Trần Thế Tuyển
Vẫn biết có ngày phải tiễn biệt ông, nhưng sáng nay, nghe Vũ Hường, con trai nghĩa tử của ông báo tin, ông sắp ra đi, tôi không khỏi bàng hoàng. Linh tính cho tôi biết, lần này ông khó qua khỏi. Tôi vội phóng xe xuống Thủ Đức. Ngôi nhà quen thuộc số 19 đường Thống Nhất tập nập người vào ra. Gặp tôi, Thiếu tướng Nguyễn Viết Khai, nguyên Chính ủy Trường Sĩ quan Lục quân 2 nghẹn ngào: “Ông sắp đi rồi, chú vào gặp ông lần nữa đi”. Thấy tôi đến, bà Mai, phu nhân của ông nhường chỗ cho tôi.” Chú Tuyển đến thăm ông này. Ông có nhận ra chú ấy không?”. Mắt nhắm nghiền, ông không trả lời. Chỉ có tiếng thở nhẹ theo bình oxy đặt đầu giường. Người đến thăm mỗi lúc một đông. Tôi thấy có Trung tướng Tư lệnh Bộ Tư lệnh TP.Hồ Chí Minh và lãnh đạo TP. Thủ Đức. Phần lớn là CCB – những người bạn chiến đấu, những người lính của ông một thời. Chỉ còn ít ngày nữa, ông tròn 75 năm tuổi Đảng. Hình như ông vẫn chờ. Cho đến khi tổ chức công bố quyết định trao Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng, ông mới trút hơi thở cuối cùng. Đó là 11 giờ 17 phút ngày 26/3/2022 (tức ngày 24 tháng 2 năm Nhâm Dần).
MỘT
Ông là Trung tướng Lê Nam Phong, nguyên “Đại đội trưởng đầu trọc”đánh Điện Biên Phủ năm 1954; nguyên Tư lệnh Quân đoàn 1; nguyên Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân 2. Thời đánh giặc, tôi không có may mắn làm lính trực tiếp dưới quyền ông. Nhưng tôi đã biết danh ông từ lâu. Đó là Ông Năm Bình Tong, ông Năm Lửa…Tên tuổi của ông gắn liền với những chiến công của Sư đoàn 9, Sư đoàn 7 (Quân đoàn 4); Quân tình nguyện Việt Nam ở Campuchia; Quân đoàn 1 thời chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc. Sau này, ông về làm Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân 2, tôi mới có dịp trực tiếp gặp gỡ và làm việc cùng ông. Tôi ngộ ra rằng, bên trong con người được gọi là ” Năm Lửa” (tính nóng như lửa) ấy có một trái tim nhân hậu.
Tôi đã được nghe nhiều câu chuyện nghĩa tình đồng đội như trong cổ tích. Có lần, Tư lệnh Lê Nam Phong về Hải Hậu (Nam Định) thăm một cán bộ dưới quyền, đã nghỉ hưu. Đó là cựu Trung đoàn trưởng Vũ Bầu. Những năm đó cả nước khó khăn, cơm không đủ no, áo không đủ ấm. Thăm nhà người lính cũ, mục sở thị cảnh thiếu thốn, khó khăn của đồng đội, trước khi ra về, ông gọi Vũ Bầu ra gặp riêng rồi cởi hết quân phục dài, đồng hồ, giày sĩ quan và móc ví đưa hết số tiền còn lại cho Vũ Bầu. Đêm đông Tư lệnh mặc quần đùi lên xe chạy về Bộ Tư lệnh.
Trái tim nhân hậu của Tướng Lê Nam Phong còn thể hiện rất rõ đối với những người lính đã hy sinh vì Tổ quốc. Tôi có dịp tháp tùng ông đi thăm chiến trường xưa và viếng mộ liệt sĩ. Đến Bình Phước, nơi có địa danh Đường 13-Tàu Ô-Xóm Ruộng, nơi gần 2000 cán bộ chiến sĩ của Sư đoàn 7 nằm lại, ông không cầm được nước mắt. Đứng trên trận địa xưa, ông ước nguyện sẽ xây dựng nơi đây một khu tưởng niệm để tri ân liệt sĩ và để giáo dục truyền thống đánh giặc giữ nước cho con cháu. Ông nghĩ và ông làm. Tuy tuổi cao sức yếu, ông vẫn cùng Ban Liên lạc Bạn chiến đấu “chống gậy”, gõ cửa nhiều cơ quan, đơn vị và những người hảo tâm vận động tài chính để xây nên khu tưởng niệm liệt sĩ. Lần khác, chúng tôi theo ông đến Long Khánh (Đồng Nai) nơi cách đây 47 năm Sư đoàn 7 do ông làm Sư đoàn trưởng kiên cường bám trụ đập tan tuyến phòng thủ thép của địch ở cửa ngõ phía Đông, tạo điều kiện cho đại quân ta vào giải phóng Sài Gòn. Cái giá mở toang cánh cửa thép thật không nhỏ. Mấy ngàn người lính của Sư đoàn 7 và đơn vị bạn hy sinh. Lần ấy, tôi đã nghe ông trả lời phỏng vấn truyền hình. Ông vừa khóc, vừa nói: “Tôi còn nợ nhiều gia đình liệt sĩ. Chiến tranh đã lùi xa mấy chục năm mà tôi chưa trả cho các gia đình liệt sĩ người thân của họ. Chúng ta có ngày hôm nay là nhờ họ. Phải làm gì để bù đắp nỗi đau thương, tổn thất lớn lao của các bà mẹ, người vợ, người thân của các gia đình liệt sĩ”. Từ suy nghĩ thẳm sâu, nhân hậu ấy, ông luôn động viên chúng tôi trong việc tri ân đồng đội và hỗ trợ gia đình liệt sĩ. Ông là một trong những vị tướng trận luôn đồng hành với chúng tôi trong “sứ mệnh trái tim” tìm mộ liệt sĩ, trả lại tên cho liệt sĩ và xây dựng đền thờ, đài tưởng niệm, ghi danh liệt sĩ. Cách đây không lâu, gặp chúng tôi, ông động viên: “Các cậu vận động xây dựng được đền thờ Liệt sĩ ở Long Khốt (Long An) và đang xây đền thờ liệt sĩ ở Phú Quốc (Kiên Giang) đó là việc làm nghĩa tình. Không chỉ là nơi tri ân những người đã hiến thân vì đất nước mà về lâu dài, những địa chỉ đó còn như cột mốc biên cương bất tử .
