Thứ ba, Tháng chín 17, 2024
Trang chủTin tứcTô thắm tình yêu đất nước qua bộ sách “Trường Sa! Biển...

Tô thắm tình yêu đất nước qua bộ sách “Trường Sa! Biển ấy là của mình”

Cuốn sách “Trường Sa! Biển ấy là của mình” là câu chuyện đầy kiêu hãnh và tự hào về vẻ đẹp biển đảo Việt Nam, về sức sống mãnh liệt của quân và dân nơi đầu sóng ngọn gió. Đặc biệt, bộ sách cũng mang đến những giá trị giáo dục đầy ý nghĩa, tôn vinh chủ quyền dân tộc, giúp các bạn nhỏ thêm yêu đất nước Việt Nam. 

Mới đây, Lionbooks đã tổ chức ra mắt bộ sách tranh song ngữ Việt – Anh với tên gọi “Trường Sa! Biển ấy là của mình” tại Đường sách TPHCM, gồm 2 tập “Phong ba nơi đầu sóng” và “Biển ấy là của mình”. Đây là bộ sách tiếp theo thuộc series “Em yêu Việt Nam mình” – dòng sách tôn vinh con người, thiên nhiên và các giá trị Việt. Điểm đến tiếp theo trong chuỗi hành trình này là đảo Sinh Tồn – thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Bộ sách được chắp bút bởi nhà văn Bùi Tiểu Quyên – cây viết nhiều năm kinh nghiệm và có nhiều tác phẩm xuất sắc dành cho cả người lớn và thiếu nhi. Tư liệu trong bộ sách được đúc kết trong chuyến đến thăm quần đảo Trường Sa và thềm lục địa phía Nam vào tháng 4/2019 trong chuyến công tác cùng với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM trên con tàu KN290 của Cục kiểm ngư Việt Nam.

Bộ sách đứng dưới góc nhìn của một bạn cún nhỏ được đặt tên là Phong Ba – Loài cây đặc trưng của Trường Sa. Chú cún nhỏ lạc quan, yêu đời và vô cùng tò mò về nơi mình sinh ra, chú cũng là một chú cún nghịch ngợm, thích khám phá mọi ngóc ngách trên đảo. Xuyên suốt 2 tập, cún Phong Ba dần trưởng thành hơn và không ngừng tìm hiểu về nơi mình sinh sống: Từ thiên nhiên, con người đến lịch sử của cả quần đảo.

Ở tập 1: “Phong Ba nơi đầu sóng”, các bạn nhỏ được làm quen với chú cún nhỏ Phong Ba, với các bạn cún nhỏ khác có những cái tên đậm dư vị biển: Cát, San Hô, Bão Táp, Ốc Nhảy… Theo chân Phong Ba, các con sẽ được nhìn thấy Trường Sa cụ thể là ở đảo Sinh Tồn một cách đầy mới lạ. Hiểu hơn về cuộc sống sinh hoạt hàng ngày ở nơi đây và tại sao ở đây có 2 thứ quý hơn cả vàng đó là rau xanh với nước ngọt cũng như tình cảm của đàn cún nhỏ dành cho các chiến sĩ hải quân.

Với tập 2 “Biển ấy là của mình”, các con được tìm hiểu kĩ hơn tại sao chúng ta lại cần bảo vệ chủ quyền biển đảo. Tìm hiểu cả những khái niệm về “âu tàu”, “hải đăng”, “đảo nổi”, “đảo chìm” là như thế nào qua lời dạy của bác Phi Lao cùng lịch sử của quần đảo Trường Sa nữa.

Chị Bùi Tiểu Quyên, tác giả bộ sách chia sẻ: “Khi viết Cà Nóng chu du Trường Sa, tôi từng nghĩ rằng giá mà có thể thực hiện song song một bộ sách tranh cho các bạn nhỏ tuổi hơn. Bởi vì đến thời điểm này, có rất ít những bộ sách tranh về biển đảo dành cho các bé dưới 10 tuổi. Tôi mong mình có thể mang đến cho các bé một câu chuyện dễ thương, sinh động mà cũng có ý nghĩa, giàu cảm xúc về nơi đầu sóng. Và điều này cần có sự tham gia của họa sĩ cũng như đơn vị xuất bản có cùng tâm huyết như mình. Dự án Trường Sa! Biển ấy là của mình có lẽ là duyên may của tác giả và Lionbooks. Tôi nghĩ, những trải nghiệm ở nơi đầu sóng cũng như tình yêu dành cho biển đảo của Tổ Quốc mình đã được gửi gắm qua các tác phẩm này. Mong rằng có thể góp phần nhỏ bé nào đó trong việc xây đắp, nuôi dưỡng tình cảm thiêng liêng ấy trong tâm hồn của trẻ thơ”.

Thông qua cuốn sách này, các bạn nhỏ sẽ cảm nhận được thông điệp giản dị, sâu sắc về tinh thần sống lạc quan và niềm kiêu hãnh, niềm tự hào về quê hương biển đảo mình.

Điều đặc biệt ở “Trường Sa! biển ấy là của mình”, các em bé không chỉ đọc sách mà còn được trải nghiệm cuộc sống nơi đầu sóng ngọn gió thông qua tranh vẽ tả thực của hoạ sĩ Thanh Phan.

Bộ sách nằm trong dự án “Em yêu Việt Nam mình” nhằm tôn vinh vẻ đẹp đất nước, lan toả sự tự hào về quê hương Việt Nam đến các độc giả. Đi cùng với bộ sách là chuỗi Workshop “Lớp học bác Phi Lao”, đây là chuỗi sự kiện cộng đồng nhằm lan tỏa vẻ đẹp quê hương biển đảo, tình yêu thiên nhiên và con người đất nước mình đến các bạn nhỏ từ 2 – 12 tuổi, dự kiến được tổ chức tại các điểm trường ở TP Hà Nội và TPHCM trong thời gian tới.

Gia Nguyễn – Trang Nhung

Bài viết liên quan

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận
Nhập tên của bạn

Bài viết phổ biến

Bình luận gần đây