Sáng 5/1, tại TP.HCM, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam tổ chức tổng kết và trao giải thưởng sáng tác biểu trưng (logo) Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam.
Tham dự Lễ tổng kết và trao giải có Trung tướng Lưu Phước Lượng – Nguyên Phó Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, nguyên Phó Tư lệnh chính trị Quân khu 9, Tổ trưởng Tổ tư vấn Hội HTGĐLS TP.HCM; Trung tướng, PGS.TS Nguyễn Đức Hải – Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Quốc phòng, nguyên Tư lệnh Quân đoàn 3, thành viên Tổ tư vấn Hội Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ (HTGĐLS) TP.HCM;
Đại tá, hoạ sỹ Phan Oánh – Nguyên Giám đốc Bảo tàng Quân khu 7; Đại tá Nguyễn Ngọc Điệp – Giám đốc Bảo tàng Quân khu 7;
Về phía Hội HTGĐLS Việt Nam có Đại tá Phan Sỹ Thao – Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội HTGĐLS Việt Nam; Đại tá, nhà báo Trần Thế Tuyển – Phó Chủ tịch Hội HTGĐLS Việt Nam, Chủ tịch Hội HTGĐLS TP.HCM…
Cùng tham dự có đại diện Hội HTGĐLS TP.HCM cùng các đại biểu, khách mời, hoạ sĩ, nhà báo…
Lễ tổng kết và trao giải thưởng sáng tác biểu trưng (logo) Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam.
Phát biểu tại buổi lễ, Đại tá Phan Sỹ Thao – Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội HTGĐLS Việt Nam cho biết, sau 5 tháng phát động, Hội HTGĐLS Việt Nam đã nhận được 129 tác phẩm của 32 họa sĩ trong cả nước gửi về dự thi. Họa sĩ có số lượng tác phẩm dự thi nhiều nhất là 6 tác phẩm và họa sĩ có số lượng tác phẩm dự thi ít nhất là 1.
Sau 3 vòng tuyển chọn, Hội đồng nghệ thuật đã chọn 10 tác phẩm vào vòng 2 và chọn ra 5 tác phẩm trao giải (1 giải nhất và 4 giải khuyến khích).
Giải nhất thuộc về tác phẩm mang mã số A10 (D8675) của tác giả Nguyễn Mạnh Tiến (họa sĩ Báo Quân đội nhân dân); 4 giải khuyến khích được trao cho các tác phẩm mang mã số A9 (26261) của nhóm tác giả Hoài DESIEN (Hà Nội), tác phẩm mang mã A8 (39580) của tác giả Trần Hoài Đức (Hà Nội), tác phẩm mang mã A11 (33372) của tác giả Phạm Tam (TP.HCM), tác phẩm mang mã A28 (61255) của tác giả Trịnh Thanh Tùng (Hà Nội).
Đại tá, nhà báo Trần Thế Tuyển – Phó Chủ tịch Hội HTGĐLS Việt Nam, Chủ tịch Hội HTGĐLS TP.HCM phát biểu.
“Các tác phẩm tham gia cuộc sáng tác đã thể hiện được chủ đề, nội dung của Ban Tổ chức yêu cầu đó là biểu trưng (logo) thể hiện được sự tôn vinh và tri ân các anh hùng liệt sĩ, gia đình liệt sĩ, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc, gắn với vai trò của Hội HTGĐLS Việt Nam”, Đại tá Phan Sỹ Thao nói.
Cũng theo Đại tá Phan Sỹ Thao, các tác phẩm có tính khái quát, bố cục chặt chẽ tạo hình khối, thể hiện tính dân tộc, hiện đại, nhiều tác phẩm dùng hình ảnh sao vàng, cánh hoa sen, đài tưởng niệm, biểu tượng 2 bàn tay được cách điệu, màu sắc phù hợp.
Đặc biệt, nhiều họa sĩ quân đội, là cựu chiến binh đã từng trải qua chiến tranh nên am hiểu và rất tâm huyết với đề tài về liệt sĩ, tri ân liệt sĩ nên có nhiều tác phẩm dự thi. Tuy nhiên, một số tác phẩm thể hiện còn đơn giản, hoặc tác phẩm (logo) na ná giống các logo khác, thiếu tính sáng tạo.
Đại tá Phan Sỹ Thao – Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội HTGĐLS Việt Nam giới thiệu về biểu trương (logo).
Đại tá, nhà báo Trần Thế Tuyển – Chủ tịch Hội HTGĐLS TP.HCM cho biết, sau nhiều tháng phát động, cuộc thi đã tạo được sức lan toả, thu hút sự quan tâm của nhiều người.
“Việc phát động cuộc thi sáng tác biểu trưng (logo) thể hiện sự đổi mới mạnh mẽ của Hội HTGĐLS Việt Nam, quy trình rất chặt chẽ, bằng hình thức bỏ phiếu kín, Hội đồng giám khảo là những người có uy tín trong ngành điêu khắc. Đặc biệt, khu vực miền Nam có hơn 10 tác phẩm dự thi, điều này cho thấy uy tín của Hội HTGĐLS Việt Nam ngày càng được lan rộng”, Đại tá, nhà báo Trần Thế Tuyển nói.
