Tôi có may mắn biết anh Hai Lộc (Đại tá Lưu Phước Lộc, nguyên Phó Chỉ huy quân sự tỉnh Bình Phước- nguyên Tuỳ viên quân sự Việt Nam tại Campuchia cách đây gần 50 năm.
Ngày ấy, tôi làm phóng viên báo Quân khu 7. Mỗi lần đến làm việc tại Cục Hậu cần Quân khu, tôi được Đại tá Lê Bình (Lưu Phước Anh) là thân phụ của anh Hai Lộc tạo mọi điều kiện để tôi hoàn thành nhiệm vụ. Xong việc, Cụ Tư Bình hỏi thăm gia đình và công việc của tôi. Nghe xong, Cụ bảo:
- Tôi cũng có những đứa con cùng lứa với nhà báo đang phục vụ quân đội.
Sau này, tìm hiểu kỹ tôi mới biết, các con trai con gái của Cụ là lớp đàn anh, đàn chị của tôi mà anh Hai Lộc như cách gọi ngoài Bắc là anh cả.
Anh cả Lộc có dáng thanh cao, nho nhã và nụ cười toả nắng. Nho nhã cũng đúng vì ngay khi làm cách mạng anh Hai đã đóng vai thầy giáo ở vùng sơn cước Bình Phước. Trung tướng Trịnh Văn Hy, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục an ninh điều tra (Bộ Công an) từng là học trò thời phổ thông của anh Hai, kể lại: “Tôi không nghĩ thầy giáo mình là Việt cộng. Và, chính ông là tấm gương để tôi dấn thân làm cách mạng“.
Mấy chục năm trước tôi không nghĩ anh Hai Lộc hoạt động trong ngành tình báo quốc phòng.
Lúc anh làm Chánh Văn phòng Quân khu 7, khi anh làm Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bình Phước – nơi đầu thập kỷ 60 của thế kỷ trước cha anh – Cụ Tư Bình đã làm Tỉnh đội trưởng Phước Thành; rồi khi anh làm Tuỳ viên quân sự thuộc Đại sứ quán VN ở CPC…, anh Hai đều tập trung cho nhiệm vụ tình báo.
GS Đại tá công an nhà văn Trình Quang Phú kể lại, những năm CPC mới giải phóng (sau 7/1/1979), ông được cử sang CPC kết nối với Quốc trường Nôrodom Xihanuk, ông “bị“ anh Hai Lộc theo dõi chặt chẽ. Sau này hai vị Đại tá đàn anh của tôi, khi trà dư tửu hậu kể lại kỷ niệm cũ mà tôi thấy hấp dẫn như trong tiểu thuyết tình báo…
Anh Hai Lộc đảm đương nhiều trọng trách nhưng trong đời thường sống thật dung dị, mực thước. Trong sinh hoạt gia đình dẫu ở vai trò “quyền huynh thế phụ” nhưng anh Hai luôn tôn trọng ý kiến của các em. Các em của anh đều là những người thành đạt, có cương vị xã hội. Hãy để họ hành xử theo đúng vị trí và cách họ chọn. Anh Hai Lộc chia sẻ với tôi như thế khi chúng tôi ẩm trà dưới gốc cây xoài cổ trong hẻm nhỏ đường Nguyễn Kiệm – Phú Nhuận.
Sống giản dị, gần gũi mọi người, anh Hai Lộc còn có tinh thần lạc quan mà không phải ai cũng có. Sau chiến tranh mỗi người một hoàn cảnh. Gia cảnh anh Hai không thuận lợi. Chị Hạnh, vợ anh không may mắc bệnh nan y. Bản thân anh cũng thế, nhiều căn bệnh quái ác hoành hành. Nhưng anh Hai luôn lạc quan, yêu đời. Hàng tuần anh vẫn về cùng các em chăm mon mẹ già trên trăm tuổi. Đó là bà mẹ của 7 đứa con đều là chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam.
Trước mẹ, anh vẫn là đứa con bé bỏng ngày nào. Anh Hai bệnh trọng. Bác sĩ cho biết thời gian sống của anh không còn nhiều. Vậy mà, tôi và Trung tướng Nguyễn Đức Hải vào thăm, anh Hai vẫn đùa vui, kể chuyện tiếu lâm khiến tôi nghĩ đối với anh như chưa hề có những tháng năm gian khổ, ác liệt và chưa hề có căn bệnh hiểm nghèo, quái ác.
Thật cảm động, biết bệnh con trai như thế, dù đã 103 tuổi, mẹ anh vẫn kêu con cháu đưa bà vào bệnh viện 175 thăm con. Trung tướng Lưu Phước Lượng em trai của anh Hai cho tôi xem đoạn clip bà mẹ ôm hôn đứa con trai hơn tám mươi tuổi sắp về với tổ tiên khiến không tôi không thể cầm lòng được.
Sáng nay, mọi người đến nhà tang lễ quốc gia phía nam tiễn biệt anh Hai Lộc. Từ sáng sớm tôi thấy mẹ ngồi bên linh cữu con trai. Mẹ mặc bộ đồ trắng, tóc trắng, hài trắng khiến tôi nghĩ đây là bà tiên trên trời xuống tiễn con trai về cõi đài sen.
Nước mắt mẹ dành cho con không bao giờ cạn. Tôi đọc được trong đôi mắt long lanh nhuốm đầy bụi trần gian lời tâm sự của má: “Lá vàng còn ở trên cây/ Lá xanh rụng xuống trời hay không trời?”
Dẫu có vậy, anh Hai hãy yên lòng về với Ba và đồng đội nhé. Má và người thân yêu ruột thịt, đồng đội của anh không bao giờ quên anh- một người lính Bộ đội Cụ Hồ mẫu mực, thuỷ chung đã cống hiến cả đời mình cho đất nước.
Nhà tang lễ quốc gia phía Nam 15/7/2024.
Trần Thế Tuyển