Thứ ba, Tháng chín 17, 2024
Trang chủTin tứcTÌM LẠI TÊN CHO ANH

TÌM LẠI TÊN CHO ANH

Hài cốt 40 liệt sĩ tìm thấy ở chiến khu xưa Ba Lòng (Quảng Trị) vừa được đưa về nằm cạnh gần 10.000 đồng đội ở Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9. Nhưng với những người đang sống, họ vẫn đang thao thức kiếm tìm danh tính các liệt sĩ giữa trùng điệp thông tin mơ hồ…

Lễ truy điệu và an táng 40 hài cốt liệt sĩ vừa tổ chức trang trọng, ấm cúng hồi giữa đầu tháng 6 tại Nghĩa trang liệt sĩ Đường 9, Quảng Trị. Nhưng câu chuyện quy tập đã khởi sự từ cuối tháng 3, khi 2 hộ dân ở thôn Tân Xá (xã Ba Lòng, H.Đakrong) trình báo trong khu vườn giáp ranh nghi có hài cốt liệt sĩ.

 

Đội quy tập mộ liệt sĩ thuộc Sư đoàn 968 (Quân khu 4) đã lập tức tiếp cận hiện trường, phối hợp với chính quyền địa phương và người dân vào cuộc tìm kiếm. Hôm ấy là ngày 24-3. Những nhát đào đầu tiên từ phía trước vườn bà Nguyễn Thị Thi (thôn Tân Xá) kéo dài đến gần hết phía trước vườn ông Nguyễn Đức Quang. Một số “dấu hiệu” đầu tiên đủ khiến cho lực lượng tìm kiếm có thể khẳng định đây là khu mộ tập thể liệt sĩ. Với kinh nghiệm nhiều năm tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, họ chỉ dùng máy san bớt phần đất bề mặt, còn hầu hết đào bằng dụng cụ cầm tay. Họ muốn “gặp” từng chi tiết nhỏ, xương cốt lẫn di vật. Không ai muốn đồng đội đau thêm…

DỠ NHÀ, “NHƯỜNG” CHỖ TRUY TÌM HÀI CỐT

Mãi đến cuối tháng 5, tức sau 2 tháng ròng rã, Đội quy tập mộ liệt sĩ đã tìm thấy 40 hài cốt liệt sĩ ở 2 khu vực. Trung tá Nguyễn Bá Lê, Đội trưởng Đội quy tập mộ liệt sĩ, cho hay các liệt sĩ được chôn cùng nhau. Khu vực 1 có 12 bộ hài cốt, khu vực 2 gồm 28 hài cốt, ở độ sâu từ 1 – 3,5m. Xương cốt của nhiều người không thể xác định riêng. Với những đôi dép cao su, áo mưa, vải dù, lựu đạn chày của VN, khối thuốc nổ đã tra kíp, cúc áo, bình tông bộ đội…, di vật nằm bên dưới lòng đất hàng chục năm đã nhắc những người quy tập biết rằng họ đã hội ngộ cùng đồng đội. Nhưng cũng chỉ có chừng ấy biết rõ đây là những liệt sĩ quân giải phóng nhưng chưa thể xác định danh tính, phiên hiệu đơn vị. “Chiến tranh qua lâu rồi, nhiều cựu binh từng chiến đấu ở đây đã già hoặc đã qua đời, thông tin về các liệt sĩ mờ mịt lắm!”, trung tá Lê nói.

Bây giờ, khi vào lại hiện trường tìm kiếm, vẫn nhìn thấy những hố chữ nhật đào sâu quá đầu người giữa khu vườn. Nồng hậu làm sao tấm lòng người dân, khi họ rời nhà tìm chỗ ở tạm suốt 2 tháng để lực lượng tìm kiếm đào bới. Đó là chuyện của gia đình bà Thi. Ông Quang thậm chí còn tháo dỡ nhà để tiện cho việc san ủi. “Nếu phải đập nhà để tìm kiếm, đưa các anh về nằm trong nghĩa trang với đồng đội, gia đình tôi cũng sẵn sàng. Nếu không có sự hy sinh của các anh ấy, liệu tôi sống được như hôm nay và ngay trên mảnh đất này?”, ông Quang nói.

Không phải ngẫu nhiên mà trong lần lên thăm hiện trường hôm 21-5, ông Võ Văn Hưng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, không chỉ động viên, hỗ trợ Đội quy tập mộ liệt sĩ Sư đoàn 968. Ông còn huy động kinh phí tặng bà Thi 10 triệu đồng để trồng lại cây cối trong vườn, tặng ông Quang 50 triệu đồng để dựng lại nhà mới.

PHỤC DỰNG BỨC ẢNH CÔ GÁI

Có một manh mối vừa lóe lên, khi lực lượng tìm kiếm phát hiện bao ni lông bọc tấm ảnh. Di vật này được bảo quản cẩn thận, chuyển đến Phòng Kỹ thuật hình sự – Công an tỉnh Quảng Trị để phục dựng với hy vọng đây là manh mối góp phần xác định danh tính các liệt sĩ.

