Thứ ba, Tháng chín 17, 2024
Trang chủVĂN HÓA-VĂN NGHỆĐẶC SANTÌNH YÊU NGƯỜI LÍNH (*)

TÌNH YÊU NGƯỜI LÍNH (*)

TÌNH YÊU NGƯỜI LÍNH (*)

Trung tướng LƯU PHƯỚC LƯỢNG

…Về đến Cần Thơ (Bộ Tư lệnh Quân khu 9 và cơ quan đang ở đây) “đất khách quê người” lại thêm nỗi buồn xa vắng người yêu, thật là cô đơn!.

Tôi luôn tự nhủ quyết tâm phấn đấu để vượt qua thử thách này và cũng đã hòa nhập được với mọi người.

Ngay từ đầu tôi được bổ nhiệm làm trợ lý cán bộ Trung đoàn. Khó khăn nhất đối với tôi: Trung đoàn vừa được thành lập, là sự hợp nhất của nhiều đơn vị khác nhau. Mọi việc phải tìm hiểu từ đầu. Song tôi có thuận lợi lớn, đồng chí  Chính ủy và Trung đoàn trưởng là thủ trưởng cũ của tôi trong chiến tranh luôn quan tâm giúp đỡ tạo điều kiện tốt nhất để tôi làm việc. Chịu khó năng nổ và luôn đi sâu tìm hiểu, gần gũi đội ngũ cán bộ đã giúp tôi nhanh chóng nắm bắt được tình hình và đã góp phần quan trọng vào việc quy hoạch, đào tạo, bố trí  đội ngũ cán bộ Trung đoàn trong tình hình và nhiệm vụ mới.

Thời gian này, Phương Minh cũng đã tốt nghiệp, được điều động về Quân khu 9 công tác. Qua thư từ, chúng tôi giữ liên lạc thường xuyên, song khi gặp lại không tránh khỏi sự nghẹn ngào. Thời gian nghỉ  phép, Phương Minh đưa tôi đi thăm gia đình bên ngoại, gồm bà ngoại và các dì, đặc biệt là dì Hai, Phương Minh gọi là mẹ Hai từ nhỏ. Sau đó đến thăm cô dượng Út và bên nội, cũng đang ở Cần Thơ. Mọi người tiếp tôi trong sự quan sát, tìm hiểu và thiện cảm. Vào thời điểm đó, tôi và Phương Minh hết sức cảm động về sự quan tâm của chị Kình (chị em chú bác ruột của Phương Minh) là chỗ dựa, động viên tinh thần rất lớn đối với tình yêu của chúng tôi. Chị biết tôi khi còn ở miền Bắc, và đã dày công vun đắp cho mối tình này ngay từ buổi ban đầu.

Sau khi được tiếp xúc với cả bên nội và ngoại, tôi mới nhận ra điều mà Phương Minh đã nói với tôi khi ở miền Bắc “…còn nhiều việc anh không hiểu nổi…”.

Đúng là, để tiến tới hôn nhân, chúng tôi phải vượt qua trở ngại vô cùng lớn, đó là sự đồng thuận của cả hai bên nội và ngoại của Phương Minh. Thật ra, đối với tôi cả nội và ngoại đều chấp nhận và đồng tình. Nhưng cách thức đi đến hôn nhân như thế nào, để cả “đại gia đình” đều hài lòng là gánh nặng của Phương Minh. Trong việc này, chị Kình có vai trò rất quan trọng, cũng như nỗ lực của Phương Minh đã dẫn đến sự đồng thuận của gia đình.

Trung tướng Lưu Phước Lượng và phu nhân Đại tá Mạc Phương Minh

Thời  gian này, Phương Minh và tôi đi thăm mộ mẹ ở Lộc Ninh, chuẩn bị các thủ tục để đưa hài cốt mẹ về nghĩa trang tỉnh Hậu Giang.

Đến khu vực xóm Bưng, Lộc Ninh, Phương Minh nói cảnh vật không thay đổi nhiều. Nhưng phải tìm hiểu qua bà con xung quanh mới đến được khu mộ. Phương Minh quỳ khóc bên mộ mẹ, tôi cũng không cầm được lòng mình.

Tối hôm đó, chúng tôi ở nhà chị Hạnh, ăn cơm đạm bạc nhưng rất ngon và ấm áp. Chị Hạnh rất vui khi lần đầu gặp Phương Minh. Có lẽ cũng cùng cảnh ngộ mất mẹ nên hai chị em dễ gần gũi và cảm thông.

này, Phương Minh và tôi đi thăm mộ mẹ ở Lộc Ninh, chuẩn bị các thủ tục để đưa hài cốt mẹ về nghĩa trang tỉnh Hậu Giang.

