Thứ ba, Tháng mười một 5, 2024
Trang chủVĂN HÓA-VĂN NGHỆĐẶC SANSƠ KẾT CUỘC VẬN ĐỘNG VIẾT VỀ ĐỀ TÀI THƯƠNG BINH LIỆT...

SƠ KẾT CUỘC VẬN ĐỘNG VIẾT VỀ ĐỀ TÀI THƯƠNG BINH LIỆT SĨ

SƠ KẾT CUỘC VẬN ĐỘNG VIẾT VỀ ĐỀ TÀI THƯƠNG BINH LIỆT SĨ

 

Cuộc vận động viết về đề tài Thương binh – Liệt sĩ, thể loại ký văn học đợt 1 do Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TP.HCM phối hợp với Hội Nhà văn TP.HCM và Tạp chí Văn nghệ TP.HCM tổ chức được phát động ngày 17/12/2021 cho đến nay đã đi qua hai phần ba chặng đường (Hạn chót nhận bài ngày 30/9/2022). Cho đến nay (ngày 24/6/2022), Ban tổ chức đã nhận được gần 100 bài viết của các tác giả, trên nhiều miền đất nước.

Tạp chí Văn nghệ TP.HCM đã chọn đăng được khoảng 20 bài, giới thiệu đến độc giả… Về nội dung: Hầu hết các tác giả bám đúng chủ đề “Ca ngợi sự hy sinh cao cả của liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình liệt sĩ; tôn vinh những nhà tài trợ, hảo tâm, những người thiện nguyện đồng hành với Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ chăm lo, hỗ trợ gia đình liệt sĩ (yêu cầu người thật việc thật; ưu tiên trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh và miền Đông Nam Bộ). Hình thức thể hiện: Hầu hết các tác giả tập trung vào thể loại ký văn học. Tuy nhiên, cũng có một số bài viết bị loại vì không đúng thể loại, chủ đề. Một số truyện dài, hồi ký được lưu trữ, dành cho đợt vận động tiếp theo như truyện dài “Đường về quê mẹ ” của Nguyễn Thu Hường, Ký và truyện “Tôi được sống” của Nguyễn Ngọc Hiến, Hồi ký “Nước mắt và niềm vui” của Vũ Thành Trung…

Tham gia cuộc thi gồm các nhà văn, nhà báo đã khẳng định tên tuổi và tâm huyết đề tài chiến tranh, về những con người ngã xuống cho Tổ quốc; Một số tác giả vì sự thôi thúc tự thân trước những người thân yêu như cha, anh mình đã hy sinh; Có cả những người chưa từng cầm bút, chưa từng xuất hiện trên văn đàn hay báo giới. Cuộc vận động sáng tác nhận được nhiều câu chuyện cảm động, những tấm gương anh hùng của thương binh, liệt sĩ trong chiến tranh; nghĩa tình đồng đội, nhân văn, độc đáo với những chân dung thương binh thời bình.

Tuy nhiên, cuộc vận động sáng tác về đề tài thương binh liệt sĩ, thể loại ký văn học lần này, trải qua nửa năm phát động cũng có đôi điều suy ngẫm: Phải chăng tên gọi “Cuộc vận động sáng tác” không kích thích đông người tham gia thay vì tên “Cuộc thi”. Nhiều người nghĩ cuộc “vận động” thì việc gởi bài cũng không cấp thiết lắm, trong khi thực chất cuộc vận động cũng là cuộc thi, với cơ cấu giải thưởng có giá trị như công bố ngày lễ phát động.

Một số bài được gởi đến dù đề tài hay nhưng không chuyên nghiệp trong trình bày, thiếu hình ảnh xác thực và minh hoạ thuyết phục cho bài viết. Phải nhìn nhận rằng trong thể loại ký, ảnh chân dung nhân vật và tư liệu liên quan cũng là một phần cấu thành nên giá trị bài viết. Nhiều bài viết không chạm đến trái tim người đọc khi mô tả giá trị to lớn của hy sinh nhưng thiếu những chi tiết sống động, không đi sâu vào số phận con người, sự kết nối quá khứ và hiện tại. Thiếu mảng chân dung thế hệ con cháu, doanh nhân, những người thế hệ hôm nay thấu hiểu giá trị hy sinh để làm nên những giá trị mới trong hòa bình. Đây là mảng đề tài, là nội dung mà Ban tổ chức cuộc vận động sáng tác kỳ vọng…

Cuộc vận động sáng tác nhấn mạnh “Ưu tiên trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh và Miền Đông Nam Bộ” nhưng cho đến nay, nhiều câu chuyện về thương binh liệt sĩ và con cháu ở Thành phố Hồ Chí Minh vẫn chưa được viết nhiều, trong khi tầm vóc những hy sinh cho thành phố nhiều thế hệ rất lớn lao, cảm động.

Đó là những thương binh liệt sĩ thành đoàn, những câu chuyện về Củ Chi đất thép anh hùng, vùng Nam Sài Gòn với chiến khu Rừng Sác, vùng phía đông với cầu Rạch Chiếc ác liệt những ngày hòa bình gần kề, vùng đồng bưng Nhơn Trạch, vùng Tam Tân chiến khu sát nội thành trong kháng chiến chống Pháp và vùng bàn đạp nội đô trong kháng chiến chống Mỹ với lòng dân sâu nặng nghĩa tình, những tấm gương chiến đấu anh hùng, những nỗ lực xóa đói nghèo, làm giàu chính đáng từ những người con thương binh liệt sĩ quyết sống xứng đáng với cha anh…

Chặng đường cuối cuộc vận động sáng tác ký văn học về đề tài thương binh liệt sĩ đợt một hy vọng sẽ nhận được nhiều bài dự thi hơn về thành phố anh hùng Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh. Ban tổ chức hy vọng sẽ có được những nhân tố bất ngờ vào chặng cuối cuộc vận động sáng tác.

Chỉ còn 3 tháng nữa cuộc thi sẽ khép lại. Ban tổ chức kêu gọi sự nhiệt tình, dấn thân và tăng tốc từ những tác giả được truyền cảm hứng từ cuộc vận động sáng tác nghĩa tình này. Đặc biệt, lực lượng cầm bút tại Thành phố Hồ Chí Minh rất hùng hậu, chắc chắn sẽ tạo được mùa bội thu tác phẩm, với những dấu ấn trang viết và nhân vật độc đáo, những nhân tố mới, những đột phá từ nền lịch sử bi tráng của thành phố anh hùng.

Thay mặt Ban Sơ khảo – TRẦM HƯƠNG

Bài viết liên quan

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận
Nhập tên của bạn

Bài viết phổ biến

Bình luận gần đây