Thứ Tư, Tháng Mười Hai 6, 2023
Trang chủVĂN HÓA-VĂN NGHỆĐẶC SANTỌA ĐÀM PHỐI HỢP TÌM KIẾM THÔNG TIN VÀ QUY TẬP HÀI...

TỌA ĐÀM PHỐI HỢP TÌM KIẾM THÔNG TIN VÀ QUY TẬP HÀI CỐT LIỆT SĨ : NHỮNG TIẾNG NÓI TÂM HUYẾT VÀ NGHĨA TÌNH

NHỮNG TIẾNG NÓI TÂM HUYẾT VÀ NGHĨA TÌNH

TRẦN SÔNG LAM (Thực hiện)

 

LTS: Ngày 28/12/2021, Hội Hỗ trợ gia đình Liệt sĩ TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP. Hồ Chí Minh tổ chức cuộc Tọa đàm “Phối hợp tìm kiếm thông tin và quy tập hài cốt liệt sĩ”. Tại cuộc tọa đàm có 20 đại biểu đăng ký tham luận nhưng do thời gian có hạn nên Ban Tổ chức chỉ mời được 11 đại biểu trình bày tại hội trường. Đặc biệt, nhiều tham luận thể hiện tinh thần trách nhiệm và kiến nghị nhiều giải pháp đẩy nhanh tiến độ tìm kiếm thông tin, xác định danh tính và tổ chức quy tập hài cốt liệt sĩ qua các thời kỳ chiến tranh chống quân xâm lược và làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia… Đặc san Linh khí Quốc gia Xuân Nhâm Dần trân trọng trích đăng một số tham luận tại cuộc Tọa đàm này.

 

Trung tướng Lưu Phước Lượng, nguyên Bí thư Đảng ủy – Phó Tư lệnh Chính trị Quân khu 9, nguyên Phó Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ:

 

CUỘC TỌA ĐÀM MANG NHIỀU Ý NGHĨA VÀ NHÂN VĂN

Qua nghe đại diện các tổ chức, cá nhân phát biểu tham luận tại buổi Tọa đàm “Phối hợp tìm kiếm thông tin và quy tập hài cốt liệt sĩ”, tôi rất xúc động về những việc làm thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của các Ban Liên lạc truyền thống và các thành viên Hội Hỗ trợ gia đình Liệt sĩ TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng Nai, Bình Phước… Đặc biệt tôi rất cảm kích trước bài phát biểu của Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh – Trưởng Ban Liên lạc truyền thống Mặt trận 479, kể về những chuyến đi tìm đồng đội hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước và làm nghĩa vụ Quốc tế ở Campuchia. Câu chuyện người trong cuộc luôn là mạch nguồn cảm động và đầy tính nhân văn cao cả, thể hiện lòng biết ơn với những người hy sinh vì sự nghiệp giải phóng Miền Nam, thống nhất Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia.

Riêng bài phát biểu của đồng chí Huỳnh Thanh Khiết – Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP. Hồ Chí Minh rất đầy đủ và có hướng chỉ đạo chuyên ngành về công tác chính sách nói chung và công tác tìm kiếm thông tin, quy tập hài cốt liệt sĩ nói riêng…

Nhìn chung, các bài tham luận như một bản tổng kết kinh nghiệm thực tiễn và đề xuất nhiều giải pháp nhằm tổ chức tốt việc phối hợp tìm kiếm thông tin, quy tập hài cốt liệt sĩ trong thời gian tới. Đặc biệt tôi đánh giá cao Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TP. Hồ Chí Minh tổ chức cuộc tọa đàm này, đây cũng là việc làm thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, đồng thời đúng với tôn chỉ mục đích của Hội, mở ra một hướng đi mới cho việc tìm kiếm thông tin và quy tập hài cốt liệt sĩ.

