Đã nửa thế kỷ, tháng 4 “về cánh đồng chó ngáp” nắng vẫn cứ như thiêu như đốt. Dòng sông Long Khốt lục bình lững lờ trôi. Ven cột mốc biên giới, ao sen vẫn rực rỡ tỏa hương giữa nắng gió hào phóng của mảnh đất phương Nam huyền thoại.
Đoàn Cựu chiến binh trở lại thăm chiến trường xưa. Gió Tháp Mười vẫn thổi, bồng bềnh mái tóc hoa râm. Chân đã chậm, da đã mồi, chỉ có ánh mắt và nụ cười vẫn thế.
KỶ NIỆM VỀ NHỮNG DÒNG CHỮ TRÊN BỨC TƯỜNG
Kỹ sư Trình Tự Kha bồi hồi đứng nơi bến vượt cách đây nửa thế kỷ. Ngày ấy Kha là khẩu đội trưởng ĐKZ của Trung đoàn 174 (Đoàn Cao-Bắc-Lạng). Chính bến sông này, đêm công đồn, khẩu đội anh đã đánh rớt nòng pháo ĐKZ. Cũng chính dòng sông này đã có hàng trăm đồng đội của anh nằm lại trước ngày toàn thắng. Là con em học sinh Miền Nam theo cha ra tập kết Miền Bắc, sau khi tốt nghiệp phổ thông Trình Tự Kha được sang đào tạo ngành hóa chất ở Cộng hòa Dân chủ Đức. Tốt nghiệp đại học, về nước năm 1972, Kha tình nguyện nhập ngũ vượt Trường Sơn trở lại quê hương chiến đấu. Cuối năm 1973 đoàn 2020 của anh được bổ sung vào Trung đoàn 2 (Trung đoàn 174) thuộc Công trường 5 (Sư đoàn 5). Ấy là lúc cuộc chiến ở vùng biên giới này đang diễn ra quyết liệt. Chi khu Long Khốt quy mô không lớn, nhưng do tính chất chiến lược – án ngữ cửa ngõ thọc sâu xuống Đồng bằng sông Cửu Long của ta nên địch đã tập trung mọi khả năng có thể, biến nơi đây thành một pháo đài kiên cố.
Tháng 6 năm 1972, Trung đoàn 174 được giao làm mũi chủ công tiêu diệt căn cứ quân sự này. Nhưng trận đánh không thành, hệ lụy hàng trăm cán bộ, chiến sĩ đã nằm lại nơi “cánh đồng chó ngáp” và “áo lính trận phơi nhòe đêm trăng Long Khốt”.
Từ năm 1973 đến 1975, trước khi đánh chiếm, giải phóng thị xã Tân An, Trung đoàn 174 “quần nhau với giặc” ở đây.
Sau nửa thế kỷ, Trình Tự Kha vẫn còn nhớ những dòng chữ trên bức tường ngôi nhà ven đồn. Địch và ta giành nhau từng ngày từng giờ. Khi đồng đội của Kha đặt chân tới đây, viết những dòng chữ đẫm máu trên bức tường: “Chúng tao đã có mặt ở đây ngày này, giờ này thì hôm sau địch chiếm lại”. Những dòng chữ của “phía bên kia” cũng thế: “Chúng tao đã chiếm lại giờ này, ngày này…!”
Trở lại trận địa cũ sau nửa thế kỷ, Trình Tự Kha cứ nghĩ ngày ấy cuộc chiến cực kỳ khốc liệt mà có lúc nực cười như trò chơi một thời thơ ấu. Cũng chính nơi chiến trường khốc liệt này, Trình Tự Kha đã được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Nhận Huy hiệu 45 năm tuổi Đảng, Kha không hổ thẹn với đồng đội, những người đã nằm lại nơi chiến hào. Đồng đội hy sinh, mình còn sống, còn có sự nghiệp, gia đình. Mình không có tên trong danh sách hàng ngàn liệt sĩ khắc ghi trên tường đá hoa cương. Điều đó có nghĩa là đồng đội cử mình ở lại để cùng mọi người tiếp tục phấn đấu cống hiến, xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Suy nghĩ thế, Trình Tự Kha đã cùng đồng đội vận động mọi nguồn lực xã hội xây nên ngôi đền thờ liệt sĩ linh thiêng trên miền đất di sản quốc gia này.
HÀNG CÂY THẮM MÁU NGƯỜI NẰM XUỐNG
Cựu chiến binh Trần Văn Hân thăm lại chiến trường xưa với tâm trạng khác. Niềm vui, nỗi buồn đan xen nhau. Cùng Trình Tự Kha, Phùng Ngọc Đồng… (đoàn 2020) vượt Trường Sơn cuối những năm chống Mỹ, Hân có mặt tại mảnh đất vùng biên viễn này. Trực tiếp cầm súng chiến đấu, Trần Văn Hân đã tự tay chôn cất biết bao đồng đội. Sau chiến tranh, Trần Văn Hân giải ngũ về làm nghề dạy học. Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng Trần Văn Hân nghĩ mình là người hạnh phúc hơn đồng đội đã hy sinh vì Tổ quốc. Đưa vợ trở lại thăm chiến trường xưa, Trần Văn Hân ước nguyện trồng đường cây phượng đỏ để ghi nhớ đồng đội. Nguyện vọng của Trần Văn Hân đã thành sự thật. Trong 6 hạng mục phục hồi, tái tạo khu Di tích lịch sử cấp quốc gia này có dự án hàng cây theo đề xuất của anh. Trần Văn Hân bàn với vợ bán những chỉ vàng tiết kiệm cuối cùng để mua cây trồng nơi trận địa xưa.
Tháng 4 này, sau 5 năm, hàng phượng do gia đình CCB Trần Văn Hân trồng đã xanh tốt. Những cánh phượng rực màu cờ đỏ như máu trong tim tỏa sáng dưới nắng gió nơi cửa ngõ vùng biên giới.
Trở lại chiến trường xưa Long Khốt lần này không chỉ có những CCB đã từng tham gia chiến đấu mà còn có các nhà văn, nhà thơ thuộc Hội Nhà văn TP HCM. Các nhà văn không chỉ được giao lưu với nhân chứng lịch sử mà còn trực tiếp gặp gỡ những người của hiện tại với biết bao khát vọng tiếp tục cống hiến để tri ân đồng đội- những người ” Thân ngã xuống thành đất đai Tổ quốc/ Hồn bay lên hóa linh khí quốc gia “. Sau khi vận động xây dựng đền thờ liệt sĩ Long Khốt, các anh đang vận động xây dựng tượng đài cùng bến vượt bên dòng sông thắm xương máu đồng đội này.
Đứng giữa cánh đồng nơi biên giới, tôi bỗng nhớ đến những câu thơ của nhà thơ Hoài Vũ:
“Gió Tháp Mười đã thổi, thổi rất sâu
Có nỗi thương đau có niềm hy vọng
Bầu trời thì cao, cánh đồng thì rộng
Hương tràm bên anh, mà em đi đâu?”
Vâng, nửa thế kỷ rồi, gió Tháp Mười vẫn thổi, hương tràm vẫn còn đây mà em, những cô du kích và đồng đội của chúng tôi đang ở tận đâu?
Vĩnh Hưng, tháng 4 năm 2022
Trần Thế Tuyển