DUY HIẾN
Phóng viên Báo Cựu chiến binh Việt Nam
Thường trú khu vực Đông Nam Bộ
Hằng năm, cứ đến 27/7, lòng mỗi người lại rưng rưng hướng về liệt sĩ. Trên đất nước rộng dài hình chữ S gắn liền biển, đảo thân yêu này, không có một xã, phường, thị trấn nào mà không có nhà bia liệt sĩ, nơi mảnh đất yêu dấu, họ ra đi rồi nằm lại chiến trường. Ở các nghĩa trang liệt sĩ tại quận, huyện, thị xã, tỉnh, thành phố trong nước cũng rất nhiều mộ bia liệt sĩ. Nghĩa trang liệt sĩ Đường 9 (Quảng Trị) có hơn 9.500 liệt sĩ, Nghĩa trang liệt sĩ Đồi 82 (Tây Ninh) có gần 14.000 liệt sĩ. Nghĩa trang liệt sĩ Thọ Lộc (Quảng Bình) nơi yên nghỉ của 561 thanh niên xung phong (TNXP)…
Nhà báo-CCBVN Duy Hiến
Tôi đã đến Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, bên cây bồ đề phủ bóng lên Tượng đài liệt sĩ, trước bát ngát hàng hàng ngôi mộ nằm cạnh nhau, lòng như nghẹn thắt. Hơn 10.263 liệt sĩ trong cả nước nằm ở đây, phần lớn là bộ đội, TNXP Trường Sơn. Những người lính có tên và không tên trải dài như hình hài đất nước. Đất nước máu và nước mắt, từ nỗi đau dệt nên những trang sử anh hùng. Chiến tranh – hòa bình được kết tinh bằng máu và nước mắt lên màu cờ Tổ quốc thiêng liêng!
Sinh ra lớn lên bên bờ Nam sông Gianh lũy thép anh hùng. Còn nhỏ tôi đã chứng kiến vụ thảm sát kinh hoàng của máy bay Mỹ, loạt bom trưa ngày 13/1/1973 dội xuống thôn Quyết Thắng, xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) đã cướp đi sinh mạng của 156 người, trong đó có 34 chiến sĩ TNXP C283 (Hải Hưng). Thi thể nạn nhân sau trận bom trưa hôm đó vắt lên trên ngọn tre, hàng rào và các lùm cây… Sau này, về lại quê hương, tôi đã viết bài “Bi thương một ngày ở Thanh Trạch” đăng trên trang mục “Không thể lãng quên” của Sự kiện – Nhân chứng, Báo Quân đội nhân dân.
Sự hiện diện của những cựu binh cách mạng tuổi “thất thập cổ lai hy” không quản ngại theo các chiến sĩ trẻ tìm kiếm hài cốt liệt sĩ; hỗ trợ gia đình thân nhân liệt sĩ là việc làm nhân văn cao cả, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”… Cuộc hành trình tìm kiếm liệt sĩ trong nước và nước bạn Lào, Campuchia chưa hề vơi, mà vẫn luôn nóng bỏng, cấp thiết, nhất là trong mùa mưa lũ. Ở tỉnh Bình Phước, Đội K72, Phòng chính trị, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh vẫn tiếp tục khảo sát, tìm kiếm hài cốt liệt sĩ. Đặc biệt ở vùng rừng đồi, địa hình phức tạp nhiều dốc cao, suối thẳm. Nếu không khẩn trương, mùa mưa nhiều trên diện rộng, kèm giông lũ, nơi khảo sát đã đánh dấu và kiểm chứng qua tài liệu của đơn vị, của cựu chiến binh và nhân chứng cung cấp, sẽ bị trôi mất sau cơn mưa lớn nước chảy xiết.
Thượng tá Nguyễn Ngọc Ánh, Chính trị viên Đội K72 chia sẻ: “Mùa mưa này, công việc khảo sát tìm kiếm hài cốt liệt sĩ ở vùng rừng đồi như Vườn quốc gia Bù Gia Mập, anh em đi tìm kiếm liệt sĩ rất khó khăn, nan giải. Có khi đang khảo sát chợt trời tuôn mưa ào tới, thoáng chốc khe suối nước chảy tràn. Mưa xuống màn trời tối sập, không khí ẩm ướt, muỗi, mồng, vắt nhiều vô kể. Chỉ cần đi qua một đoạn ngắn đầy lá mục là có hàng chục con vắt bắn lên mình. Vắt theo cán bộ, chiến sĩ lên võng nằm, giấc ngủ, nghỉ, lúc ăn cơm, hút máu căng tròn rồi tự rớt ra trong áo quần. Rồi những bữa cơm… trên nước, ba phần chín, một phần sống nhão nhoẹt, cũng phải ăn để có làm việc, có sức đi tiếp. Vậy mà anh em chúng tôi không nản vì mục đích đau đáu tìm kiếm được đồng đội trở về. Năm 2020, Đội đã tìm kiếm được 51 liệt sĩ tại ấp K54, xã Lộc Thiện, năm 2021, tìm kiếm thêm được 28 liệt sĩ tại ấp Măng Cải, xã Lộc Thiện (Lộc Ninh)”.
Theo Đại tá Lê Văn Song, nguyên Trưởng văn phòng đại diện Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ phía Nam, hiện cả nước có gần 1.200.000 liệt sĩ, đã quy tập vào trên 3.000 nghĩa trang, với 934.000 liệt sĩ, trong đó có 300.000 liệt sĩ có tên. Trên 200.000 liệt sĩ chưa tìm thấy. Đây là sự mất mát hy sinh quá lớn, hài cốt các anh vẫn còn ẩn khuất đâu đó chưa về với gia đình, người thân. Điều đó đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn mà toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta tích cực, đẩy mạnh việc tìm kiếm liệt sĩ, một công việc cấp thiết, lâu dài…
Trong lịch sử đấu tranh giữ nước, hàng triệu người con ưu tú đã anh dũng hy sinh. Máu đào của các anh hùng liệt sĩ, của hàng triệu người con đất Việt đã tô thắm lá cờ cách mạng vẻ vang. Để đất nước ta tự do, độc lập, thống nhất, vững chắc xây dựng, phát triển Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa phồn vinh và giàu mạnh. Chúng ta muôn đời ghi dấu công ơn liệt sĩ, thương binh đã đổ máu xương vì nền độc lập, tự do, sự thống nhất, toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. 27/7, thiêng liêng xứng đáng là ngày Quốc giỗ!