Thượng úy Nguyễn Thị Thanh Huyền, cán bộ Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Quảng Trị, tiếp nhận di vật đặc biệt này vào buổi sáng cuối tháng 4. “Di vật được chôn lâu ngày dưới lòng đất nên rất dễ bị mục mủn, nhất là khi tiếp xúc với ô xy. Chúng tôi đã phải thực hiện rất nhiều thao tác sấy khô, bóc tách tỉ mỉ mới lấy ra được một tấm giấy cỡ nhỏ với hiện trạng đã ố vàng, mục nát, không nhận ra bất kỳ thông tin nào trên đó”, thượng úy Huyền kể. Nhưng rồi chị và các đồng nghiệp không bỏ cuộc. Họ đưa di vật vào máy chuyên dụng, sử dụng các bước sóng và nguồn sáng thích hợp trên cơ chế vật lý để xử lý phục dựng. Kết quả, sau khi kiểm tra qua rất nhiều bước sóng với thời gian hơn nửa ngày, chân dung một cô gái khoảng 18 – 20 tuổi có đôi mắt rất đẹp hiện dần lên…

Đôi mắt rất đẹp của cô gái đã tạo cảm xúc đặc biệt đối với những cán bộ công an phục dựng hình ảnh. “Mỗi khi phục dựng di vật của liệt sĩ, tôi và các anh chị em trong đơn vị đều hồi hộp. Bởi di vật mà mình đang phục dựng đó là rất thiêng liêng, gắn liền với những con người, những trận đánh cụ thể”, thượng úy Huyền nói. Trung tá Lê Ngọc Thông, Phó chủ nhiệm chính trị Sư đoàn 968, cũng không kìm nén cảm xúc vỡ òa khi đối diện bức chân dung. “Ngay lập tức chúng tôi phát thông tin tìm kiếm kèm theo bức ảnh trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng và các trang mạng xã hội, với hy vọng sớm tìm ra manh mối liên quan”, trung tá Thông nói.

Đến giữa tháng 6, ít nhất có một gia đình ở Hà Tĩnh đã xâu chuỗi được vài mối dây liên hệ từ bức ảnh cô gái. Người thân của họ là bộ đội đã chiến đấu, hy sinh ở chiến trường Quảng Trị. Cô gái trong bức ảnh nghi ngờ là người yêu của chàng bộ đội ấy. Cô gái năm xưa giờ đang sinh sống ở miền Nam, nên gia đình đang cố gắng liên lạc.

KHÔNG NGUÔI KHÁT VỌNG

Nhiều nguồn tài liệu và nhân chứng bước đầu hé lộ trận chiến xảy ra đêm 19 rạng ngày 20-10-1965. Lúc ấy, Trung đoàn 6 (Đoàn Phú Xuân), Quân khu Trị Thiên mở đợt tấn công thứ 3 để đẩy hết quân địch ra khỏi đồn Ba Lòng. Nhưng do gặp phải một số yếu tố bất lợi, 71 chiến sĩ của ta đã anh dũng chiến đấu, hy sinh đến phút cuối cùng. “Có 53 chiến sĩ sau đó được chôn cất chung trong các hố chôn tập thể. Kể từ sau ngày giải phóng, Ban Liên lạc cựu chiến binh Trung đoàn 6 phối hợp với nhiều đơn vị tiến hành tìm kiếm nhưng chưa có kết quả. Phần nhiều là do qua thời gian, địa hình địa vật thay đổi, trong khi trí nhớ của các cựu binh không còn tốt”, trung tá Lê Ngọc Thông nói.

Nhưng cũng chính trung tá Thông vẫn đang băn khoăn, vì 40 hài cốt liệt sĩ vừa tìm thấy vẫn chưa thể khẳng định là chiến sĩ của Trung đoàn 6. Trong các cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, căn cứ địa Ba Lòng là đầu não kháng chiến của khu vực Trị Thiên thuộc hệ thống chiến khu miền Tây, từng có nhiều đơn vị chiến đấu. “Muốn trả lại tên cho đồng đội một cách chính xác, chúng tôi cần thêm thời gian”, trung tá Thông nói.

“Cần thêm thời gian”, khát vọng được diễn đạt gọn ghẽ nhưng ẩn chứa một mệnh lệnh dành cho những người đang sống. Để không một ai có thể bị lãng quên sau khi hiến dâng cuộc đời cho non sông, đất nước…

Nguyễn Phúc – Thanh Lộc

(Nguồn:  Báo Thanh Niên, Thứ năm 17.6.2021)

Bài viết liên quan

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận
Nhập tên của bạn

Bài viết phổ biến

Bình luận gần đây