 

Ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP. Hồ Chí Minh:

LÃNH ĐẠO TP. HỒ CHÍ MINH LUÔN QUAN TÂM CHỈ ĐẠO CÔNG TÁC TÌM KIẾM THÔNG TIN, QUY TẬP HÀI CỐT LIỆT SĨ

Xác định công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và công tác xác định danh tính liệt sĩ còn thiếu và chưa biết thông tin là nhiệm vụ chính trị quan trọng trong công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, nên UBND Thành phố Hồ Chí Minh thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các ban, ngành liên quan để phối hợp chặt chẽ và đẩy nhanh tiến độ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ trên địa bàn thành phố, cũng như trên địa bàn các tỉnh lân cận như tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh.

Cụ thể từ năm 2013 đến năm 2020, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP.HCM phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư lệnh thành phố và các ban, ngành liên quan trong công tác tổ chức khảo sát, tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ tiếp nhận và tổ chức Lễ an táng 140 hài cốt liệt sĩ (trong đó có 103 trường hợp có tên, 37 trường hợp chưa xác định được thông tin) được quy tập trên địa bàn thành phố về an táng tại nghĩa trang liệt sĩ, cũng như việc lấy mẫu sinh phẩm gửi vào ngân hàng gien (trong đó, Nghĩa trang liệt sĩ thành phố: 73 hài cốt, Nghĩa trang liệt sĩ quận Bình Tân: 30 hài cốt, Nghĩa trang liệt sĩ huyện Củ Chi: 15 hài cốt, Nghĩa trang liệt sĩ huyện Hóc Môn: 18 hài cốt, Nghĩa trang liệt sĩ huyện Cần Giờ: 3 hài cốt, và Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Long An: 1 hài cốt)

Bên cạnh đó, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội còn phối hợp với Bưu điện thành phố chụp ảnh bia mộ liệt sĩ tại 7 nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn thành phố làm dữ liệu điện tử, để cập nhật cho Đề án xây dựng cổng thông tin điện tử quản lý thông tin liệt sĩ, mộ liệt sĩ và Nghĩa trang liệt sĩ do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai, nhằm giúp cho người dân và thân nhân liệt sĩ có thể thăm viếng mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ thông qua hình ảnh, giúp rút ngắn khoảng cách địa lý giữa người thân, gia đình liệt sĩ với mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ, đáp ứng phần nào nhu cầu được thăm viếng, tra cứu thông tin liệt sĩ của người dân và thân nhân liệt sĩ.

Để thực hiện công tác xác định danh tính cho liệt sĩ còn thiếu và chưa biết thông tin đạt hiệu quả hơn nữa, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thành phố Hồ Chí Minh sẽ tập trung vào những giải pháp và phương hướng cụ thể như sau:

  1. Tiếp tục tăng cường hoạt động thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức và huy động sự tham gia của nhân dân, đồng đội, Cựu chiến binh và thân nhân liệt sĩ trong hoạt động cung cấp thông tin, hồ sơ, tài liệu liên quan đến liệt sĩ, thân nhân liệt sĩ và mộ liệt sĩ.
  2. Tiếp tục quán triệt, thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị, các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương và địa phương về công tác “Tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ”.
  3. Đề nghị Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế sớm xây dựng, hoàn thiện và ban hành văn bản hướng dẫn quy trình thực hiện, thủ tục thực hiện việc lấy mẫu sinh phẩm giám định ADN xác định danh tính liệt sĩ để đưa vào ngân hàng gien.
  4. Đề nghị Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội có chính sách hỗ trợ kinh phí đi lại cho thân nhân liệt sĩ khi thực hiện đi lấy mẫu giám định ADN xác định danh tính liệt sĩ…

 

Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh, Trưởng Ban Liên lạc truyền thống Mặt trận 479 – Quân khu 7:

TRĂN TRỞ VÌ NHIỀU ĐỒNG ĐỘI HY SINH CHƯA TÌM ĐƯỢC HÀI CỐT

Tôi hoàn toàn đồng tình với nội dung cuộc tòa đàm hôm nay, đó là: “Phối hợp tìm kiếm thông tin, quy tập hài cốt liệt sĩ”, đây cũng là chủ đề đúng với ý Đảng, lòng dân và nguyện vọng của thân nhân gia đình liệt sĩ.

