Thứ Bảy, Tháng Chín 7, 2024
Trang chủHOẠT ĐỘNG HỘITỌA ĐÀM VỀ TÌM KIẾM, THU THẬP, ĐIỀU CHỈNH, LƯU TRỮ THÔNG...

TỌA ĐÀM VỀ TÌM KIẾM, THU THẬP, ĐIỀU CHỈNH, LƯU TRỮ THÔNG TIN LIỆT SĨ; THỦ TỤC DI CHUYỂN MỘ, HÀI CỐT LIỆT SĨ

Sáng 27/10, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TP.HCM tổ chức Tọa đàm tìm kiếm, thu thập, điều chỉnh, lưu trữ thông tin liệt sĩ; thủ tục di chuyển mộ, hài cốt liệt sĩ.

Tham dự toạ đàm có Thượng tá Trương Đức Ngọc – Phó Phòng Chính sách, Cục Chính trị Quân khu 7; Thượng tá Hà Văn Thanh – Trưởng Ban Chính sách, Cục Chính trị Quân đoàn 4; bà Đinh Thị Thuý Nga – Phó Trưởng Phòng Người có công, Sở Lao động – Thương binh & Xã hội (LĐ-TB&XH) TP.HCM; ông Nguyễn Hiển Lâm, đại diện Hội Cựu chiến binh TP.HCM…

Về phía Tổ tư vấn Hội HTGĐLS TP.HCM có Trung tướng Lưu Phước Lượng – Nguyên Phó Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, nguyên Phó Tư lệnh chính trị Quân khu 9; Trung tướng Nguyễn Đức Hải – Nguyên Viện trưởng Viện chiến lược Bộ Quốc phòng, nguyên Tư lệnh Quân đoàn 3;

Về phía Hội HTGĐLS TP.HCM có Đại tá, nhà báo Trần Thế Tuyển – Chủ tịch Hội cùng các Phó Chủ tịch Hội, đơn vị thành viên của Hội.

Các đại biểu tham dự buổi tọa đàm.

Cùng tham dự có đại diện Hội Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ (HTGĐLS), Phòng Người có công công Sở Lao động – Thương binh và Xã hội các tỉnh Đông Nam Bộ, đại diện Phòng chính sách- Cục chính trị Quân khu 7, Quân đoàn 4, các Đội quy tập tại một số tỉnh phía Nam…

Phát biểu khai mạc toạ đàm, Đại tá Lê Thanh Song – Phó Chủ tịch Hội HTGĐLS TP.HCM cho biết, trong hai thế kỷ, dân tộc Việt Nam phải trải qua ba cuộc chiến tranh giành độc lập, giải phóng thống nhất đất nước và bảo vệ Tổ quốc – đó là chống Pháp, chống Mỹ và bảo vệ biên giới. Với ba cuộc chiến tranh đó, dân tộc ta đã có gần 1,2 triệu liệt sĩ.

Ngay từ ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, độc lập tự do; Đảng, Nhà nước và toàn thể cán bộ, nhân dân cả nước đã không ngừng tiến hành quy tập hài cốt liệt sĩ, tìm kiếm, chỉnh sửa thông tin liệt sĩ và hoàn chỉnh các nghĩa trang, xây dựng khu tưởng niệm, đền đài ghi công các anh hùng liệt sĩ nhưng vẫn còn không ít các hài cốt chưa được quy tập về nghĩa trang, xương cốt các anh vẫn nằm đâu đó trên các vùng đất của Tổ quốc trên đất bạn Lào, Campuchia.

Đại tá, nhà báo Trần Thế Tuyển – Chủ tịch Hội HTGĐLS TP.HCM phát biểu tại tọa đàm.

Theo thống kê sơ bộ, hiện cả nước còn trên 200.000 liệt sĩ chưa tìm được hài cốt, 300.000 liệt sĩ đã được quy tập về các nghĩa trang liệt sĩ nhưng chưa xác định được danh tính, còn nhiều ngôi mộ liệt sĩ có thông tin nhưng chưa đầy đủ hoặc chưa chính xác, từ đó rất nhiều thân nhân các gia đình của liệt sĩ vẫn không biết được thân nhân của minh hiện nằm nơi đâu.

Theo Phó Chủ tịch Hội HTGĐLS TP.HCM Lê Thanh Song, việc tổ chức toạ đàm nhằm kết nối, mở rộng các nguồn cung cấp thông tin về liệt sĩ; phối hợp chặt chẽ nguồn thông tin từ những đồng đội cùng chiến đấu, cùng đơn vị, quê quán với nguồn thông tin từ các cơ quan quản lý nhà nước và địa phương.

Qua đó, tìm giải pháp, biện pháp hiệu quả, phù hợp trong công tác tìm kiếm, thu thập, điều chỉnh, lưu trữ thông tin liệt sĩ; thủ tục di chuyển mộ, hài cốt liệt sĩ trong điều kiện, đặc điểm và tình hình mới.

Phó Chủ tịch Hội HTGĐLS TP.HCM Lê Thanh Song phát biểu tại tọa đàm.