Với vai trò thành viên Tổ tư vấn Hội HTGĐLS TP.HCM, Trung tướng, PGS.TS Nguyễn Đức Hải chúc mừng kết quả của cuộc thi sáng tác biểu trưng (logo) Hội HTGĐLS Việt Nam. Theo ông, logo chính là biểu tượng cao nhất của tấm lòng để bày tỏ sự tri ân với các Anh hùng liệt sĩ, những người không tiếc máu xương cho Tổ quốc.
Hội HTGĐLS Việt Nam được thành lập ngày 24/10/2010. Trong Điều lệ xác định Hội có biểu trưng riêng. Logo đầu tiên của Hội năm 2010 do Họa sĩ Lê Viết Trí sáng tác được thể hiện trong khối tròn có tượng đài Tổ quốc ghi công, dưới là hoa sen cách điệu và hai bàn tay nâng đỡ, phía trong vòng tròn có dòng chữ Hội HTGĐLS Việt Nam.
Trao giải cho tác phẩm tham dự cuộc thi.
Sau hơn 13 năm sử dụng trong công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh hoạt động tri ân liệt sĩ của Hội HTGĐLS Việt Nam, biểu tượng đã để lại những tình cảm và dấu ấn trong xã hội.
Tuy nhiên, logo cũng còn một số hạn chế. Thể theo nguyện vọng của các tổ chức và hội viên trong cả nước với mong muốn biểu tượng (logo) của Hội phải có tính khái quát cao, đẹp, đáp ứng yêu cầu tuyên truyền, quảng bá của Hội trong giai đoạn mới. Ngày 23/5/2023, Ban Thường vụ Hội HTGĐLS Việt Nam có Nghị quyết phát động sáng tác biểu trưng (logo) và kỷ niệm chương Hội HTGĐLS Việt Nam hướng tới Đại Hội lần thứ IV và kỷ niệm 15 năm thành lập Hội.
Thực hiện Nghị quyết của Ban Thường vụ, lãnh đạo Hội đã triển khai 3 đợt phát động sáng tác biểu trưng (logo) từ ngày 15/6 – 15/11/2023 tại TP Hà Nội (2 đợt) và TP.HCM.
Theo đó, Hội HTGĐLS Việt Nam đã thành lập Hội đồng nghệ thuật gồm 8 thành viên gồm một số đồng chí trong Ban Thường vụ Hội, Họa sĩ đầu ngành Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội và Hội Mỹ thuật Việt Nam.
Hội đồng đã làm việc theo quy chế với tinh thần trách nhiệm cao, các tác phẩm, tác giả được Ban Tổ chức mã hóa đảm bảo khách quan, minh bạch.
Tác phẩm giải Nhất có biểu tượng chủ thể lớn nhất của biểu trưng là Quốc kỳ với cờ đỏ, sao vàng được cách điệu thành ngọn lửa bất tử thể hiện Tổ quốc trong tim mỗi người Việt Nam. Vì độc lập, tự do của Tổ quốc mà các Anh hùng liệt sĩ đã sẵn sàng hy sinh xương máu của mình và linh hồn các Anh hùng liệt sĩ đã hóa thân vào Tổ quốc. Hình ảnh ngọn lửa bất tử được lồng vào lớp lớp những bàn tay nâng niu, ấp ôm ngọn lửa thể hiện: Mái ấm gia đình, sự đùm bọc, đoàn kết, chung sức, chung lòng của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân cả nước, nhất là các cấp các ngành các địa phương, các nhà hảo tâm, doanh nhân trong cả nước cùng nhau đoàn kết, chung tay đóng góp công sức, vật chất để tri ân các liệt sĩ cũng như giúp đỡ, hỗ trợ thân nhân các gia đình liệt sĩ, Mẹ Việt Nam Anh hùng. Bên cạnh đó, bàn tay cũng tạo hình cánh chim bồ câu (biểu tượng hòa bình) – Như nhắc nhở mỗi người con dân đất Việt hiểu rằng, chúng ta được sống trong trong hòa bình như hiện nay là có biết bao máu, xương của các Anh hùng liệt sĩ đã đổ xuống. Do vậy, chúng ta không bao giờ được quên công ơn của các Anh hùng liệt sĩ. Phía dưới là tên riêng “Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam”, sau đó là chữ cái viết tắt của tên giao dịch quốc tế VMFSA để tiện giao dịch quốc tế. Biểu trưng được bố cục theo thể loại tự do, mang tính hiện đại, khái quát cao nhưng vẫn thể hiện tính tôn nghiêm và sự tri ân. Biểu trưng được thiết kế theo phong cách tối giản, nhưng vẫn đảm bảo đầy đủ các thông tin cũng như thẩm mỹ, với 2 màu cơ bản: Màu đỏ và màu vàng. Trong đó, màu đỏ – nền cờ Tổ quốc; đồng thời thể hiện nhiệt huyết, ý chí, sức sống mãnh liệt. Còn màu vàng: Vàng là màu của mặt trời, ánh sáng bất diệt. Trong thiết kế, màu vàng thuộc gam màu nóng, tràn đầy năng lượng và kích thích thị giác và phù hợp trong việc in ấn trên mọi chất liệu cũng như phóng to, thu nhỏ trên mọi kích thước. Tổng thể thiết kế của Logo nhằm toát lên đặc trưng của Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam: Tổ chức xã hội hoạt động vì mục đích cao cả, đồng thời là cầu nối kết nối các tổ chức, đơn vị, cá nhân trong và ngoài nước cùng góp sức và công tác tri ân các Anh hùng liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, góp phần giữ gìn và phát huy truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc Việt Nam. |
Liên Liên