Tôi rất trăn trở vì nhiều liệt sĩ chưa tìm được hài cốt, nhất là các đồng chí hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ ở các tỉnh Miền Đông Nam Bộ qua các thời kỳ. Cụ thể ở tỉnh Bình Phước: Sư đoàn 9 có 1600 liệt sĩ, Sư đoàn 7 có 4320 liệt sĩ, Sư đoàn 5 có 3135 liệt sĩ chưa quy tập được, hoặc quy tập rồi nhưng chưa xác định được tên, hoặc sai tên, họ. Tỉnh Tây Ninh, tháng 8/1967 ở Tống Lê Chân có 164 liệt sĩ đã quy tập. Tháng 9 đến tháng 10/1971 ở cầu Cần Đăng, huyện Tân Biên có 84 liệt sĩ được quy tập. Tỉnh Bình Dương, năm 1968 (Mậu Thân) ở ngã ba Sở Sao, Sở Hội, Lò Chén, Lái Thiêu, Suối Sọ… (Bình Dương) chưa biết quy tập được bao nhiêu liệt sĩ. Đây là địa bàn trọng điểm nên cần nắm lại để tiếp tục tổ chức tìm kiếm.

Tháng 1/1973 ở cầu Thị Tính, 10 liệt sĩ chưa quy tập được. Tháng 7/1974 ở lộ 7 Ngang, Ri Nét, Đồi 75 Bến Cát có 133 liệt sĩ chưa được quy tập. Ở địa bàn tỉnh Đồng Nai, tháng 3/1975 – 20/4/1975, ở Phương Lâm – Định Quán, Xuân Lộc – Long Khánh có 300 liệt sĩ, đã quy tập vào nghĩa trang được 130 liệt sĩ, chưa quy tập được 179 liệt sĩ. Ở chiến trường cũ Campuchia: Hiện nay Sư đoàn 9 ở đường 6 Pvev veng, Sư đoàn 5 ở đường 6 Siêm Reap, Sư đoàn 7 Kvatie, Kampong Chhnang, Kampong Cham, Mean Chesy có được quy tập nhưng chưa hết nên tôi mong muốn các Đội tìm kiếm phối hợp với các cựu chiến binh xác định thông tin, quy tập đưa hết hài cốt quân tình nguyện hồi hương.

Nghỉ chữa bệnh từ tháng 9/1992 đến tháng 7/1997, nghỉ hưu đã 22 năm nhưng tôi vẫn cùng các đồng chí Cựu chiến binh, gia đình liệt sĩ đi tìm được 55 hài cốt các liệt sĩ đưa về quê và thông tin cùng địa phương; tìm được 139 liệt sĩ đưa vào nghĩa trang chủ yếu ở Hớn Quảng, Lộc Ninh.

Đến hôm nay mặc dù tuổi cao sức yếu, nhưng tôi mong mỏi được sát cánh cùng đồng đội và các đội tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sĩ đưa hết anh em đã hy sinh về nghĩa trang liệt sĩ.

Nhân đây tôi cũng đề nghị Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ cử cán bộ chuyên trách đến các đơn vị nắm lại danh sách các liệt sĩ ở địa bàn Quân khu 7, Quân đoàn 4.

Tôi cũng đề các cơ quan có thẩm quyền từ cơ sở đến Trung ương và các nhà hảo tâm giúp đỡ kinh phí để hỗ trợ các lực lượng đi tìm kiếm thông tin, quy tập hài cốt liệt sĩ, vì Hội ta không phải là cơ quan Nhà nước cho nên không có kinh phí là rất khó khăn.

Đây là nguyện vọng gia đình và đúng với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, vì có sự hy sinh của các liệt sĩ đất nước mới được thống nhất, dân tộc được độc lập, nở hoa tự do, hòa bình, hạnh phúc như ngày hôm nay.

