Bà Đào Thị Mơ, sống tại tổ 4, khu phố Phú Trung, phường Hưng Chiến, thị xã Bình Long, tỉnh Bình Phước là một trong nữ tù dũng cảm, kiên trung trong thời kỳ kháng chiến.
Mới đây, chúng tôi có dịp đến thăm cựu nữ tù Đào Thị Mơ trong ngôi nhà tình nghĩa được địa phương, nhà hảo tâm trao tặng. Ở tuổi gần đất xa trời, hơn nữa từng bị kẻ địch giam tù nên sức khoẻ của bà nay xuống cấp hẳn.
Bà Mơ sinh ra và lớn lên tại Bình Long, tỉnh Bình Phước, lúc bấy giờ trong hoàn cảnh nước mất nhà tan, cha mẹ bà lúc ấy làm phu cạo mủ cho bọn giặc Pháp cơm không có ăn, nhà cửa rách nát, còn bị chúng đánh đập dã man, quần áo tả tơi.
Năm lên 12 tuổi, bà đi theo cha mẹ bóc mủ dây, lột mủ chén tại Xa Cam, đồn điền cao su Te Ru Quản Lợi. Năm 16 tuổi (1965), bà đi cạo mủ tại Lộc Hiệp, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước.
Theo lời bà kể, chủ đồn điền lúc đó là thằng tây đen, mặt mũi lông lá bặm trợn, nó có đội quân tay sai là người Việt Nam. Nó đánh người không thương tiếc, nếu nó thấy ai làm trái ý nó là nó bắn chết tại gốc cây.
Năm 1966, bà đi dân quân du kích, được cấp trên giao nhiệm vụ phải gặp bà con công nhân tuyên truyền cho bà con hiểu, đóng góp tiền của nuôi cách mạng, đấu tranh chống lại bọn thực dân Pháp và đánh đổ bọn tay sai bán nước dành lại nền độc lập tự do của dân tộc.
Cựu nữ tù Đào Thị Mơ.
“Lúc đó, tôi lén lút gặp từng người dân rồi tìm mọi cách truyền đạt cho bà con mình hiểu và giúp đỡ cách mạng. Tháng 4/1966, tôi đi tải đạn từ Bù Nho đến Phước Long, đến tháng 8/1967, bọn tay sai khai báo tôi làm việt cộng, sau đó tôi bị chúng bắt giao nộp cho ty cảnh sát Mỹ đóng tại An Lộc, Bình Long. Tuy mới 15, 16 tuổi đầu nhưng tôi ý thức được đã lọt vào tay của kẻ thù thì trước sau gì cũng chết, thà chết chứ nhất định không khai”, bà Mơ nói.
Bà nhớ lại, hôm đầu tiên hỏi cung, quân địch đánh bà tới tấp, bầm dập thân xác nhưng bà vẫn nói không biết gì. Hôm sau nó bắt bà nằm ngửa trên một cái ghế dài, ở dưới ghế có một thanh sắt, bẻ tay bà ra phía sau cột vào thanh sắt rồi đổ nước xà phòng vào mặt, mồm, mũi nhưng bà vẫn kiên quyết không nói tiếng nào.
“Hôm sau, nó tiếp tục hỏi cung, đưa 10 ngón tay tôi ra đóng 10 cái đinh. Không thể tưởng tượng được tôi gan lỳ cỡ nào đâu, tôi dơ tay lên đập mạnh bàn tay vào tường cho đinh nó xuyên lút ngón tay luôn, lúc đó bọn chúng hết hồn trợn mắt nhìn nhau. Mấy thằng phản động bán nước nó nói con này lỳ dữ ha, để rồi xem mày lỳ cỡ nào, tra tấn kiểu này không được, nó chuyển hình thức khác độc ác hơn. Chúng nó cột dây điện vào 10 đầu ngón tay của tôi cho điện giật, lúc đó tôi không còn biết gì nữa, chúng lại nắm tóc bên mang tai tôi giật ra làm cho tôi tỉnh lại. Hôm sau nó bắt tôi nằm sấp quỳ đầu gối dơ 2 bàn chân lên nó lấy búa phang vào lòng bàn chân như trời giáng sau đó tôi chỉ biết bò chứ không đứng được nữa. Một hôm khác nó bắt tôi ngồi đưa hai đầu gối ra nó lấy búa dọng vào đầu gối tôi như dọng vào đá sỏi. Có hôm nó cho tôi ăn xong nó lôi tôi ra tiếp tục hỏi cung tra tấn, nó ấn bên hông tôi cho ói cơm ra hết”, bà Mơ nhớ lại.
