Ngoài phần phát biểu của các tướng lĩnh, phần trao tặng quà và hoa cho các đồng chí thương binh, trong khuôn khổ buổi Họp mặt thương binh tiêu biểu của Sư đoàn 5 tại TP. HCM nhân dịp đầu xuân Quý Mão 2023 còn diễn ra chương trình giao lưu trong không khí tự hào và xúc động cùng 3 đồng chí thương binh nặng
Chương trình giao lưu trong không khí tự hào và xúc động cùng 3 đồng chí thương binh nặng. Ảnh: Kim Sáng
Sáng ngày 9/1, Ban liên lạc truyền thống Sư đoàn 5 tại TP.HCM (LLTT) do Trung tướng Lưu Phước Lượng – Nguyên Phó Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, nguyên Phó Tư lệnh chính trị Quân khu 9 làm Trưởng Ban, được sự hỗ trợ của Thường trực Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TP.HCM đã tổ chức buổi Họp mặt thương binh tiêu biểu của Sư đoàn 5 tại TP. HCM nhân dịp đầu xuân Quý Mão 2023.
Ngoài phần phát biểu của các tướng lĩnh, phần trao tặng quà và hoa cho các đồng chí thương binh, trong khuôn khổ buổi họp mặt còn diễn ra chương trình giao lưu cùng 3 đồng chí thương binh nặng, gồm đồng chí Nguyễn Hoàng Hùng (SN 1964), Quận 8, đơn vị: D7, E16, Sư đoàn 5, thương binh hạng 2/4 (62%), cụt 1 chân, nhân viên bảo vệ ngân hàng; đồng chí Lê Thành Đại (SN 1958), ngụ TP Thủ Đức, đơn vị: C4, D4, E174, thương binh hạng 3/4 (51%) cụt bàn chân, nguyên Phó Tổng biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng, hiện nay là Chủ tịch Hội Yến Sào Việt Nam; đồng chí Huỳnh Ngọc Hiếu (SN 1964), ngụ Quận 8, đơn vị: C12, D3, E4, hạng 2/4 (61%), cụt một chân, hiện là thầy thuốc Đông y.
Tại buổi giao lưu, các đồng chí đã xúc động tự hào kể về hành trình nhập ngũ, bị thương tật và trở về đời thường của mình.
1.
Với thương binh Nguyễn Hoàng Hùng con đường binh nghiệp của anh khởi đầu vào tháng 2/1982, cách đây đúng 40 năm, khi anh vừa bước qua tuổi 18. Sau bốn tháng quân trường, tháng 6/1982 Hùng qua Campuchia được điều về Sư đoàn 5 E16, D7, tiếp tục được đi học D30 sáu tháng, trở về nắm chỉ huy trung đội.
Thời gian đó ở nước bạn cứ 6 tháng mùa khô đi truy quét, 6 tháng mùa mưa huấn luyện tiếp. Anh đã cùng đồng đội chiến đấu đến tháng 12/1984 thì bị thương. Trở về đời thường, cố gắng hết sức phấn đấu trên tinh thần “tàn nhưng không phế”, anh Hùng đã xây dựng gia đình và có ba cô con gái.
Nhắc đến ba cô con gái, ánh mắt anh Hùng rực lên niềm hạnh phúc khó diễn tả. Giọng đầy mãn nguyện, anh “khoe”: Cô con gái lớn hiện đang sinh hoạt trong nhóm nhạc Mây Trắng, cô kế là 1 trong 28 thí sinh đã vượt qua tổng số 300 thí sinh vừa được tuyển chọn vào ngành Tiếp viên hàng không, nàng út đang học lớp 12 với học bỗng vừa nhận được.
Anh cho biết công việc làm bảo vệ ngân hàng với một thương binh như anh tất nhiên vất vả hơn người khác nhưng anh không lấy cái mác thương binh để được ưu ái mà lúc nào cũng cố gắng phấn đấu hết sức mình, sống lạc quan vui vẻ.
Tuy hơi kiệm lời nhưng qua những gì anh Hùng chia sẻ, tất cả những người dự khán hôm ấy cũng thấu hiểu được những gian khổ, sự cống hiến, hy sinh xương máu mà anh đã trải qua. Đồng thời cảm nhận được sự hạnh phúc mãn nguyện về mái ấm gia đình hiện có.
2.
Thầy thuốc Đông y – thương binh Huỳnh Ngọc Hiếu có vẻ rất say mê với công việc chữa bệnh làm thiện nguyện của mình. Anh cho biết, anh nhập ngũ vào tháng 3/1983. Đến tháng 7 thì được điều sang Campuchia, làm công vụ trung đoàn. Anh xúc động nhắc về các đồng đội đã cáng anh hơn 20 cây số về bệnh viện khi anh bị thương.
Về đời thường, nhiều lần anh nhớ lại cảnh đồng bào bị bệnh mà không có thuốc ở những nơi anh đã đi qua. Ý thức việc chữa bệnh đem lại sức khỏe cho con người là điều cao quý, thêm nữa ba anh là một thầy thuốc nên trong anh cũng có một ít di truyền. Thế là anh Hiếu bắt tay vào học và nghiên cứu về thuốc. Anh chọn cây thuốc Nam với tâm nguyện giúp người.