 

Cựu chiến binh Phan Xuân Nghĩa, Trưởng Ban Liên lạc truyền thống Chi hội Biên phòng:

MỖI TẤC ĐẤT, NGỌN CỎ ĐỀU THẤM ĐẪM MÁU XƯƠNG CỦA ĐỒNG ĐỘI

Trải qua 2 cuộc chiến tranh chống quân xâm lược và chiến tranh biên giới năm 1979, đất nước ta đã có hàng triệu người con ưu tú ngã xuống. Có thể nói trên mỗi tấc đất, ngọn cỏ đều thấm đậm máu xương của đồng đội chúng ta, trong đó có lực lượng An ninh Vũ trang, Công an Vũ trang (nay là Bộ đội Biên phòng), đặc biệt có 7 Trung đoàn Biên phòng làm nghĩa vụ quốc tế giúp bạn Campuchia ngay từ những ngày đầu của cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra.

Với nhiệm vụ nặng nề, lực lượng dàn trải trên tuyến biên giới từ tỉnh Preah vi Hear đến tỉnh Koh Kông giáp Thái Lan, trang bị hỏa lực hạn chế, địa hình, địa vật hiểm trở, thời tiết hết sức khắc nghiệt, cuộc sống bộ đội thường xuyên sống dưới hầm trú ẩn. Đặc biệt 6 Trung đoàn bộ đội Biên phòng Việt Nam cùng các đơn vị chủ lực quân đội ta đập tan ý đồ phản công chiến lược hòng khôi phục chế độ diệt chủng Pôn Pốt. Trong suốt quá trình chiến đấu một tấc không đi, một ly không rời, bám trụ trên tuyến biên giới Campuchia – Thái Lan đánh và tiêu diệt hàng ngàn tên Pôn Pốt; thu hàng ngàn vũ khí, phương tiện chiến tranh, được bạn và Bộ Quốc phòng ta khen ngợi, đã có nhiều đơn vị và cá nhân được phong anh hùng.

Tuy nhiên, 6 Trung đoàn Bộ đội Biên phòng đã có 3600 đồng chí hy sinh, hơn 7000 đồng chí khác là thương binh. Thật xót xa và cảm động nhiều đồng chí hy sinh ở tuyến đầu đến nay vẫn chưa tìm được hài cốt. Mặc dù thời gian qua Đảng, Nhà nước, Quân đội và các Bộ, ngành, địa phương đã chỉ đạo các đơn vị, các Đội quy tập, tìm kiếm cất bốc đưa anh em về các nghĩa trang liệt sĩ; tuy vậy vẫn còn nhiều liệt sĩ còn thất lạc mộ chí, sai sót về thông tin.

Vì vậy nhân buổi tọa đàm này tôi đề nghị Đảng, Nhà nước, Quân đội và các địa phương tiếp tục và quan tâm hơn nữa về công tác tìm kiếm, cất bốc, chỉnh lý thông tin, để sớm đưa các hài cốt liệt sĩ về với quê Mẹ. Đó cũng là trách nhiệm và nghĩa vụ của những người đang sống. Chúng ta làm những việc đó sớm chừng nào, thì nỗi đau mất mát của các gia đình sẽ vơi đi, các liệt sĩ có nơi thờ cúng tại gia đình và các anh không phải lạnh lẽo nơi rừng sâu núi thẳm.

 

Đại tá Hà Xuân Thành, Trưởng Ban Liên lạc truyền thống Mặt trận 779 – Quân khu 7:

SỰ HY SINH CỦA CÁC ANH HÙNG LIỆT SĨ XÂY ĐẮP NÊN TRUYỀN THỐNG HỮU NGHỊ VIỆT NAM – CAMPUCHIA

Hôm nay, chúng ta ngồi đây để nhớ lại, liên tưởng lại cuộc chiến gần 40 năm trước. 40 năm đã trôi qua, biết bao nhiêu người, bao nhiêu đồng đội, đồng chí của chúng ta đã không trở về với mái ấm gia đình. Đó là món nợ, là trách nhiệm của chúng ta.

