Thứ tư, Tháng chín 18, 2024
Trang chủKÝ ỨC CHIẾN TRANHTình yêu nơi chiến trường và đứa con Trường Sơn

Tình yêu nơi chiến trường và đứa con Trường Sơn

Trong một chuyến ra Thanh Hóa, tôi tình cờ chứng kiến được câu chuyện tình yêu nảy nở giữa chiến trường khốc liệt tái hiện lại qua lời kể của anh Hà Duyên Hồng và chị Hà Thị Phượng. Những cuộc tình phát sinh chóng vánh giữa người lính và cô gái thanh niên xung phong trong thời chiến không phải là trường hợp hiếm hoi. Nhưng với anh  Hồng và chị  Phượng, chuyện tình của họ đẹp hơn cổ tích bởi cái kết có hậu và đầy viên mãn. 

Anh Hà Duyên Hồng

Anh Hồng kể: “Đơn vị chúng tôi đi B vào tháng 5/1971. Trên đường hành quân đến địa bàn giáp giữa Quảng Bình với Quảng Trị, đơn vị nghỉ chân tại trạm giao liên. Tại đây, chúng tôi được mấy o thanh niên xung phong mời nước nấu bằng lá rừng thật thơm ngon do mấy o tự hái và nấu.

Trong câu chuyện trò vui vẻ giữa bộ đội và thanh niên xung phong, tôi tình cờ phát hiện ra đồng hương. O tên Phượng, quê ở huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa, cùng xã Xuân Lai với tôi. Sau phút giây mừng rỡ bắt chuyện, tôi  chỉ biết được thêm Phượng 17 tuổi, kém hơn tôi 1 tuổi.  Chưa kịp hỏi thăm gì thêm thì đơn vị lại hối hả lên đường hành quân. Chúng tôi tạm biệt nhau bằng cái nắm tay siết chặt. Trong giây phút vội vàng ấy, tôi thoáng thấy ánh mắt Phượng nhìn tôi thật ấm áp và luyến lưu. Bỗng dưng trong lòng tôi cũng có một chút xao xuyến.

Rồi đơn vị tiếp tục hành quân, chiến tranh ác liệt, tất cả tập trung cho chiến đấu, tôi cũng không còn để tâm đến cuộc gặp gỡ tình cờ đó nữa.

Một lần đang chiến đấu ở Nam Lào, tiểu đội cối 82 của tôi đánh nhau với địch ngay bìa rừng đường 9 Nam Lào. Tiếng súng AK, tiếng B40 của ta xen lẫn tiếng AR 15 và M 79 của địch rung động cả khu rừng. Trận đó, ta hy sinh khá nhiều. Thương tiếc nhất là sự hy sinh của Đại đội trưởng Khoa, anh đã trúng 3 viên đạn của địch vào vùng bụng dưới, máu ra ướt đẩm, cả đơn vị bùi ngùi cúi đầu làm truy điệu tiễn biệt anh. Riêng tôi, bị một viên đạn xuyên qua mang tai, xợt vai được đưa về trạm băng bó và sau đó tiếp tục chiến đấu.

Tại rừng Nam Lào, thật tình cờ và ngoài sức tưởng tượng của tôi, tôi gặp lại Phượng, cô gái thanh niên xung phong ngày nào. Chiến tranh ác liệt, một mất, một còn, không biết hôm nay, ngày mai sẽ ra sao… nên cuộc gặp gỡ này với chúng tôi vô cùng quý giá. Một nỗi mừng vui không bút mực nào tả xiết khiến chúng tôi nghẹn ngào.

Đêm hôm ấy, Phượng kể cho tôi nghe rất nhiều chuyện, chuyện em cùng đồng đội ngày đêm san núi mở đường dưới bom đạn của máy bay địch,  chuyện đồng đội hy sinh… Nước mắt Phượng chảy dài trên vai tôi. Tôi nắm tay em thật chặt. Và chúng tôi đã trao cho nhau lời yêu cùng nụ hôn đầu tiên cũng là nụ hôn đầu đời. Chiến tranh không biết rồi đây sẽ thế nào, ai còn, ai mất nhưng chúng tôi vẫn nuôi trong lòng niềm hy vọng về một ngày kết thúc chiến tranh và giây phút trùng phùng.