Thời điểm đó, bà Mơ không biết mình còn có cơ hội sống không.
Kỷ niệm chương chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù, đày.
Lúc trò chuyện, chúng tôi cảm nhận rõ sự đanh thép của cựu nữ tù này. Mấy ngón tay bà co rúm lại, đó là di chứng của sự tra tấn dã man. Bà kể sau khi bị chúng đóng đinh, mười ngón tay của bà dần dần rút lại, thời còn trẻ ít, nay già rồi co rút nhiều hơn.
Quay lại câu chuyện, bà kể tiếp, lúc đó, bọn lính tuyên bố nếu cứng đầu không chịu khai là nó đày ra nhà tù Côn Đảo. Hết tra tấn đủ các kiểu, nó lại dọa dẫm nhưng không làm gì được bà.
“Lúc đó, tôi chỉ nói một lời là tôi không biết gì cả, tôi không làm gì cả, nếu các người bắt ép tôi thì tôi nói bừa thôi chứ tôi có biết gì đâu. Bắt và tra tấn tôi hơn 1 năm mà không làm được gì và cũng chả có bằng chừng gì nên tháng 7/1968 chúng thả tôi ra”, bà Mơ nói.
Thời gian sau đó, sức khỏe của bà bị giảm sút, đau đớn khắp người, đau tận xương tủy, đi lại khó khăn. Đến năm 1969, khi sức khỏe tạm ổn, bà tiếp tục hoạt động cách mạng, bà liên lạc với quân giải phóng và tham gia cạo mủ tại đồn điền Te Ru Quản Lợi, 5 tháng sau bà lại bị bắt tiếp, chúng đến chỗ bà đang trút mủ đọc lệnh bắt, bà xin chúng cho trút mủ xong rồi sẽ chấp hành, bọn chúng chấp thuận, lợi dụng thời cơ pbà bỏ trốn vào rừng đi tìm đồng đội của mình.
Thời gian sau đó, hoạt động của địch ngày giờ nào ở đâu, làm gì do người của ta vừa cạo mủ vừa dò la tin tức vừa nắm tình hình báo về. Ngay lập tức, bà và các đồng chí khác lẻn vào gài mìn đợi lúc bọn chúng hoạt động là giật dây cho mìn nổ có khi cả chục thằng chết.
Năm 1972 – 1975, lúc bấy giờ chiến sự giữa ta và địch diễn ra rất ác liệt, bom khói mịt mù, dân mình bỏ chạy toán loạn người mất con, kẻ mất vợ, mất chồng, người mất cha, mẹ, lúc đó bà vừa hoạt động vừa tìm dắt các cháu bị lạc cho ăn và chạy trốn lên Lộc Ninh.
Nói về bà Mơ, bà Phạm Thị Duyệt, đồng đội bà Mơ chia sẻ, bà Mơ là người cộng sản kiên trung, mặc dù bị kẻ thù tra tấn rất dã man nhưng bà kiên quyết không khai, chết đi sống lại vào tù ra tội nhiều lần nhưng bà vẫn một lòng trung thành với nước với dân, đến bây giờ già yếu nhưng với bà vẫn là một tấm gương kiên trì trong gian khó, ngày ngày lom khom bán cây giống, tằn tiện nuôi đứa con tật nguyền.
Con trai bà là Nguyễn Phi Hùng (sinh năm 1981) bị chất độc dioxin, hai mẹ con sống dựa vào đồng lương trợ cấp của bà. Tuy đã già yếu, lưng còng nhưng bà vẫn cố bán thêm mấy chậu cây giống để có đồng vào, đồng ra trang trải nuôi con.
Trẻ cây cha, già cậy con, đàng này đời bà đã khổ nhiều nay về già lại thêm gánh nặng nuôi con bị bệnh.
Chiến tranh đã đi xa nhưng nỗi đau vẫn còn đó, chỉ mong bà Mơ tiếp tục sống vui khoẻ để làm động lực cho con trai.
Nguyễn Nhị