Bằng máu xương và tuổi thanh xuân của mình, rất nhiều cán bộ, chiến sĩ trong đội quân tình nguyện của Quân đội Nhân dân Việt Nam, trong đó có hàng ngàn cán bộ chiến sĩ Mặt trận 779 – Quân khu 7 đã đem máu đào nhuộm đỏ máu cờ Tổ quốc làm xanh thêm ruộng vườn quê hương.

Năm tháng sẽ trôi qua, những đóng góp của các anh hùng, liệt sĩ nói chung và của cán bộ, chiến sĩ Mặt trận 779 nói riêng sẽ mãi mãi ghi vào những trang sử hào hùng của dân tộc Việt Nam. Đặc biệt sự hy sinh anh dũng của các anh hùng liệt sĩ Quân tình Việt Nam đã góp phần xây đắp nên truyền thống đoàn kết hữu nghị Việt Nam – Campuchia.

Trong hơn 10 năm làm nghĩa vụ quốc tế vẻ vang giúp đỡ nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng và hồi sinh cuộc sống, chỉ riêng Mặt trận 779 – Quân khu 7 đã có 10.227 cán bộ, chiến sĩ hy sinh tại chiến trường Campuchia, cạnh đó có bị thương 18.957 người thuộc Mặt trận 479 – 779 – 7708 (Tài liệu tổng kết Quân khu 7 – 2005).

Phần lớn thân xác, mộ chí của các anh đưa về các nghĩa trang; một số còn nằm lại biên giới Việt Nam – Campuchia và tại chiến trường Campuchia.

Đây là nỗi trăn trở của chúng tôi vì rất nhiều đồng đội hy sinh nhưng chưa tìm lại được phần mộ, đặc biệt nhiều phần mộ vẫn nằm sâu trong những cánh rừng già do vậy việc tìm kiếm, quy tập hết sức khó khăn.

Mặc dầu trong mấy chục năm qua chúng ra đã làm rất tốt công tác chính sách thương binh liệt sĩ, đền ơn đáp nghĩa “Uống nước nhớ nguồn” nhưng thời gian đã lâu địa bàn thay đổi, lũ lụt bị xói mòn nên khó xác định, nhân chứng lịch sử. Việc xác minh thông tin liệt sĩ gặp khó khăn, mộ chí của liệt sĩ bị phân tán, thất lạc.

Việc tìm kiếm, quy tập liệt sĩ, Ban liên lạc Mặt trận 779 – Quân khu 7 coi đây là nhiệm vụ chính trị đặt lên hàng đầu, đồng thời có nhiều biện pháp để nhận thông tin và phối hợp với các lực lượng tìm kiếm, quy tập đưa hết hài cốt liệt sĩ trở về quê hương.

 

Đại tá Trần Thế Tuyển, Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TP.HCM:

KIẾN NGHỊ HƯỚNG ĐI PHÙ HỢP CHO VIỆC TÌM KIẾM THÔNG TIN VÀ QUY TẬP HÀI CỐT LIỆT SĨ

Một trong những việc làm thiết thực của Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh là hỗ trợ gia đình liệt sĩ về tinh thần. Chiến tranh đã lùi xa, việc tìm kiếm thông tin liệt sĩ, quy tập hài cốt liệt sĩ vẫn là món nợ tinh thần của tất cả chúng ta, đặc biệt đối với các cơ quan chức năng và những người đồng đội của các liệt sĩ.

Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh đã xác định ngay từ khi thành lập nhiệm vụ trái tim đặc biệt này. Song do nhiều lẽ, đến nay mới tổ chức được cuộc tọa đàm về việc tìm kiếm thông tin và quy tập hài cốt liệt sĩ.

Thời gian tọa đàm không nhiều, lại hạn chế số người dự do quy định về phòng chống dịch Covid-19. Song, do công tác chuẩn bị chu đáo, đã có hàng chục tham luận gửi về cuộc tọa đàm. Qua cuộc tọa đàm, chúng tôi rất vui mừng vì sự tâm huyết và thực tiễn, các tham luận đã góp phần đánh giá thực trạng và kiến nghị giải pháp việc tìm kiếm thông tin và quy tập hài cốt liệt sĩ, mở ra một suy nghĩ mới về việc thực hiện trách nhiệm trái tim cao cả với những người con ưu tú đã hy sinh vì Tổ quốc.