Khoảng 30 phút sau, đơn vị tôi có lệnh di chuyển vị trí chiến đấu, Phượng cũng theo đơn vị di chuyển trong đêm. Từ đó chúng tôi bặt tin nhau.

Lần chia tay này không còn là cuộc chia tay của hai kẻ sơ giao như lần trước nữa bởi Phượng đã trao cho tôi cả cuộc đời con gái của cô ấy. Trên mỗi bước đường hành quân, lúc nào hình ảnh Phượng cũng khắc khoải trong tôi, lúc nào tôi cũng đau đáu về một cuộc tương phùng. Trong gian khó, hiểm nguy tôi luôn cầu mong cho Phượng được bình an…

Phượng tiếp lời chồng: “Sau đó không ngờ em có thai. Trong đơn vị ai cũng động viên chăm sóc cho em, bao nhiêu việc nặng nhọc đều được các chị em cáng đáng, em được phân công làm việc nhẹ hơn như nấu cơm giặt quần áo, may vá v.v… Ngày em sinh con cả đơn vị ai cũng vui mừng đón thêm thành viên mới.

Rồi các chị giành nhau đặt cho cháu đủ thứ tên. Cuối cùng, thủ trưởng đơn vị quyết định đặt cho cháu tên Trường Sơn, nhưng cháu là con gái mà mang tên Trường Sơn thì nam tính quá, sau một hồi “tranh luận”, mọi người chốt lại thêm chữ Hoa ở đằng trước: “Hoa Trường Sơn”. Từ đó cháu mang tên “Hoa Trường Sơn”.

Cả đơn vị xem Hoa Trường Sơn là đứa con chung, các chị thay nhau bồng bế, nựng nịu suốt ngày. Sáu tháng sau, em được lệnh của lãnh đạo cấp trên đưa hai mẹ con ra Bắc.

30/4/1975, đất nước giải phóng, hai mẹ con em ngày nào cũng ngóng tin anh ấy. Cứ hôm nào nghe nói có đoàn bộ đội ra Bắc là hai mẹ con em đi đón từ sớm. Rất nhiều lần, đoàn quân đi qua, em lại thất vọng quay về, cứ như thế không biết bao nhiêu ngày tháng đón, chờ”.

Anh Hà Duyên Hồng đỡ lời vợ: “Phải mấy tháng sau khi an dưỡng và phục vụ thương binh đơn vị tôi mới về tới quê. Gặp lại Phượng tôi thật bất ngờ, từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Bất ngờ vì Phượng còn sống, bất ngờ vì Phượng còn chờ tôi, và bất ngờ hơn hết là tôi đã có con, con gái tôi “Hoa Trường Sơn” bấy giờ vừa hơn 2 tuổi. Hạnh phúc được trở về sau chiến thắng của tôi có lẽ đã được nhân lên gấp trăm lần so với các người lính khác. Tôi thật hạnh phúc khi có vợ con, gia đình nội ngoại hai bên quê hương chòm xóm đón chờ… Và trong niềm hạnh phúc lớn lao ấy, tôi đã bật khóc rất to khi nhớ về đồng đội tôi, những người đã anh dũng ngã xuống để cho chúng tôi được sống”.

Chị Hà Thị Phượng và cháu Hoa Trường Sơn

Câu chuyện kể kết thúc, tôi như người bước ra từ một cuốn phim, lâng lâng cảm xúc.  Sau hòa bình, anh chị có thêm với nhau ba người con nữa. Hiện tại họ sống tại xã Xuân Lai. Ngôi nhà luôn ngập tràn hạnh phúc bên cạnh một khoảnh đất trồng cây trái và một ao cá nho nhỏ.

Nguyễn Nhị

Bài viết liên quan

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận
Nhập tên của bạn

Bài viết phổ biến

Bình luận gần đây