Thứ Sáu, Tháng Tư 19, 2024
Trang chủKÝ ỨC CHIẾN TRANHTÔI KHÔNG BAO GIỜ QUÊN NHỮNG QUẢ BOM THẢ RA GIỮA TRỜI!

TÔI KHÔNG BAO GIỜ QUÊN NHỮNG QUẢ BOM THẢ RA GIỮA TRỜI!

TÔI KHÔNG BAO GIỜ QUÊN NHỮNG QUẢ BOM THẢ RA GIỮA TRỜI!

LTS:

Đỗ Thị Kim Liên (thường được gọi là Madam LiênShark Liên) là một nữ doanh nhân và là Lãnh sự Danh dự nước Cộng hoà Nam Phi tại Việt Nam. Hiện bà đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn AquaOne, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần nước mặt Sông Đuống, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Nước Xuân Mai – Hoà Bình, Chủ tịch Quỹ Môi trường Xanh Việt Nam (Green Vietnam Fund), kiêm Hiệu trưởng trường Đào tạo Quản lý Doanh nghiệp (CBAM),nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Bảo hiểm AAA.

Không chỉ là một nữ doanh nhân thành đạt, với ý chí mạnh mẽ, bà còn là một người có trái tim nhân hậu, bao dung. Từ thành quả lao động của gia đình và các doanh nghiệp do bà đứng đầu, Madam Liên đã chia sẻ, cứu giúp nhiều mảnh đời bất hạnh.

Ngay từ buổi đầu thành lập, Hội Hỗ trợ gia đình Liệt sĩ TP HCM đã nhận được sự ủng hộ của Madam Liên và những người cộng sự của bà. Tết Tân Sửu này, gần 20 gia đình Liệt sĩ có mái ấm đón xuân từ nguồn tài trợ của Quỹ Môi trường Xanh Việt Nam do Madam Liên làm Chủ tịch.

Đặc san Linh khí Quốc gia trân trọng giới thiệu bài viết giành riêng cho giai phẩm Xuân của Hội Hỗ trợ gia đình Liệt sĩ TP HCM.

MADAM LIÊN

Người Việt không đau ngay khi nỗi đau xảy đến. Một người qua đời, đám tang diễn ra nhưng tiếng khóc người thân lúc đó làm sao đớn đau và day dứt bằng từng cái nấc âm thầm của họ sau giờ hạ huyệt. Những buổi chiều tiếp theo, nghĩ tới người mình yêu thương đã không còn, sự đớn đau thấm vào từng thớ thịt…

Thời tôi sinh ra và lớn lên cũng giống như những buổi chiều tĩnh mịch ấy: Năm tháng cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ và giai đoạn đầu tiên khi bước vào thời bình. Chiến tranh kết thúc, ngày an lành, những người mẹ, người vợ có chồng con chết trận mới thấm thía thế nào là nỗi đau.

Tôi gần gũi và cảm nhận rõ tang thương chiến trận nhưng bằng cách nào đó, tôi chọn im lặng quên đi. Tôi sợ mình không có đủ chữ nghĩa để diễn tả hết được sự cùng quẫn của người ở lại và sợ nói mãi, “vết thương” của họ vĩnh viễn không thể lành. Dù yêu văn và làm cô giáo dạy văn, tôi không viết một dòng nào…

Đến khi hiểu đời hơn, tôi chợt nhận ra im lặng không phải là quên, im lặng là trốn tránh ký ức của mình. Ký ức của tôi nghiệt ngã như những tiếng nguyện cầu lúc nửa đêm của bà nội “van lạy ông trời đừng để bom rơi xuống nơi đây”.

Nếu may mắn, bom không rơi xuống làng, sáng mai người ta vẫn sẽ sống an lành, họp chợ, ra đồng. Nhưng những quả bom đêm qua, chúng nào đâu biến mất, chúng không tan ra giữa trời vì lời cầu nguyện. Không rơi xuống làng tôi, chúng sẽ rơi xuống nơi khác. Một ngôi làng, một hầm trú, một căn cứ, một khu rừng,…

Cứ thế, chúng tôi còn sống bởi có những người chết thay. Một anh chiến sĩ, một người chồng, một người con hay cả một tiểu đội,… Bằng mọi giá, mục đích của quả bom thả ra giữa trời, là làm quê hương mình nát tan. Sự thật này, ai đủ lạnh lùng để quên đi? Tôi không bao giờ quên.

Có khi tận hưởng những tháng ngày an lành bên gia đình con cái, ngủ một giấc thật ngon trên chiếc giường êm ái, ăn bữa ăn tử tế với đủ đầy thịt cá, tôi chợt thấy mình có lỗi. Có lỗi với những Chiến sĩ, Anh hùng đã ngã xuống hy sinh chết thay chúng tôi, quyết bảo vệ lấy hòa bình độc lập dân tộc.

Biết bao nhiêu người từ bỏ thanh xuân tuổi trẻ, tiến vào sa trường cầm súng chống giặc. Bao nhiêu người ăn không no, mặc không ấm, chiếc bánh mì bẻ đôi ngày đêm hành quân trận mạc. Bao nhiêu người đã vùi chôn thân xác, nắm xương lưu lạc mãi chưa được về bên gia đình.

Và người thân của họ, những người vợ đau thương tiễn biệt chồng không hẹn ngày gặp lại, những người mẹ ngậm đắng nuốt cay, “con ơi, con vào chiến trường bảo vệ quê hương”. Bây giờ, họ đang sống có tử tế hay không?

Lỗi này, ơn này, tôi phải tìm cách trả. Trả bằng tấm lòng và cả trái tim. Tôi đặt tình cảm và trách nhiệm của mình đối với thế hệ Cha Anh, các bậc tiền bối cách mạng, thương binh, bệnh binh, gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng đã hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc bằng nhiều cách khác nhau.

Trùng tu khu nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Hậu Giang, xây nhà cho các gia đình có công với cách mạng ở nhiều địa phương, góp phần xây, lập đền thờ tưởng niệm Liệt sĩ, tặng nhà tình nghĩa cho thân nhân các anh hùng Liệt sĩ …và còn rất nhiều các dự định khác sắp được thực hiện.

Tôi biết, tất cả những gì mình đã, đang và sẽ làm là chưa đủ, nhưng bằng lòng thành, tôi tin rằng, anh linh của các Anh hùng Liệt sĩ sẽ được an ủi phần nào và thân nhân của họ sẽ cảm thấy được san sẻ, động viên từ chính sự quan tâm của những người kế thừa nền hòa bình độc lập đất nước.

Tôi tự hứa, sẽ làm nhiều hơn nữa để bày tỏ tấm lòng tri ân không chỉ bằng vật chất mà còn bằng tinh thần. Lan tỏa ý nghĩa của hành động “uống nước nhớ nguồn” đẹp đẽ, qua đó nhắc nhở mọi người xung quanh, các cộng sự, nhân viên trong tập đoàn phải luôn ghi nhớ công lao của những người đã ngã xuống vì tương lai và vận mệnh dân tộc.

 

Bài viết liên quan

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận
Nhập tên của bạn

Bài viết phổ biến

Bình luận gần đây