Phó Chủ tịch Lê Thanh Song cho biết, từ khi thành lập đến nay, Hội HTGĐLS TP.HCM phối hợp thu thập được danh sách 23.496 liệt sĩ tại các nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn TP.HCM, các đền thờ liệt sĩ, bia tưởng niệm liệt sĩ… chuẩn bị cho việc thành lập Thư viện Thông tin liệt sĩ trên trang website linhkhiquocgia.vn của Hội. Tham gia thẩm định danh sách gần 15.000 liệt sĩ để ghi danh tại các đền thờ, bia tưởng niệm liệt sĩ. Phối hợp cùng các đơn vị đưa gần 300 hài cốt liệt sĩ về quê.

Trung tướng Lưu Phước Lượng phát biểu tại toạ đàm.

Đặc biệt, Ban Thường vụ Hội chủ trì kiến nghị với cấp có thẩm quyền công nhận ngày 27/7 hàng năm là ngày Quốc giỗ. Kiến nghị đã được Chủ tịch nước và các Bộ ngành liên quan ghi nhận…

Toạ đàm cũng được lắng nghe nhiều tham luận về những khó khăn, vướng mắc về thủ tục hành chính trong công tác quy tập, tìm kiếm hài cốt, tìm kiếm thông tin, hiệu chỉnh thông tin và thủ tục di chuyển hài cốt liệt sĩ về quê.

Phó Trưởng Phòng Người có công, Sở LĐ-TB&XH TP.HCM Đinh Thị Thuý Nga tham luận tại toạ đàm.

Điển hình Phòng Chính sách Cục Chính trị QK7 có tham luận “Thực trạng và giải pháp tổ chức, phối hợp tìm kiếm, xác minh thông tin, chỉnh sửa trên bia mộ và quy tập hài cốt liệt sĩ trên địa bàn quân khu”; Hội HTGĐLS tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu với tham luận “Kinh nghiệm phối hợp với sở LĐ-TB&XH xác minh, chỉnh sửa trả lại đúng tên, quê quán, địa chỉ… cho liệt sĩ”;

Tọa đàm về tìm kiếm, thu thập, điều chỉnh, lưu trữ thông tin liệt sĩ; thủ tục di chuyển mộ, hài cốt liệt sĩ.

Hội HTGĐLS tỉnh Đồng Nai tham luận “Phối hợp với các Ban Liên lạc truyền thống các đơn vị xác minh, đối chiếu hồ sơ gốc trả lại đúng tên cho liệt sĩ”; Ban Liên lạc truyền thống F 302: “Tôi đi tìm đồng đội”;

Phòng Chính sách có công Sở LĐ-TB&XH TP.HCM: “Thực trạng tình hình các nghĩa trang liệt sĩ thành phố và những khó khăn trong việc xác minh chính sửa thông tin trên bia mộ liệt sĩ”; Tổng đội Thanh niên xung phong: “Kinh nghiệm phối hợp với BLLTT các đơn vị, các địa phương tìm kiếm, xác minh, quy tập hài cốt liệt sĩ”; Đại diện Đội quy tập K70, 71,72… ở Campuchia: “Những khó khăn, phức tạp, vướng mắc quy tập mộ tại Campuchia”.

Trong khuôn khổ tọa đàm, các đơn vị đã tổ chức ký kết phối hợp hoạt động trong công tác tìm kiếm, thu thập, điều chỉnh, lưu trữ thông tin liệt sĩ; thủ tục di chuyển mộ, hài cốt liệt sĩ.

Các đơn vị ký kết phối hợp.

Các đại biểu chụp hình lưu niệm.

Liên Liên

Năm 2013, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hai đề án liên quan việc quy tập và xác minh hài cốt, danh tính liệt sĩ, đó là: Đề án tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ từ nay đến năm 2020 và các năm tiếp theo (Đề án 1237) do Bộ Quốc phòng triển khai; Đề án xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin (Đề án 150) do Bộ LĐ-TB&XH triển khai.
Đề án 150 được thực hiện chủ yếu với phương pháp giám định ADN và thực chứng. Phương pháp giám định ADN đã triển khai gần 10.000 mẫu hài cốt liệt sĩ và hơn 3.000 mẫu sinh phẩm thân nhân liệt sĩ. Kết quả, đã so sánh đối khớp được hơn 1.000 danh tính liệt sĩ để báo tin về cho thân nhân liệt sĩ.
Năm 2018, Chính phủ đã kiện toàn Ban Chỉ đạo quốc gia về tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ thành Ban Chỉ đạo quốc gia 515 trên cơ sở hợp nhất Ban Chỉ đạo quốc gia về tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ (Ban Chỉ đạo quốc gia 1237) và Ban Chỉ đạo cấp Nhà nước về xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin (Ban Chỉ đạo 150). Sau khi thành lập, Ban Chỉ đạo đã quyết định triển khai việc thành lập Cổng Thông tin điện tử về liệt sĩ online.
Sau đó, Bộ Quốc phòng đã chuyển giao hơn 700.000 dữ liệu về liệt sĩ, Bộ LĐ-TB&XH đã chuyển giao 1,2 triệu dữ liệu về liệt sĩ, trong đó có gần 900.000 dữ liệu về mộ liệt sĩ và hơn 3.000 dữ liệu về nghĩa trang liệt sĩ cho Bộ Thông tin và Truyền thông để chuẩn hóa, tích hợp liên thông cơ sở dữ liệu về công tác tìm kiếm quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ đăng trên Cổng Thông tin điện tử về liệt sĩ.
Bài viết liên quan

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận
Nhập tên của bạn

Bài viết phổ biến

Bình luận gần đây