Suốt 26 năm nay, nhờ có sự ủng hộ về tinh thần lẫn vật chất của bà xã, anh Hiếu đã nghiên cứu thành công và áp dụng bài thuốc chữa tiểu đường và xương khớp rất hiệu quả, giúp nhiều người cải thiện được sức khỏe rất tốt.
Điều đặc biệt là anh trị bệnh hoàn toàn miễn phí. Bệnh nhân trong địa bàn thành phố, anh Hiếu còn phục vụ tận nhà. Trong hội trường rất nhiều người có nhu cầu xin số điện thoại của anh để nhờ chữa bệnh. Anh vui vẻ đọc số của mình ngay tại buổi giao lưu.
3.
Trong 3 thương binh khách mời của buổi giao lưu có vẻ như anh Lê Thành Đại là người thành đạt nhất sau khi trở về đời thường. Nhưng để đạt được những thành tựu như ngày hôm nay, anh đã phải trải qua những tháng ngày vất vả có phần khắc nghiệt.
Năm 1975, Sài Gòn giải phóng, Đại vừa tròn 16 tuổi, nhà có một mẹ một con nhưng anh hăng hái thoát ly tham gia vào công tác ở quận đoàn với công việc hỗ trợ cải tạo binh sĩ chế độc cũ trong giai đoạn còn rất hỗn loạn sau chiến tranh. Khi xong nhiệm vụ trở về thì mẹ anh qua đời. Một thân một mình tứ cố vô thân, không nơi nương tựa, anh Đại trở lại quận đoàn tiếp tục tham gia hoạt động đoàn thể.
Năm 1976, anh về đội kỹ thuật công trình thủy lợi Thủ Đức, đảm nhiệm vụ bí thư chi đoàn, lăn lộn cùng với anh em thanh niên xung phong trên nhiều công trình. Đến 1977, biên giới xảy ra chiến sự, anh làm đơn tình nguyện ra chiến trường. Từ đây anh xác định lấy quân đội làm nhà và lấy con đường binh nghiệp làm lẽ sống.
Những tưởng tương lai sẽ trở thành sĩ quan như hoài bão ước mơ, thì đùng một cái anh bị thương. Những ngày sống ở Bệnh viện quân y 7C là những ngày anh cảm thấy hụt hẫng và hoang mang nhất. Nỗi nhớ đồng đội thắt thẻo ruột gan. Cứ hễ thấy thương binh đưa về là anh chạy ra xem mặt từng người coi có ai là đồng đội của mình không.
Sau một năm, trở về địa phương, anh nhận ra những ngày trong quân ngũ đã tôi luyện cho anh tính kỷ luật, được thấm đượm tình đồng đội và nhất là rèn luyện tính nỗ lực rất cao trong cuộc sống. Anh phải tìm cho mình một hướng đi phát triển tương lai. Nghĩ là làm, anh xin vào trường học nghề sau đó được chuyển qua làm phòng tổ chức xí nghiệp gỗ. Nhờ những kinh nghiệm học được trong quân đội, anh đề xuất và áp dụng nhiều mô hình ứng dụng thực tiễn có hiệu quả trong sản xuất kinh doanh. Nhờ đó anh được ký hợp đồng và thăng chức phó phòng tổ chức.
Tâm niệm học vấn là động lực, là con đường phát triển sự nghiệp, anh Đại ra sức học tập. Cuộc đời anh đã dành ra 18 năm để học tập từ bổ túc phổ thông lên đại học rồi cao học. Với một người bình thường đã là đáng ngưỡng mộ, với một thương binh như anh Đại thật là một nỗ lực đáng nêu gương.
Hiện nay, trong cương vị là Chủ tịch Hội Yến Sào Việt Nam, với cuộc sống gia đình hạnh phúc bên người vợ và cậu con trai là tiến sĩ đang giảng dạy tại trường Đại học Kinh tế, tài chính TP.HCM, thương binh Lê Thành Đại xứng đáng là tấm gương cho thế hệ trẻ noi theo.
Họp mặt thương binh tiêu biểu của Sư đoàn 5 tại TP. HCM nhân dịp đầu xuân Quý Mão 2023. Ảnh Kim Sáng
Buổi giao lưu khép lại trong không khí đầy cảm xúc và tự hào. Đúng như nhận định của nhà báo Đan Hà – Phó chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TP.HCM – người dẫn chương trình giao lưu: “Buổi chuyện trò đong đầy cảm xúc, vỡ oà bởi những ký ức một thời oanh liệt hy sinh của những cựu binh, những thương binh nặng của sư đoàn 5, đoàn quân chủ lực của một thời chiến tranh máu lửa.
Rất nhiều nước mắt đã rơi, từ những nhân vật trong câu chuyện mà tôi được vinh dự dẫn dắt, từ những tướng lính về hưu và cả đương chức, từ những cựu chiến binh, từ những người dự khán… Cả một thời lịch sử hào hùng, bao mất mát hy sinh đã được tái hiện lại chỉ trong một buổi sáng. Không mỹ từ nào có thể nói hết những giá trị mà chúng tôi đã có được trong cuộc họp mặt hôm nay.
Tôi thấy mình là người may mắn, bởi đã được trở thành một phần thật nhỏ trong câu chuyện ngày hôm nay. Xúc động và tự hào…”
Lương Gia Cát Tường