vị trí nào trên nghĩa trang? Thật tiếc là tất cả các mộ bốc lên đều không có tên tuổi hay ký hiệu gì, nên họ cất bốc được ngôi nào đưa về thì đặt luôn vào nghĩa trang ngôi đó. Tôi chỉ có thể chắc chắn một điều: Mộ bố tôi đang ở nghĩa trang Xuân Phước. Có điều, ngôi mộ nào thì chưa xác định được. Bước chân vào nghĩa trang, lòng tôi quặn thắt khi nhìn những hàng mộ đa phần có dòng chữ: “Liệt sĩ chưa biết tên”. Tâm trạng vô cùng đau xót, trào dâng cảm xúc khó tả, mắt tôi ầng ậc nước, lòng thầm gọi: “Bố ơi! Con đến thăm bố đây! Bố ở đâu? Bố chỉ dẫn cho con, bố đang ở đâu để con đón bố về với ông bà!”.
Ánh nắng chiều đã nhạt, nghĩa trang bảng lảng màu khói hương, chúng tôi rời nghĩa trang Xuân Phước sau khi đã thắp hết nén nhang cuối cùng cho các bia mộ và trở về Bộ CHQS tỉnh. Nhìn vẻ mặt tôi thẫn thờ, anh Thái và các anh ở Ban Chính sách luôn động viên, giúp tôi liên lạc với anh Hai Hoàng, cựu chiến binh đang ở TP Hồ Chí Minh, là người như có giác quan thứ 6, anh đã giúp Bộ CHQS tỉnh tìm được khá nhiều mộ liệt sĩ. Theo anh Hoàng chỉ dẫn qua điện thoại: “Ngôi mộ số 4, hàng số 7 từ phía trong tường sau tượng đài, xung quanh mộ có hoa màu trắng nhụy màu vàng, mặt trước mộ có vết sẹo lồi (như xi măng đắp lên), phía trước mộ có cái gì giống khoen bia tròn tròn…”. Linh cảm cho tôi biết, có thể đó đúng là ngôi mộ của bố tôi, sau gần 1 năm không có ai nhận mộ, tôi đã xin phép được gắn tên bố mình lên bia mộ, và kể từ đó năm nào gia đình tôi cũng vào nghĩa trang Xuân Phước để thắp hương cho ông.
Giữa tháng 5/2012, nghĩa trang Xuân Phước được tu sửa lại, vợ chồng tôi quyết định vào nghĩa trang để xin mẫu hài cốt về làm giám định ADN. Được sự giúp đỡ của Hội HTGĐLS Việt Nam, tôi đem theo mẫu sinh phẩm lấy từ ngôi mộ “Bố tôi ở Xuân Phước” về, cùng mẫu đối chứng của người thân trong gia đình đến Viện CNSH Việt Nam để làm giám định Gen. Ngày 18/7/2012, gia đình tôi đã nhận được thông báo kết quả “ĐÚNG” mẫu sinh phẩm và mẫu đối chứng trùng khớp nhau từ Viện CNSH Việt Nam. Như vậy, phần cốt ở nghĩa trang Xuân Phước chính xác là của bố tôi.
Vào ngày 24/07/2012 Hội HTGĐLS Việt Nam đã trang trọng trao kết giám định Gen cho gia đình tôi đúng vào dịp đất nước kỷ niệm 65 năm ngày TBLS. Gia đình tôi như vỡ òa trong niềm vui sướng, hạnh phúc, sau bao năm tìm kiếm, cuối cùng gia đình tôi cũng được “đoàn tụ” với người cha thân yêu của mình sau bao nhiêu năm trời “xa cách”. Niềm vui như nhân đôi vì tôi đã thực hiện được lời hứa đi tìm cha về với ông bà nội của tôi!