Đến khu vực xóm Bưng, Lộc Ninh, Phương Minh nói cảnh vật không thay đổi nhiều. Nhưng phải tìm hiểu qua bà con xung quanh mới đến được khu mộ. Phương Minh quỳ khóc bên mộ mẹ, tôi cũng không cầm được lòng mình.

Tối hôm đó, chúng tôi ở nhà chị Hạnh, ăn cơm đạm bạc nhưng rất ngon và ấm áp. Chị Hạnh rất vui khi lần đầu gặp Phương Minh. Có lẽ cũng cùng cảnh ngộ mất mẹ nên hai chị em dễ gần gũi và cảm thông.

Sau khi thăm dò, nhận thấy chưa thể bốc cốt mẹ về quê, chúng tôi chỉnh trang lại mộ, và phải năm năm sau  mới hoàn thành được công việc này.

Trên đường về Cần Thơ, tôi và Phương Minh ghé Bình Dương thăm ngoại và gia đình. Tôi giới thiệu Phương Minh với ngoại và mẹ. Ngoại rất vui và động viên chúng tôi sớm đi đến hôn nhân. Với Phương Minh qua lần gặp gỡ đầu tiên, gia đình tôi bày tỏ sự yêu mến và hài lòng.

Gần cuối năm 1976, đồng chí  Út Hằng – Phó Trưởng phòng Cán bộ Quân khu trao đổi với Phương Minh về phương hướng công tác và cho biết ý định của phòng, đề nghị Quân khu đào tạo theo chuyên ngành dược, trước mắt, tiếp tục học văn hóa tại Trường văn hóa Quân khu ở Đồng Tâm (Tiền Giang). Vậy là Phương Minh tiếp tục con đường học vấn!.

Nhân đây, tôi xin bày tỏ với lòng quý trọng chân thành về sự quan tâm đúng mức của đồng chí  Út Hằng (Phó Trưởng phòng Cán bộ), đối với tôi và Phương Minh. Anh Út Hằng biết rõ về cha và gia đình tôi, cũng như hoàn cảnh của Phương Minh khi ở Miền, anh là Trợ lý cán bộ của Phòng Cán bộ Cục Chính trị Miền. Anh luôn động viên chúng tôi phấn đấu công tác, chính anh là người bồi dưỡng và dìu dắt tôi trong công tác nghiệp vụ, và cũng là người đề xuất đào tạo để tôi có điều kiện phát triển lâu dài.

Trường văn hóa Quân khu ở Đồng Tâm (Tiền Giang) tập hợp nhiều cán bộ kể cả hạ sĩ  quan để bổ túc văn hóa, đáp ứng yêu cầu đào tạo các loại cán bộ cho những năm sắp tới.

Thỉnh thoảng chiều thứ bảy, tôi sang Đồng Tâm, bạn bè của Phương Minh rất chú ý đến tôi, trong đó có nhiều bạn cùng học Trường văn hóa Bộ Quốc phòng ở Lạng Sơn. Nhiều bạn nhỏ là “em út” của Phương Minh như: Lê Minh Tuần, Vũ Cao Quân, Quốc Việt đều có cùng nhận xét: “Sao bà chị mình “đẹp gái”, mà lại có “ông bạn” đen ốm và xấu như vậy?”. Phương Minh cười và không nói gì, sau đó nói lại với tôi: “Mấy đứa” chê anh dữ lắm, ráng mập lên!”. (lúc đó cân nặng của tôi chỉ  44kg).

Sau này khi được điều động về công tác ở Quân khu 9, làm Bí  thư Đảng ủy Quân khu, Phó Tư lệnh Chính trị, các “bạn nhỏ” ấy băn khoăn, không biết trước đây, mình “chê” ông như vậy, bây giờ có “trù” mình không?

Lê Minh Tuần – Sư đoàn trưởng Sư đoàn 330, Tham mưu trưởng, sau đó là Phó Tư lệnh Quân khu (thuộc nhóm em út của Phương Minh) nói: “Anh Năm là người lớn, anh ấy đâu cố chấp những chuyện như vậy đâu! Mà bây giờ anh đẹp trai quá rồi, đâu có gì  phải lo lắng”. Các “bạn nhỏ” sau này mỗi lần gặp tôi kể chuyện cũ, thường nhắc lại câu chuyện này, xem cũng là chuyện vui của người lính.