Thay mặt Ban Thường vụ Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh, tôi trân trọng cám ơn sự gợi mở của Trung tướng Lưu Phước Lượng, nguyên Phó Tư lệnh Chính trị Quân khu 9, nguyên Phó Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ về cuộc tọa đàm giàu tính nhân văn và sâu sắc ý nghĩa chính trị này. Tôi cảm ơn lãnh đạo và các cơ quan chức năng thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh và các Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ các tỉnh Miền Đông Nam bộ; các cơ quan truyền thông đại chúng, các doanh nghiệp đã đồng hành cùng chúng tôi.

Tin rằng, kết quả tọa đàm sẽ từng bước thành hiện thực. Công tác tìm kiếm thông tin và quy tập hài cốt liệt sĩ sẽ đạt kết quả cao, đáp ứng nguyện vọng của thân nhân liệt sĩ.

 

Cựu chiến binh Nguyễn Xuân Cương, Phó Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh Đồng Nai:

NHIỆM VỤ THIÊNG LIÊNG CAO CẢ

Hội chúng tôi luôn chủ động phối hợp với Ban Liên lạc cựu chiến binh Sư đoàn 341 của tỉnh Đồng Nai xây dựng kế hoạch thử ADN cho khu mộ tập thể 42 liệt sĩ của Sư đoàn tại Nghĩa trang liệt sĩ thành phố Long Khánh, tỉnh Đồng Nai; đồng thời cử một tổ gồm 3 đồng chí đi 6 tỉnh phía Bắc  gặp gỡ 42 gia đình liệt sĩ có tên trong mộ tập thể, đến nay đã lập được 36 hồ sơ của thân nhân liệt sĩ xin thử ADN.

Cùng với Hội Chiến sĩ cách mạng bị bắt tù đày tỉnh Đồng Nai thử ADN cho 11 mộ liệt sĩ hy sinh tại nhà lao Tân Hiệp, Biên Hòa mộ hiện nay an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Đồng Nai.

Hội đã phối hợp với Ban Liên lạc Cựu chiến binh truyền thống Sư đoàn 7, Quân đoàn 4 tìm kiếm xác minh xử lý thông tin liệt sĩ Sư đoàn 7 hy sinh năm 1975 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Số liệt sĩ của Sư đoàn 7 theo danh sách là 303 trường hợp qua tra cứu trên 4 nghĩa trang, trong đó có 24 trường hợp thông tin trên bia mộ liệt sĩ chưa đúng với danh sách liệt sĩ của Sư đoàn 7, 71 trường hợp đang tiếp tục tìm kiếm thông tin về nơi an táng của liệt sĩ. Chúng tôi cũng thông qua hội viên Cựu Chiến binh các đơn vị để tìm kiếm thông tin liệt sĩ để báo cho thân nhân biết tin.

Nhân đây chúng tôi đề nghị: việc thử ADN hiệu quả đạt rất thấp vì hài cốt liệt sĩ đã bị phân hủy, nếu có cơ sở xác định đúng là hài cốt liệt sĩ mà thân nhân liệt sĩ xin nhận thì cơ quan, đơn vị chức năng xem xét xác định theo dạng chứng thực.

Việc tìm kiếm thân nhân liệt sĩ gặp rất nhiều khó khăn vì hiện giờ đa phần thân nhân thờ cúng liệt sĩ và hồ sơ liệt sĩ nhiều trường hợp đã chuyển đi nơi khác. Do đó đề nghị ngành Lao động – Thương binh và Xã hội các cấp có biện pháp thích hợp hỗ trợ công tác tìm kiếm liệt sĩ. Đây là nhiệm vụ thiêng liêng cao cả và góp phần xoa dịu nỗi đau mất mát cho thân nhân gia đình liệt sĩ.

Bài viết liên quan

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận
Nhập tên của bạn

Bài viết phổ biến

Bình luận gần đây