Trần Thế Tuyển
I.
Con người là nhân tố quyết định cho mọi cuộc cách mạng. Ngay từ ngày đầu thành lập, Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chú trọng đến công tác cán bộ. Người khẳng định: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”. Vì thế, hơn 90 năm qua, kể từ ngày thành lập (3/2/1930), Đảng ta đã lãnh đạo dân tộc ta, quân đội ta, nhân dân ta giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác; giải phóng, bảo vệ Tổ quốc và đang thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xây dựng đất nước ta theo mục tiêu: “Dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh”. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thắng lợi vĩ đại, có ý nghĩa lịch sử ấy; trong đó quan trọng là do có một đội ngũ cán bộ trung thành với Đảng với lợi ích dân tộc, vì cuộc sống ấm no hạnh phúc của nhân dân; tận tụy, dám nghĩ, dám làm; dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
II.
Thực tiễn cho thấy, từng giai đoạn cách mạng luôn xuất hiện những tấm gương có phẩm chất cao quý như thế. Các chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước, về cơ bản đã bám sát thực tiễn. Đó thực sự là chỗ dựa vững chắc để đội ngũ cán bộ, đảng viên, đặc biệt cán bộ chủ chốt cấp chiến lược mạnh dạn, tự tin thực hiện nhiệm vụ, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống. Song, phải thẳng thắn nhìn nhận, có lúc, có nơi việc bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn; không những cản trở sự phát triển mà còn gây ra các hệ lụy khôn lường cho phong trào cách mạng và bản thân những người dấn thân, tiên phong thực hiện.
III.
Khi đất nước ta bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, có biết bao nhận thức cũ, cách làm cũ cần được thay đổi để đưa sự nghiệp đổi mới do Đảng ta đề xướng và lãnh đạo vào cuộc sống. Đã xuất hiện nhiều tấm gương dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm; bước đầu mang lại những kết quả đáng ghi nhận; rút ra những bài học bổ ích trong quá trình vận hành cơ chế” nền kinh tế thị trường định hướng XHCN “. Tiếc thay, ở những địa phương được coi là năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; đóng góp không nhỏ cả về ngân sách, nguồn lực lao động cho đất nước và kinh nghiệm, bài học cho sự nghiệp đổi mới lại xảy ra những hệ lụy đau lòng. Một số không ít cán bộ chủ chốt của các địa phương ấy vi phạm kỷ luật Đảng và pháp luật nhà nước. Nhiều người vướng vào vòng lao lý. Buổi sáng còn là người chủ chốt ký các quyết định quan trọng, buổi tối đã bị bắt tạm giam, khám xét nơi cư trú…
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hệ lụy này, trước hết là sự tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức và năng lực quản lý của cán bộ chưa theo kịp thực tiễn. Nhưng không thể không có nguyên nhân về phía tổ chức, đó là việc đề ra đường lối, chủ trương, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, chế tài không theo kịp thực tiễn phát triển. Đặc biệt công tác đào tạo, sử dụng cán bộ; công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra chưa kịp thời, chưa ngăn chặn những vụ việc tiêu cực từ lúc còn manh nha, khởi động. Chính vì thế, có thể nói, tuyệt đại cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình với các chủ trương, biện pháp của Đảng và nhà nước trong việc chỉnh đốn, xây dựng Đảng, chống tham nhũng và tiêu cực. Nhưng không phải không có những băn khoăn về cách làm. Có lẽ vì thế, tạo ra một lực cản, sức ì của cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt các địa phương trọng điểm, đầu ngành kinh tế mũi nhọn. Người ta cảm thấy bất an, thiếu tự tin khi “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm”.
IV.
Kết luận số 14- KL/TW ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị đã tháo gỡ được vướng mắc ấy. Theo đó, Đảng không những khuyến khích mà còn BẢO VỆ những cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Đây là chỗ dựa tinh thần, là “cây gậy” để những người năng động, sáng tạo phát huy khả năng, thế mạnh của mình nhằm thực hiện nhiệm vụ vì sự phát triển của đất nước, trước hết của địa phương và lĩnh vực mình phụ trách.
Có nhiều vấn đề cần quán triệt, triển khai trong Kết luận này. Song, theo chúng tôi, chú ý hai vấn đề sau đây:
Thứ nhất, cần có cơ chế khuyến khích và bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung. Năng động, sáng tạo được hiểu là ngoài việc chấp hành đúng các quy định của pháp luật, còn phải năng động, sáng tạo, phá vỡ rào cản lạc hậu, tạo động lực phát triển. Cần xem xét đánh giá đầy đủ cả lý luận và thực tiễn; khách quan và chủ quan các vụ việc; đặc biệt các vụ việc làm thí điểm để khen thưởng và xử lý vi phạm. Xử lý phải có lý có tình; tâm phục, khẩu phục; có tác dụng răn đe, ngăn chặn điều xấu. Không để những người tốt “năng động, sáng tạo, vì lợi ích chung” bị oan sai.
Thứ hai, cần chống lợi dụng chủ trương khuyến khích và bảo vệ người năng động, sáng tạo để vi phạm pháp luật, tạo lợi ích nhóm, vụ lợi, làm thất thoát tài sản, ngân sách nhà nước; ảnh hưởng đến sự phát triển đơn vị, địa phương và đời sống của người lao động.
Chủ trương đúng, chưa đủ. Cần có sự nắm bắt, tháo gỡ các phát sinh trong quá trình thực hiện chủ trương ấy. Đặc biệt, công tác quản lý cán bộ, giám sát kiểm tra phải được thực hiện thường xuyên, đúng quy định.
Làm được như thế, mới có thể đưa các chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước vào cuộc sống; góp phần thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội Toàn quốc lần thứ XIII của Đảng./.