Chuẩn bị cho việc học tập sau này, tôi phải tranh thủ học ban đêm, để hoàn thành chương trình bổ túc văn hóa lớp 10. Kỳ thi năm 1976 trải qua nhiều khó khăn, vất vả vì  bỏ qua lớp 9, học thẳng lớp 10, nhưng cuối cùng cũng đạt được kết quả tốt, tôi đã tốt nghiệp phổ thông trung học, hệ bổ túc. Thầy giáo chủ nhiệm lớp nói với tôi: “Các bài thi của anh, môn toán đạt điểm thấp nhưng “gỡ lại”, môn văn lại đạt điểm rất cao”. Khi chọn đề môn văn, tôi phân  tích sâu về tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa, chứng minh bằng thực tiễn cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc của chúng ta, đặc biệt là những thành tựu của cách mạng Cu Ba trên mọi lĩnh vực, đang tỏa sáng, là niềm hy vọng của các dân tộc. Đương nhiên tôi cũng đề cập đúng mực đến sự ủng hộ và giúp đỡ của Liên Xô, Trung Quốc cùng các nước xã hội chủ nghĩa khác, có tác động sâu sắc đến toàn bộ quá trình này.

Khoảng tháng 7 năm 1977, anh Út Hằng, sau buổi làm việc đã thông báo riêng với tôi, Quân khu đồng ý cho Lượng và Bé Ba (cán bộ của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Cửu Long) đi đào tạo dài hạn tại Liên Xô. Trước mắt “hai đứa” sẽ học ngoại ngữ tại Trường văn hóa Bộ Quốc phòng ở Lạng Sơn, thời gian đến trường khoảng trung tuần tháng 11. Anh cũng không quên hỏi thăm tình hình giữa tôi và Phương Minh đã chuẩn bị đến đâu rồi! Nếu thuận tiện nên tiến đến hôn nhân càng sớm càng tốt, thời gian cũng còn dài.

Mấy ngày sau đó tôi và Phương Minh gặp nhau, trao đổi cùng chị Kình và thống nhất báo cáo lại với hai gia đình. Ba, mẹ tôi và nội, ngoại Phương Minh đều nhất trí. Mẹ Hai rất vui. Quyết định này đến sớm hơn dự định của chúng tôi rất nhiều. Phương Minh luôn nghĩ, phải học hành cho xong, phải có sự chuẩn bị tối thiểu cho nhu cầu cuộc sống, để không phải bị động khi đã có con và gia đình sau này. Nhưng tình hình đã thay đổi, cả hai gia đình đã động viên chúng tôi tiến hành hôn lễ, trước khi tôi lên đường ra Bắc lần thứ hai.

Ngày 26 tháng 10 năm 1977, chúng tôi đăng ký kết hôn tại phường Cái Khế, thành phố Cần Thơ, sau đó vài ngày tiến hành lễ cưới. Làm đám cưới nhưng “nguồn lực” chuẩn bị chưa có gì, ngoài khoản tiền tiết kiệm của tôi và Phương Minh. Trong khi gia đình hai bên có cuộc sống rất đạm bạc sau giải phóng.

Lễ cưới được tổ chức tại nhà khách tỉnh Hậu Giang, qua sự giúp đỡ của chú Mười Dương bà con bên nội của Phương Minh. Thực đơn là nước trà và bánh ngọt. Tuy đơn sơ nhưng hạnh phúc. Gia đình cha, mẹ và các anh chị em tôi gần như có mặt đầy đủ. Bên gia đình Phương Minh, ông bà nội, ngoại, cha, các bác, cô, dì, các anh chị, các em đều đến dự. Có lẽ đây là lần gặp mặt đầy đủ nhất trong thân tộc. Ngoài gia đình còn có thủ trưởng đơn vị, anh Út Hằng, những bạn bè thân thiết của tôi và Phương Minh.

Lễ cưới diễn ra thật vui và đầm ấm, đơn sơ nhưng hạnh phúc như trong thời chiến tranh. Trong niềm vui, mẹ tôi trao và đeo đôi bông tai xinh xắn, quà cưới của gia đình cho Phương Minh. Thiệt thòi lớn nhất trong ngày trọng đại của vợ chồng tôi, không có được một bức ảnh để ghi lại thời khắc lịch sử này.

(*) trích Dấu ấn cuộc đời – NXB QĐND- 2019

Bài trước đó
Bài tiếp theo
Bài viết liên quan

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận
Nhập tên của bạn

Bài viết phổ biến

Bình luận gần đây