HAI
Thiếu tướng Nguyễn Viết Khai, nguyên Chính ủy Trường Sĩ quan Lục quân 2 (thời Trung tướng Lê Nam Phong làm hiệu trưởng) có mặt trong giờ phút lâm chung của người anh, bồi hồi kể lại: Cuộc đời và chiến trận của ông Nam Phong là một tấm gương sáng cho các thế hệ người lính Bộ đội Cụ Hồ noi theo. Nhập ngũ từ thời Tháng Tám Mùa Thu, lên đường làm cách mạng khi đọc chữ chưa rõ, ông Nam Phong đã tự học, từ rèn luyện; từ người lính trận trở thành tường trận. Phẩm chất cao đẹp của người lính Bộ đội Cụ Hồ trong ông Nam Phong rất rõ. Đó là sự “Trung với nước, hiếu với dân; tình thương yêu đồng chí, đồng đội. Đó còn là bản lĩnh và tính quyết đoán của một người chỉ huy, dám làm, dám chịu trách nhiệm”. Là người trong cuộc, Thiếu tướng Nguyễn Viết Khai cho biết, đối với Trường Sĩ quan Lục quân 2, ông Lê Nam Phong để lại những dấu ấn không thể phai mờ. Đó là việc ông cùng tập thể Ban giám hiệu Trường Sĩ quan Lục quân 2 xây dựng nên “thương hiệu Trường Sĩ quan Lục quân 2- Đại học Nguyễn Huệ”. Tiền thân là trường Quân chính sơ cấp Quân Giải phóng Miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ, trường Sĩ quan Lục quân 2 thiếu hụt mọi thứ, đặc biệt là trình độ của đội ngũ cán bộ, quản lý, giáo viên. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới, ông Nam Phong chủ động liên kết với Học viện Lục quân và Đại học Mở TP HCM đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Chỉ trong thời gian ngắn với bản lĩnh và tính quyết đoán của hiệu trưởng Lê Nam Phong, trường Sĩ quan Lục quân 2 đã là cơ sở giáo dục đủ tiêu chuẩn đào tạo sĩ quan bậc đại học và trên đại học. Tính quyết đoán còn thể hiện ở việc thu hút nguồn lực cán bộ. Để ” giữ chân “cán bộ, ông đã tranh thủ sự ủng hộ cấp trên và địa phương tạo mọi điều kiện để anh em an tâm công tác. Trường Sĩ quan Lục quân 2 là một trong những đơn vị đầu tiên xây dựng ” làng quân nhân “với đầy đủ hạ tầng văn hóa như trường học từ mẫu giáo tới cấp 3. Có cả bệnh xá và nhà văn hóa…
Vì thế, khi Tướng Lê Nam Phong làm hiệu trưởng trường Sỹ quan Lục quân 2, ngoài giờ làm việc mọi người coi ông như người thân ruột thịt trong gia đình, gọi ông là Bố, là Ông .
Trái tim của vị tướng huyền thoại trải qua 4 cuộc chiến tranh, dạn dày trận mạc đã ngừng đập ở tuổi 95. Ông sẽ theo chân những vị tướng lừng danh của mảnh đất Quân khu 7-Nam Bộ Thành đồng Tổ quốc: Trần Văn Trà, Nguyễn Minh Châu, Đồng Văn Cống, Lê Đức Anh, Hoàng Cầm, Bùi Thanh Vân, Vũ Thược…về với tổ tiên. Ông sẽ gặp những người lính trận đã nằm lại ở Điện Biên Phủ, ở Miền Đông gian nan mà anh dũng, ở biên giới địa đầu Tổ quốc và ở các phum sóc trên nước bạn xa xôi…
Thương nhớ, vĩnh biệt Trung tướng Lê Nam Phong, vị tướng huyền thoại, tài danh và đức độ, một người lính Bộ đội Cụ Hồ./.
TP. Hồ Chí Minh, đêm 26 tháng 3 năm 2022